Hàng loạt nhân viên đô thị TP HCM nghỉ việc vì ‘không đủ sống’
Cộng tác viên trật tự đô thị lương chỉ 2 triệu đồng mỗi tháng trong khi công việc cực khổ, nguy hiểm… nên nhiều người xin nghỉ.
“Từ khi thành phố phát động phong trào lập lại trật tự lòng lề đường, chúng tôi phải căng mình làm. Ban đầu chỉ là các đợt ra quân nhưng nay trở thành thường nhật. So công sức bỏ ra với đồng lương thu về thật không tương xứng”, nam cộng tác viên trật tự đô thị tại quận 1 cho biết.
Anh bảo đang sống rất khó khăn với thu nhập chỉ xấp xỉ 3 triệu đồng mỗi tháng trong khi lượng công việc “tăng đột biến”. “Không đủ trang trải nên tôi và nhiều đồng nghiệp phải làm thêm ngoài giờ kiếm tiền lo cho gia đình, trong khi việc chính đã rất mệt mỏi”, anh nói.
Một cán bộ khác cho hay, việc quản lý trật tự đô thị có ba khó khăn: áp lực giữ vỉa hè luôn thông thoáng từ cấp trên; trực tiếp làm việc với người vi phạm nên thường xuyên bị chửi mắng, đe dọa; mức lương quá thấp.
Như hôm 11/4, anh Lê Công Trung – cán bộ trật tự đô thị phường Bến Nghé (quận 1) – khi xử lý vi phạm trên vỉa hè đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bị người đàn ông tên Nguyễn Hoàng Sơn tấn công, gây thương tích.
Hay đầu năm, phó chủ tịch phường ở quận Bình Tân trong khi đi xử phạt, nhắc nhở các hành vi lấn chiếm lòng lề đường bị nhóm người dùng cây sắt đánh gãy tay…
Cán bộ trật tự đang phải chịu nhiều áp lực trong công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường. Ảnh: Hữu Công.
Video đang HOT
Tổng kết công tác lập lại trật tự lòng lề đường mới đây, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cũng nói về việc cộng tác viên trật tự đô thị của 10 phường nghỉ việc. Năm 2016 có 62 người nghỉ, đến giữa năm nay có thêm 29 trường hợp và nguyên nhân cũng do lương quá thấp, cường độ lao động cao.
Quân số của lực lượng đô thị quận trung tâm TP HCM hiện là 246 người, thiếu 112 người so với quy định khiến công tác lập lại trật tự lòng lề đường, chốt chặn tại các khu vực “ nóng” giờ cao điểm gặp khó khăn.
Tình trạng này cũng phổ biến tại địa bàn khác. Trong đó, quận Thủ Đức có 38 cán bộ nhưng đã nghỉ 8; quận 9 và quận Tân Phú có 14 người thì 7 người nghỉ; quận Bình Tân 8 người…
“Công việc của đội trật tự đô thị có đặc thù riêng, anh em làm ngoài giờ, ban đêm… và thường xuyên đụng chạm, bị người dân phản ứng. Với quy định hiện nay, lương chỉ 2 triệu đồng cộng với một chút phụ cấp thì thu nhập của anh em chỉ hơn 2 triệu. Mức lương này anh em bươn chải cuộc sống không nổi, có công việc khác thu nhập tốt hơn thì họ sẽ đi”, ông Nguyễn Nam Hải – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức – chia sẻ.
Do mức lương chưa đạt tối thiểu vùng (3.750.000 đồng) nên không đủ tiêu chuẩn làm bảo hiểm cho cộng tác viên trật tự đô thị. Ông Hải cho biết, vấn đề này địa phương đã kiến nghị thành phố từ lâu. Ngoài ra, do tính chất đặc thù của công việc nên cần có thêm sự hỗ trợ từ ngân sách thành phố để giữ được nhân viên.
“Sở Nội vụ đang trình UBND, HĐND thành phố hỗ trợ thêm cho nhân viên trật tự đô thị, chứ anh em xin nghỉ như vậy rất căng. Họ là những người làm lâu năm đã có kinh nghiệm, nhận người mới vào làm phải tốn nhiều thời gian đào tạo mà không đảm bảo được chất lượng, yêu cầu đề ra”, ông Hải nói.
Nhìn nhận sự việc tương tự tại quận Tân Phú, một lãnh đạo UBND quận đề nghị: “Anh em đô thị không đạt mức lương được hưởng các chính sách, mong thành phố quan tâm nhiều hơn”.
Trung Sơn
Theo VNE
Ông Đoàn Ngọc Hải chấn chỉnh trật tự vỉa hè kiểu mới
Phó chủ tịch quận 1 đi kiểm tra tình trạng tái chiếm vỉa hè một mình, khi phát hiện sẽ gọi phường đến xử lý, hình ảnh, biên bản vi phạm được gửi về cho ông.
Ngày 23/8, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM) - cho biết, những ngày gần đây đã áp dụng cách kiểm tra mới trong việc lập lại trật tự lòng lề đường. Trước giờ vào trụ sở làm việc hay ban đêm, ông chạy khắp các tuyến đường trên địa bàn, phát hiện vi phạm sẽ gọi điện cho lãnh đạo, công an phường ra xử lý.
"Biên bản xử phạt, hình ảnh vi phạm sẽ được phường gửi cho tôi trong ngày để kiểm tra, tránh việc bỏ qua các lỗi. Tôi sẽ đi thường xuyên, dù là 5h30 hay sau 22h để đảm bảo vỉa hè quận 1 không bị chiếm dụng", ông Hải nói.
Ông Đoàn Ngọc Hải trong lần xử phạt nhà hàng chiếm vỉa hè. Ảnh: Duy Trần.
Ngoài ra, ông Đoàn Ngọc Hải vẫn cùng đoàn liên ngành xuống đường xử lý những vấn đề, tụ điểm mất mỹ quan đô thị khiến người dân bức xúc.
Theo đánh giá của ông, từ khi đoàn liên ngành quận ra quân trở lại, vỉa hè trung tâm Sài Gòn đã đi vào nề nếp. "Tôi theo dõi rất kỹ các điểm hay chiếm vỉa hè nhưng thời gian gần đây họ chấp hành tốt, các phường cũng đi xử lý thường xuyên", ông Hải nói.
Về bãi xe rộng gần 1.000 m2 sau lưng Nhà hát thành phố bị ngưng hoạt động vì hết phép hơn hai tháng, ông Đoàn Ngọc Hải cho hay quận đang họp để đề xuất thành phố xây bãi xe ngầm 6 tầng gần đó để phục vụ nhu cầu người dân. Khu vực bãi xe cũ sẽ được chỉnh trang làm công viên để làm đẹp thành phố.
"Đối với các bãi giữ xe đã được cấp phép trên vỉa hè, nơi nào làm tốt sẽ tiếp tục được gia hạn. Những điểm lộn xộn, nhếch nhác, ảnh hưởng đến bộ mặt khu vực trung tâm, quận kiên quyết thu hồi", ông Hải nói.
Công an lập biên bản phạt ôtô chiếm vỉa hè. Ảnh: Duy Trần.
Trong đợt xuống đường trở lại sau 4 tháng tạm ngưng, đoàn liên ngành quận 1 đã xử lý hơn 100 ôtô đậu trên vỉa hè. Trong đó có xe biển xanh, ôtô sang... Nhiều nhà hàng, quán nhậu từng bị ông Hải xử phạt nay tái chiếm tiếp tục bị xử lý. Với những lỗi tái vi phạm, quận xem xét rút giấy phép kinh doanh.
Chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường xuất phát đầu tiên từ quận 1, được UBND TP HCM đánh giá cao và nhân rộng khắp thành phố. Các tỉnh thành khác như Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng... cũng hưởng ứng, hành động quyết liệt.
Duy Trần
Theo VNE
'Bãi xe khủng' giữa Sài Gòn bị ngừng hoạt động Theo ông Đoàn Ngọc Hải, "bãi xe khủng, lớn nhất nước" nằm sau Nhà hát thành phố, không thể để lực lượng trật tự đô thị quận 1 quản lý. Sáng 17/8, Phó chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM) Đoàn Ngọc Hải cho biết, bãi giữ xe rộng hơn 1.000 m2 phía sau Nhà hát thành phố bị ngưng hoạt động từ...