Hàng chục nghìn xe taxi sắp bị … “theo dõi”
- Theo Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (lần 3) do Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn thành, tới đây hàng chục nghìn xe taxi cũng sẽ bị “theo dõi”, giám sát hoạt động bằng việc phải lắp đặt thiết bị hộp đen.
Như VnMedia đã đưa tin từ ngày 1/7/2011, nhóm đối tượng 1: gồm xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải gắn thiết bị giám sát hành trình.
Với nhóm đối tượng 2 gồm: xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng thì thời hạn gắn thiết bị giám sát hành trình phải kết thúc vào ngày 1/1/2012. Và đến ngày 1/7/2012 là thời hạn mà tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô, xe khách du lịch, xe container… đều phải lắp đặt thiết bị giám sát trình của xe.
Sau gần 2 năm tích cực vận động các doanh nghiệp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hiện toàn quốc đã có gần 50.000 phương tiện trong diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị hộp đen và chính thức chịu sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.
Mới đây, để tiếp tục quản lý các phương tiện chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, Bộ Giao thông vận tải đã soạn thảo Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đưa ra các quy định buộc các phương tiện chưa lắp thiết bị hành trình phải lắp thiết bị này trong thời gian tới.
Cụ thể, trong dự thảo mới lần này, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, tới đây, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công ten nơ, xe đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen); thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.
Hàng chục nghìn xe taxi sắp phải gắn thiết bị hộp đen. Ảnh: Tùng Nguyễn
Về lộ trình gắn thiết bị giám sát hành trình, dự thảo đề xuất đến ngày 1/7/2015, trên xe taxi phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe.
Đến ngày 1/1/2016, trên xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe.
Video đang HOT
Đến ngày 1/1/2017, trên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe.
Thiết bị giám sát hành trình của xe phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu như: Lưu giữ và truyền dẫn được các thông tin: hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong 24 giờ của từng lái xe. Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải và quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải.
Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm
Theo dự thảo, ngoài việc từ 1/7/2015, trên xe taxi phải gắn thiết bị giám sát hành trình, dự thảo cũng quy định, từ ngày 1/7/2016, xe taxi phải có thiết bị in hoá đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách.
Bên cạnh đó, taxi phải có hộp đèn với chữ “TAXI” gắn cố định trên nóc xe; hộp đèn phải được bật sáng khi xe không có khách và tắt khi trên xe có khách.
Về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, dự thảo nghị định quy định, xe taxi phải có sức chứa từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng không quá 8 năm.
Ngoài ra, tại dự thảo này, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Chính phủ giao Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng quy hoạch phát triển vận tải khách bằng xe taxi; quản lý hoạt động vận tải bằng taxi, xây dựng và quản lý điểm đỗ cho xe taxi trên địa bàn.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quy định về đăng ký màu sơn thống nhất cho xe taxi của từng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Đặc biệt, đến năm 2016, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khác quy định về đăng ký màu sơn thống nhất cho xe taxi của từng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương có quy định màu sơn cho xe taxi thì đơn vị kinh doanh vận tải phải đăng ký màu sơn và thực hiện theo quy định của Uỷ ban Nhân dân thành phố.
Đặc biệt, nhằm loại bỏ và hạn chế bớt số lượng các đơn vị không đủ điều kiện để cấp phép kinh doanh taxi, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cần quy định số lượng xe taxi tối thiểu mà mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã phải có (không dưới 10 xe và không quá 100 xe) khi kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn.
Tùng Nguyễn
Theo_VnMedia
Chưa dùng dữ liệu "hộp đen" xử phạt vi phạm giao thông
"Việc xử lý vi phạm Luật giao thông qua việc trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) vẫn chưa được thực hiện", ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) cho biết,
Phát hiện nhiều xe chạy quá tốc độ
Theo ông Quyền, hiện có gần 50.000 phương tiện trong diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS- hộp đen) đã chính thức chịu sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước bắt đầu từ ngày 1/3 vừa qua.
Tuy nhiên, xử lý vi phạm Luật giao thông qua việc trích xuất dữ liệu từ hộp đen vẫn chưa được thực hiện.
Rất nhiều xe vi phạm tốc độ qua trích xuất dữ liệu từ giám sát hành trình.
Cụ thể, từ 1/3/2014, dữ liệu của toàn bộ hộp đen do đơn vị lắp đặt trên các phương tiện vận tải sẽ phải truyền liên tục về máy chủ của Tổng cục Đường bộ VN. Sau đó, máy chủ sẽ tiếp tục xử lý và tổng hợp thông tin.
Mỗi phương tiện chạy trên đường có lắp thiết bị GPS sẽ được giám sát liên tục bằng một biểu đồ riêng, thể hiện rõ 5 thông tin trong toàn bộ thời gian thiết bị hoạt động gồm: Tốc độ chạy xe, thời gian làm việc của lái xe, hành trình xe, số lần đóng mở cửa xe, thời gian và số lần dừng đỗ xe.
Ông Quyền cho hay, Tổng cục đã thí điểm thành công việc tích hợp dữ liệu và theo dõi tổng hợp thông tin từ hệ thống Trung tâm dữ liệu GPS. Đồng thời cũng yêu cầu các Sở GTVT địa phương đôn đốc các đơn vị vận tải, các đơn vị cung ứng thiết bị, dịch vụ kết nối truyền dữ liệu vào hệ thống máy chủ.
Dẫn chứng, kiểm tra dữ liệu vào sáng ngày 4/3 vừa qua, có tới 11.054 xe đã được truyền dữ liệu trực tiếp về trung tâm, bước đầu đã phát hiện được xe chạy với tốc độ lên tới 105km/giờ...
Chỉ nhắc nhở!
Tuy nhiên, theo ông Quyền, việc xử phạt vi phạm thông qua hộp đen sẽ chưa được áp dụng trong thời gian tới mà chỉ nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục. Trường hợp không khắc phục theo đúng yêu cầu hoặc tái phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định.
Lý giải điều này, ông Quyền cho rằng, tại Nghị đinh 171 của Chính phủ cũng đã có quy định xử phạt liên quan tới thiết bị hộp đen, song hiện bước đầu, việc khai thác thông tin từ thiết bị này chỉ nhằm giúp các đơn vị vận tải quản lý lái xe, phương tiện, giúp cơ quan chức năng giám sát doanh nghiệp. Việc xử lý cũng chỉ dừng lại ở phạm vi nội bộ.
Bổ sung thêm, thống kê của Tổng cục Đường bộ cho thấy, hiện tại, dữ liệu truyền về từ các Sở GTVT địa phương vẫn chưa đầy đủ. Tính đến cuối tháng 2/2014, mới có khoảng 30% các địa phương truyền dữ liệu về. Trong khi đó, hiện sever máy chủ của Tổng cục vẫn là máy đi thuê do thiếu kinh phí.
"Tới đây, Tổng cục Đường bộ sẽ làm việc với các lực lượng chức năng như Công an để có sự phối hợp, sử dụng thông tin từ thiết bị hộp đen vào việc xử phạt vi phạm giao thông đồng thời đề nghị Bộ GTVT cấp kinh phí đầu tư hệ thống máy chủ để đảm bảo tính khách quan cao hơn," ông Quyền nói.
Theo quy định tại Thông tư 55 của Bộ GTVT về việc quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/4/2014, các DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải sẽ bị đình chỉ, thu hồi quyền khai thác tuyến cố định từ 1-3 tháng như: Không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch các thông tin bắt buộc theo quy định từ thiết bị hộp đen; trích xuất dữ liệu 3 tháng phát hiện lái xe vi phạm quy định về tốc độ, đón trả khách không đúng nơi quy định...
Đề cập đến việc thời gian tới nếu xử phạt vi phạm qua hộp đen thì liệu mức phạt có "trói" chặt được các đơn vị vận tải, ông Quyền nhìn nhận, mức độ xử lý vi phạm như nêu ở trên là nghiêm khắc, ràng buộc rõ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong tổ chức kinh doanh vận tải.
Gia Văn
Theo VietNamNet
Điểm mặt nguyên nhân gây "vỡ" bến xe Mỹ Đình Thời gian qua, dư luận bàn tán nhiều quanh việc bến xe Mỹ Đình quá tải, gây "vỡ" bến. Vậy đâu là những nguyên nhân gây ra tình trạng lộn xộn trên? Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến việc tổ chức, hoạt động bến xe...