Hàng hiệu “lởm” bán tràn lan trên mạng
Chỉ cần một cú click chuột hoặc một cú điện thoại là khách hàng được chăm sóc đến tận nơi. Tuy nhiên, trong cái tiện ích ấy, đã không ít khách hàng bị mất tiền oan vì mua phải hàng giả, kém chất lượng…
Trong thời gian gần đây, Văn phòng khiếu nại NTD (Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP Hồ Chí Minh) đã liên tiếp nhận được nhiều phản ánh của NTD về việc bị lừa đảo qua việc mua hàng trên mạng. Theo khiếu nại của anh Nguyễn Ngọc Ảnh (ngụ quận Bình Tân), anh có đặt mua một sản phẩm kềm bấm mạng trên một trang web với giá 2,7 triệu đồng (chưa tính phụ thu 215.000đ) nhưng đến khi nhận hàng thì anh mới phát hiện đây là hàng giả.
Không chấp nhận bị lừa gạt, anh khiếu nại đến công ty điều hành trang web này để đòi lại tiền thì thật bất ngờ anh đã nhận được câu trả lời “đây là sàn mua bán toàn cầu. Website này không trực tiếp bán hàng mà chỉ là đơn vị trung gian nhập hàng hộ cho người mua”.
Các nhãn hiệu cao cấp được chào bán trên các trang mạng với giá rẻ bèo.
Chị Nguyễn Thị Dung (ngụ Bình Dương) cũng bức xúc khi gọi đến Văn phòng khiếu nại NTD: “Khi thấy dây nịt được chào bán trên trang mạng có giá hơn 2 triệu đồng nhưng được giảm đến 80% nên tôi đặt mua. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, tôi mới tá hỏa vì lớp da trên bề mặt của dây nịt bị bong tróc từng mảng không thể sử dụng được. Trong khi đơn vị bán hàng ở TP Hồ Chí Minh, còn mình ở tận Bình Dương nên đi lên xuống để đổi, trả hàng cũng không tiện nên thôi…”.
Dạo qua các “chợ” trên mạng Internet, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều trang chào bán nhiều loại sản phẩm quần áo, túi xách, mỹ phẩm, mắt kính… hàng hiệu nhưng giá bèo như: áo thun hiệu Lacoste chào bán giá 79.000 đ (trong khi hàng chính hãng giá hơn 2 triệu đồng). Nước hoa Lancôme – Trésor Midnight Rose (75ml) giá 220.000đ, giảm 45% còn 120.000đ/chai (trong khi hàng chính hãng giá hơn 2 triệu đồng/chai)… và hàng loạt sản phẩm nhãn hiệu cao cấp có giá chính hãng hàng triệu đồng/sản phẩm nhưng tại các trang web có giá bán rẻ mạt như: áo thun hiệu Adidas giá 76.000đ, thắt lưng hiệu Louis Vuitton giá 69.000đ; kính mát hiệu Gucci, Dior giá 79.000đ, nước hoa Lancôme, Chanel giá 47.000đ, kem tẩy da chết Loréal giá 115.000đ…
Với giá chênh lệch quá lớn như vậy, NTD không khỏi nghi ngờ hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, để tạo sự yên tâm cho người mua, nhiều trang web lập lờ theo kiểu đây là hàng sale, hàng thanh lý giảm giá 80-90% so với giá gốc. Nhà cung cấp không tốn chi phí thuê mặt bằng, quảng cáo… nên có giá rẻ. Trong khi đó, đại diện pháp lý một số nhãn hiệu cao cấp tại Việt Namnhư Loréal VN, Chanel, đều khẳng định hoàn toàn không bán hàng qua mạng.
Bà Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Công ty Luật TNHH V.N.I.P, đại diện pháp lý về sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu Lacoste và Louis Vuitton tại VN cũng khẳng định, sản phẩm Lacoste và Louis Vuitton bán trên các trang web chắc chắn là hàng giả. “Lacoste và Louis Vuitton không bán hàng qua mạng theo hình thức như các trang web này. Lacoste có nhà nhập khẩu chính thức và chỉ bán sản phẩm ở cửa hàng chính hãng. Louis Vuitton là nhãn hiệu không bao giờ bán sale sản phẩm”.
Video đang HOT
Cũng theo bà Hương, đối với nhãn hiệu Lacoste từ tháng 7/2011 đến nay phát hiện hơn 300 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả. Còn Louis Vuitton, từ đầu năm đến nay kiểm tra phát hiện hơn 20 vụ. Bà Hương cho rằng, tình trạng hàng giả bán qua Internet ngày càng phổ biến và tinh vi. Ông Lý Ngọc Thắng – Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, lực lượng kiểm tra từng lần theo một số địa chỉ trên trang web nhưng đến nơi thì là địa chỉ “ma”, hoặc nếu là địa chỉ có thật thì lại không có hàng hoặc chỉ có một số ít hàng trưng bày nên rất khó bắt…
Liên quan đến vấn đề này, luật gia Phan Thị Việt Thu – Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP Hồ Chí Minh cho biết, phương thức mua bán hàng qua mạng hiện đang phổ biến tại các nước. Tại Việt Nam, đây là phương thức mua bán rất tốt nếu việc quản lý được chặt chẽ. Để tránh khiếu nại, NTD cần xem kỹ các thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm để tránh “tiền mất tật mang”
Theo Dantri
Mơ chốn phù hoa, bao sơn nữ bỏ làng xuống phố
Đói nghèo, lạc hậu, không được học hành, thiếu hiểu biết... nhiều thiếu nữ ở miền biên giới Nghệ An đã bị kẻ xấu lừa gạt bán sang bên kia biên giới, sống đời địa ngục trong các động mại dâm...
Châu Thôn yên bình nhưng nghèo đói, và nhiều sơn nữ đã rời bỏ nơi đây để rơi vào cuộc sống địa ngục
Sơn nữ bỏ bản xuống phố...
Vượt con dốc Bù Chồng Cha cao dựng đứng, qua đỉnh núi cao hơn 100m so với mực nước biển, chúng tôi đã có mặt ở Châu Thôn - xã vùng cao của huyện Quế Phong (Nghệ An), nơi những ngôi làng ẩn hiện dưới những ngọn núi cao. Nhiều năm nay người dân ở Châu Thôn, Tri Lễ đã quen với việc nhận giấy báo yêu cầu xác nhận con cái của công an. Ở Quế Phong xã nào cũng có nhiều cô gái đã bị lừa bán sang Trung Quốc hoặc bán vào các động mại dâm ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, bãi biển Nghệ An...
Xã Châu Thôn có 645 hộ với hơn 3.700 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, trong đó số hộ nghèo chiếm 65%. Tất cả 13 thôn, bản của xã đều có người bị lừa bán đi Trung Quốc hoặc bán vào các ổ chứa mại dâm. Tất cả đều xuất phát từ cái nghèo, cái đói, sự thiếu hiểu biết... Một số bản hầu như không còn thiếu nữ ở nhà.
Ông Vi Văn Chín - Chủ tịch UBND xã Châu Thôn - cho biết: "Số hộ nghèo trong xã còn rất cao, công việc chủ yếu của người dân là trồng lúa nước một năm 2 vụ, thời gian rảnh rỗi nhiều, trong khi đó nhu cầu chi tiêu cá nhân rất cần thiết. Nhất là những cô gái tuổi mới lớn, họ thường rủ nhau đi làm ăn xa quê, còn làm gì ở đâu thì gia đình cũng như chính quyền địa phương chúng tôi không hay biết".
Vợ chồng cụ Vi Văn Hoán không biết các cháu mình đang ở đâu
Để giải quyết vấn đề thiếu việc làm, xã Châu Thôn đã mở lớp dạy nghề có chứng chỉ nhưng không mấy khả quan. Trong khi các sơn nữ từng đi trước thường xuyên về quê rủ các bạn trong xã đi làm ở các quán ăn, nhà hàng... thực chất là đi làm gái mại dâm.
Cho đến nay ở xã Châu Thôn không ai thống kê được có bao nhiêu thiếu nữ đã bị lừa bán sang Trung Quốc, bao nhiêu người bị lừa vào các động mại dâm. Nhưng người đi trước là nạn nhân, người đi sau lại theo vết xe đổ. Dù chính quyền đã đến từng nhà vận động, tuyên truyền nhưng không thể giữ được các cô gái ở lại với quê hương.
Có cô gái là nạn nhân, bị lừa đảo, ép buộc, nhưng không ít các cô ra đi vì nhu cầu cá nhân.
... và bi kịch cuộc đời
Số học sinh nữ học cấp 3 ở Châu Thôn ngày một giảm, một số em mới học lớp 9 cũng theo bước các chị đi trước mong sao thoát cảnh đói nghèo. Nhiều em được công an giải cứu khỏi các "động quỷ", cho về nhà một thời gian lại... mất tăm mất tích.
Đáng buồn như câu chuyện của em Lộc T.H. ở xóm Mới, năm nay 16 tuổi nhưng đã 2 lần bị lừa bán vào động mại dâm. Lần đầu H. bị lừa đưa đi khi mới đang học lớp 9, một người phụ nữ nói sẽ đưa em xuống TP Vinh (Nghệ An) làm việc ở một quán phở. H. khi đó rất xinh đẹp, nước da trắng ngần, và H. bị đưa thẳng vào một động mại dâm ở Hà Tĩnh.
H. chia sẻ: "Khi đó em không biết là mình bị bán, em định đi làm hết hè lại về đi học tiếp. Sau khi đi em mới biết là mình bị lừa, may mắn em gặp được một chị cũng là gái bán dâm người bản Lằm cho mượn điện thoại gọi về cho bố mẹ em, chị còn cho em tiền bắt xe về nhà nữa". Nhưng bi kịch của H. không dừng lại ở đây. Sau khi H. trở về, nhà trường không cho H. đi học tiếp, không được đến lớp H. nhàn rỗi nên lại xin đi làm cho một quán cà phê trong xã.
Em Lộc Thị H. (áo đỏ) 2 lần bị bán vào động mại dâm.
Lúc này có một người tên M. là bạn của H. rủ H. đi ra Hà Nội thăm người yêu. Là bạn thân nên H. nhận lời không một chút suy nghĩ. Ngay tối hôm đó 2 người bắt xe ra Hà Nội, ra đến nơi H. mới biết mình bị lừa. Thế là H. cùng bạn bỏ trốn vào nhà người quen của bạn ở huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ở đây được một thời gian, bà chủ nhà lại bán em vào Quảng Bình để tiếp khách. Sau đó H. được công an giải cứu đưa về nhà.
Một gia đình khác không kém phần bi đát là nhà cụ Vi Văn Hoán, năm nay đã hơn 70 tuổi. Con rể cụ Hoán là Lô Văn T. đang ngồi tù, con gái mất sớm, bản thân cụ phải nuôi 6 đứa cháu. Ba đứa cháu gái của cụ là Lô Thị P., Lô Thị H. và Lô Thị T. đều bị lừa bán vào các động mại dâm mà cụ không hay biết, chỉ biết mỗi tháng vẫn thấy các cháu gửi tiền về, bảo chúng cháu làm ăn được. "Con H. giờ nó lấy chồng rồi, con T. thì đang ở bên Trung Quốc nghe nói cũng đã lấy chồng, con P. thì đang làm ở Vinh nhưng tôi cũng không biết nó làm gì, tháng nào cũng thấy nó gửi về cho ít tiền", cụ Hoán cho biết.
Còn rất nhiều trường hợp khác như em Hà Thị H. ở xã Châu Thôn cũng rời bản xuống phố, sau đó đã chết vì bệnh AIDS. H. mất một thời gian thì em gái H. là Hà Thị L. cũng đi làm ăn ở đâu bố mẹ không rõ.
Biết bao sơn nữ chỉ vì miếng cơm manh áo, gánh nặng gia đình hay vì mơ mộng một cuộc sống không phù hợp với hoàn cảnh mà đã phải đánh đổi bằng chính tương lai cuộc đời mình. Cái đói nghèo, thất học có phải là một cái tội không khi bao năm nay đã đẩy hàng trăm cô gái thôn bản hiền lành, chân chất vào vũng lầy cuộc đời?
Theo Dantri
Thuốc nổ bán tràn lan: Bóng ma mìn tự chế Việc mua bán thuốc nổ quá dễ dàng đã tạo điều kiện cho đám người xấu dùng đó làm phương tiện gây án, trả thù mâu thuẫn làm ăn, mâu thuẫn cá nhân. Những tiếng nổ kinh hoàng Điển hình nhất là dùng mìn tự tạo từ thuốc nổ để cướp tiệm vàng Hoàng Tín (124 phố Nguyễn Thái Học, P.Điện Biên, Q.Ba...