Hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bị đốn hạ
Theo kế hoạch của Hà Nội, cây xanh trên đường Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh sẽ bị chặt hạ và thay thế bằng những loại cây khác để “phù hợp với cảnh quan và quy hoạch của thủ đô”.
Đường Nguyễn Chí Thanh là một trong những tuyến phố được chọn triển khai đề án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên địa bàn Hà Nội. Từ sáng 19/3, xe thang chuyên dụng cùng công nhân bắt đầu đốn hạ cây trên con đường từng được bình chọn là đẹp nhất nhất thủ đô.
Gần như toàn bộ cây xanh hai bên đường Nguyễn Chí Thanh đều bị chặt hạ hoặc bứng gốc để chuyển đi nơi khác. Gạch lát vỉa hè quanh gốc cây được lật lên để các công nhân đào đất, chặt rễ trước khi hạ cây.
Chiếm đa số trên phố Nguyễn Chí Thanh là cây hoa sữa – một loài cây nhiều tán lá râm mát, có mùi hương. Sau khi được tỉa cảnh, chặt bớt rễ, các cây hoa sữa được hạ xuống để chuyển đi trồng ở nơi khác.
Ngoài hoa sữa, phố Nguyễn Chí Thanh còn có nhiều cây xà cừ khá to và đều bị chặt bỏ.
Vỉa hè con đường đẹp nhất thủ đô nham nhở các hố đào cây, chờ cây mới được mang đến trồng thay thế.
Video đang HOT
Không lâu sau khi khi hạ cây cũ, cây mới đã được chuyển đến trồng thay thế. Cây được chọn thay cho hoa sữa là vàng tâm. Thân cây khá lớn, nhưng toàn bộ cành lá đã được cắt bỏ.
Các cây vàng tâm trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh đều được chằng buộc cẩn thận. Loài cây này, theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, là không thích hợp khi đem trồng trên đường phố vì chúng vốn mọc trong rừng sâu, nơi có độ cao 100-700m và có không khí lạnh. Bên cạnh đó, vàng tâm là loại gỗ quý được ưa chuộng không kém gỗ sưa nên nếu trồng hàng loạt, Hà Nội phải có phương án bảo vệ loại cây này tránh bị cưa trộm.
Khu nhà tập thể cũ ‘phơi’ mặt tiền trên một đoạn phố Nguyễn Chí Thanh sau khi hàng cây xanh phía trước bị chặt hạ. Phải mất nhiều năm để những cây vàng tâm trồng mới phía trước khu nhà này phát triển cành, tạo tán lá.
Ngoài đường Nguyễn Chí Thanh, đường Lê Duẩn (đoạn qua công viên Thống Nhất) cũng nằm trong những tuyến phố ‘mở màn’ đề án chặt hạ, thay thế cây xanh ở thủ đô. Đây là một trong những đoạn đường đẹp nhờ có hàng xà cừ lâu năm xanh ngắt.
Một số cây xà cừ trên đường Lê Duẩn đã bị đốn hạ. Đây là những cây được cho là già cỗi, sâu mục hoặc cong nghiêng ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Một người hành nghề bơm vá xe đạp 15 năm trên vỉa hè phố Lê Duẩn bên cạnh gốc cây bị đốn hạ cho biết rất xót xa khi chứng kiến những cây xà cừ trên đoạn đường này bị chặt bỏ.
Quý Đoàn
Theo VNE
Hạ 6.700 cây xanh bằng 'đề án sơ sài'
Đề án dự kiến tiêu tốn hơn 73 tỉ đồng để đốn hạ và thay thế 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố của Hà Nội đang vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận.
Công nhân chặt hạ cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh chiều 18.3 - Ảnh: Ngọc Thắng
Hai ngày nay, phố Nguyễn Chí Thanh như một công trường bởi hàng loạt cây to, tán lá xum xuê bị đốn hạ. Thay vào đó là những gốc cây mới, trọc lá.
"Phải hoàn thành trong quý 1"
Yêu cầu rà soát lại
Chiều 18.3, trước sức ép của dư luận, UBND TP.Hà Nội có văn bản gửi Sở Xây dựng yêu cầu rà soát lại việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên địa bàn. Công văn của UBND TP.Hà Nội nêu rõ Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo việc rà soát cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị. Giám đốc Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố.
Trường Sơn
Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, phố Nguyễn Chí Thanh là tuyến đầu tiên thực hiện thay thế cây theo đề án đã được UBND TP phê duyệt. "Đường Nguyễn Chí Thanh có 381 cây bóng mát thuộc 15 loài, trong đó chiếm số nhiều là cây hoa sữa với 228 cây, keo có 81 cây, số còn lại thuộc 13 loài khác nhau. Do sự thiếu đồng bộ này nên Sở Xây dựng đề xuất thay thế toàn bộ số cây này bằng cây vàng tâm và TP.Hà Nội đã chấp thuận", ông Dục nói.
Cũng theo ông Dục, trong thời gian tới sẽ đốc thúc các đơn vị được cấp phép xã hội hóa thay thế cây xanh trên các tuyến khác như Láng Hạ, Giảng Võ, Trần Nhân Tông, Ngô Thì Nhậm, Trần Hưng Đạo... "Tất cả đều phải hoàn thành trong quý 1 năm nay", ông Dục nói.
Theo Đề án thay thế cây xanh của Sở Xây dựng thực hiện từ tháng 9.2013, trong đợt cải tạo sẽ chặt hạ những cây không đúng chủng loại cây xanh đô thị, sai quy hoạch, nghiêng, cong xấu, cản trở giao thông; trồng lại cây thay thế theo loài cây chủ đạo của tuyến phố; bó vỉa gốc cây; hoàn trả vỉa hè; phát triển cây xanh tầm thấp trên dải phân cách, đảo giao thông, trụ cầu, gầm cầu... Tiêu chuẩn cây trồng thay thế được Sở Xây dựng đưa ra có chiều cao từ
6-8 m, đường kính thân cây (tại vị trí 1,3 m tính từ mặt đất) tối thiểu 10 cm. Cây được trồng thay thế phải thẳng, phân cành cao, dáng cân đối, không sâu bệnh, có hoa đẹp, chịu được thời tiết khắc nghiệt, ít rụng lá trơ cành, xanh tốt quanh năm. Tuyến phố dài 2 km chỉ trồng một loại cây, có thể trồng 2 loại cây nếu đường dài trên 2 km. Cây trồng thành hàng khoảng cách từ 5-10 m...
Qua khảo sát 45.738 cây trên 470 tuyến phố tại 10 quận, sẽ thay thế 6.708 cây/190 tuyến phố với đơn giá 10 triệu đồng/cây, tổng dự toán hơn 73 tỉ đồng lấy từ ngân sách. Trong đó, chi phí khảo sát hết 1 tỉ đồng, chặt hạ, thay thế cây mới, hoàn trả vỉa hè hết hơn 67 tỉ đồng, đánh mã số cây hết 4,5 tỉ đồng. Các quận có nhiều cây được thay thế nhất là Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, ít nhất là các quận Long Biên, Tây Hồ, Hà Đông.
"Đề án rất sơ sài"
"Trong số những cây bị chặt hạ, có rất nhiều cây to, tỏa bóng mát, nếu mất đi không biết bao giờ mới lấy lại được"
Ông Giang Quân, nhà nghiên cứu văn hóa về Hà Nội
Đọc bản đề án dài 23 trang này, KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư VN, cho rằng "đề án thiếu tính chuyên nghiệp, rất sơ sài". "Những dự án tác động đến cộng đồng đông đảo như vậy phải có hồ sơ đàng hoàng. Chặt một lúc mấy nghìn cây xanh như thế này, ai chả đau xót. Một năm trồng lại được bao nhiêu cây? Trồng lại được thì bao nhiêu năm sau mới có bóng mát trở lại?", ông Ánh đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Ánh, ít nhất trong đề án đưa ra, phải có bản đồ xác định vị trí từng cây chứ không thể "thống kê chung chung như vậy". "Phải nói rõ cây được trồng, chăm sóc như thế nào, đó chính là hồ sơ quản lý từng cây xanh. Trước khi thực hiện, cần công khai những tài liệu này để người dân cùng biết cùng khảo sát, chứ không thể đùng đùng lên danh sách rồi cho người đến chặt. Đây không còn là đề án nữa mà đã trở thành dự án đang được triển khai nên không thể thiếu bất cứ bước nào của quy trình thực hiện dự án là phải có báo cáo khảo sát, thẩm định báo cáo khảo sát, thiết kế, thuyết minh về mặt lợi ích kinh tế, xã hội, đánh giá tác động môi trường, dự toán, ra các phương án, lựa chọn phương án triển khai tốt nhất, đấu thầu... Phải làm một cách bài bản, đó là quy trình bắt buộc", KTS Ánh nói.
Vị kiến trúc sư này đánh giá, nếu chỉ dựa theo những gì đề án Sở Xây dựng đưa ra mà cho chặt hàng nghìn cây xanh như vậy thì cơ quan chức năng thực sự thiếu cẩn trọng khi phê duyệt. "Cần phải xem xét cây xanh là một thực thể sống trong hệ sinh thái đô thị nên trước khi thay đổi phải đánh giá mức độ tác động đến môi trường như thế nào", KTS Ánh phân tích.
Đồng quan điểm với KTS Ánh, một số chuyên gia thuộc Hiệp hội Cây xanh VN cho rằng Sở Xây dựng Hà Nội cần rà soát lại, công bố chi tiết vị trí từng cây xanh sẽ bị chặt hạ, thay thế. Sau khi rà soát, việc chặt hạ, thay thế nên thực hiện một cách dần dần, tránh triển khai rầm rộ, đồng loạt, gây tác động mạnh đến môi trường. Việc xử lý đối với khối lượng lớn gỗ từ thân cây bị chặt hạ cũng cần phải tính toán để tránh lãng phí - điều mà đề án không đề cập.
Lãng phí
Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa về Hà Nội Giang Quân cho rằng việc chặt hạ đồng loạt hàng nghìn cây xanh ở Hà Nội là lãng phí. "Trong số những cây bị chặt hạ, có rất nhiều cây to, tỏa bóng mát, nếu mất đi không biết bao giờ mới lấy lại được. Nhất là trong điều kiện Hà Nội hiện nay đang rất thiếu bóng mát, diện tích cây xanh bình quân trên đầu người rất thấp, chưa đến 1 m2/người", ông Quân nói và dẫn lại ngay chính đề án thay thế cây xanh của Sở Xây dựng đưa ra cũng thừa nhận tỷ lệ cây xanh ở Hà Nội rất thấp, nhiều nơi không có hoặc không đạt chỉ tiêu 50 cây/km. Do thiếu như vậy nên cần đẩy mạnh trồng bổ sung, nếu có thay thế cây mới thì phải làm từ từ, tránh gây sốc như cách đang làm.
Theo Thanh Niên
HN: Sẽ tiếp tục chặt hạ cây xanh trên đường Kim Mã Dự kiến tháng 11/2015, sẽ chặt bỏ cây xanh trên đường Kim Mã để phục vụ cho việc thi công đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Ngày 28/11, đại diện ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã họp báo về việc chặt hạ, di chuyển cây xanh phục vụ tuyến đường sắt đô thị. Ông Lê...