Hàng loạt cầu đường ‘tắc tị’ vì vướng mặt bằng
Dự án ba cây cầu nhằm giảm áp lực về giao thông trên nhiều tuyến đường huyết mạch ở quận 9 hiện đang nằm chờ mặt bằng khiến giao thông nơi đây ngày càng trở lên hỗn loạn.
Người dân quận 9, TP.HCM nhiều năm qua đang mong ngóng các dự án mở rộng đường, xây cầu sớm hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu giao thông tại đây. Tuy nhiên, hàng loạt cầu với mục đích giảm áp lực giao thông như Long Đại, Nam Lý, Tăng Long hiện đều phải tạm ngưng thi công vì thiếu mặt bằng, gây khó khăn cho người dân và các đơn vị thi công.
Công trình đình trệ
Đoạn đường gần cầu Tăng Long, phường Long Trường, quận 9 là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây bởi thường xuyên bị kẹt xe vào giờ cao điểm. Nguyên nhân là do lưu lượng phương tiện đi lại quá đông nhưng đường lại nhỏ hẹp. Để di chuyển được qua cây cầu này, xe máy, ô tô phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ. Trước thực trạng trên, TP đã có chủ trương xây dựng cầu Tăng Long mới. Trong khi chờ cầu mới hoàn thiện, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 đã xây dựng một cầu tạm để đảm bảo giao thông.
“Cầu được xây dựng từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn nằm im, ùn tắc giao thông thì xảy ra triền miên. Nhiều lần tôi đã phải chạy qua đường khác để né nhưng ra đến đường Nguyễn Duy Trinh thì tình hình giao thông cũng không khá hơn” – chị Lý Thị Phương, một người dân ở đây than thở.
Tương tự, cầu Nam Lý nhằm thay thế Đập Rạch Chiếc bị xuống cấp nghiêm trọng hiện nay cũng đang phải gián đoạn vì vướng mặt bằng. Tình hình giao thông khu vực này cũng trở nên hỗn loạn bởi mặt đường bị bó hẹp, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Anh Nguyễn Quốc Đạt, người thường xuyên lưu thông qua đây cho biết khu vực này có nhiều xe quá tải chạy qua trong khi cầu cống Đập Rạch Chiếc hiện không đảm bảo tải trọng. Từ khi thi công dự án, mặt đường bị thu hẹp nhưng tình trạng xe vượt quá tải trọng di chuyển quá nhiều còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Một cây cầu khác là cầu Long Đại nối phường Long Phước với Long Bình được khởi công từ năm 2017 song cũng đành phải ngưng thi công vì vướng mặt bằng từ tháng 12-2018. Mặc dù hai nhịp cầu ở Long Bình và Long Phước đã xong nhưng đến nay đều chưa có đường dẫn.
Khu vực cầu Tăng Long thường xuyên bị kẹt xe. Ảnh: ĐÀO TRANG
Video đang HOT
Bài toán GPMB không có đáp án
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Ban quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, cho biết công trình cầu Tăng Long khởi công từ tháng 12-2017, hiện đang tạm dừng. Hiện khối lượng thi công đạt khoảng 30% khối lượng công trình. Ban đầu phương án thi công là hoàn thành và tổ chức thông xe nhánh cầu trái, sau đó tháo dỡ cầu hiện hữu và thi công nhánh cầu phải. “Dự kiến sau khi được quận 9 bàn giao mặt bằng đầy đủ, phía phường Trường Thạnh và phường Long Trường sẽ hoàn thành nhánh cầu trái trong sáu tháng, hoàn thành nhánh cầu phải trong chín tháng” – ông Ninh nói.
Ông Ninh chia sẻ thêm khó khăn lớn nhất của dự án này là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Tổng số 35 trường hợp cần phải giải tỏa tại phường Long Trường và phường Trường Thạnh nhưng cũng đều bị ách lại bởi đơn giá bồi thường về đất của dự án chưa được phê duyệt.
Còn tại dự án cầu Nam Lý, được khởi công từ tháng 10-2016 nhưng hiện nay công trình mới triển khai thi công trên phạm vi có mặt bằng, đạt khoảng 40% khối lượng. “Dự kiến sau khi được bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại, đơn vị sẽ thi công hoàn thành trong 12 tháng. Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình thực hiện là công tác bồi thường GPMB với 48 trường hợp cần giải tỏa. Do có khó khăn trong công tác thẩm định đơn giá đất nên đến nay quận 9 vẫn chưa xây dựng xong đơn giá bồi thường về đất để trình duyệt” – ông Ninh cho biết.
Đối với hai dự án lớn trên, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 trước đây và Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông hiện nay đã tích cực phối hợp làm việc với quận 9 trong công tác GPMB. Chủ đầu tư đã có nhiều văn bản đề nghị quận 9 chỉ đạo và Ban Bồi thường GPMB quận đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường GPMB, tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm hoàn thiện dự án.
Tại dự án cầu Long Đại, đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng khu vực quận 9 cho biết hiện nay cầu Long Đại cũng đang phải ngưng thi công vì thiếu mặt bằng. Hiện công trình đã thực hiện được 55% khối lượng. “Vướng đơn giá bồi thường là tình cảnh chung của các dự án hiện nay, tất cả phải chờ quyết định của TP. Chỉ khi TP phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ và hệ số điều chỉnh đơn giá bán nền tái định cư thì quận 9 sẽ duyệt phương án bồi thường. Sau đó mới có quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường và chi trả tiền cho các hộ dân để có mặt bằng thi công” – vị đại diện cho biết.
Đại diện Ban Bồi thường GPMB quận 9 cho biết tại các công trình đơn vị đã thực hiện công tác kiểm đếm và xét nguồn gốc đất. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các công trình trên địa bàn là do liên quan đến việc thẩm định giá. Trước khó khăn trên, quận đã mời đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan hỗ trợ về pháp luật để cung cấp thông tin cho đơn vị tư vấn giải quyết được vướng mắc và chuẩn bị lại đơn giá T2 trình Sở TN&MT.
Ban QLDA đã kiến nghị quận 9 sớm trình duyệt đơn giá bồi thường đất để đẩy nhanh tiến độ GPMB. Đồng thời kiến nghị Hội đồng thẩm định giá đất TP sớm thẩm định và trình TP phê duyệt giá đất bồi thường để Ban Bồi thường GPMB quận 9 có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
ĐÀO TRANG
Theo PLO
Thanh Trì (Hà Nội): Trải bê tông làm đường dưới mưa
Đơn vị thi công trải bê tông làm đường dưới mưa, giám đốc ban quản lý dự án huyện nói không vấn đề...?
Sự việc xảy ra vào chiều nay ngày 4/10 tại tuyến đường liên xã trên địa bàn thôn Đại Lan xã Duyên Hà huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trong khi ngoài trời đang mưa khá nặng hạt, thế nhưng đơn vị thi công tuyến đường trên vẫn đổ bê tông trải mặt đường.
Được biết, tuyến đường liên xã Duyên Hà - Vạn Phúc do Ban quản lý đầu tư Xây dựng huyện Thanh Trì, Hà Nội làm chủ đầu tư, có tổng giá trị công trình khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Theo một cán bộ thuộc ban giám sát cộng đồng xã Duyên Hà, đoạn đường được nâng cấp sửa chữa này nằm trên cung đường liên xã Duyên Hà - Vạn Phúc có tổng chiều dài là 570 mét, được nâng cấp xây dựng trên nền bê tông có sẵn. Trong đó, một nửa đoạn đường nêu trên phải đổ lớp bê tông với độ dày 20cm và đoạn còn lại có độ dày là 10 cm.
Lớp bê tông trải trước đó có nhiều dấu hiệu chất lượng kém. Ảnh Hà Long.
Có mặt tại công trường, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận ghi nhận, trong chiều ngày 04/10 tại đoạn đường trên hoạt động đổ bê tông dải đường vẫn đang diễn ra hết sức khẩn trương.
Khoảng hơn 100 mét được đơn vị thi công đổ trước đó đã có dấu hiệu trôi lớp xi măng trên bề mặt, các công nhân tại đây đang cho rắc xi măng bột lên trên. Đồng thời, dùng bạt kéo trên bề mặt đường nhằm tạo độ láng, mịn đoạn cuối đường giáp đê, số công nhân còn lại vẫn tiếp tục đổ bê tông mặc dù có mưa khá nặng hạt.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Trung Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Thanh Trì cho rằng: "Quy định mưa thì nó tùy vào lúc mưa, nhiều khi đổ bê tông như vậy còn cần tới mưa để bảo dưỡng bê tông, việc đổ bê tông đoạn đường này đã tiến hành xong từ hai đến ba ngày trước đó, chứ hôm nay (04/10) đơn vị thi công không đổ bê tông ông Trung khẳng định. Ông Trung cũng cho rằng, nếu việc đổ bê tông mà gặp trời mưa là rất bình thường không sao cả".
Được biết đơn vị thi công đoạn đường này là Công ty Phúc An.
Theo góc độ chuyên môn, kỹ sư Nguyễn Văn Hưởng giám đốc công trường Công ty Cổ phần Licogi 16 cho hay; Đang đổ bê tông mà gặp mưa, khi đó nước mưa sẽ làm phân tầng, dẫn tới không đúng hàm lượng cấp phối ban đầu. Bởi khi làm đường giao thông, việc sử dụng bê tông làm vật liệu trải đường thì bắt buộc phải có thiết kế cấp phối.
Trong đó, bê tông phải có hàm lượng và chất lượng vật liệu theo thiết kế, trong khi đó lượng nước để trộn bê tông phải thực hiện đúng thiết kế cấp phối theo quy định, khi bê tông đạt đúng độ tuổi mới tưới nước để đảm bảo cường độ, mác theo yêu cầu.
Nếu như đổ bê tông dưới trời mưa, khi đó lượng nước quá nhiều dẫn tới bê tông bị phân tầng. Như vậy, sẽ dẫn tới chất lượng công trình không đạt tiêu chuẩn như chất lượng thiết kế ban đầu.
Theo kỹ sư Hưởng, khi và chỉ khi đổ bê tông đường đã xong trong một khoảng thời gian nhất định thì mới được tưới nước. Việc tưới nước này nhằm hạn chế nứt gãy bề mặt và giữ ẩm cho tới khi đạt tiêu chuẩn, nếu trong khi đổ bê tông mà gặp trời mưa đó là tình huống bất khả kháng thì phải che những chỗ đã đổ trước đó và tuyệt đối không thể tận dụng khối lượng bê tông còn lại để tiếp tục xây dựng. Khi đó, phải ngăn không cho nước mưa xâm nhập, bởi trong nước mưa có chứa thành phần Axit sẽ gây ra thủy hóa bê tông.
Bởi vậy, do nước mưa có hàm lượng Axit lớn, việc trộn bê tông trong xây dựng tuyệt đối không dùng nước mưa, mà phải dùng nước ngầm hoặc các loại nước đã qua xử lý.
Hà Long
Theo Congluan
TP HCM: Công ty Lạc An thi công dự án chậm tiến độ gây bức xúc cho người dân "Việc thi công chậm gây cản trở giao thông rất nhiều, cứ đến giờ cao điểm là lại ách tắc, người dân chúng tôi đi lại cũng mệt mỏi theo". Dân ngán ngẩm vì dự án chậm tiến độ Theo phản ánh của những người dân sống tại quanh tuyến đường Nguyễn Duy Trinh thuộc phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP HCM...