Hàng chục fanpage tẩy chay sản phẩm: Có dấu hiệu không bình thường
Việc cùng một lúc có nhiều các fanpage tẩy chay sản phẩm của một doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường ở đây không? Phóng viên đã có buổi trao đổi nhanh với luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW xung quanh vấn đề này.
Trước đây, các hãng đồng uống như Coca-Cola, Pepsi và một số hãng đồ uống khác có các sản phẩm kém chất lượng bị phát hiện thì ngay lập tức có trào lưu kêu gọi tẩy chay. Sau sự việc con ruồi có giá 500 triệu trong sản phẩm của Tân Hiệp Phát, cũng có các fanpage trên facebook kêu gọi tẩy chay sản phẩm này. Vậy luật pháp Việt Nam có bảo hộ cho hành động này không thưa ông?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật bảo về quyền lợi của người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo Luật sư Thanh Hà có hàng chục fanpage lập để tẩy chay doanh nghiệp là dấu hiệu không bình thường
Việc lập facebook tẩy chay như vậy thì có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh không? Có hàng chục fanpage tẩy chay sản phẩm của một nhà sản xuất, theo ông, đó có phải là điều bất bình thường không?
Việc kết luận là có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh hay không thì cần có sự khiếu nại và khiếu kiện của doanh nghiệp bị nêu ra trên fanpage, sau khi thu thập bằng chứng, chứng cứ xác thực là thực sự ai đứng đằng sau những fanpage đó, mục đích của việc lập fanpage làm gì? Sau đó, vụ việc sẽ được chuyển cho hội đồng cạnh tranh để xem xét và kết luận xem hành vi lập fanpage như vậy có vi phạm luật cạnh tranh hay không?
Trong luật cạnh tranh hiện nay, có quy định những hành vi bị cấm trong cạnh tranh trong đó có quy định: Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Trong sự việc này, tôi nhận thấy có hàng chục fanpage tẩy chay sản phẩm, theo quan điểm của cá nhân, đây là dấu hiệu không bình thường, dường như có một chiến dịch nào đó chống lại doanh nghiệp này bằng cách sử dụng mạng xã hội.
Lý do là để lập một fanpage có nhiều thành viên tham gia, người quản trị trang đó phải đầu tư nhiều thời gian, sức lực để lôi kéo người khác tham gia, lan truyền thông tin.
Nếu các thông tin đăng tải trên các trang fanpage đưa ra các nhận định thiếu căn cứ, bôi nhọ, cố tình làm méo hình ảnh doanh nghiệp thì chế tài xử lý sẽ như thế nào, thưa ông?
Video đang HOT
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì người sử dụng mạng xã hội nghĩa vụ như: Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Cấm đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Như vậy, việc đưa ra các nhận định thiếu căn cứ, thậm chí là bôi nhọ đưa thông tin không chính xác, kích động, cố tình làm méo hình ảnh doanh nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật và người dùng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Về chế tài đối với hành vi này, người dùng phải chịu trách nhiệm về mặt hành chính, cụ thể như sau:
Theo điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số:174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ: 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, người dùng Internet còn có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự với tội dung vu khống theo Điều 122 Bộ luật hình sự quy định như sau: “Vu khống là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”.
Chế tài của của tội vụ khống được quy định như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 122 Bộ luật hình sự thì Tội vu khống có khung hình phạt là: “phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự quy định người thực hiện hành vi phạm tội vu khống thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
“a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với nhiều người; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người thi hành công vụ; e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị “phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm” (Khoản 3 Điều 122 BLHS)
Xin cảm ơn luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hà!
Theo An Ninh Tiền Tệ
Người tiêu dùng vi phạm pháp luật khi dọa dẫm, tống tiền Tân Hiệp Phát
Thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc Tập đoàn Tân Hiệp Phát liên tiếp bị người tiêu dùng "tố" sản phẩm đồ uống có vật lạ và bị hư hỏng. Không chỉ riêng với Tập đoàn Tân Hiệp Phát, sự việc người tiêu dùng phát hiện về vật lạ trong đồ uống hoặc sản phẩm bị hư hỏng đã từng xảy ra đối với một số loại hàng hóa khác nhau.
Để có cái nhìn khách quan nhằm bảo vệ quyền lợi của tiêu dùng cũng như uy tín cho doanh nghiệp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (Hiệp hội) những vấn đề xung quanh nội dung này.
PV: Dưới góc độ người quản lý đồng thời là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, xin ông cho biết quan điểm của ông về sự việc xảy ra vừa rồi với Tập đoàn Tân Hiệp Phát như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Việt.
Ông Nguyễn Văn Việt: Theo thông tin mà Tập đoàn Tân Hiệp Phát báo cáo thì có xảy ra sự việc khách hàng phát hiện con ruồi trong chai nước Number 1, một nhãn hàng của Tập đoàn. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng khẳng định hệ thống thiết bị sản xuất của họ rất hiện đại và được các cơ quan quản lý xác nhận không có dị vật xâm nhập vào trong quá trình sản xuất.
Với kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng đây là khẳng định có cơ sở. Nếu có xảy ra tình trạng dị vật lọt vào các sản phẩm của Tân Hiệp Phát thì sẽ xảy ra sau quá trình sản xuất do vận chuyển hoặc do người khác tìm cách cho vào. Về nguyên tắc, doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng hàng hóa sản phẩm của mình. Tuy nhiên, sau khi sản xuất, do quá trình vận chuyển, sản phẩm có thể bị vỡ, thủng, bị hỏng với khả năng rất thấp và đó là khả năng mà hệ thống chất lượng ISO cho phép.
PV: Vậy, khi phát hiện sản phẩm đồ uống có chứa vật lạ hay bị hư hỏng, người tiêu dùng phải làm như thế nào vừa để bảo vệ quyền lợi của mình vừa đúng theo quy trình của pháp luật thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Việt: Khi phát hiện dị vật bên trong đồ uống hoặc sản phẩm bị hư hỏng, người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất phải thực hiện theo các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước hết, người tiêu dùng phải thông báo sự việc cho đại lý mà họ mua sản phẩm, sau đó đại lý phải báo cho nhà sản xuất đồng thời phải có cơ quan chức năng kiểm định sự việc thật-giả như thế nào. Tiếp đó, cơ quan chức năng sẽ trả lời cho người tiêu dùng và nhà sản xuất. Còn trách nhiệm của nhà sản xuất là phải có thông báo quy trình xử lý dị vật một cách công khai, kịp thời. Nếu tất cả các bên cùng làm đúng những quy trình đó thì sự việc đã không có gì "ầm ĩ".
PV: Ý ông nói đến vai trò truyền thông, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Việt: Đúng vậy. Sự việc người tiêu dùng phát hiện dị vật trong sản phẩm của Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã nhanh chóng được đưa lên các trang cá nhân, trang mạng xã hội khi chưa có kết luận từ phía các cơ quan chức năng. Điều này là do người tiêu dùng đã không thực hiện đúng quy trình của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi dọa dẫm, tống tiền doanh nghiệp.
Trong khi các cơ quan truyền thông chính thống chưa có thông tin hoặc nếu có đưa thông tin rất thận trọng thì một số trang cá nhân, trang mạng xã hội có sức lan tỏa lớn lại dồn dập đưa tin khi chưa có cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh.
PV: Theo ông có sự cạnh tranh không lành mạnh trong những sự việc vừa xảy ra?
Ông Nguyễn Văn Việt: Theo như tôi được biết, sau thông tin về có con ruồi trong chai nước Number 1 thì liên tiếp tại các địa phương khác, người dân lại phát hiện các dị vật trong các sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Vậy, tôi cũng đặt dấu hỏi liệu đây có phải chiến dịch nhằm cạnh tranh với Tân Hiệp Phát- một trong những thương hiệu mạnh và hiếm hoi của ngành nước giải khát Việt Nam hay không? Điều này cũng cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng làm sáng tỏ sự thật. Trong cơ chế thị trường hiện nay thì việc cạnh tranh là bình thường, đương nhiên; nhưng cần lên án và xử lý nghiêm những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
PV: Sự việc người tiêu dùng phát hiện vật lạ trong đồ uống hoặc sản phẩm bị hư hỏng đã từng xảy ra với một số loại hàng hóa khác nhau. Hiệp hội có vai trò như thế nào trong những sự việc này?
Ông Nguyễn Văn Việt: Hiện nay, Việt Nam có nhiều thương hiệu đồ uống khác nhau trong đó có 3 thương hiệu lớn nhất là Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội và Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Đối với những sự việc xảy ra với bất kỳ thương hiệu nào thì Hiệp hội cũng đứng ra là cầu nối giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và các cơ quan chức năng có liên quan để cùng bàn bạc, giải quyết sự việc đúng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng sẽ tổ chức định hướng truyền thông để làm sao thông tin được chính xác, kịp thời nhất đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.
PV: Ông có ý kiến như thế nào để vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa đảm bảo thương hiệu cho doanh nghiệp đối với những sự việc tương tự xảy ra?
Ông Nguyễn Văn Việt: Trong những sự việc xảy ra tương tự như với Tập đoàn Tân Hiệp Phát vừa qua thì từ nhà sản xuất, người tiêu dùng cho đến truyền thông cần phải hết sức bình tĩnh đồng thời cung cấp thông tin cho nhau một cách đầy đủ, chính xác. Nếu thông tin nào chưa rõ thì cần phải được các cơ quan chức năng điều tra làm sáng tỏ. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông phải hết sức thận trọng trong cách đưa thông tin vì đây là sinh mạng, sự tồn vong của cả một thương hiệu của doanh nghiệp.
Hiện nay, Hiệp hội đang tiến hành thành lập 1 trang web để người tiêu dùng phản hồi các thông tin liên quan đến sản phẩm của ngành đồ uống. Sau khi tiếp nhận, Hiệp hội sẽ cùng với các cơ quan chức năng có liên quan giải quyết sự việc để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như uy tín cho các doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Công An Nhân Dân
Nhìn lại cách đòi quyền lợi của người tiêu dùng qua vụ "con ruồi" Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, anh Minh hoàn toàn có quyền yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát (THP) bồi thường thiệt hại nếu bản thân anh bị thiệt hại từ việc sử dụng, tiêu dùng chai nước đó và đương nhiên là phải do lỗi của nhà sản xuất. Tuy nhiên, dư luận đang đặt vấn đề, quy trình đòi...