Hàng chục hộ dân sống thấp thỏm bên “miệng hố tử thần”
Sau dự án đường vòng núi Chụt, hàng chục hộ dân ở khóm Trường Hải ( phường Vĩnh Trường, Nha Trang, Khánh Hòa) sống trong cảnh có thể bị “tử thần” gọi tên bất cứ lúc nào, vì bên cạnh móng nhà là núi đá bị khoét sâu cả chục mét, không hề có rào chắn.
Người dân sống chênh vênh bên dốc núi sau khi dự án thi công đường vòng núi Chụt, đoạn qua khóm Trường Hải (phường Vĩnh Trường, Nha Trang) hoàn thành.
“Đánh cược” mạng người bên núi đá chênh vênh
Cách đây chừng 2 tháng, chị Nguyễn Thị Chín (37 tuổi) khi cùng chồng thức dậy để đi làm vào rạng sáng, không may sảy chân bị ngã từ độ cao hơn chục mét ngay trước thềm nhà. Do ngã từ trên cao và va đập vào vách núi khiến chị Chín tử vong tại chỗ trước sự chứng kiến của chồng, con. Nhà nghèo, chị Chín mất sớm bỏ lại chồng nghề nghiệp không ổn định cùng 2 con nhỏ đang tuổi ăn học khiến người dân trong xóm xót xa.
Mới đây, ngày 25/6, cháu Huy (học sinh lớp 2) con của chị Lê Thị Bé (45 tuổi) khi đang chạy chơi không may bị té, trượt dài bên vách núi. Rất may, mẹ cháu Huy đứng gần đó chạy đến túm lấy áo kéo lên trước độ cao khoảng 20 mét. Sau lần này, cháu Huy thất thần, dù đã được người thân trấn an nhưng cháu không dám ra khỏi nhà mấy ngày liền.
Đã có một phụ nữ sinh sống tại đây tử vong sau khi trượt chân từ trên núi rơi xuống mặt đường.
Trước đó, vào năm ngoái, con của chị Nguyễn Thị Hương (33 tuổi) bị sảy chân từ trên núi, đập đầu vào vách đá và rơi từ độ cao 7 mét xuống đất. Rất may, cháu bé giữ được mạng sống, sau khi phải khâu 8 mũi vì đa chấn thương.
Theo người dân sinh sống ở núi đèo Trường Hải, tai nạn không chỉ xảy ra với người mà còn xảy ra với động vật. Cách đây khoảng một tuần, con chó nặng 30kg của ông Đinh Văn Em bị trượt chân rơi từ trên núi xuống mặt đường nhựa, chết tại chỗ.
Người dân cho biết, khi trời mưa lớn, đất đá từ trên cao sạt lở đổ ào lên mái nhà và chảy xiết gây xói lở rất nguy hiểm. Do tiềm ẩn nhiều tai nạn, nên vào mùa mưa, trẻ em ở khóm Trường Hải phải nghỉ học, còn người già, phụ nữ… thì không dám ra khỏi nhà vào ban đêm. Một số hộ khác thì đóng cửa, chuyển về nội hoặc ngoại ở tạm ít tháng để qua mùa mưa.
Video đang HOT
Người dân bức xúc…
Sau khi vợ chết, ông Phú Ngọc Hiệp (chồng chị Chín) đã làm đơn “Xin cứu hộ khẩn cấp” gửi cơ quan chức năng “tạo điều kiện giúp đỡ cho gia đình có nơi ở mới để ổn định cuộc sống và tính mạng”. Song, đến nay, nguyện vọng của anh Hiệp vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết. Vì thế, rủi ro có thể đến với anh và các con bất cứ lúc nào.
Cũng như ông Hiệp, khoảng 20 hộ dân sinh sống trên núi đèo Trường Hải có nguyện vọng được bố trí một nơi ở mới để yên tâm làm ăn, nhưng trước mắt họ mong muốn chính quyền quan tâm làm rào chắn, đường lên núi để người dân đi lại nhằm giảm bớt tai nạn.
Ông Phú Ngọc Hiệp đã làm đơn “Xin cứu hộ khẩn cấp” gửi cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết.
“Hồi xưa chưa làm dự án đường vòng Núi Chụt để mở đường Võ Thị Sáu đoạn qua khóm Trường Hải thì hàng ngày chúng tôi vẫn gánh nước lên sinh hoạt đều đặn. Nhưng từ ngày làm dự án, họ khoét núi vào sát nhà dân khiến con đường đi lên hất hiểm trở, dốc cao, chênh vênh nguy hiểm nên bà con không dám gánh nước như trước nữa. Hiện người dân sống ở núi đèo Trường Hải thiếu nước trầm trọng”, chị Nguyễn Thị Hoa (46 tuổi), nhà bị “khoét” chênh vênh bên đèo bức xúc.
Bà Võ Thị Khỏe (65 tuổi), một hộ dân khác bày tỏ: “Ở đây con nít và người già rất nhiều, trong khi đường lên núi cheo leo đầy nguy hiểm. Chúng tôi không yêu cầu gì nhiều, chỉ mong cấp trên quan tâm làm đường cho bà con đi lại, chứ tôi cũng già rồi mà mỗi lần đi lại là cứ phải bò…”.
“Chúng tôi đã gửi đơn ký tập thể lên phường rồi, nhưng phường chưa giải quyết. Sắp tới mưa bão, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với hơn 20 hộ dân sinh sống ở đây”, chị Hoa lo lắng nói.
Trưa ngày 26/6, PV Dân trí đã đến phường Vĩnh Trường để liên hệ làm việc và một lãnh đạo phường này cho biết phải chờ ý kiến của Chủ tịch phường. Chúng tôi đã đặt lịch liên hệ làm việc với lãnh đạo phường và đến trưa hôm sau (27/6) đã liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Bá Thuận, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường, nhưng ông này đã từ chối trả lời với lý do bận họp (!?).
Viết Hảo
Theo Dantri
Ruộng đồng khô hạn, "biển nước" bị lãng phí vô tội vạ
Trong khi hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp ở nhiều biển ngang huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) thiếu nước sản xuất trầm trọng, thì hàng triệu mét khối nước tại Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang bị lãng phí một cách vô tội vạ.
Nghịch cảnh xót xa
Tháng 4 mới chỉ là khởi đầu của mùa khô hạn, vậy mà đi dọc suốt 6 xã bị ảnh hưởng của đại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), chúng tôi dễ dàng cảm nhận được khốn cảnh của người dân trong cơn quay quắt thiếu nước. Không thể đếm hết có bao nhiêu giếng nước sinh hoạt, bao nhiêu ao hồ, khe suối ở đây bị trơ đáy. Số chưa trơ đáy, cạn kiệt cũng không thể dùng được, do nhiễm phèn đến đậm đặc.
Băng qua những cánh đồng rộng lớn ở các xã này, một thảm cảnh sản xuất bị đình đốn do thiếu nước hiện ra trước mặt. Những cánh đồng bỏ không, bị cát vùi lấp, bị sa mạc hóa một cách rất nhanh khiến an ninh lương thực trên địa bàn bị đe dọa một cách trầm trọng. Một cán bộ tại UBND huyện Thạch Hà thông tin, thực trạng này xảy ra tại nhiều xã ở vùng biển ngang, nhưng nặng nhất là 4 xã Hải, Khê, Đỉnh, Bàn (Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Đỉnh và Thạch Bàn- PV). Tại 4 xã này, 100% diện tích nước tưới phụ thuộc vào tự nhiên, nên khi dự án khai thác sắt Thạch Khê triển khai, mạch nước ngầm bị mong mỏ ở độ sâu gần 30m hút. Ao hồ, khe suối vì thế cạn kiệt, một diện tích lớn đất bị bỏ hoang xuất phát từ thực trạng này.
Hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp tại 6 xã ảnh hưởng trực tiếp Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà) bị ảnh hưởng do thiếu nước sản xuất trầm trọng. Thực trạng này một phần do moong mỏ Dự án khai thác Sắt Thạch Khê gây ra.
Tại xóm 1 Thượng Hải, xã Thạch Hải, nơi có hơn 30 héc ta diện tích đất trồng rau màu và cây ăn quả vốn - là nguồn sống của 64 hộ dân trong xóm - bị bỏ hoang do thiếu nước. Không đất canh tác nên cuộc sống bà Nguyễn Thị Hoa và hàng chục hộ dân trong xóm rơi vào cảnh cùng cực. Vì miếng cơm, cọng rau họ vẫn ra sức sản xuất, nhưng càng sản xuất người dân càng thất bại vì cây cối, hoa màu vừa trồng đã héo, chết.
"Trước đây, khi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa triển khai người dân chúng tôi còn tự sản xuất được màu, cây ăn quả. Nhưng giờ thì quá khó. Cây cối xuống giống không phát triển được, về mùa khô hạn này thì chỉ được thời gian là héo chết. Đất đai vì thế người dân bỏ hoang hết cả rồi"- bà Hoa nói.
Ông Nguyễn Văn Ninh, xóm 1 Đại Hải, xã Thạch Hải, bỏ công dẫn chúng tôi thị sát một cánh đồng trong xã bị bỏ hoang do thiếu nguồn nước sản xuất. Giọng ông Ninh tiếc nuối: "Đã mấy năm nay rồi, do thiếu nước chúng tôi không thể sản xuất được gì nữa. Nước ở đây, nói không quá là giờ quý như bạc như vàng vì hầu hết các ao hồ bị cạn kiệt". Ông Ninh thở dài nói rằng, không biết rồi người dân nơi đây sẽ sống ra sao khi mà tình trạng thiếu nước sản xuất cứ tiếp tục kéo dài.
Có một nghịch cảnh xót xa, trong khi những cánh đồng khô hạn, đất đai nứt nẻ, bỏ không, người dân phải quay quắt tìm nguồn nước sinh hoạt, thì cả một biển nước mênh mông ước lượng hàng trăm ngàn m4 trong moong mỏ sắt đang bị Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC-PV) xả thải một cách vô tội vạ.
Cả hồ nước mênh mông này đang bị lãng phí một cách vô tội vạ. Trung bình mỗi ngày, 2 máy hút có công suất 3.000m3 của Công ty CP Sắt Thạch Khê hút, xả thẳng ra biển hàng chục ngàn m3 nước.
Theo điều tra của Dân trí, từ cuối tháng 3 đến nay, để bảo vệ moong mỏ (chiều dài hơn 1km, rộng hàng trăm mét, độ âm 25m), TIC bố trí hai máy có công suất 3.000m3/h hút liên tục 24/24h mỗi ngày xả thải thẳng ra biển. Và để hút cạn toàn bộ nguồn nước trong moong mỏ này, TIC phải hút liên tục trong vòng 2 tháng. Như vậy, lượng nước xả thải của TIC phải đạt con số hàng triệu m3 nước ra biển. Đấy là một sự lãng phí nguồn nước, nếu không muốn nói là có tội với hàng ngàn người dân vốn đang quay quắt trong cơn thiếu nước.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê bắt đầu triển khai từ tháng 9/2009 và được quy hoạch trên diện tích gần 3.900 ha nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà gồm Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc với gần 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Lãng phí đến bao giờ?
Làm việc với Dân trí, ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà - cho biết, việc đời sống sản cuất của người dân 6 xã bị ảnh hương khi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê triển khai là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thực trạng thiếu nước sản xuất như hiện nay có thể phần nào được hạn chế nếu tận dụng được nguồn nước rất lớn từ mong mỏ của dự án này.
"Việc chủ đầu tư cho thải nguồn nước lớn từ moong mỏ như thế ra biển là lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên nước của quốc gia, bởi nguồn nước này đủ để phục vụ cho đời sống sản xuất của người dân 6 xã bị ảnh hưởng bởi dự án này"- ông Hương nói.
Theo ông Hương, việc tận dụng nguồn nước từ moong mỏ sắt Thạch Khê phục vụ sản xuất nông nghiệp là không quá khó, chỉ cần TIC triển khai đúng cam kết việc thi công các tiểu dự án bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, cũng như nước sản xuất khi điều chỉnh dự án. Cụ thể, TIC phải chi tiền, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà thi công một số hồ lắng, hệ thống kênh dẫn dòng, dẫn nước từ moong mỏ về tận các cánh đồng cho người dân.
Chưa biết bao giờ nguồn nước bơm xả ra biển này sẽ được tái sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp?
"Các tiểu dự án dẫn dòng này đã được đề cập, được TIC cam kết khi điều chỉnh dự án. Tuy nhiên đến nay như chúng tôi được biết, do thiếu vốn đầu tư nên chủ đầu tư chưa thể triển khai"- ông Hương nói thêm.
Có thể nói, việc hàng triệu m3 nước tại khu vực hạn hán, khô cằn, nghèo khó bậc nhất tỉnh Hà Tĩnh hiện được chủ đầu tư dự án khai thác sắt Thạch Khê bơm, xả thẳng ra biển là một sự lãng phí đầy xót xa. Người dân ở vùng đất này không biết bao giờ sự lãng phí này sẽ được chấm dứt, sẽ được tận dụng để giúp họ phần nào gây dựng lại đời sống nông nghiệp vốn đã bị đình trệ suốt nhiều năm nay?
Văn Dũng - Huy Thái
Theo Dantri
Xót thương em gái 15 tuổi nằm thoi thóp nơi bệnh viện "Các chú ơi xin hãy cứu lấy cháu Lan nhà tui với ! Chừ gia đình tui không đủ khả năng chữa bệnh cho cháu nữa rồi. Tui không muốn nhìn cháu phải bị dị tật suốt đời, cháu còn nhỏ tuổi quá... Mọi người ơi xin hãy cứu lấy con tui với!". Đó là những lời cầu cứu thống thiết của chị...