Hàng Hòm
Phố Hàng Hòm dài 120 mét, đi từ phố Hàng Quạt đến phố Hàng Gai, đây vốn ở trên đất cũ thôn Cổ Vũ.
Vào khoảng giữa thế kỷ 18, một số người làng Hà Vĩ (phủ Thường Tín – Hà Đông) có nghề cổ truyền làm đồ gỗ sơn, ra Hà Nội lập nghiệp, đến ở phố này.
Trong phố còn ngôi đình (số nhà 11) do người Hà Vĩ lập ra thờ ông tổ nghề sơn là Trần Lư. Khu nhà này bên ngoài là đình hai bên có bệ ngồi của các quan viên; bên trong là đền, đền thờ chư vị, tuần rằm lên đồng lên bóng.
Người Hà Vĩ vẫn giữ tập quán và phong tục hàng giáp, lễ bái ở đình. Hàng năm đình vào đám đầu tháng 2 âm lịch, có tế lễ rước sách (rước kiệu thần quanh phố); ngày vào đám dân làng Hà Vĩ ở Thường Tín cũng ra dự, mang cả đồ thờ theo, xong đám lại đem về.
Người phố Hàng Hòm đa số là người dân Hà Vĩ, về sau thêm cả người làng Đa Sĩ. Trong phố chỉ có một gia đình là người Hoa Kiều (số nhà 16) cùng sản xuất hòm gỗ.
Hàng Hòm làm đồ gỗ sơn: hòm, tráp bằng gỗ sơn then (đen), hòm đựng quần áo, tráp đựng giấy bút. Về sau làm cả hòm gỗ mộc sơn bằng sơn tây màu cánh dán. (Hòm da khoá chuông sắm cho cô dâu về nhà chồng thì mua ở hiệu khách Hàng Buồm).
Video đang HOT
Việc sản xuất đồ gỗ lúc đầu hòm là chính: thợ làm ngay trong nhà, ngoài cửa hàng bày hàng bán. Những gia đình ít vốn, thuê buồng ở phía sau rẻ tiền, nhận việc bên ngoài về làm lấy công. Sau thêm đồ sơn mài: sơn then, sơn cánh dán có vẽ hoa lá. Làm cả câu đối, quả tráp giầu, ngai thờ. Già nửa phố là những nhà làm hòm, chỉ có đôi ba nhà làm đồ sơn mài. Vào khoảng những năm ba mươi trở đi, Hàng Hòm theo nhu cầu mới, sản xuất thêm hàng đồ da cần cho những người đi xa: va li, cặp da, túi du lich. Và lác đác thêm mấy nhà làm khăn xếp, mũ tây và giày vải thêu; đó là những gia đình ở bên Hàng Gai, Hàng Trống tràn sang.
Hàng Hòm là một phố cũ, nhà cửa làm đã lâu đời, kiểu cũ cũng như ở các phố cổ khác Cầu Gỗ, Hàng Quạt, Hàng Cân: nhà phía mặt ngoài còn những chỗ không theo thẳng hàng, gác kiểu “chồng diêm”; một số ít nhà được cải tạo lại nâng hai tầng song chưa nhiều.
Một điểm đặc biệt của Hàng Hòm là tập trung ở đầu phố chỗ giáp Hàng Gai – Hàng Hài nhiều hàng cơm nhỏ, hàng nước; có đến ba, bốn hàng thịt chó và hàng cháo lòng (chỗ trông sang ngõ Hàng Chỉ, khách hàng là những người chờ lĩnh báo ở trong ngõ mang đi bán). Chiến sự cuối năm 1946 đầu 1947 đã tàn phá Hàng Hòm, vì đây là chỗ giáp ranh hai khu, giao chiến suốt ngót ba tháng; quân Pháp đã bắn đại bác vào khu này, phá huỷ hầu hết nhà cửa, chỉ còn nguyên vẹn ngôi nhà số 36.
Hàng Hòm đã được xây dựng lại trong thời tạm chiếm, nên nhà nào cũng theo kiểu mới cao rộng.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hàng Bông
Phố dài 932 mét, nối phố Hàng Gai với phố Cửa Nam. Hàng Bông là phố gộp nhiều phố.
Đoạn từ Hàng Gai đến Hàng Mành gọi là Hàng Hài; từ Hàng Mành đến Hàng Da là Hàng Bông Đệm; tiếp đó là Hàng Bông Cửa Quyền có miếu nhỏ thờ một cô gái tên là Quyền; đoạn còn lại, từ ngõ Hội Vũ đến Cửa Nam, trước kia gọi là Hàng Bông Lờ (trước nữa thì gọi là phố Hàng Lam, sự thay đổi này tùy theo nghề phổ biến của dân ở phố theo từng giai đoạn).
Cái tên Hàng Bông của con phố dài gần 1km kiện nay chính thức được gọi chỉ mới dăm chục năm nay. Nhưng chữ Hàng Bông đã được gọi từ rất lâu, có lẽ là gọi tắt của một trong đoạn phố tên có chữ Hàng Bông. Trong Thượng Kinh ký của Lãn ông Lê Hữu Trác có chép khi ông qua cửa Đại Hưng, rẽ sang tay phải tức là đi vào đường Hàng Bông.
Trước đó nữa, vào thế kỷ 17 - 18, chắc hẳn đường Hàng Bông đã là một phố tương đối sầm uất, nên khi chúa Trịnh và vua Tây Sơn mấy lần tiếp sứ thần nhà Thanh đến Thăng Long, ta đã sắp xếp để sứ đoàn ở bến Bồ Đề qua sông sang bến Kiên Nghĩa rồi theo lối Hàng Buồm sang Hàng Ngang (Hàng áo), Hàng Đào qua Hàng Gai (Hàng Túi), Hàng Hài (ngã ba Hàng Gương), Hàng Bông Đệm (Chợ Huyện), đến Hàng Bông Lờ (Cấm Chỉ), rồi do vườn Quảng Văn Đình (Cửa Nam) mà vào cửa Vò Vò (Đoan Môn) để đến nội điện. Qua đó ta thấy về thờ Hậu Lê, con đường Hàng Bông gồm nhiều phố, nhân dân ở đây làm nghề thủ công (khâu túi, giày, nhuộm, làm gương soi...) có cửa hàng buôn bán, trong phố có chợ (Chợ Huyện).
Trên trục đường Hàng Bông còn nhiều di tích nhiều đình chùa miếu mạo của những phường thôn cũ. Không kể bến Hàng Gai có đình Đông Hà (nhà số 46), đình Cổ Vũ (số nhà 85) và đình Tố Tịch (số 1 Tố Tịch), bên Hàng Bông và mấy phố ngang liền cạnh có những di tích như sau:
Hàng Hài: đình Kim Cổ (còn có tên là đền Phúc Hậu) thờ ông tổ nghề làm gương soi (nhà số 2).
- Hàng Hài có một trường học đại tập (cuối đời Nguyễn) của cử nhân Ngô Văn Dạng (1835 - 1885) người thôn Kim Cổ. Ông đã từng tổ chức các sĩ phu quanh vùng thành đội nghĩa quân đánh Pháp năm 1873.
- Hàng Bông Đệm, ngõ Yên Thái, ngõ Tạm Thương, phố Đường Thành có: đình Yên Thái thờ bà phi ỷ Lan; đền bà Chúa (Liễu Hạnh) và Chư vị trong ngõ Tạm Thương;
- Chùa Kim Cổ, trong cũng thờ bà phi ỷ Lan, ở số 73 Đường Thành; Đình Lương Ngọc, nơi thờ vọng thành hoàng làng của người Lương Ngọc tỉnh Hưng Yên;
- Đình Kim Hội do các nhà buôn bông dựng lên ở ngõ 95 Hàng Bông thờ Trần Hưng Đạo; đình này còn có tên là đình Quy Long.
- Hàng Bông Cây Đa Cửa Quyền có: đền Thiên Tiên và quán Vọng Tiên ở số nhà 120. Trong đền Thiên Tiên có bài vị có lẽ là thờ Lý Thường Kiệt (vì trong sắc phong ghi là Lý thái úy) và một tấm bia đá. Bên ngoài đền Thiên Tiên có một bộ phận là đền của tư nhân, gọi là Đền Tàu, đất tư của một người đàn bà vợ khách, thờ Chư vị. Đình Đông Mỹ ở nhà số 127, do một nhóm lái buôn lớn lập ra để hội họp tế lễ; chỗ thờ đặt ở trên gác, nhà dưới cho thuê mở cửa hàng lấy hoa lợi.
- Cạnh đó, Hàng Da có đền Tam Thánh (số 42), phố Hội Vũ có đình Hội Vũ (số 2).
Những người thích đọc sách, báo, thích làm thơ (dù chỉ là thơ hài nhè nhẹ như Cười 24H) hẳn không thể không ấn tượng khi biết Hàng Bông là phố gắn bó với sách báo. Đây là nơi đánh dấu sự ra đời của Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Tao Đàn, Ích Hữu, Truyền bá... và nhà xuất bản Tân Dân lừng danh một thời.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hàng Đào Phố Hàng Đào dài 260 mét, đi từ phố Hàng Ngang đến phố Hàng Gai. Trong ghi chép về câu ca dao 36 phố phường của Dương Quảng Hàm có nhắc đến "Hàng The" (bán the, lụa...), hiện nay chúng tôi hầu như không thấy tài liệu nói về "Hàng The", không biết Hàng Đào và Hàng The có liên quan đến nhau...