Hàng chục nghìn người biểu tình phản đối hạn chế phòng dịch
Hàng chục nghìn người tuần hành ngày 1/5 tại sân vận động Olympic, Montreal để phản đối hạn chế do chính quyền áp đặt nhằm ngăn Covid-19.
Những người biểu tình, hầu hết không đeo khẩu trang và phớt lờ quy tắc giãn cách xã hội, thổi kèn, cầm bóng bay và những biểu ngữ phản đối các biện pháp phòng dịch. Họ cho rằng những hạn chế do chính quyền Quebec áp đặt là “vô lý”.
Người biểu tình tụ tập ở Montreal ngày 1/5. Video: AFP .
Họ phản đối quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi tụ tập ngoài trời và lệnh giới nghiêm cấp tỉnh được áp dụng vào đầu tháng một. Cảnh sát từ chối ước tính đám đông, nhưng truyền thông Canada đưa tin khoảng 30.000 người tham gia tuần hành, khiến đây là cuộc biểu tình lớn nhất chống lại các hạn chế phòng dịch ở Quebec trong những tháng gần đây.
Do tốc độ lây nhiễm đang chậm lại, chính quyền Quebec quy định từ 3/5, thời gian bắt đầu giới nghiêm ở Montreal sẽ được lùi từ 20h xuống 21h30. Tuy nhiên, người biểu tình vẫn chưa hài lòng với cách nới lỏng này. “Chúng tôi chỉ đơn giản là yêu cầu chấm dứt các biện pháp y tế”, Daniel Pilon, người tổ chức tuần hành, nói.
“Hệ quả do các biện pháp y tế gây ra còn lớn hơn nhiều so với hệ quả do Covid-19 gây ra”, ông nói thêm, đồng thời cho biết số vụ tự tử và phá sản đã gia tăng.
Người biểu tình giơ biểu ngữ yêu cầu gỡ hạn chế tại Montreal ngày 1/5. Ảnh: AFP .
Thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi cuộc biểu tình là “rất đáng thất vọng”. “Điều trớ trêu là bằng cách tụ tập, mọi người đang đặt nhau vào nguy cơ lây nhiễm nCoV và kéo dài thời gian chúng ta phải đối mặt với các biện pháp hạn chế và y tế công cộng”, ông nói.
Sân vận động Olympic của Montreal là một trong những địa điểm tiêm chủng lớn nhất ở Canada. Nó phải đóng cửa vào ngày 1/5 do cuộc biểu tình. Canada ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm và 24.200 trường hợp tử vong, hơn một nửa trong số đó ở Ontario và Quebec.
LHQ không đạt đồng thuận về Myanmar
Hội đồng Bảo An LHQ không thể đạt đồng thuận trong tuyên bố chung về cuộc khủng hoảng Myanmar, có thể do Nga và Trung Quốc phản đối.
Tuyên bố chung do Anh soạn thảo đã không thể đạt được đồng thuận từ tất cả thành viên trong phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 30/4.
Bản sao dự thảo cho thấy Hội đồng Bảo an có kế hoạch "ủng hộ hoàn toàn vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)", đồng thời khuyến khích chuyến thăm của đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner được tiến hành "càng sớm càng tốt". Dự thảo cũng nhấn mạnh các thành viên HĐBA "một lần nữa lên án mạnh mẽ bạo lực đối với người biểu tình ôn hòa" và "nhắc lại kêu gọi quân đội kiềm chế tối đa".
Các nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc và Nga đã phản đối dự thảo của Anh và đề xuất văn bản riêng, điều mà đa số thành viên Hội đồng Bảo an cho rằng "không thể chấp nhận". Họ cho biết các cuộc thảo luận đang được tiến hành để hợp nhất hai dự thảo.
Người biểu tình chống đảo chính chạy trốn cảnh sát và binh lính ở thành phố Yangon hôm 27/4. Ảnh: AP .
Phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Việt Nam triệu tập để trình bày kết luận từ hội nghị thượng đỉnh về Myanmar của ASEAN ở Indonesia tuần trước. ASEAN sẽ bổ nhiệm một phái viên để hỗ trợ giải quyết khủng hoảng chính trị ở Myanmar sau cuộc đảo chính ngày 1/2.
Trong cuộc họp, đặc phái viên Christine Schraner cũng trình bày báo cáo về phiên thảo luận dài giữa bà và lãnh đạo quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, được tổ chức bên lề hội nghị của ASEAN. Các nhà ngoại giao cho biết đặc phái viên, người hiện ở Bangkok, tiếp tục bị từ chối yêu cầu tới thăm Myanmar.
Brunei, hiện là chủ tịch ASEAN, đã đề xuất ý tưởng về chuyến thăm chung của đặc phái viên LHQ và người đồng cấp ASEAN trong tương lai.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), gần 760 dân thường Myanmar đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính suốt ba tháng qua. Chính quyền quân sự gọi người biểu tình là "những kẻ bạo loạn tham gia hành động khủng bố".
Nga bắt 1.000 người tuần hành ủng hộ Navalny An ninh Nga bắt hơn 1.000 người tuần hành trên khắp đất nước, kêu gọi thả lãnh đạo đối lập Navalny do lo ngại sức khỏe của ông. Hàng nghìn người ủng hộ nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny hôm 21/4 tuần hành ở trung tâm thủ đô Moskva yêu cầu trả tự do cho ông. Đám đông ban đầu dự...