Hàng loạt người bị ngộ độc nấm ở Sơn La
12 người ở Sơn La đã phải nhập viện do bị ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân ban đầu được xác định là ngộ độc nấm.
Có mặt tại Bệnh viện vào sáng 16.7, phóng viên Dân Việt chứng kiến 6 bệnh nhân vụ ngộ độc nấm đang nằm điều trị tại phòng hồi sức. Trước đó, ngày 14.7, 12 người đã phải nhập viện.
Bà Quàng Thị Khoa (tổ 2, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La) là người trực tiếp lấy nấm về và cũng là bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây do ngộ độc nấm, cho biết: “Sáng 14.7, tôi vào vườn thì thấy có một khóm nấm mới mọc. Tôi đã hái về nấu ăn. Vì hái được nhiều nên tôi đem chia cho gia đình bà Đinh Thị Tòng ở gần nhà”.
Theo bà Khoa, sau khi lấy về, bà rửa sạch sẽ rồi nấu với rau ngót. Bữa trưa đó cả gia đình bà Khoa có 6 người cùng ăn cơm, trong đó có 1 cháu bé không ăn món nấm nấu với rau ngót. Sau khoảng 1 giờ những người ăn nấm có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài. Thấy hiện tượng khác thường, nghi là bị ngộ độc nấm nên cả nhà bà Khoa đã tới bệnh viện khám.
Cháu bé nhỏ nhất (7 tuổi) của vụ ngộ độc nấm luôn được các bác sỹ đặc biệt quan tâm chăm sóc.
“Trong vườn nhà tôi thường có nhiều nấm mọc tự nhiên. Tôi vẫn hái ăn thường xuyên. Khác với những lần trước nấm thường bị sâu, lần này nấm lại rất đẹp không bị sâu đục. Vì không nghi ngờ gì nên tôi hái về ăn và xảy ra hiện tượng ngộ độc như thế này” – bà Khoa cho hay.
Video đang HOT
Ông Lê Xuân Vũ, chồng bà Tòng – một nạn nhân vụ ngộ độc, kể: “Sáng hôm đó vợ tôi mang về mấy cây nấm. Tôi không hỏi rõ nguồn gốc. Vợ tôi đem nấm xào với măng và cho gia đình con cả một đĩa. Ban đầu tôi gắp 1 miếng măng ăn nhưng thấy chua nên không ăn nữa. Vì thế tôi không bị sao. Sau này hỏi ra mới biết số nấm này là của bà Khoa cho vợ tôi”.
Ông Vũ kể tiếp: “Vợ tôi và con trai, con dâu có ăn món măng xào nấm. Nửa tiếng sau vợ tôi kêu đau bụng, buồn nôn. Khoảng 30 phút sau thì con dâu tôi cũng kêu đau bụng và nôn thốc, nôn tháo. Gia đình con tôi có 4 người cũng có biểu hiện như thế. Tôi hoảng quá liền gọi xe đưa mọi người đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để cấp cứu”.
Sáng nay, ông Vũ đã cẩn thận đem chôn bát nấm và măng thừa sau bữa ăn bị ngộ độc để chờ cơ quan chức năng đến xét nghiệm.
Các bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành rửa dạ dày, truyền dịch và sử dụng thuốc tăng thải độc. Bác sĩ Lương Bảo Chung – Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết: “Tình trạng sức khỏe của 12 bệnh nhân hiện đã ổn định, không nguy hiểm đến tính mạng. 6 người đã được xuất viện. Hiện còn 6 bệnh nhân vẫn đang tiếp tục điều trị để phục hồi sức khỏe”.
Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, bà con chỉ nên ăn các loại nấm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để tránh những hậu quả không mong muốn.
Theo Danviet
6,8 tấn xoài tượng da xanh Sơn La đã được xuất khẩu đi Úc
Sáng 12.7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sơn La về tình hình tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La thông báo tin vui là 6,8 tấn xoài tượng da xanh của tỉnh Sơn La đã được xuất khẩu đi Úc; dự kiến trong tháng 7.2017 xuất khẩu 15 tấn và năm 2018 mở rộng xuất khẩu thêm sản phẩm nhãn quả sang các thị trường khác. Theo ông Chất, khi có thông tin xuất khẩu xoài sang Úc, giá xoài trên địa bàn đã được các thương lái thu mua với giá cao hơn 3.000 đồng. Hiện cả tỉnh Sơn La đang trồng 5.500ha xoài. Mặt hàng nhãn, bơ cũng có tiềm năng, lợi thế phát triển tốt trên địa bàn tỉnh Sơn La và có khả năng xuất khẩu đi các nước. Đến hết tháng 6/2017, tỉnh Sơn La có 35.628ha cây ăn quả các loại, trong đó diện tích trồng mới trong 6 tháng đầu năm là 4.154ha.
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất phát biểu giới thiệu về tiêm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh Sơn La.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tỉnh Sơn La có 4 loại cây ăn quả chủ lực trong số 12 cây ăn quả chủ lực của cả nước, trong đó có bơ và xoài Yên Châu được đánh giá cao. Sơn La cần đầu tư cho việc liên kết, tiêu thụ và chế biến sâu trái cây. Để nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, sản phẩm quả, tỉnh Sơn La đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét định hướng về quy hoạch phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp với các thị trường quốc tế giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến 2025 theo quy hoạch của Bộ, đồng thời giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư tỉnh ủy Sơn La đã nêu một số kiến nghị của tỉnh như phí chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện còn thấp, phương thức chi trả chưa hợp lý nên việc thực hiện mang lại hiệu quả thấp. Lãnh đạo tỉnh Sơn La đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ cách thức giúp tỉnh sử dụng phí dịch vụ môi trường rừng để chuyển ủy thác cho vay qua Ngân hàng chính sách cho bà con trồng cây ăn quả trên vùng đất dốc thay thế cây ngô, cây sắn nhằm đem lại giá trị cao hơn. Về lĩnh vực thu hút đầu tư, Sơn La đang chuẩn bị thu hút đầu tư từ phía Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc về lĩnh vực điện mặt trời trên mặt hồ thủy điện....
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Sơn La vẫn là tỉnh nằm trong vùng khó khăn nhất của cả nước, có 5/12 huyện nghèo; 118 xã và 1.341 bản đặc biệt khó khăn, nhất là tại những dự án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình. Chính vì thế, lãnh đạo tỉnh Sơn La đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng ưu tiên và có cơ chế đặc thù cho các dự án tái định cư Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình; đồng thời tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi, trong đó có tỉnh Sơn La thu hút các tập đoàn kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chế biến nông sản.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những kết quả tỉnh Sơn La đạt được trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt tỉnh đã có chuyển biến rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tổ chức sản xuất nông nghiệp. "Sơn La là một trong ít tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư và hình thành được nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới" - Bộ trưởng nhấn mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 43 doanh nghiệp và HTX với 86 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận VietGAP về an toàn thực phẩm; 36 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Sơn La không cần trồng nhiều cây mà phải làm ra tấm ra món, lựa chọn ít cây, con nhưng làm thành vùng lớn, quy hoạch gọn, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với du lịch".
Nói về định hướng tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp Sơn La thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng tỉnh Sơn La cần chú trọng phát triển lâm nghiệp và có chiến lược bảo vệ rừng bền vững. Sơn La cần đầu tư vào lâm nghiệp, coi đây là lĩnh vực chủ công, tạo đột phá của Sơn La nói riêng cũng như các tỉnh Tây Bắc nói chung. Hiện nay, tỉnh Sơn La có 598.997ha rừng, độ che phủ đạt 42,49%; mục tiêu đến năm 2020 diện tích rừng của tỉnh đạt 702.799ha, độ che phủ đạt 50%. Diện tích rừng Sơn La và các tỉnh miền núi phía Bắc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vùng đồng bằng Bắc bộ, lưu vực sông Đà, sông Mã và các nhà máy thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình.
Cùng với lâm nghiệp, theo Bộ trưởng, chăn nuôi phải là một ngành chính trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Sơn La nhằm tận dụng nguồn cung cấp ngô tại với sản lượng khoảng 700.000 tấn có hiệu quả hơn, thay vì phải bán với giá rẻ như hiện nay. Những đối tượng chăn nuôi mà tỉnh Sơn La cần chú trọng là: bò (sữa, thịt), lợn (giống địa phương), dê... Việc phát triển chăn nuôi này cũng sẽ phù hợp với định hướng phát triển nền nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.
Một lĩnh vực khác Sơn La cũng cần quan tâm phát triển là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản với 25.000 ha diện tích mặt nước. Đối với các cây công nghiệp như cây cà phê và cây chè, Sơn La cần tập trung vào lĩnh vực chế biến, đi sâu vào sản xuất hữu cơ. Đối với cây ăn quả, tỉnh Sơn La cần rà soát quy hoạch lại vùng trồng một cách hợp lý, áp dụng công nghệ cao từ khâu giống đến quy trình sản xuất, thực hiện liên kết chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ... "Không cần trồng nhiều cây mà phải làm ra tấm ra món, lựa chọn ít cây, con nhưng làm thành vùng lớn, quy hoạch gọn, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với du lịch" - Bộ trưởng nhấn mạnh./.
Theo Danviet
Ảnh: Mưa lũ vẫn đang hoành hành ở vùng cao Tây Bắc Mưa lũ tiếp tục hoành hành tại một số tỉnh vùng cao Tây Bắc như Lào Cai, Sơn La... gây thiệt hại nặng nề về người và của. Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai: Từ ngày 7.7 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra nhiều trận mưa to có những...