Hàng không quốc tế xoay xở để tránh ‘tên bay đạn lạc’ tại Afghanistan
Các hãng hàng không lớn trên thế giới đang xoay xở để tái định tuyến các chuyến bay nhằm tránh không phận Afghanistan, do lo ngại tình hình bất ổn tại đây có thể gây dẫn đến những hiểm họa khôn lường.
Hãng hàng không Anh là British Airways và Virgin Atlantic cho biết sẽ điều chỉnh các chuyến bay để tránh không phận của Afghanistan. Trong ảnh: Máy bay của Hãng hàng không British Airways bay qua sân bay Heathrow ở London (Anh). Ảnh: AFP/TTXVN
Năm 2014, một máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines (Malaysia) đã bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine, cướp đi sinh mạng của toàn bộ 298 người trên máy bay. Trong khi đó, năm 2020, quân đội Iran đã bắn nhầm một máy bay của hãng Hàng không quốc tế Ukraine (UIA), khiến toàn bộ 176 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Hai bài học bi thảm liên quan tên lửa đất đối không này đã buộc các hãng hàng không quốc tế và chính phủ các nước phải lưu tâm nhiều hơn đến những rủi ro khi cho phép các chuyến bay bay qua khu vực có xung đột.
Trong bối cảnh các quốc gia phương Tây đang tức tốc điều máy bay tới Afghanistan để sơ tán công dân sớm nhất có thể, nhiều hãng hàng không quốc tế đã quyết định đình chỉ đường bay tới thủ đô Kabul, thậm chí không “bén mảng” tới không phận của quốc gia Tây Nam Á này. Trên FlightRadar24 – trang web chuyên giám sát các chuyến bay trên thế giới – hiển thị rất ít các chuyến bay thương mại qua không phận Afghanistan, trong khi số lượng các chuyến bay qua không phận các nước láng giềng của quốc gia này là Pakistan và Iran lại tăng đột biến.
Các hãng hàng không Anh là British Airways và Virgin Atlantic cho biết sẽ tái định tuyến, để tránh không phận của Afghanistan. United Airlines của Mỹ cũng đưa ra quyết định tương tự, dù những sự thay đổi về đường bay sẽ ảnh hưởng tới nhiều chuyến bay từ Mỹ tới Ấn Độ của hãng này.
Do lo ngại về những nguy cơ có thể xảy ra liên quan “các hoạt động của các phần tử cực đoan hoặc phiến quân”, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) từ tháng trước đã áp đặt các lệnh hạn chế bay qua không phận Afghanistan đối với các hãng hàng không của Mỹ, cũng như các hãng hàng không do các doanh nghiệp Mỹ điều hành. Theo FAA, mọi máy bay phải hoạt động trên độ cao 26.000 feet (tương đương 7.924 mét) tại khu vực được đặt tên là “Vùng Thông tin chuyến bay Kabul” – vốn bao phủ phần lớn Afghanistan, trừ khi các chuyến bay này đến và đi từ sân bay quốc tế Hamid Karzai. Mặc dù vậy, các hạn chế này không áp dụng đối với các hoạt động quân sự của Mỹ.
Video đang HOT
Trang web Safe Airspace – giám sát việc thực thi lệnh hạn chế trên – cho biết các nước khác như Canada, Anh, Đức và Pháp cũng đã khuyến cáo các hãng hàng không duy trì tầm cao khi bay là 25.000 feet (tương đương 7.620 mét), để đảm bảo an toàn.
Một số hãng hàng không khác tại Đông Bắc Á cho biết đang theo dõi sát tình hình tại Afghanistan để đưa ra các quyết định phù hợp.
Hãng Korean Air Lines của Hàn Quốc cho biết đã tạm ngừng sử dụng không phận Afghanistan đối với các chuyến bay chở khách, nhưng vẫn duy trì tuyến bay này đối với các chuyến bay chở hàng. Tuyên bố của Korean Air Lines nêu rõ: “Do tình hình ở Afghanistan, chúng tôi đang cho máy bay chở hàng bay ở độ cao cao hơn (so với thông thường) và tránh hạ thấp độ cao. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và có kế hoạch xem xét việc thay đổi các tuyến bay trong trường hợp cần thiết”.
Tương tự, hãng hàng không China Airlines của Đài Loan (Trung Quốc) cho biết hãng này cũng đang theo sát tình hình và sẽ điều chỉnh đường bay theo hướng dẫn về không phận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong trường hợp cần thiết.
Các chuyến bay thương mại dự kiến hạ cánh ở Afghanistan cũng chịu tác động của tình hình hỗn loạn tại quốc gia Tây Nam Á này. Thông báo ngày 16/8 trên trang web của Emirates – hãng hàng không lớn nhất của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất ( UAE) – nêu rõ: “Khách hàng có vé với điểm đến cuối cùng là Kabul sẽ không được chấp nhận từ ngay tại điểm xuất phát”. Một hãng hàng không khác của UAE là Flydubai cũng tuyên bố ngừng các chuyến bay tới Kabul từ ngày 16/8, cho đến khi có thông báo mới.
Tình báo Mỹ đã sai về Afghanistan?
Khi Taliban tiến quân vào Kabul trong thời gian ngắn sau khi Mỹ rút binh sĩ từ Afghanistan về nước, nhiều người dân Mỹ tự hỏi rằng lý do nào khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden từng tự tin nói rằng Kabul sẽ không dễ dàng sụp đổ.
Chiến binh Taliban tuần tra trong thành phố Kandahar, Afghanistan ngày 15/8. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken trong tháng 6 từng nói về tình hình tại Afghanistan: "Tôi không nghĩ đó sẽ là điều xảy ra từ Thứ Sáu đến Thứ Hai. Tôi không coi việc quân đội Mỹ rời đi trong tháng 7, tháng 8 hoặc đầu tháng 9 sẽ lập tức dẫn đến tình huống xuống đi".
Đầu tháng 8, một nhà phân tích quân sự Mỹ còn dự đoán trên kênh ABC News rằng Kabul có thể thất thủ trong 90 ngày. Tuy nhiên việc này trên thực tế lại nhanh chóng hơn nhiều.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cam kết rút hoàn toàn binh sĩ khỏi Afghanistan vào dịp 11/9. Ngày 20/7, Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ thông báo đã rút 95% binh sĩ trở về nước. Lầu Năm Góc cho biết đến cuối tháng 8 dự kiến binh sĩ cuối cùng sẽ hồi hương. Khi hiện diện của quân đội Mỹ giảm dần, lực lượng Taliban nhanh chóng giành lợi thế và chiếm được quyền kiểm soát ở nhiều nơi tại Afghanistan.
Nghị sĩ Jackie Speier đảng Cộng hòa trong ngày 15/8 nhận định với NBC News: "Đây là một thất bại tình báo. Chúng ta đã đánh giá thấp Taliban đồng thời nhầm tưởng về quyết tâm của quân đội Afghanistan".
Tay súng thuộc Taliban tại thành phố Kandahar, Afghanistan ngày 15/8. Ảnh: AP
Nhưng nhiều quan chức Mỹ nhận định với ABC News rằng các nhà hoạch định chính sách đã liên tục nhận được đánh giá tình báo quan trọng dự đoán Taliban có thể áp đảo và chiếm thủ đô trong vòng vài tuần.
Lực lượng Taliban, vốn từ lâu theo đuổi thành lập "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan", đã tiến vào Kabul ngày 15/8. Chiều 15/8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lên máy bay rời khỏi quốc gia này. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong khi đó đã gấp rút điều động hàng nghìn lính Mỹ đến hỗ trợ sơ tán các công dân Mỹ vẫn còn ở thủ đô Kabul.
Một quan chức tình báo Mỹ chia sẻ với ABC News: "Quân đội đã thông báo các lãnh đạo Mỹ rằng Taliban sẽ chiếm lấy mọi thứ một cách nhanh chóng. Nhưng không ai lắng nghe cả".
Các nguồn tin tình báo khác nói rằng Tổng thống Biden và nhóm cố vấn của ông đã đi đến quyết định rút hoàn toàn quân đội Mỹ dựa trên nhiều yếu tố, không chỉ có số phận của Kabul.
Một số quan chức Mỹ cho rằng việc Tổng thống Biden và người tiền nhiệm Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan là một sai lầm bởi điều đó đã khuyến khích Taliban tiến hành cuộc tấn công.
Cựu quyền Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Morell ngày 15/8 đăng trên mạng xã hội Twitter: "Điều xảy ra tại Afghanistan không phải bắt nguồn từ sai lầm tình báo. Đó là kết quả của hàng loạt chính sách thất bại từ các đời chính quyền. Trong những năm qua, cộng đồng tình báo luôn đánh giá chính xác tình hình của Afghanistan".
Thắng lợi của Taliban khiến láng giềng và châu Âu lo ngại bất ổn lan tỏa từ Afghanistan Pakistan và Iran là hai trong số nhiều nước dễ bị tổn thương nhất trước làn sóng người tị nạn. Nhưng châu Âu cũng bắt đầu quan ngại về diễn biến ở Afghanistan. Các tay súng Taliban tại thành phố Ghazni, Afghanistan, ngày 12/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN Sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan và việc Taliban lên nắm quyền tại Kabul khiến nhiều...