Hàng loạt ĐH, CĐ có nguy cơ đóng cửa: Không thể kinh doanh giáo dục
Các trường đại học, cao đẳng cần nhìn nhận sự thật là nên chấp nhận đóng cửa, giải thể nếu không đảm bảo chất lượng đào tạo.
Kết thúc 2 đợt xét tuyển đại học năm 2015, lãnh đạo nhiều trường đại học, cao đẳng đã bày tỏ tâm trạng lo lắng vì không có đủ nguồn tuyển sinh so với yêu cầu đề ra. Điều này sẽ dẫn đến các trường gặp khó khăn trong hoạt động giảng dạy và có thể đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản.
Không phải năm nay là năm đầu tiên, nhiều trường đại học, cao đẳng than phiền vì không tuyển đủ người học sau mỗi mùa tuyển sinh. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng các trường vẫn cố gắng duy trì hoạt động một cách cầm chừng, chắp vá, thiếu thốn đến đâu thì bổ sung dần đến đó hoặc chờ đợi những chính sách thông thoáng hơn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Đó là trường hợp của những trường đại học, cao đẳng ngoài công lập hoạt động không mấy hiệu quả.
Rất ít thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển đại học trong đợt 2.
Với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập huy động tốt cổ đông đóng góp cho xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và tìm kiếm giảng viên giỏi giảng dạy cũng như đã tạo được uy tín với xã hội và người học thì hàng năm không thiếu nguồn tuyển.
Tuy nhiên, bên cạnh những trường trên thì còn nhiều trường không đủ nguồn vốn ban đầu để xây dựng trường học nên phải thuê địa điểm, hạn chế đầu tư sân bãi, phòng thí nghiệm cũng như không có nhiều kinh phí để mời giảng viên giỏi giảng dạy thì chất lượng đào tạo lại yếu kém nên khó thu hút thí sinh nhập học.
Ngoài những trường đại học, cao đẳng ngoài công lập hoạt động cầm chừng, manh mún thì còn rất nhiều trường tốp giữa, tốp dưới hay những trường trực thuộc một số Bộ, ngành, địa phương dù được Nhà nước đầu tư sẵn về cơ sở vật chất nhưng lại hoạt động kém hiệu quả. Họ không tạo được động lực phát triển ngành nghề, nghiên cứu khoa học cũng như đảm bảo đủ giảng viên có trình độ cao giảng dạy nên không đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Đây cũng là lý do chính khiến những trường này mất dần uy tín của người dân và khiến thí sinh, phụ huynh “quay lưng” lại với họ.
Chưa hết, còn có các trường đại học, cao đẳng muốn có thêm nguồn thu đã cố gắng xin mở thêm hệ đào tạo tại chức, văn bằng 2 và sau đại học. Thậm chí nhiều trường vì muốn có người học cũng tìm mọi cách để được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên thành đại học. Tuy nhiên, họ chỉ quan tâm đến việc thu hút nhiều học viên mà không chú trọng đến đảm bảo chất lượng đào tạo.
Có những cơ sở đào tạo buông lỏng việc quản lý nên sinh viên đã thuê người học hộ, chỉ đến trường nộp tiền và thi lấy bằng. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp, họ lại khó xin được việc làm vì không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trình độ, năng lực của họ cũng không cạnh tranh được với lao động ở các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Video đang HOT
Chất lượng đào tạo ở nhiều trường đại học, cao đẳng yếu kém là một trong những nguyên nhân khiến cho hàng chục nghìn, trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Điều này đã được đề cập rất rõ khi mới đây, bản tin cập nhật của Viện Khoa học Lao động và Xã hội về thị trường lao động quý I/2015 cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000; lao động không có bằng cấp từ gần 630.000 lên 726.000.
Đáng buồn nhất là để có được bất kỳ một công việc nào nhằm nuôi sống bản thân, nhiều người đã “giấu” đi tấm bằng thạc sĩ, cử nhân của mình.
Chấp nhận đóng cửa, chứ không đem giáo dục ra kinh doanh
Có thể nói, hệ lụy của thực trạng trên là trong một thời gian dài, Bộ GD-ĐT đã ồ ạt cho các trường đại học, cao đẳng được thành lập, mở ngành, mở hệ đào tạo mà buông lỏng việc giám sát, quản lý hay còn “nương tay” chưa giải thể những trường hoạt động không hiệu quả.
Xã hội hóa giáo dục để người dân và các tổ chức, đơn vị cùng chung tay đóng góp xây dựng trường học và phục vụ nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân. Tuy nhiên, không vì mục đích cao cả đó mà ngành Giáo dục lại buông lỏng quản lý, thả nổi việc thành lập, nâng cấp, mở ngành, mở hệ đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng.
Trong lĩnh vực kinh tế, sản phẩm, hàng hóa của các công ty, doanh nghiệp có chất lượng kém thì sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng và bị họ “tẩy chay”. Còn giáo dục là lĩnh vực đặc thù, sản phẩm mà các trường đại học, cao đẳng đào tạo ra chính là con người của 5 đến 10, 20 năm tới. Nếu các trường chỉ coi trọng đến lợi nhuận, mở trường, mở hệ chỉ để thu học phí mà quên mất nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì hậu quả để lại sẽ vô cùng lớn đến cả một thế hệ trẻ trong tương lai và đối với đất nước.
Chính vì vậy, đã đến lúc (nếu không nói là quá trễ), các trường đại học, cao đẳng cần nhìn nhận sự thật là nên chấp nhận đóng cửa, giải thể nếu không đảm bảo chất lượng đào tạo. Bởi nếu không thì người học cũng sẽ “quay lưng” lại với chính mình.
Còn về phía cơ quan quản lý như Bộ GD-ĐT cũng nên nghiêm khắc, dứt khoát đình chỉ các trường sau một thời gian gia hạn mà không có sự đổi mới, chuyển biến trong giảng dạy, đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất. Việc làm này cũng là để ngành Giáo dục sắp xếp, cơ cấu và hệ thống lại toàn bộ mạng lưới giáo dục đại học sao cho có chất lượng, hiệu quả hơn.
Theo VOV
Hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Không ngạc nhiên?
Một trường ĐH tốt nhất cũng không phải một "hộp đen" để ai đi qua đó cũng đảm bảo có việc làm.
Cứ mỗi mùa tuyển sinh ĐH, nhiều người trong chúng ta nhận được rất nhiều những câu hỏi chẳng hạn như trường nào học xong sẽ dễ xin việc. Thoạt nghe thì đây là một câu hỏi bình thường, nhưng nếu suy nghĩ kỹ, nó bộc lộ rất nhiều bất cập trong tâm lý xã hội liên quan tới GD ĐH và thị trường việc làm.
Một điều phải thừa nhận rằng ở nhiều nước, kể cả các nước phát triển, thất nghiệp luôn là một vấn đề nan giải. Gần đây khi báo chí đưa ra con số 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, rất nhiều người đã sốc và cho rằng đây là một điều hết sức khủng khiếp. Song người viết cho rằng dù con số này trong thực tế có thể cao hơn thì nó cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên.
Đầu năm 2014, một nghiên cứu ở Anh cho thấy 40% sinh viên vẫn đang tìm việc làm sau 06 tháng tốt nghiệp; và số sinh viên đã tốt nghiệp một năm nhưng chưa có việc làm vẫn chiếm tới 25%. Nói như vậy không phải để tự an ủi hay bào chữa mà để nhìn nhận thực tế rằng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khó khăn như hiện nay, tình trạng thất nghiệp, kể cả đối với nhóm người đã qua đào tạo, đang là bài toán chung của nhiều nước chứ không phải riêng VN. Và trước thực tế đó, việc "học trường nào" xem ra không còn là giải pháp chống thất nghiệp hiệu quả nữa.
Điều đáng nói là nhiều người khi đối diện với con số này lập tức quy trách nhiệm chính cho việc đào tạo ở bậc ĐH. Nên nhớ, trường ĐH không có nghĩa vụ đảm bảo công ăn việc làm sau khi tốt nghiệp, mà phải do sinh viên nỗ lực tìm kiếm và chứng minh năng lực của mình.
Đồng ý rằng các trường ĐH có phần trách nhiệm đối với việc bồi dưỡng nguồn nhân lực cho thị trường lao động, nhưng chỉ khi nào điều tra xã hội học cho thấy nguyên nhân chủ yếu khiến cho số cử nhân, thạc sĩ này thất nghiệp là vì họ bị thị trường lao động từ chối do không đáp ứng đủ yêu cầu công việc thì lúc đó mới nên đổ lỗi cho GD ĐH. Trong khi thực tế hiện nay có phần phức tạp hơn như vậy rất nhiều.
Trường đại học tốt nhất cũng không phải "hộp đen". Ảnh minh họa
Thứ nhất, không thể phủ nhận đang có sự dư thừa, chí ít là dư thừa cục bộ trong một số ngành đào tạo. Điều này xuất phát từ việc đổ xô vào ĐH, CĐ của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.
Thay vì tìm kiếm những cơ hội việc làm khác, tâm lý phải vào ĐH bằng mọi giá khiến nhiều học sinh dù không đủ năng lực cũng tìm cách vào ĐH. Một số người lập luận rằng dù sao một xã hội có học có hơn, vẫn nên khuyến khích học sinh học lên cao. Thế nhưng, điều đó sẽ chỉ đúng nếu việc học lên này nhằm phục vụ mục đích rõ ràng.
Trong khi đó, trừ số học sinh có kết quả học tập đủ tốt để được chọn trường mình muốn, nhiều gia đình hiện nay đang cố gắng "nhét" con cái vào một trường ĐH bất kỳ, miễn là có đi học còn không cần biết nhu cầu đầu ra với ngành học đó thế nào.
Xuất phát từ nhu cầu đó, các cơ sở đào tạo được mở ra ồ ạt để đáp ứng nhu cầu này. Về nhiều vùng quê, có thể thấy cảnh nhà nhà đua nhau cho con học sư phạm, học lực trung bình thì học trung cấp, khá hơn thì học CĐ, ĐH sư phạm. Thử hỏi, làm sao có đủ vị trí làm việc để đáp ứng cho các em sau khi tốt nghiệp? Rồi chuyện chạy chọt để vào ngành GD lại từ đó mà ra như một vòng luẩn quẩn.
Thứ hai, tư duy khởi nghiệp của chúng ta còn yếu. Không ít phụ huynh khuyến khích con cái bắt tay vào những dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro, tiến hành những phép "thử và sai" đầy bấp bênh mà chỉ mong muốn con mình ngay lập tức "ổn định" sau khi tốt nghiệp. Tâm lý này ăn sâu, ảnh hưởng đến giới trẻ, cộng thêm những điều kiện bất lợi trong một môi trường xã hội chưa chú trọng khuyến khích khởi nghiệp, khiến cho đa phần sinh viên tốt nghiệp đều mong chờ tìm được những công việc sẵn có chứ hiếm khi tự tạo được công việc cho mình. Thị trường việc làm không tăng trưởng trong khi số lao động mới được bổ sung hàng năm thì thất nghiệp ngay cả khi có bằng cấp là điều không quá khó hình dung.
Thứ ba, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp có tâm lý chờ đợi một công việc có thu nhập khá, phù hợp với ngành đào tạo thay vì chủ động ứng phó với hoàn cảnh, tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp ở một phạm vi rộng hơn. Nếu một kỹ sư tốt nghiệp ngành kỹ thuật, thay vì chờ đợi cơ hội trong vô vọng, có thể làm thợ sửa chữa, làm công nhân để tích lũy vốn và kinh nghiệm thì chính những bước đi đầu tiên ấy sẽ cho các em rất nhiều trải nghiệm, rèn giũa các em trong sự nghiệp lâu dài.
Không có nghề nào là thấp kém, cũng không có nghề nào không có hướng phát triển nếu mỗi người thật sự cố gắng. Đủ can đảm để chấp nhận rằng tấm bằng ĐH chỉ chứng minh cho việc được trang bị kiến thức ở bậc học cao hơn, không ỷ lại vào nó và không trói buộc mình với chuyên ngành được ghi trên nó sẽ tốt hơn rất nhiều cho chính các em và cho bức tranh việc làm của xã hội.
Cuối cùng, không thể không đề cập đến một nguyên nhân sâu xa do nền kinh tế tăng trưởng thiếu chiều sâu, không tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Không thiếu những địa phương ở Việt Nam, cả vùng không tìm ra một nhà máy, xí nghiệp nào. Vậy thì nguồn nhân lực do các trường ĐH đào tạo ra sẽ làm việc ở đâu, nhất là những sinh viên có nguyện vọng quay trở lại quê hương làm việc?
Tất cả những vấn đề nêu trên không phải để lẩn tránh sự yếu kém của các trường ĐH. Có thể nói chất lượng GD ĐH và những vấn đề trên đây phải được giải quyết đồng thời thì bức tranh việc làm trong XH mới tươi sáng hơn. Phân tích như vậy cũng để các bậc phụ huynh thay đổi suy nghĩ trường ĐH nào sẽ giúp con em họ dễ xin việc.
Với đa số trường hợp, việc làm đến từ chính khả năng, nhu cầu và nỗ lực của con em họ. Ngay cả một trường ĐH tốt nhất cũng không phải một "hộp đen" để ai đi qua đó cũng đảm bảo có việc làm. Xét từ khía cạnh nào đó, mọi trường ĐH nào cũng như nhau, chỉ có con người là khác nhau mà thôi.
Hy vọng rằng khi xã hội dần nhận thấy ĐH không phải là "phao cứu sinh" với cuộc đời con em mình, mà chỉ chính các em mới quyết định được cuộc đời mình, biết đâu tình trạng này sẽ được cải thiện?
Theo Khương Duy (Vietnamnet)
Hoàn thành khắc phục sự cố cáp quang, Internet trở lại bình thường "Cáp quang biển AAG đã khôi phục hoàn toàn lưu lượng vào 20h06 ngày 12/6/2015, hoàn thành việc sửa chữa sự cố trước tiến độ dự kiến" - Ông Bùi Quốc Việt, giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng (VNPT), cho biết. Chiều tối ngày 7/6, Trung tâm điều hành tuyến cáp quang biển AAG đã ngắt tuyến cáp...