Hàng không chậm, hủy chuyến, hành khách rất khó đòi bồi thường
Thảo luận về luật Hàng không dân dụng sửa đổi, đại biểu Quốc hội cho rằng, hàng loạt các chuyến bay chậm, hủy chuyến ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi hành khách nhưng việc đòi bồi thường rất khó vì chưa có quy định cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng, mỗi lần chậm, hủy chuyến bay, hành khách đòi bồi thường rất khó vì luật chưa quy định trách nhiệm của các hãng bay và cơ quan chuyên ngành.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy nêu ý kiến về Luật Hàng không dân dụng sửa đổi
Cho rằng việc quy định chung chung sẽ khó khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến, đại biểu đề nghị quy định rõ trách nhiệm bồi thường cũng như phải quy định cơ quan giải quyết khiếu nại để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị quy định rõ vấn đề quản lý hành lý ký gửi của hành khách để đảm bảo quyền lợi của hành khách. Hiện nay, hàng không khi nhận ký gửi không làm hết trách nhiệm, làm hư hỏng hàng ký gửi. Vì vậy, đại biểu Thụy đề nghị đưa ra quy định cụ thể về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đánh giá cao việc bổ sung quy định chậm hủy chuyến bay bởi trong thời gian qua, việc chậm hủy chuyến gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên theo đánh giá của đại biểu, tình trạng chậm hủy chuyến đã có sự thay đổi, cải thiện nhất định. Để làm tốt hơn nhiệm vụ này, đại biểu Sơn đề nghị giao cho Bộ GTVT quy định để khắc phục hơn nữa tình trạng chậm, hủy chuyến bay.
Đề cập đến giá dịch vụ hàng không, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng, dịch vụ cất cánh, hạ cánh như quy định của Bộ Tài chính là phù hợp. Ngoài ra đại biểu cũng nhấn mạnh đến việc khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến bay cũng như chất lượng dịch vụ tối thiểu để đảm bảo quyền lợi thiết thực cho hành khách.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị khi sửa đổi Luật Hàng không dân dụng cần xem xét việc phát triển hàng không giá rẻ như thế nào. Đại biểu băn khoăn việc tại sao chúng ta không dùng cảng cũ, sân bay cũ cho các hãng hàng không giá rẻ, vì hàng không giá rẻ là do giá cả dịch vụ mặt đất của họ rất rẻ. Đại biểu cho biết, ông đi nhiều nước họ tận dụng các cảng cũ, rất hữu hiệu cho hàng không giá rẻ.
Cho ý kiến về vấn đề này đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nêu ra vấn đề của sân bay Tân Sơn Nhất: “Tôi biết đến sân bay này từ những ngày đầu giải phóng. Bây giờ quay lại thấy xót xa vì những gì trước đây giờ đã mất”. Nguyên nhân dẫn đến sự mất mát đó được đại biểu nhìn nhận là do phân cấp quản lý không rõ ràng, trách nhiệm của các bộ ngành cũng không rõ.
Cùng đề cập đến giá dịch vụ hàng không, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, cần thiết phải kê khai song ông Kiên cũng đặt câu hỏi: Liệu cơ quan quản lý có quản lý được từng bát mỳ tôm, chai nước ở sân bay không?
Theo đại biểu, việc Bộ trưởng ra văn bản chỉ đạo giảm giá một bát mỳ tôm ở sân bay cũng là cái tốt, nhưng việc quản lý nhà nước cần phải cân nhắc lại trên cơ sở giá dịch vụ cần phải tuân theo nguyên tắc thị trường.
Quang Phong
Theo Dantri