Hàng loạt nhà báo nước ngoài bị hành hung ở Trung Quốc
Một tổ chức các nhà báo nước ngoài đang tố cáo một loạt các vụ đe dọa, quấy rối và hành hung gần đây đối với các phóng viên quốc tế làm việc tại Trung Quốc.
Trong một tuyên bố hôm nay (21/8), Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài của Trung Quốc (FCCC) cho biết tính chất và tần suất của tình trạng này ngày càng đáng báo động và thậm chí một số sự việc còn có sự tham gia của lực lượng an ninh quốc gia.
Một số nhà báo quốc tế đã bị tấn công, bị tịch thu thiết bị tác nghiệp và bị cưỡng chế giam giữ trong ít nhất 4 vụ riêng biệt tại các địa điểm khác nhau từ cuối tháng 7 cho đến giữa tháng 8 vừa qua.
FCCC cho biết, một nhà báo của hãng tin Asahi Shimbun Nhật Bản đã bị cảnh sát hành hung khi đưa tin về cuộc biểu tình ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hôm 28/7. Thiết bị tác nghiệp được cho là có giá trị vài nghìn USD của anh này đã bị các nhân viên an ninh lấy đi và không trả lại.FCCC cho rằng những sự việc này đã thể hiện một “nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất đối với các nhà báo đơn thuần làm nhiệm vụ chuyên môn ở Trung Quốc”.
Video đang HOT
Hôm 10/8, cảnh sát mặc thường phục đã tấn công một phóng viên Truyền hình Châu Á của Hồng Kông khi anh này đang quay về vụ bắt giữ bên ngoài toà án ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy.
Một ngày sau đó, một nhóm phóng viên truyền hình Đức ở tỉnh Hà Nam bị tấn công bởi một đám đông sau đó bị cáo buộc là gián điệp và bị giam giữ trong 9 giờ đồng hồ tại một nhà máy hóa chất trước khi được thả ra.
Hai ngày sau vụ việc này (13/8), 2 phóng viên đến từ Ba Lan và Hoa Kỳ đã bị nhiều xe hơi và cá nhân theo dõi, đe dọa khi đang tác nghiệp tại thành phố phía bắc, Ordos.
FCCC kêu gọi chính quyền các cấp của Trung Quốc đảm bảo an toàn cho các nhà báo tác nghiệp tại đây.
Theo Infonet
Libya thả 4 nhà báo nước ngoài
Chính quyền Libya hôm qua phóng thích 4 nhà báo nước ngoài, trong khi tung tích của một phóng viên ảnh người Nam Phi trở nên mờ mịt.
Những người được thả lần lượt là nhà báo người Mỹ James Folay của báo điện tử Global Post, phóng viên tự do người Mỹ Clare Morgana Gillis, phóng viên ảnh người Tây Ban Nha Manu Brabo. Họ bị bắt giữ hôm 4/4 trong khi đang đưa tin về tình hình chiến sự tại Libya, cùng với phóng viên ảnh người Nam Phi Anton Hammerl.
Phóng viên Clare Morgana Gillis đứng cạnh người phát ngôn chính phủ Libya Mussa Ibrahim tại khách sạn Rixos, sau khi được thả. Ảnh: AFP
Phát ngôn viên chính phủ Libya Mussa Ibrahim hôm qua cho biết 3 nhà báo kể trên cùng Hammerl sắp được thả. Tuy nhiên, hiện không ai biết về tung tích của Hammerl, dù đại sứ Nam Phi tại Libya đã chờ phóng viên ảnh này tại khách sạn Rixos ở thủ đô Tripoli.
Người còn lại được thả là nhà báo tự do người Anh Nigel Chandler. Cả 4 nhà báo được chính quyền Libya phóng thích đều tỏ ra mệt mỏi, nhưng không gặp vấn đề nghiêm trọng nào về sức khỏe, AFP đưa tin. Họ sau đó được đưa tới khách sạn Rixos, nhưng chưa tiếp xúc nhiều với các đồng nghiệp.
"Họ nói với tôi rằng không muốn xuất hiện trước báo giới lúc này. Họ đang lo lắng và cần được nghỉ ngơi", phát ngôn viên chính phủ Libya cho hay, đồng thời tuyên bố không rõ phóng viên ảnh Hammerl hiện ở đâu.
Trước đó, ông Ibrahim tuyên bố 4 nhà báo bị bắt hôm 4/4 đã bị đưa ra xét xử, và cùng phải nhận các mức án treo một năm kèm theo khoản tiền phạt khoảng 154 USD cho mỗi người, vì tội danh xâm nhập trái phép vào Libya.
Trong một tuyên bố chính thức, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha xác nhận việc công dân Brabo được phóng thích, đồng thời cho biết người này ở trong tình trạng sức khỏe tốt và sẽ được đưa tới khu vực biên giới Libya - Tunisia trong hôm nay, để từ đây về nước. Bộ Ngoại giao Anh cũng xác nhận việc công dân Chandler đã được thả.
Theo VNExpress