Hàng Gà
Phố Hàng Gà dài 228 mét, kéo dài từ phố Hàng Cót đến phố Hàng Điếu.
Khi tường thành chưa bị phá, hào chưa lấp, đã có một con đường thông từ khu vực Cửa Bắc xuống chợ Đông Thành, con đường đi sát bên ngoài thôn Tân Khai, nay gồm hai phố Hàng Cót và Hàng Gà. Về tên phố, ban đầu các giấy tờ hành chính đều viết là phố Tân Khai, vì con đường đi qua đất thôn này, nhưng nhân dân lại quen gọi tách riêng đoạn giáp Bát Đàn và Cửa Đông là phố Thuốc Nam, và đoạn bên trên tiếp với Hàng Cót là phố Hàng Gà. Thời thuộc Pháp, Hàng Gà và Thuốc Nam mang tên chung là Rue Tien Tsin (đọc là Thiên Tân, Pháp muốn ghi công thắng lợi ngoại giao của họ đối với Trung Quốc năm 1898). Nay ta đổi lại cũng gọi chung là Hàng Gà, cả phố dài hai trăm ba mươi mét.
Gọi là phố Thuốc Nam vì trong phố có nhiều nhà bán thuốc Nam, tập trung ở quãng từ Nhà Hoả đến Bát Đàn. Cửa hàng bán thuốc Nam cũng sơ sài: gần cửa bày những thúng đựng các vị thuốc sản xuất ở trong nước, có cả một số vị thuốc nhập của Tàu chưa hoà chế. Nhà hàng nhận cân hộ thuốc cho khách hàng ở tỉnh xa về, nhận đơn rồi lên Hàng Buồm hoặc sang phố Phúc Kiến cân giao cho khách lấy hoả hồng. Vì trong phố bán vị thuốc nên có mấy ông lang đông y cũng mở cửa hàng xem mạch bốc thuốc (được tiếng có hiệu Thụ Đức).
Còn tên Hàng Gà là vì ở đoạn phố này có những nhà chuyên buôn bán gia cầm: gà vịt, ngan ngỗn, gà tây, chim bồ câu, họ tập trung ở bên trên chùa Thái Cam tiện lối ra chợ Đông Thành, Cầu Đông. Những nhà bán gà không mở cửa hàng; họ bán hàng ở trong nhà, có những chiếc lồng to nhốt hàng năm sáu chục con gà vịt. Khách quen đến mua tận nhà, và hàng còn đem bán trong các chợ khu Cửa Đông; còn một cách nữa là xách đi bán rong các phố, vào các nhà, vào các tiệm ăn là khách hàng quen. Hồi quân pháp mới sang và đóng ở trong Thành, có nhiều người buôn gà làm ăn khá do cung cấp thực phẩm cho nhà binh khi ấy bị ta chống cự ráo riết, có kẻ giúp chúng được nhiều việc, được chúng cho làm quan.
Phố Hàng Gà ở trên một con đường vốn có từ lâu nên nhà cửa đa số diện tích hẹp, nhà làm kiểu cổ, mái thấp, một tầng hoặc thêm nhiều gác xép. Từ những năm sau 1920, nghề buôn thuốc nam tàn tạ dần, còn nghề buôn gà vịt chủ yếu là đem vào bán trong các chợ; Phố Hàng Gà không còn vẻ là một phố buôn bán. Những người dân trong phố này phần đông là công chức bậc trung và nhân viên sở tư, họ là những người đi ở thuê, chủ nhà đất số đông là những nhà buôn bán lớn ở phố khác.
Video đang HOT
Xen vào giữa các nhà tư nhân lác đác có một số cửa hàng nhỏ, chồng đi làm, vợ bán hàng xén lặt vặt, hàng nước; vài ba nhà làm nghề đan cót làm trần nhà và đan lồng bán cho người nuôi chim chơi: sáo, hoạ mi, yểng… một hiệu đối trướng, hiệu Giụ Long, số 18, chủ nhân là Phan Đình Giáp, người đầu tiên có sáng kiến cắt chữ dán làm câu đối; nhà hàng này nhận vẽ thêu bán các mặt hàng mỹ nghệ ngà và đồi mồi. Phố Thuốc Nam sau còn sót lại một số gia đình nhà nho cũ sống chật vật sau khi nghề bán thuốc không còn đông khách nữa.
Nguyễn Phan Lãng, một nhà nho tham gia tích cực phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1908, bị thực dân kết án đày ra Côn Đảo; những năm hai mươi, mãn hạn tù về ở phố Thuốc Nam, viết câu đối thuê kiếm ăn; ông có làm bài thơ nói tâm sự một nhà nho thất thế.
Tuy thuộc phố Hàng Gà, nhưng chỗ ngã tư góc đường vào Cổng Tỉnh là nơi buôn bán khách hàng đi lại đông đúc, có những tiệm ăn uống của Pháp, Hoa Kiều và Nhật coi như thuộc về sinh hoạt của phố Cửa Đông.
Hàng Gà ở sát khu quân sự Cửa Đông, chiến sự cuối năm 1946 – đầu 1947 không làm cho nhà cửa trong phố này thiệt hại mấy. Đường phố cổ mà có những ngôi nhà kiểu mới là làm trong thời kỳ tạm chiếm của những nhà buôn làm giàu nhờ đầu cơ tình hình chiến tranh.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hàng Nón
Phố Hàng Nón hiện nay là một phố tương đối dài hơn mấy phố chung quanh: 216 mét, đi từ phố Đường Thành đến phố Hàng Quạt, chỗ ngang ngã ba Hàng Hòm.
Ngày xưa thì phố Hàng Nón chỉ là một đoạn của Hàng Nón bây giờ, là ngã tư Hàng Điếu - Hàng Gà đến ngã ba Hàng Thiếc; còn đoạn đầu phía tây giáp Đường Thành mới có về sau đồng thời với phố Đường Thành (khoảng 1920); và đoạn đầu phía đông từ Hàng Thiếc đến ngã ba Hàng Hòm trước kia là phố Mã Vĩ giáp Hàng Đàn.
Đoạn phố ngắn của Hàng Nón giáp Đường Thành vì mở đường sau nối dài đoạn phố chính, chỉ là hai dãy tường bên và cửa ngách của mấy ngôi nhà lớn mặt trước quay sang phố Đường Thành hoặc phố Hàng Điếu. Vì vậy chỗ này không có số nhà (những số nhà hiện có là đặt về sau khi những nhà phụ trở thành chỗ ở chính của những gia đình về Hà Nội sau 1954).
Đoạn chính của phố Hàng Nón, từ xưa là nơi có nhiều cửa hàng bán nón. Cho mãi đến đầu thế kỷ 20, người Việt Nam, có cả người Hà Nội, đàn ông cũng như đàn bà đều dùng nón đội đầu. Đàn ông có nón dứa, nón lông có chóp bằng bạc hoặc đồng. Đàn bà có nhiều loại nón hơn, sang thì dùng nón thúng quai thao (còn gọi là nón Nghệ), người tầm thường, người lao động thì đội nón ba tầm, nón chảo làm bằng lá gồi mềm. Từ những năm cuối thập niên mười, người Hà Nội trừ những người có tuổi, đàn ông không ai đội nón nữa, họ đội khăn bịt, đi ô; đàn bà sang trọng dùng dù vải. Ngoài đường chỉ thấy những người lao động nặng nhọc lam lũ còn đội nón lá.
Trước kia sự dùng nón còn phổ biến trong nhân dân thì ở phố Hàng Nón cả hai dãy mặt phố đều có cưả hàng bán đủ các loại nón, kể cả nón "tu lờ" dành cho nhà chùa. Cửa hàng bán nón ở trong phố thưa dần, sau chỉ còn vài ba nhà giữ nghề cũ, nón chỉ còn thấy bán ở trong các chợ.
Những cửa hàng bán nón ở Hàng Nón được thay thế bằng những hiệu buôn những mặt hàng khác.
Có mấy cửa hàng bán guốc sơn dùng cho phụ nữ: Mỹ Sinh và Mỹ Thịnh; chủ hiệu là người làng Hà Vỹ, một làng có nghề cổ truyền sơn ta. Họ từ Hàng Hòm dọn đến đây mua guốc gỗ đẽo sẵn, sơn mầu để bán.
Có mấy cửa hiệu bán giày, mũ: Đức Long - Chính Thuận (số 39); nhà này sau chuyển sang bán sơn ta và bị cháy to. Một cửa hiệu tơ lụa của Khúc Thành Trần Thị Tư (nhà số 58): buôn và bán lĩnh Bưởi, the La Cả; họ mua hàng mộc về thuê nhuộm rồi gửi vào Nam bán.
Một cửa hiệu may Tây của Chu Mậu mà người Hà Nội thời đó quen với cái tên là Charles Mau's Tailor (Sác Mốt), số nhà 41. Đó là một trong số những người "lăng xê mốt quần áo phụ nữ tân thời" những năm sau 1930. Nhân vật phố Hàng Nón có Bát Dáy, một nhà giàu chuyên cho vay lãi, được nhiều người Hà Nội nói đến tên. Nguyễn Huy Hợi (nhà số 18) làm nhân viên kế toán nhà Gô Đa; ông này đứng ra lập Hội ái hữu nông Công Thương đồng nghiệp, ra tờ báo Hữu Khanh xuất bản trong những năm 1921 - 1923, cụ nghè Ngô Đức Kế làm chủ bút.
Trong những năm 1928 - 1929 do hoạt động của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, có tổ chức ra những Công hội; Nguyễn Đức Cảnh năm 1929 đã triệu tập được một cuộc họp có nhiều đại biểu tham dự trong một nhà có cửa hàng thuốc lào nhỏ (số 15 Hàng Nón).
Qua cơn khủng hoảng kinh tế những năm 1930 - 1931 và nhất là đời sống khó khăn thời kỳ đầu Chiến tranh thế giới (1939 - 1940) nhiều nhà buôn ở Hàng Nón bị sa sút phải bán cửa hàng dọn đi đến ở phố khác; nhưng cũng có nhiều công chức lại chuyển sang kinh doanh hàng tơ sợi Nhật, tơ Bình Định, Quy Nhơn, tranh khách hàng tơ lụa Lyon của Pháp (như nhà Tô Châu). Chiến sự năm 1946 - 1947, Hàng Nón tuy nằm ở giữa Liên khu I song không bị phá hoại mấy.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hàng Điếu Phố dài 276 mét, từ phố Hàng Gà đến phố Đường Thành. Trước mặt trước chợ Hàng Da là một địa điểm có tới ngót chục đoạn phố hội tụ, phố Hàng Điếu ở ngay chỗ địa điểm đó. Phố Hàng Điếu gồm khoảng tám chục số nhà ở cả hai bên mặt phố; những nhà lớn có diện tích rộng không nhiều,...