Hàng loạt người dân Ethiopia chết bí hiểm vì bệnh lạ
Một số người dân ở vùng Somali của Ethiopia bỗng nhiên yếu đi rồi tử vong mà không rõ nguyên nhân, với các triệu chứng hết sức kỳ lạ như chảy máu từ mũi và mồm, vàng mắt, sốt cao.
Khadar Abdi Abdullahi, 23 tuổi, bắt đầu cảm thấy không ổn khi đôi mắt của anh chuyển sang màu vàng. Sau đó, lòng bàn tay của anh cũng chuyển màu tương tự. Và rồi anh chảy máu từ mũi, miệng và toàn thân sưng lên. Khadar quỵ xuống vì một cơn sốt cao, và cuối cùng tử vong.
Một giếng dầu tại khu vực Somali của Ethiopia, hoạt động khai thác dầu khí ở đây đang được đẩy mạnh từ sự đầu tư của Trung Quốc. Ảnh: Guardian.
Căn bệnh bí hiểm
Một căn bệnh chết người đang lây lan với tốc độ cao ở những ngôi làng nằm bên cạnh một dự án khai thác khí tự nhiên do Trung Quốc đầu tư ở vùng Somali của Ethiopia. Nhiều người hàng xóm của Khadar cũng cho thấy dấu triệu chứng tương tự, và cũng đã có thêm một số trường hợp tử vong.
Hiện vẫn chưa rõ điều gì gây ra căn bệnh bí hiểm này, nhưng các quan chức chính phủ ở thủ đô Addis Ababa một mực phủ nhận thông tin cho rằng đang có một cuộc khủng hoảng y tế và môi trường ở vùng Somali, hoặc bất kỳ vấn đề nào liên quan đến các dự án khai thác năng lượng quy mô lớn ở đó.
Poly-GCL, công ty có một phần thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc, đã bắt đầu thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng châu thổ Ogaden này từ năm 2014. Trước khi chết, Khadar cũng như nhiều người dân ở khu vực cho rằng căn bệnh bí ẩn này bắt nguồn từ những chất thải hoá học độc hại được thải ra từ quá trình khai thác, làm nhiễm độc nguồn nước của họ.
“Có những căn bệnh mới chưa từng thấy trước đây xuất hiện ở khu vực này”, một cố vấn của chính quyền vùng Somali cho biết.
“Không có bất kỳ biện pháp nào để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, rõ ràng là Poly-GCL đã sử dụng các hoá chất gây hại cho sức khoẻ con người”, vị cố vấn này chia sẻ với Guardian.
Video đang HOT
Ông Ketsela Tadesse, giám đốc phụ trách cấp giấy phép của bộ dầu khí và khai mỏ, cho biết chính phủ không nhận được bất cứ báo cáo nào về sự cố tràn dầu, và trong khu vực khai thác dầu mỏ không có người thường trú.
Ông Hassan Ali, bác sĩ tại một phòng khám sức khoẻ ở thị trấn Haarcad, cho biết có mối tương quan trực tiếp giữa số trường hợp tử vong vì căn bệnh bí hiểm và khoảng cách nơi những người này sống so với các giếng dầu ở Calub.
Ông Xuseen Sheekh Siraad, người đứng đầu quận Dhoobaweyn, ước tính rằng đã có ít nhất 2.000 người chết vì căn bệnh bí hiểm kể từ năm 2014.
Những người dân Ethiopia ở khu vực Calub, nơi có các giếng dầu, phần lớn sống theo phong cách du mục. Ảnh: Flickr.
Nhưng không có số liệu chính thức về những cái chết này. Người dân sống xung quanh khu khai thác dầu Calub chủ yếu là những người du mục, và liên hệ của họ với chính phủ Ethiopia là hạn chế. Nhiều nơi chôn cất người chết mà không báo cáo cho chính quyền địa phương.
Năm ngoái, Poly-GCL tiến hành có thử nghiệm khai thác dầu thô đầu tiên tại khu vực châu thổ Ogaden. Họ cũng ký một biên bản ghi nhớ với nước cộng hoà Djibouti nhỏ bé – nằm bên cạnh Ethiopia – để đầu tư 4 tỷ USD nhằm xây dựng một đường ống dẫn khí đốt dài 760 km từ Ogaden đến bờ biển Ấn Độ Dương, thứ sẽ cho phép Ethiopia xuất khẩu 178 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên.
Hậu quả của hàng thập kỷ khai thác dầu khí
Ông Ismail Qamaan đã sống cả đời mình ở khu vực Calub và nhớ rằng một công ty Đức từng xuất hiện ở đây vào những năm 1960. Người đàn ông 63 tuổi cho biết từng nhìn thấy một chiếc xe tải lớn đổ chất thải màu trắng trực tiếp xuống mặt đất ở khu vực ông sinh sống.
Chính 2 cựu nhân viên của Poly-GCL cũng cáo buộc công ty này đã xả thải trực tiếp ra môi trường.
Một kỹ sư từng làm việc cho Poly-GCL tại Calub trong ba năm cho biết những chất thải độc hại được tạo ra trong quá trình khoan như acid sulfuric thường xuyên được đổ thẳng xuống mặt đất.
Việc tiếp xúc với những hoá chất như vậy có thể dẫn đến suy gan và ung thư dạ dày.
Ông Ali Hassan Farah, một cựu nhân viên khác, cho rằng những người dân bản địa đã chết vì độc tố thải ra môi trường hoàn toàn do sự bất cẩn, và các công ty hoạt động khai thác ở Calub đã từ bỏ những nghĩa vụ bảo vệ người dân địa phương.
Ít nhất hai bản đánh giá tác động môi trường từ hoạt động khai thác dầu khí ở vùng châu thổ Ogaden đã được thực hiện, nhưng kết quả vẫn chưa được công bố.
Ông Ketsela, người quản lý việc cấp giấy phép của bộ dầu khí và khai mỏ, cho biết tất cả các đánh giá tác động đã được kiểm tra và chứng nhận bởi các cơ quan chính phủ có liên quan, và bộ đã theo dõi tình hình kể từ đó.
Kể từ tháng 8/2019, đã có một chính quyền mới được bầu lên ở vùng Somali, dưới sự lãnh đạo của quyền chủ tịch bang là ông Mustafa Omer, người đang được ca ngợi vì những biện pháp cải cách.
Lễ khởi công dự án khai thác dầu khí ở vùng châu thổ Ogaden của công ty Poly-GCL. Ảnh: Weixin.
Một quan chức địa phương cho biết chính quyền nơi đây đang cố gắng sửa chữa những thiệt hại do chính quyền trước gây ra, bao gồm cả trong vấn đề quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Ông Abdikarim Abdirahman, người quản lý lĩnh vực năng lượng, khai mỏ và dầu khí ở vùng Somali cho biết: “Chúng tôi nhận ra những hậu quả nghiêm trọng của việc thăm dò tài nguyên, đặc biệt là đối với những người sống gần các khu vực thăm dò nhất”.
“Chúng tôi đã thành lập một văn phòng về năng lượng, mỏ và dầu khí cũng như một văn phòng dành riêng cho môi trường. Chúng tôi rất nghiêm túc trong việc giải quyết những vấn đề sau hàng thập kỷ lạm dụng khai thác dầu khí”, ông Abdikarim nói thêm.
Theo danviet.vn
Cặp vợ chồng Việt bị bắt vì giấu hơn 1 triệu USD lên máy bay
Cảnh sát Angola cho biết một cặp vợ chồng người Việt đã bị giam giữ tại sân bay quốc tế Luanda của nước này cùng với hơn 1 triệu USD tiền mặt.
Cặp đôi người Việt chuẩn bị lên chuyến bay số hiệu ET850 đến thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Hai người giấu tiền trong bốn hộp khác nhau và bị lộ khi cảnh sát kiểm tra hành lý bằng X-quang, trang MENA FN đưa tin hôm 26/11.
Cặp vợ chồng Việt bị phát hiện mang theo hơn 1 triệu USD trong hành lý. Ảnh minh họa: Reuters.
Theo Carlos Silva, nhân viên Tổng cục Thuế (AGT) của Angola, cặp vợ chồng này đã vận chuyển số tiền tương ứng với mỗi người là 902.033 USD và 341.100 USD.
Theo lời ông Silva, từ đầu năm 2019, giới chức AGT đã tịch thu hơn 4 triệu USD tại sân bay quốc tế Luanda.
Trước đó, trang Angonoticias hồi tháng 5 đưa tin một người Việt 49 tuổi bị bắt giữ với 574.500 USD tiền mặt tại sân bay Luanda, khi đang tìm cách lên máy bay qua Dubai.
Giám đốc điều hành sân bay Emilio Kizua lúc đó cho biết người này đã sống ở Angola hơn 10 năm và đang tham gia các hoạt động kinh doanh như bán quần áo và đồ gia dụng. Trong một vali của người này, cảnh sát phát hiện thịt và động vật có vỏ, được cho là sử dụng để đánh lừa lực lượng an ninh sân bay.
Nười Việt bị bắt đã bị cấm bay và được bàn giao cho Cơ quan điều tra hình sự (SIC) của Angola giải quyết.
Lemos da Silva, đại diện của Tổng cục Thuế tại Sân bay Quốc tế 4 de Fevereiro, giải thích rằng hành vi này cấu thành tội trốn thuế, vì số tiền này không được Ngân hàng Quốc gia Angola tuyên bố hoặc ủy quyền. Theo quy định của Ngân hàng Quốc gia Angola, công dân nước ngoài là cư dân của nước này được phép rời khỏi Angola với tối đa 10.000 USD, còn người không cư trú tại đây được phép mang theo tối đa 5.000 USD ra nước ngoài.
Theo news.zing.vn
Dân làng Ethiopia mắc bệnh bí ẩn, máu chảy ra từ mũi, miệng rồi tử vong Nhiều dân làng Ethiopia bị chảy máu mũi, mồm, dẫn đến tử vong vì căn bệnh bí ẩn, được cho là có nguồn gốc từ chất thải trong hoạt động khai thác dầu. Dân làng cho rằng nhà máy khai thác khí đốt của Trung Quốc gây ô nhiễm. Theo Daily Mail, căn bệnh lan đến ngôi làng gần một dự án dầu...