Hàng chục nghìn người sơ tán do lũ lụt ở Bangladesh
Ngày 9/7, giới chức Bangladesh cho biết lũ lụt đã khiến hàng chục nghìn người ở nước này phải sơ tán, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi và trường học phải đóng cửa.
Ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Dhaka, Bangladesh ngày 2/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Bộ Quản lý và Cứu trợ thiên tai, khoảng 40.000 người đang trú ẩn tại các cơ sở tạm trú của chính phủ. Hơn 600 đội y tế đã được thành lập để điều trị cho những người bị ảnh hưởng do lũ lụt.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy đường phố biến thành sông và người dân lội qua dòng nước sâu đến đầu gối. Lũ lụt cũng gây hư hại cầu đường và đập thủy điện.
Video đang HOT
Cơ quan khí tượng Bangladesh dự báo mưa lớn sẽ tiếp tục trút xuống khu vực miền Trung và miền Nam nước này, nhưng mực nước sông Brahmaputra có thể sẽ rút trong vài ngày tới. Ông Rezwanul Rahman, người đứng đầu Cơ quan quản lý thiên tai của Bangladesh, cho biết cơ quan này đã thực hiện các biện pháp để ứng phó với tình hình.
Cho đến nay, lũ lụt đã ảnh hưởng đến hơn 2 triệu người ở Bangladesh.
Mùa gió Hè từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm mang lại cho các nước khu vực Nam Á từ 70-80% lượng mưa, nhưng đồng thời gây ra lũ lụt và các vụ lở đất nguy hiểm đến người dân và cơ sở hạ tầng.
Mưa bão khiến gần 250.000 người ở miền Đông Trung Quốc phải sơ tán
Ngày 3/7, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin 242.000 người ở miền Đông nước này đã phải sơ tán khi mưa bão hoành hành tại nhiều địa phương, khiến mực nước sông Dương Tử và các sông khác dâng cao.
Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại thành phố Hoàng Sơn, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 23/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp tỉnh An Huy cho biết tính đến 16h ngày 2/7, mưa bão đã quét qua 36 quận, huyện thuộc 7 thành phố trong tỉnh, gây ảnh hưởng tới 991.000 hộ gia đình và buộc 242.000 người phải sơ tán. Mực nước trên sông Dương Tử đoạn qua tỉnh An Huy vượt quá mức cảnh báo và tiếp tục dâng cao. Mưa lớn cũng đẩy mực nước ở 20 con sông và 6 hồ khác trong tỉnh này lên trên mức cảnh báo.
Từ 17h ngày 1/7 đến 17h ngày 2/3, lượng mưa đo được tại hàng trăm trạm thời tiết trên khắp tỉnh An Huy lên tới 100 mm.
Tại quận Hà Tây, gần thủ phủ Hợp Phì của tỉnh An Huy, lượng mưa đo được là khoảng 266 mm. Chính quyền đã điều nhân lực đến giám sát các đập và đê dọc sông Dương Tử ở An Huy.
Văn phòng thời tiết tỉnh dự báo sẽ có nhiều mưa hơn trên khắp An Huy từ ngày 3-5/7 và đưa ra cảnh báo về "thảm họa địa chất" ở các khu vực phía Nam.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã phải hứng chịu những điều kiện thời tiết khắc nghiệt kéo dài, từ mưa lớn đến nắng nóng thiêu đốt. Theo các nhà khoa học, lượng khí thải nhà kính lớn tại nước này là nguyên nhân làm trầm trọng hơn tình trạng biến đổi khí hậu, gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Tháng trước, lũ lụt ở tỉnh Hồ Nam đã cướp đi sinh mạng của 5 người, trong khi một vụ lở đất tại đây khiến 8 người thiệt mạng. Mưa lũ cũng là nguyên nhân khiến 38 người thiệt mạng ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc trong tháng 6.
Số người thiệt mạng do mưa lũ tại Trung Mỹ tăng cao Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, mưa, bão tấn công khu vực Trung Mỹ kể từ cuối tuần trước đến ngày 21/6 đã khiến ít nhất 30 người thiệt mạng, buộc hàng nghìn người phải sơ tán, gây lũ lụt, lở đất, phá hủy nhà cửa và cô lập cộng đồng dân cư ở nhiều nơi, chủ yếu tại El Salvador, Guatemala...