Hàng không Lào bồi thường 5.000 USD cho mỗi nạn nhân
Hãng hàng không Lào cùng với công ty bảo hiểm của hãng này đã bắt đầu thực hiện chi trả bồi thường cho các gia đình nạn nhân với mức 5000 USD/người. Trong khi đó một số nước đã bắt đầu đưa thi thể công dân nước mình hồi hương.
Công tác tìm kiếm nạn nhân vụ tai nạn sắp kết thúc
Số tiền chi trả ban đầu nêu trên nhằm hỗ trợ các gia đình nạn nhân chi phí mai táng, và sắp tới hãng hàng không Lào còn có đợt bồi thường tiếp theo, ông Sitthideth Duangsitthi lãnh đạo ban Kế hoạch và hợp tác của Lao Airlines cho biết.
Dù vậy vị quan chức này không thể tiết lộ thêm chi tiết về những lần chi trả tới.
Trước đó trong buổi họp báo ngày 18/10, phó chủ tịch Lao Airlines Somsamay Visounnalath từng tiết lộ số tiền bảo hiểm cho những vụ tai nạn tương tự thường lên tới trên 100 triệu USD, nhưng không công bố thông tin cụ thể.
Lao Airlines được bảo hiểm bởi công ty bảo hiểm Willis có trụ sở tại London. Và điều đó theo ông Somsamay có nghĩa là hãng hàng không này được bảo hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tính đến 17 giờ chiều 21/10, đã có tổng cộng 43 thi thể nạn nhân được tìm thấy và 17 người được xác định danh tính, các quan chức tại hiện trường cho biết.
Hộp đen của chiếc máy bay cũng đã được trục vớt cách vị trí máy bay rơi khoảng 50m, báo giới Thái Lan dẫn lời các thợ lặn tham gia cứu nạn khẳng định.
Video đang HOT
Để hỗ trợ cho công tác nhận diện và đưa thi thể các nạn nhân về nước, Bộ ngoại giao Lào cũng đã chỉ thị cho các đại sứ quán và cơ quan lãnh sự Lào khắp thế giới miễn phí thị thực nhập cảnh cho gia đình các nạn nhân muốn tới Lào.
Dự kiến trong chiều nay 3 trong số 5 thi thể của những người Thái Lan thiệt mạng sẽ về đến Bangkok, tờ The Nation dẫn nguồn tin quan chức Thái Lan cho biết. Danh tính của họ đều đã được xác định và thi thể sẽ được một máy bay vận tải quân sự C130 của quân đội đưa về nước.
Danh tính của hai nạn nhân người Thái còn lại đang chờ kiểm tra ADN. Đồng thời đội cứu hộ của Thái Lan sẽ dừng hỗ trợ công tác tìm kiếm và bàn giao lại cho lực lượng của Lào.
Tại Hàn Quốc, thông báo của Bộ ngoại giao nước này ngày hôm nay cũng khẳng định đã xác nhận được danh tính 3 công dân Hàn Quốc tử nạn, hãng tin Yonhap cho biết.
“Đội khám nghiệm đã xác nhận được danh tính của họ ngày hôm qua thông qua việc quét vân tay và kiểm tra ADN”, một nhân viên công tác lãnh sự của Bộ ngoại giao nước này cho biết thêm. Hiện gia đình các nạn nhân đang chuẩn bị cùng chính quyền Hàn Quốc đưa thi thể người thân hồi hương.
Tại hiện trường vụ tai nạn khiến 49 người tử vong, các đội khám nghiệm đến từ Hàn Quốc, Thái Lan và Úc đã liên tục tiến hành các thí nghiệm và kiểm tra để xác định danh tính nạn nhân. Tuy nhiên, một số trường hợp không thể nhận dạng ngay do thi thể đã phân hủy cũng như bị tổn thương do va chạm trong lúc máy bay lao xuống.
Trong khi đó các lực lượng của Lào tập trung vào công tác tìm kiếm thi thể các nạn nhân còn lại. Hơn một nửa trong số 44 hành khách trên chuyến bay là người nước ngoài, mang quốc tịch Úc, Canada, Trung Quốc, Pháp, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.
Ngoài ra phi hành đoàn gồm có 5 người, trong đó cơ trưởng là người Campuchia. Đến nay nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn được tin là do thời tiết xấu.
Theo Dantri
Bán phụ nữ sang Trung Quốc làm nô lệ với giá 10 triệu đồng/người
Với thủ đoạn hứa hẹn sang Trung Quốc làm việc lương cao, các đối tượng trong đường dây này đã lừa nhiều phụ nữ sang Trung Quốc bán làm nô lệ dưới danh nghĩa là cưới làm vợ.
Cả nhà cùng tham gia đường dây mua bán người
Ngày 19/9, Công an Tây Ninh cho biết đã khởi tố đối tượng Nguyễn Thị Hoàng (còn gọi là Mai, 41 tuổi, ngụ huyện Gò Dầu, Tây Ninh) và Diệp Thị Thanh (29 tuổi, ngụ huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) về tội buôn bán người.
Hoàng và Thanh tại cơ quan điều tra
Theo cơ quan điều tra, vào khoảng 17h ngày 29/8, tại sân bay Tân Sơn Nhất, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH (Công an Tây Ninh) đãphối hợp với Đồn Công an cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng vụ hàng không Tân Sơn Nhất và Công an phường 2 (quận Tân Bình, TPHCM) bắt quả tang Hoàng đang làm thủ tục cho 2 phụ nữ lên máy bay ra Hà Nội để đưa sang Trung Quốc bán.
Tại cơ quan điều tra, Hoàng khai có con gái được gả sang Trung Quốc làm vợ. Năm 2011, Hoàng sang Trung Quốc nuôi con gái sanh. Tại đây, Hoàng gặp và quen với 2 chị em Tạ Thị T. và Tạ Thị S. là người Bắc Giang có chồng Trung Quốc. Hai chị em T. và S. đề nghị Hoàng tuyển chọn, dụ dỗ những phụ nữ ở địa phương đưa sang cho T. và S. để bán cho đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ.
Để thuận lợi cho việc mua bán của mình, hai chị em T. và S. nhờ cha ruột là ông Tạ Văn Th. và em dâu là Diệp Thị Thanh (ngụ tại Bắc Giang) làm nhiệm vụ đón tiếp những phụ nữ bị Hoàng lừa ở sân bay Nội Bài. Sau khi đón được "con mồi", ông Th. và Thanh đưa về nhà mình ở và lo các giấy tờ chứng nhận độc thân, visa rồi đưa qua Trung Quốc để T. và S. nhận, tổ chức xem mặt, bán cho đàn ông Trung Quốc.
Còn Mai sau khi trở về nhà đã chủ động tìm và dụ dỗ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn bằng thủ đoạn vẽ nên viễn cảnh cuộc sống giàu sang nơi xứ người. Khi lừa được phụ nữ nào, Mai đưa đến sân bay để họ ra Hà Nội gặp ông Th. và Thanh. Mỗi phụ nữ Mai tuyển chọn, ông Th. và Thanh trả tiền công 10 triệu đồng. Theo khai nhận, tổng cộng đường dây này đã bán trót lọt 6 phụ nữ và 2 người được giải cứu tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Thảm cảnh "vợ mua"
Công an Tây Ninh triệt phá được đường dây mua bán người này nhờ vào thông tin tố cáo của 2 nạn nhân bị Hoàng bán sang Trung Quốc trốn được về Việt Nam. Theo hai nạn nhân trên, họ được Hoàng dụ dỗ đi qua Trung Quốc làm việc trong công ty với lương tháng không dưới 10 triệu đồng. Hoàng cũng hứa hẹn sẽ đi cùng họ sang Trung Quốc cho đến khi xin được việc thì Hoàng mới về.
Nhưng khi Hoàng đưa họ ra tới Hà Nội thì Hoàng lấy lý do mới đi Trung Quốc về mệt không đi nổi nữa rồi giao cho Thanh đưa họ về Bắc Giang. Tại đây, Thanh lo giấy tờ cho họ rồi đưa qua biên giới Trung Quốc bằng đường bộ đến tỉnh Phúc Kiến.
Tại đây, 2 nạn nhân trên được bố trí nghỉ nhà em chồng của Thanh là T. và S. Lúc này các đối tượng trên mới lộ mặt buôn bán người, họ hù dọa các nạn nhân nếu không đồng ý làm vợ đàn ông Trung Quốc thì sẽ bán vào vào động mại dâm. Nghe vậy, 2 nạn nhân trên biết mình đã bị lừa nhưng sợ bị bán làm gái mại dâm nên phải đồng ý. Sau đó, họ được 2 người đàn ông Trung Quốc mua làm vợ với giá 160 triệu đồng.
Với tư cách là "vợ mua", cuộc sống của họ không khác gì nô lệ. Ngay khi đến nhà chồng, họ bị giữ hết các giấy tờ tùy thân để không thể trốn được. Ngoài việc phải phục vụ tình dục cho ông chồng, hàng ngày, các nạn nhân phải làm việc cực khổ, nặng nhọc (làm phụ hồ, làm vườn, hái gánh bưởi, chăm sóc và thu hoạch chuối,...) từ sáng sớm đến tối mới trở về nhà để kiếm tiền cho nhà chồng.
Họ cũng không được đối xử bình đẳng như con dâu trong nhà. Buổi sáng chỉ được ăn cháo trắng, bữa trưa và chiều ăn cơm trắng với rau luộc chấm nước tương, không bao giờ có thịt, cá. Trước cuộc sống nghèo khổ và bị ngược đãi, 2 nạn nhân trên không chịu đựng nổi nên lựa cơ hội gia đình chồng không để ý đã cố gắng trốn về Việt Nam và tố cáo tội ác của đường dây buôn bán người này.
Theo Công an Tây Ninh, thời gian gần đây vẫn còn một số phụ nữ nhẹ dạ, cả tin bị bọn buôn người lừa bán qua Trung Quốc. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2013, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH (Công an Tây Ninh) đã triệt phá 4 vụ, bắt 48 đối tượng, giải cứu 10 phụ nữ bị lừa bán qua biên giới.
Qua thảm cảnh cô dâu Việt bị ngược đãi nơi xứ người, Công an Tây Ninh cũng cảnh giác những phụ nữ muốn lấy chồng xa xứ cẩn trọng với thủ đoạn của bọn buôn người, không nên nhẹ dạ mắc lừa khi đối tượng "vẽ" ra viễn cảnh một cuộc sống sung sướng an nhàn, thu nhập cao nơi bên kia biên giới.
Tuyết Trân - Tùng Nguyên
Theo Dantri
Bắt đối tượng Trung Quốc trong nhóm buôn người, giải cứu 2 thiếu nữ Ngày 16/9, Bộ đội biên phòng (BĐBP) Nghệ An cho biết cơ quan này vừa bắt giữ 2 đối tượng trong nhóm buôn người, trong đó có 1 đối tượng là người Trung Quốc, đồng thời giải thoát cho 2 cô gái trẻ. 3 đối tượng: Lô Văn Bình; Lương Văn Đọi; và Lương Thị Ái đã bị lực lượng chức năng Nghệ...