Hàng loạt học sinh nhập viện sau khi ăn cơm chiên
Sau bữa sáng chủ yếu là cơm chiên Dương Châu tại căn tin của trường THCS Nguyễn Gia Thiều (TP Vũng Tàu), hàng loạt học sinh đau bụng, nôn ói, tiêu chảy phải đi cấp cứu.
Bác sĩ Tuấn đang theo dõi sức khỏe các học sinh nhập viện sau buổi ăn sáng. Ảnh:Xuân Mai.
Đến 11h ngày 13/10, bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tiếp nhận 33 học sinh trường THCS Nguyễn Gia Thiều (phường 12, TP Vũng Tàu). Đa số các em đều mệt lả, liên tục nôn, đau bụng… đã được các bác sĩ truyền dịch và cho uống thuốc. Ngoài hành lang viện, các phụ huynh đứng ngồi lo lắng.
“Các cháu có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, cần tiếp tục theo dõi”, bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu tổng hợp bệnh viện Bà Rịa, cho biết.
Em Nguyễn Hồng Thảo – học sinh lớp 6A7 cho biết, buổi sáng trước khi vào lớp đã ăn một đĩa cơm chiên Dương Châu với giá 10.000 đồng tại căn tin trường, sau đó đau và ói đến 5 lần. Tương tự, nhiều em khác cũng nói đã ăn món cơm này rồi đau bụng dữ dội. Số ít học sinh ăn bún, cũng ở căn tin, nhưng những trường hợp này bị nhẹ hơn.
Các học sinh cho rằng bị đau bụng vì món cơm chiên ở căn tin. Ảnh: Xuân Mai
Video đang HOT
“Các em thuộc lớp 6,7 và 8 bắt đầu đau bụng khoảng nửa giờ sau khi vào học. Ban giám hiệu đã huy động giáo viên gọi taxi đưa các em đến bệnh viện. Do đi thành nhiều chuyến nên chưa thống kê được có bao nhiêu học sinh phải cấp cứu”, một giáo viên trường Nguyễn Gia Thiều cho hay.
Sở Giáo dục Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo nhà trường phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu thực phẩm để giám định. Hiện, một số học sinh đã về nhà tiếp tục theo dõi.
Xuân Mai
Theo Vnexpress
Phận đời trẻ em đằng sau dịch Ebola
Ở tuổi 16, Promise Cooper đau đớn chứng kiến Ebola cướp đi cha mẹ cùng đứa em trai mới 5 tháng tuổi. Cô bé đang tuổi ăn tuổi lớn phải gồng mình bảo vệ ba đứa em còn lại trước đợt dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử.
Cô bé người Liberia tên Promise nhớ lại buổi sáng khi mẹ em phàn nàn về cơn nhức đầu và đổ sốt. Bà mất sau đó vài ngày trên đường tới bệnh viện. Cha em, chỉ vài tháng sau cái chết đột ngột của mẹ, cũng có những triệu chứng tương tự, đau đầu và sốt cao. Căn bệnh quái ác lại chạm bàn tay vào đứa em trai út vừa tròn 5 tháng tuổi.
Promise Cooper, 16 tuổi, Emmanuel Junior Cooper, 11 tuổi và Benson Cooper, 15 tuổi, ngồi bên ngoài ngôi nhà của các em tại Monrovia, Liberia. Cha mẹ và em trai 5 tháng tuổi đã chết vì Ebola. Một người em khác, Ruth (13 tuổi) đang dần khỏe lại tại khu vực điều trị cách ly. Ảnh: AP.
Đó là lúc Promise nhận ra căn bệnh cha mẹ mắc phải không phải sốt xuất huyết thông thường. Em đã nghe nói về Ebola trên radio. Em bắt đầu rửa tay ngay lập tức sau mỗi lần chăm sóc cho cha và tuyệt vọng tìm cách giữ ba em thơ an toàn. Promise chỉ biết dặn dò các em phải chơi ở ngoài, tránh xa ngôi nhà chỉ có một căn phòng duy nhất.
Mẹ mất, cha đang vật lộn cùng căn bệnh quái ác, không lâu sau đứa em trai út cũng nhiễm loại virus chết người, tin đồn gia đình Cooper nhiễm Ebola bắt đầu lan ra. Tốc độ lan truyền tin đồn cũng nhanh chóng như đại dịch đang phát tán tại thủ đô Monrovia của Liberia, nơi đang bị Ebola tàn phá nghiêm trọng.
Hàng xóm, thậm chí cả những người bà con, dần quay lưng với gia đình em lúc các em cần sự giúp đỡ và chở che nhất. Nếu các em ngồi ở đâu đó không phải nhà mình, mọi người sẽ phun thuốc khử trùng cho tới khi các em đứng dậy và rời đi. Khi các em cố mua thứ gì với số tiền ít ỏi có được, người bán hàng từ chối. Những người phụ nữ trong khu chọn cách đi đường vòng xa hơn, cốt để không ngang qua nhà Cooper.
Không một ai đến chăm sóc những đứa trẻ mồ côi mẹ, không một ai dám lại gần để xem các em còn sống hay đã chết. Không một ai kể cả ông bà. Trong những đại gia đình đông đúc, cùng theo đạo như thường thấy ở Liberia, các em lẽ ra sẽ được một người dì bà con nào đó tới bao bọc. Tuy nhiên, sự sợ hãi và hoang mang bao trùm tâm dịch đã bẻ gãy cả mối liên kết giữa những người cùng huyết thống, dựng nên những rào cản hoài nghi trước tình thương theo lẽ tự nhiên.
"Sao chú lại muốn nói chuyện với cháu? Sao Thượng đế khiến mọi người không muốn lại gần chúng cháu? Chúng cháu cũng là con người", Promise nức nở khi trò chuyện với phóng viên hãng thông tấn AP.
Nỗi đau càng nối dài cho gia đình Promise khi em trai út 5 tháng tuổi không qua khỏi. Dịch bệnh đã tước đi quyền sống của Success trước khi bé kịp nhớ được tên mình.
Tin buồn lại tới khi các em biết tên cha mình có trong danh sách những người đã tử vong. Emmanuel, người em 11 tuổi, cũng nhiễm bệnh chưa biết sống chết ra sao. Những đứa trẻ tội nghiệp ngồi sụp xuống và òa khóc nức nở trước những bức tường thép gai màu trắng cao vút của khu điều trị cách ly.
May mắn chỉ đến khi các em được nhà hoạt động cộng đồng Kanyean Molton Farley giúp đỡ. Farley thực hiện các khảo sát về quyền con người và giúp đỡ những trẻ em mồ côi trong khu vực dịch bệnh. Ông lo ngại Promise có thể trở thành mồi ngon cho những tên vô đạo đức. Ở tuổi 16 và đói khát, Promise rất dễ bị những kẻ này lạm dụng.
Ông cũng dặn dò các em dùng rèm chia đôi phòng ngủ lúc bé trai Ruth 13 tuổi bắt đầu sốt và thấy trong người không khỏe trong thời gian em chưa được đưa tới khu vực điều trị. Ruth ngủ một bên, các em khỏe mạnh nằm ở phía còn lại. Lúc này Emmanuel đã may mắn khỏi bệnh và quay về nhà.
Trong vài tháng đối diện với những nỗi đau nối tiếp nhau, chỉ có một người bà con tới cho các em một ít tiền. Ông vội vã đặt tiền ở một chỗ cách xa các em rồi đi ngay. Ông lo sợ nhiễm bệnh.
Người duy nhất thực sự đến thăm các em cách đây vài tuần giờ cũng bị xa lánh.
"Tôi tới đây vì mọi người đã quay lưng lại với chúng", bà Helen Kangbo, vừa nói vừa cho con gái một tuổi bú sau khi ăn bữa cơm cùng các cháu trai và cháu gái của mình. "Tôi cần động viên chúng".
Hy vọng bắt đầu thổi vào cuộc sống gia đình Promise sau chuỗi ngày đen tối kéo dài. Sau 3 tuần điều trị, Ruth đã khỏe hơn, nhưng em vẫn còn yếu và chưa thể về nhà.
Ngôi nhà giờ không còn nhiều dấu hiệu về những người thân yêu đã khuất. Nhà chức trách đã tiêu hủy đồ đạc của cha mẹ em để ngăn chặn virus lây lan. Hình ảnh của họ chỉ còn trên tấm thẻ đi bầu. Thứ duy nhất còn lại của bé trai 5 tháng tuổi Success là hai bình sữa bột trẻ em, vẫn nằm im lìm tại vị trí cũ trên bàn.
Câu chuyện phóng viên ghi lại về gia đình Promise không phải là ngoại lệ tại tâm dịch nóng bỏng Tây Phi. Thống kê của cơ quan trẻ em Liên Hợp Quốc cho thấy hơn 3.700 trẻ em tại các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề vì Ebola là Liberia, Guinea và Sierra Leone đã mất đi cha hoặc mẹ. Rất nhiều em đang bơ vơ không nơi nương tựa và vẫn tiếp tục sống tại những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Đói khát, bị kỳ thị, bỏ rơi và xa lánh, những đứa trẻ có người thân mất vì Ebola đang sống từng ngày tại tâm dịch với nỗi đau chất chồng lên nỗi đau.
Thế giới đang báo động trước một dịch bệnh nguy hiểm chưa từng có, các nỗ lực được yêu cầu phải tăng thêm 20 lần nữa để kiềm chế sự lây lan của virus chết người. Cho tới lúc dịch bệnh được hoàn toàn kiểm soát, sẽ tiếp tục có thêm hàng nghìn trẻ em vô tội nữa gánh chịu nỗi đau tại các quốc gia vốn đã có quá nhiều bất hạnh.
Khánh Hà
theo Nypost
Vụ phó Hợp tác quốc tế trúng tuyển Vụ trưởng An toàn giao thông Đạt 87/100 điểm, ông Nguyễn Văn Thạch, Phó vụ trưởng Hợp tác Quốc tế, đã trúng tuyển vị trí Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải). Trao đổi ngay khi kết thúc kỳ thi ngày 12/10, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, ứng viên Nguyễn Văn Thạch, Phó vụ trưởng Hợp tác Quốc tế,...