Hàng loạt cây xanh ở trung tâm TP HCM bị đốn hạ
Nhằm phục vụ thi công nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên ( metro số 1), trong thời gian tới các đơn vị thi công sẽ đốn hạ hàng loạt cây xanh ở khu vực trung tâm TP HCM.
Thông tin được đại diện Sở GTVT TP HCM, Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố đưa ra tại cuộc họp báo chiều 4.5. Ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc ban quản lý dự án 1 (Bến Thành – Suối Tiên) thông tin dự án xây dựng tuyến metro số 1 đang triển khai các gói thầu theo tiến độ. Trong đó hạng mục đoạn hầm nối từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố dài 320m, thuộc gói thầu 1a sẽ sớm triển khai trong thời gian tới.
Đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị công bố thông tin đốn hạ cây xanh.
Trước đây đoạn hầm này dự định thi công bằng phương pháp đào kín nhưng do phát sinh nhà ga Trung tâm Bến Thành và Trung tâm thương mại ngầm nên đoạn nối này được chuyển sang phương pháp đào hở (thi công tường vây). Với phương pháp thi công này các cây xanh dọc theo vỉa hè đường Lê Lợi (đoạn từ Pasteur đến Phan Bội Châu, Q.1) buộc phải đốn hạ, di dời. Theo khảo sát, tại đoạn này có 28 cây xanh bị ảnh hưởng, trong đó 12 cây có thân nằm trong phạm vi ranh giới giải phóng mặt bằng, 16 cây có thân nằm ngoài ranh giới nhưng tán cây nằm trong không gian giải phóng mặt bằng. Do đó khi thi công tường vây (chiều sâu 50m), các cây xanh sẽ bị cắn đứt rễ, cành tán có nguy cơ mất an toàn cho người thi công, các nhà dân bên cạnh. Ngoài ra, việc thi công đóng cọc ván thép để lắp đặt hệ thống thoát nước mới tại vị trí tiếp giáp ranh giải phóng mặt bằng cũng sẽ khiến cây xanh tại đây bị ảnh hưởng.
Nhiều cây xanh trên đường Lê Lợi sẽ bị đốn hạ, di dời.
Video đang HOT
Về việc xử lý các cây xanh, ông Hòa cho biết có 27 cây bị đốn hạ, chỉ có 1 cây là có thể bứng dưỡng. Thời gian thực hiện trong một tháng bắt đầu từ tháng 5 này. Theo quy định, các cây bị đốn hạ là do khó có khả năng tái sinh chồi sau khi bị cắt; cây bị sâu bệnh, có nhiều khuyết điểm, phân cành cao…Các cây này có đường kính D1.3 trung bình khoảng 800mm, chiều cao vút ngọn trung bình khoảng 30m, rễ nổi lên mặt đất, phân cành cao. Còn cây cây bứng dưỡng đáp ứng tiêu chí như: có khả năng tái sinh chồi, cành nhánh phát triển mạnh sau khi bị cắt thấp đi; cây kích thước nhỏ (mới trồng hoặc loại 1, loại 2); cây có ít sâu bệnh, khuyết tật, phân cành thấp.
Đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết sẽ đề xuất UBND TP HCM giao khối lượng gỗ sau khi bị đốn hạ cho Khu quản lý giao thông đô thị số 1 tiếp nhận và sử dụng cho các công trình công cộng. Sau khi hoàn thành tuyến metro số 1, cây xanh tại đây sẽ được thiết kế lại và đầu tư xây dựng phù hợp, tương đương với khối lượng hoán đổi và hài hòa với quy hoạch của khu vực.
Trước đó để phục vụ thi công tuyến metro số 1, các đơn vị chức năng đã đốn hạ, bứng dưỡng nhiều cây xanh ở khu vực Nhà hát thành phố, đường Tôn Đức Thắng, Công viên 23.9. Tính tổng cộng tại khu vực trung tâm thành phố có hơn 100 cây xanh lâu năm bị bứng dưỡng, đốn hạ để phục vụ thi công tuyến metro đầu tiên của thành phố.
Theo Danviet
Tuyến metro số 1 của TP HCM nguy cơ chậm tiến độ
Trung ương chậm chi vốn ODA khiến thành phố nợ các nhà thầu thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hơn 1.300 tỷ đồng, dẫn đến khả năng dự án bị chậm.
Ngày 27/4, ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM - cho biết, hiện số tiền nợ nhà thầu thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên lên đến 1.339 tỷ đồng, do chưa được Trung ương bố trí vốn.
"Thành phố thúc nhà thầu làm càng sớm càng tốt. Nhà thầu chấp thuận và làm quyết liệt, song họ cũng gay gắt yêu cầu thanh toán đúng tiến độ. Thành phố đã kiến nghị nhưng hầu như các bộ đang án binh bất động", ông Quang nói.
Theo ông Quang, từ tháng 9/2016, Bộ Tài chính yêu cầu Kho bạc Nhà nước không thanh toán tiếp bởi đã thanh toán vượt vốn ODA của năm. Trước Tết, TP HCM ứng khoảng 900 tỷ đồng để chủ đầu tư trả tiền nhà thầu thanh toán cho công nhân.
Trong năm nay tuyến số 1 cần hơn 5.400 tỷ đồng, trong khi vốn Trung ương bố trí về chỉ 2.100 tỷ - chỉ đủ trả nợ nhà thầu và tiền tạm ứng của thành phố.
Tuyến metro số 1 của TP HCM có nguy cơ chậm tiến độ do Trung ương chậm bố trí vốn. Ảnh: Duy Trần.
Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị cho hay, khi đặt vấn đề về vốn cho một số tuyến metro khác, JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) nói thẳng "trước khi bàn chuyện đó thì phải bàn việc thanh toán".
"Mục tiêu thành phố theo đuổi hiện nay không phải là từng đợt phân bổ vốn, mà là xin cơ chế thanh toán theo tiến độ thi công dự án. Các nhà tài trợ rất bức xúc, cho rằng tiền họ lo được nhưng chúng ta bị vòng lẩn quẩn và không thanh toán được", ông Quang nói.
Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư mới đây, UBND TP HCM cho biết, chỉ tính 2 dự án lớn sử dụng vốn ODA (tuyến đường sắt đô thị TP HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên và dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2), thành phố kiến nghị 7.000 tỷ đồng nhưng Bộ dự kiến chỉ phân bổ 3.500 tỷ.
Vốn ODA bố trí như vậy, theo TP HCM, là không đáp ứng nhu cầu giải ngân của hai dự án. Một số nhà thầu đã đề nghị giãn tiến độ thi công trong tháng 4 và có thể dừng thi công nếu tiến độ giải ngân tiếp tục chậm trễ như hiện nay.
Trong năm 2016, hồ sơ thanh toán dự án đường sắt đô thị thành phố tuyến Bến Thành - Suối Tiên và dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 cũng gặp khó khăn trong giải ngân do Bộ Kế hoạch - Đầu tư giao vốn ODA không kịp theo tiến độ thực tế.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).
Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.
Hữu Công
Theo VNE
"Đột kích" nơi lắp ráp robot đào hầm khổng lồ ở TPHCM Tất bật, hối hả là những gì đang diễn ra dưới lòng đất giữa trung tâm Sài Gòn trong những ngày này, hàng trăm kỹ sư, công nhân khẩn trương lắp ráp các bộ phận của robot TBM chuẩn bị đào hầm thông hai nhà ga. Tuyến metro số 1 là tuyến metro đầu tiên ở TPHCM đào đường hầm lớn nhất Việt...