Hàng loạt siêu dự án “đòi” tăng vốn
Kết quả rà soát mới nhất cho biết, TP Hà Nội hiện có tới 41 dự án trọng điểm đang bị chậm tiến độ, gấp nhiều lần số dự án về đích đúng hẹn. Không chỉ có vậy, nhiều dự án lớn đang đặt ra yêu cầu điều chỉnh tổng vốn đầu tư với số kinh phí đội lên khổng lồ.
Nhiều dự án lớn đang chậm tiến độ do thiếu vốn, “mắc cạn” GPMB
(Trong ảnh: Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông nhiều năm vẫn “án binh bất động”)
Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội cho biết, tính đến 15-11, trong số các dự án trọng điểm của TP, mới có 2 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả, 12 dự án triển khai đúng tiến độ. Bên cạnh đó, có tới 41 dự án chậm tiến độ. Nếu theo phân kỳ đầu tư, 31 dự án ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư chậm tiến độ, 1 dự án chuẩn bị thực hiện bị chậm tiến độ và 9 dự án đang thực hiện đầu tư bị chậm tiến độ. Đáng chú ý, hàng loạt dự án lớn không những bị chậm mà còn nhất loạt xin điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư trong bối cảnh kinh tế còn rất nhiều khó khăn hiện nay.
Có thể nêu đích danh một số dự án chậm tiến độ điển hình như dự án cải tạo sông Tích, tuy chưa xong thiết kế kỹ thuật nhưng chủ đầu tư đã trình hồ sơ xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 1.600 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng! Dự án bệnh viện đa khoa 1.000 giường tại Mê Linh (dự án BT) chưa có quy hoạch khu đất đối ứng, chưa có cơ sở xác định dự án đối ứng hoàn trả nhà đầu tư, trong khi tiến độ kế hoạch yêu cầu phê duyệt dự án trong quý II, lựa chọn nhà thầu trong quý IV…
Video đang HOT
Ở lĩnh vực đô thị, dự án đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội phải điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 18.000 tỷ lên 32.000 tỷ đồng, tuy nhiên, nhà tài trợ chưa có cam kết bổ sung vốn. Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.000 tỷ lên 51.000 tỷ đồng, phải xin ý kiến Chính phủ nên tiến độ phê duyệt điều chỉnh cũng bị chậm (theo kế hoạch là quý IV-2012). Dự án đường vành đai I, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục chậm tiến độ do khối lượng GPMB lớn, tổng mức đầu tư cũng tăng từ 3.400 tỷ lên 5.500 tỷ đồng. Dự án đường Vành đai 2 Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng, hiện Sở GT-VT đang trình duyệt dự án, cũng chậm so với yêu cầu. Dự án nút giao Ô Chợ Dừa hiện đang xin ý kiến thẩm tra, trong khi tiến độ yêu cầu phê duyệt dự án từ quý III-2012. Dự án đường 70 đoạn Láng-Hòa Lạc đến Nhổn theo hình thức BT, chưa có quỹ đất đối ứng, theo kế hoạch phải phê duyệt dự án từ quý II-2012 nhưng hiện Sở GT-VT vẫn đang hoàn chỉnh hồ sơ phê duyệt. Một loạt dự án khác như công viên hồ Đống Đa, nghĩa trang Thanh Tước, nghĩa trang Minh Phú cũng chậm tiến độ do vướng GPMB…
Theo Sở KH-ĐT Hà Nội, ách tắc trong GPMB hiện là cản trở lớn nhất với các dự án trọng điểm. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới GPMB bị tắc, có thể do chính sách đền bù bất cập hoặc quỹ nhà tái định cư thiếu, chất lượng nhà thấp… Thêm vào đó, chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa “thuộc bài”, nhận thức chưa đầy đủ và quyết tâm chưa cao, thậm chí né tránh không dám đương đầu với khó khăn trong GPMB. Ngoài ra, thị trường bất động sản trầm lắng cũng khiến nhiều nhà đầu tư BT, BOT không còn mặn mà với hình thức “đổi đất lấy dự án”. Do đó, thủ tục triển khai hồ sơ dự án cũng chậm theo. Một vướng mắc lớn nữa là vốn, đang có sự chênh lệch rất lớn giữa nguồn cung và nhu cầu. Tổng vốn bố trí trong năm 2012 chỉ hơn 2.000 tỷ đồng, trong khi nhu cầu trong 4 năm tới cần tới 164.000 tỷ đồng! Bên cạnh đó, quy trình thủ tục phức tạp cũng ngốn không ít thời gian.
Chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, dứt khoát không vì khó khăn mà phải điều chỉnh kế hoạch của TP. Tuy nhiên, cần phải điều hành vốn linh hoạt, ưu tiên cho dự án đang triển khai để sớm đưa vào sử dụng. Các đơn vị liên quan phải tập trung giải quyết GPMB, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Vướng mắc ở đâu phải được xử lý, khắc phục ngay. TP yêu cầu ưu tiên các công trình dân sinh bức xúc như đường vành đai, cầu vượt chống ùn tắc… để khởi công sớm trong năm 2013. Chủ tịch UBND TP yêu cầu rà soát lại các chủ đầu tư. Có thể xem xét rút chức năng chủ đầu tư của các ngành không có chuyên môn xây dựng cơ bản. Đồng thời, cần nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách tái định cư và đơn giản hóa thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ dự án. Về nguồn vốn, TP có thể tính tới việc chủ động phát hành trái phiếu để huy động nguồn lực. Giải pháp này đã từng được triển khai hiệu quả với một số dự án trọng điểm của TP trước đây.
Theo ANTD
Khốn khổ "nút cổ chai"
Dự án mở rộng, cải tạo Quốc lộ 32 vắt qua bao năm vẫn chưa thể hoàn thành. Thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra "tối hậu thư", lần gần đây nhất phải hoàn thành con đường "đau khổ" này vào tháng 10 năm nay. Nhưng xem ra, dự án vẫn khó có thể về đích đúng hẹn.
Người dân mệt mỏi với con đường "đau khổ"
Còn hành dân đến bao giờ?
Sau nhiều lần lỗi hẹn, họp bàn, đốc thúc, dự án cải tạo, nâng cấp QL 32 (Diễn - Nhổn) vẫn ì ạch không thể hoàn thành. Người dân đã gọi đây là con đường "đau khổ", bởi công trình thi công dở dang, bị xới tung nhiều hạng mục chưa hoàn thiện gây cản trở, nguy hiểm cho người tham gia giao thông và người dân sống hai bên. Sau nhiều lần hứa hẹn, đầu tháng 7 vừa qua, UBND TP đã có văn bản đốc thúc, yêu cầu phải hoàn tất QL 32 vào tháng 9-2012.
Tuy nhiên, vào ngày 17-7, tại buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho biết, dự kiến, toàn bộ dự án mở rộng, nâng cấp QL 32 sẽ hoàn tất trước Ngày Giải phóng Thủ đô, 10-10-2012 tới đây. Trước lời hứa này của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, người dân Thủ đô, đặc biệt là người dân sống trên trục đường 32 lại hồ nghi nhiều hơn, bởi đây không phải lần đầu tiên tiến độ con đường này bị thất hứa. Sau 7 năm chính thức khởi công, tuyến đường vẫn ì ạch, ngổn ngang. Bà Vũ Thị Luận, sinh sống tại Phú Diễn, Từ Liêm bức xúc: "Đường thi công bao nhiêu năm nay vẫn chưa thể xong. Trời mưa thì ngập nước, đường sá lầy lội, bẩn thỉu. Trời nắng thì bụi mù mịt. Chưa kể, thi công dang dở khiến giao thông ách tắc liên tục. Người dân sống hai bên đường 32 đã phải sống khổ sống sở bao nhiêu năm nay".
Nếu như người dân sống hai bên đường QL 32 đoạn Diễn- Nhổn gần chục năm nay phải chịu cảnh lầy lội, bụi bặm thì cũng có hàng triệu người dân ngày ngày phải "hành xác" trên tuyến đường này. Chị Nguyễn Thị Mỹ Liên sinh sống ở khu tập thể Trạm Trôi, Hoài Đức cho biết: "Tôi công tác ở một đơn vị trên đường Trường Chinh, sáng đi tối về, ngày hai chiều đi lại trên đường 32 mà tôi thấy như... đánh vật. Đường đông xe cộ nhưng lại ngổn ngang các dự án dang dở, chỗ này đào một tí, chỗ kia xới một chút. Nắng còn đỡ, những hôm mưa đi về đến nhà chẳng khác nào vừa lội ruộng".
Chưa có kinh phí thì khó nói về tiến độ
Để đốc thúc tiến độ đường 32 về đích đúng vào tháng 10 tới, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan phải kiểm điểm trách nhiệm. Trong đó có Sở GTVT, Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư phát triển giao thông đô thị, Tổng công ty điện lực Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm, Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội. Đồng thời, ông Khôi cũng yêu cầu, các bên liên quan phải đốc thúc các nhà thầu tăng cường nhân, vật lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô vào chiều qua 16-8, ông Trần Anh Tú, Giám đốc Ban QLDA đầu tư phát triển giao thông đô thị lại cho rằng, QL 32 đoạn Diễn - Nhổn chậm là do vướng mắc về cơ chế, chính sách, còn việc hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật các hạng mục không phải là vấn đề chính. "Trong quá trình triển khai dự án, khối lượng công việc, hạng mục phát sinh rất lớn, tổng số tiền lên tới 40 tỷ đồng, nhưng lại không được thanh toán vì vướng quy định mới ban hành", ông Tú nói.
Theo đó, đầu năm 2011, Chính phủ đã quyết định sẽ không bố trí vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2011 đối với phần điều chỉnh quy mô và mở rộng thêm các hạng mục dự án so với quyết định đầu tư ban đầu. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước không thanh toán cho phần tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng thêm do điều chỉnh quy mô và mở rộng thêm các hạng mục của dự án so với quyết định đầu tư ban đầu. Song, theo ông Tú, khối lượng các công việc phát sinh đã được nhà thầu thực hiện, nhà thầu bỏ kinh phí ra làm nhưng nay chưa được thanh toán. Thêm vào đó, có những hạng mục đấu thầu từ năm 2008 nhưng đến năm 2011 hoặc năm nay mới thi công, trượt giá lớn nhưng lại không được xem xét bổ sung. Bởi vậy, đề cập đến tiến độ ấn định của con đường đau khổ vào tháng 10 tới, ông Tú bày tỏ, phải thanh toán kinh phí cho các nhà thầu thì họ mới tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại, nếu không thì chưa thể nói gì.
Còn ông Lê Huy Hoàng, Phó Giám đốc Ban QLDA đường sắt đô thị, cho rằng, Ban QLDA đường sắt đô thị phối hợp rất chặt chẽ trong việc khớp nối giữa dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội với dự án QL 32, đến nay mọi việc đều ổn, không còn gì vướng mắc thì sao có thể kiểm điểm về việc này được. Như vậy, liệu QL 32 đoạn Diễn - Nhổn có thể xong vào tháng 10 theo chỉ đạo của UBND TP? Liệu đây có là lần cuối cùng lời hứa hẹn sẽ được thực thi nghiêm túc?
Nhật ký con đường "đau khổ"
Năm 2003, Bộ GTVT phê duyệt Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn - Nhổn) với mức đầu tư dự kiến khoảng 891,543 tỷ đồng, thực hiện thông qua nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ.
Tháng 12-2005, dự án chính thức được khởi công, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển dự án về cho UBND TP Hà Nội vì tiến độ quá chậm.
Sau khi tiếp nhận, dự án được UBND Hà Nội đưa vào công trình trọng điểm 1.000 năm Thăng Long, nhưng sau đó tiếp tục không hoàn thành đúng tiến độ.
Năm 2011 UBND Hà Nội liên tục đốc thúc hoàn thành thông xe vào tháng 6, tháng 7 rồi tháng 9-2011, nhưng dự án vẫn không thể hoàn thiện.
Năm 2012, UBNDTP tiếp tục ra nhiều văn bản đốc thúc, thời hạn gia hạn gần đây nhất là tháng 10-2012.
Theo ANTD
Đường vành đai 3 - trên bon bon, dưới tan nát Đường vành đai 3, sau khi khánh thành đoạn cao tốc đô thị trên cao rầm rộ và hoành tráng hôm 21.10, trở thành một trong những con đường đẹp nhất Hà Nội và cả nước. Song, dường như mọi sự quan tâm của thành phố dồn hết cho đường trên cao, nên phía dưới, toàn bộ tuyến đường từ Nguyễn Xiển, Khuất...