Hãng hàng không Đài Loan từng 3 lần gây tai nạn chết người
Trước khi xảy ra vụ tai nạn trên sông sông Cơ Long ngày 4/2, hãng hàng không TransAsia Airways của Đài Loan đã gặp phải 3 vụ tai nạn gây chết người khác cùng do mẫu máy bay ATR. Trong khi đó, các chuyên gia đang đưa ra nhiều giả thuyết về vụ tai nạn mới nhất.
TransAsia Airways là hãng hàng không lớn thứ 3 tại Đài Loan xét theo quy mô đội bay. Tuy vậy, họ đang phải đối mặt với những thách thức to lớn về uy tín khi để xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng chỉ trong vòng chưa đầy một năm.
Các hành khách được giải cứu khỏi chuyến bay gặp nạn hôm 4/2 (Ảnh: AFP)
Các tai nạn xảy ra trong bối cảnh hãng hàng không này đang mở rộng để tăng sức cạnh tranh với những gã khổng lồ trên thị trường nội địa là China Airlines và Eva Air. Để theo kịp với sự cạnh tranh của ngày càng nhiều hãng hàng không giá rẻ trong khu vực, TransAsia Airways từ tháng 12 cũng vừa mở thêm nhánh hàng không giá rẻ với thương hiệu V Air.
3 vụ tai nạn chết người liên quan tới máy bay ATR
Được thành lập từ năm 1951, với tên gọi Foshing Airlines, TransAsia Airways là hãng hàng không thương mại tư nhân đầu tiên trên hòn đảo này, với các chặng bay ban đầu chỉ trong nội địa Đài Loan. Đến năm 1958, hãng ngừng các chặng bay của mình để hoạt động như một đại lý cho các hãng nước ngoài.
Mãi đến năm 1983, tập đoàn xi măng Đài Loan Goldsun Development & Construction mới mua lại TransAsia Airways và khôi phục các chặng bay nội địa. Từ năm 2011, họ chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Đài Loan.
Đội bay của TransAsia Airways có nhiều máy bay ATR (Ảnh: Internet)
Hiện đội bay của TransAsia Airways có khoảng 20 máy bay, và có kế hoạch tăng gấp đôi quy mô trong vòng 5 năm tới. Một nửa số tàu bay của họ hiện là những chiếc ATR 72-500 và 72-600 dạng động cơ cánh quạt, sử dụng cho các chặng bay nội địa.
Video đang HOT
Chiếc máy bay gặp nạn hôm thứ Tư là một chiếc ATR 72-600, khi đang trên đường tới Kinmen gần Trung Quốc đại lục. Ngoài những chiếc ATR, họ cũng sở hữu một số tàu bay Airbus A320, A321 và A330 phục vụ các chặng quốc tế ngắn trong khu vực.
Theo thống kê của Mạng an toàn hàng không, TransAsia đã từng gặp 3 vụ tai nạn với máy bay ATR tính từ năm 1995. Trong đó nghiêm trọng nhất là vụ việc xảy ra tháng 7/2014, làm 48 người thiệt mạng, khi một chiếc ATR-72 đã gặp nạn trong lúc hạ cánh trong thời tiết mưa bão tại đảo Penghu. Máy bay khi đó mang theo 58 người.
Tháng 12/2002, một chiếc máy bay ATR chở hàng của TransAsia lao xuống biển làm 2 phi công thiệt mạng. Tháng 1/1995, 4 người thiệt mạng khi một chiếc ATR khác lao vào một sườn đồi.
Các máy bay Airbus trong đội bay của hãng này cũng từng liên quan tới 3 sự cố khác, trong đó có một vụ khi hạ cánh và một vụ không tặc, nhưng không gây thương vong.
Chủ tịch hiện tại của TransAsia Vincent Lin, có cha là lãnh đạo đạo tập đoàn Goldsun, cổ đông lớn của TransAsia, sau khi lên nắm quyền năm 2010 đã liên tục cho mở thêm nhiều đường bay mới. Từ sau khi trở thành công ty đại chúng cách đây 5 năm, họ đã bổ sung thêm khoảng 20 đường bay mới tới Trung Quốc đại lục và các thành phố khác tại châu Á, trước khi phải loại bỏ một số chặng.
Máy bay gặp nạn do “chết” động cơ?
Vụ tai nạn xảy ra ngày 4/2 chính là tai nạn thứ 4 của TransAsia liên quan tới máy bay ATR trong vòng 20 năm qua. Hình ảnh được camera hành trình trên xe ô tô đi qua hiện trường cho thấy, máy bay đã lật nghiêng gần 90 độ khi quẹt vào lan can một tuyến đường trên cao, trước khi lao xuống con sông gần đó.
Phi công rõ ràng đã chủ động tránh các tòa nhà cao tầng, và giữ mũi máy bay ngóc lên trước khi rơi (Ảnh: Internet)
Theo các chuyên gia, rất có thể động cơ máy bay đã gặp trục trặc. “Có thể thấy rất rõ ràng chuyện gì đã xảy ra. Đó là một vụ ngừng động cơ cổ điển – làm mất lực nâng”, nhà tư vấn hàng không và quân sự Steve Ganyard khẳng định với kênh ABC News.
Phi công được cho là đã phát tín hiệu cấp cứu về đài kiểm soát, nói rằng động cơ máy bay ngừng hoạt động. Ganyard cho biết, đoạn clip phần nào đã minh chứng cho giả thuyết này.
“Rất nhiều khi bạn đang bay với một động cơ và ở vận tốc quá chậm nó sẽ ngừng lại”, chuyên gia này phân tích. “Và máy bay có xu hướng lật nghiêng về một bên”. Trong trường hợp chuyến bay của TransAsia Airways, “phía cánh trái đã nghiêng xuống trước”.
Việc máy bay bị lật nghiêng mạnh cho thấy một bên có lực nâng nhiều hơn bên còn lại. Dù vậy, Ganyard cho rằng cũng không thể chắc chắn việc một động cơ bị trục trặc khiến máy bay rơi.
“Điều này không thực sự hợp lý, bởi một máy bay được trang bị hai động cơ vẫn có thể bay một cách hoàn hảo với chỉ một động cơ”, Ganyard khẳng định. Các phi công trong buồng lái của chuyến bay này có đủ khả năng để xử trí trục trặc đó, nhất là khi họ đã ở trong buồng lái nhiều giờ.
Hành trình của chuyến bay và vị trí xảy ra tai nạn cũng rõ ràng cho thấy các phi công biết rõ trục trặc và chủ động tìm cách di chuyển gần mặt nước, để thử khả năng hạ cánh. Mặc dù đoạn clip cho thấy máy bay va cánh vào đường cao tốc, nhưng hư hại vẫn không là gì khi so với một thảm họa có thể xảy ra nếu nó đâm vào một tòa nhà gần đó.
Ganyard chỉ ra rằng, những khoảnh khắc cuối cùng trước khi rơi, mũi của máy bay được giữ hướng lên trên để tránh va phải một tòa nhà, và bằng cách va cánh vào thành cầu, máy bay cũng giảm được lực tác động khi lao xuống nước.
Chuyên gia này cũng tỏ ra ngạc nhiên khi thấy nhiều nạn nhân may mắn sống sót mà không hề hấn gì. “Việc có một số người có thể trèo ra khỏi máy bay thực sự đáng ngạc nhiên. Chúng ta không thấy ai bị thương máu cháy đầm đìa, mà chỉ thấy họ ngồi đó”.
Tổng hợp
Theo Dantri
Máy bay AirAsia đã xin đổi hướng vì thời tiết xấu
Chiếc Airbus A320 của hãng hàng không AirAsia mất tích sáng nay (28/12) đã mất liên lạc với kiểm soát không lưu sau khi xin đổi hướng vì gặp thời tiết xấu, AirAsia xác nhận.
Lộ trình của chuyến bay QZ8501 trước khi mất tích
Theo tổng giám đốc cơ quan vận tải hàng không của Indonesia Djoko Murjatmodjo, trước khi mất liên lạc với kiểm soát không lưu, máy bay không hề phát tín hiệu khẩn cấp.
Theo báo giới Indonesia, vị trí chuyến bay QZ8501 rơi được khẳng định trong khu vực biển cách đảo Belitung chừng 145km.
Chiếc Airbus A320 được tin là đã lượn vòng trên trời để tránh một cơn bão, trước khi gặp nhiễu động nghiêm trọng và rơi trong khu vực này. Tuy nhiên, thông tin đã bị quan chức chính phủ Indonesia bác bỏ.
Theo AirAsia, cơ trưởng của chuyến bay, một người có kinh nghiệm 6.100 giờ bay, đã yêu cầu được thay đổi lộ trình do thời tiết xấu.
"Chuyến bay khi đó đang di chuyển theo kế hoạch bay đã định thì xin chuyển hướng do thời tiết trên đường đi, trước khi liên lạc với máy bay bị gián đoạn", hãng hàng không khẳng định, và cho biết lần cuối cùng chiếc máy bay bị mất tích được bảo trì là vào hôm 16/11 vừa qua.
Các hành khách trên những chuyến bay khác đã đáp xuống sân bay Changi, Singpore sau khi khởi hành từ Surabaya khẳng định với phóng viên rằng điều kiện thời tiết tại thành phố của Indonesia "không có gì bất thường".
"Trời có hơi nhiều mây nhưng không có yếu tố gì khiến máy bay phải trì hoãn việc cất cánh", một hành khách của Singapore Airlines nói.
Ông Hendrich Sugiarto, người đi trên chuyến bay số GA854 của hãng Garuda Indonesia cũng từ Surabaya tới Singapore, khởi hành sau chuyến bay bị mất tích chừng 1,5 - 2 giờ thì chia sẻ trên Facebook của kênh Channel NewsAsia rằng chuyến bay của mình diễn ra hoàn toàn êm ái, không có nhiễu động. "Không có gì bất thường... trời xanh và không nhiều mây", Sugiarto nói.
Trong khi đó trang thông tin thời tiết WeatherBug thì cho biết dữ liệu về sấm sét của mình cho thấy, có một số tia sét đánh xuống khu vực gần được bay của QZ8501. Dù vậy, một phi công về hưu cho biết "sét không thể khiến máy bay rơi".
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Đài Loan trục vớt thân máy bay từ dưới sông Lực lượng cứu hộ Đài Loan thông báo đã trục vớt thành công thân máy bay TransAsia Airways từ dưới sông Cơ Long, đồng thời cho biết hiện vẫn còn 12 người mất tích, trong khi số nạn nhân tử vong đã tăng tới 31 người. Lực lượng cứu hộ đã trục vớt thành công phần thân của máy bay TransAsia Airways. (Ảnh:...