‘Hạn virus’ tới làng Chăm
Hai người trong thôn nhiễm COVID-19 như giáng xuống thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) thêm một cái hạn nữa.
Người Chăm sống bên trong thôn Văn Lâm 3, khu vực cách ly để chống dịch – Ảnh: M.VINH
Bởi khi có tin cách ly toàn bộ thôn 28 ngày để khoanh vùng chống dịch, người dân ở Văn Lâm 3 đã gọi nôm na dịch COVID-19 là “hạn virus”, để so sánh với cơn nắng hạn đã khiến họ khốn khổ hơn một năm qua.
Nắng hạn đến “hạn virus”
Theo người dân ở đây, đã hơn 12 tháng vùng đất này chưa có một cơn mưa nhỏ. Và cũng đã hơn một năm qua, đồng ruộng mênh mông ở đây bỏ hoang.
Nắng hạn khiến cây cỏ cũng không sống nổi. Một màu xám vàng nhờ nhờ phủ khắp thôn và đàn cừu muốn sống phải lật đất khô để nhai từng gốc cỏ, rạ.
Hai ca nhiễm COVID-19 tính đến tối 18-3, với người trong thôn, là cái hạn kép đổ xuống cuộc sống vốn khó khăn của người dân nơi đây. Thôn bị cách ly có nghĩa là người trong thôn sẽ không được ra ngoài để đi làm thuê ở nơi khác.
Bà Kiều Thị Đan, người dân trong thôn, than thở: “Không được đi làm, không được đi chợ mà dân ở đây đa số là dân nghèo, làm thuê làm mướn đắp đổi qua ngày. Chúng tôi sẽ gặp khó khăn nhiều nhất so với nhiều năm qua”.
Thôn Văn Lâm có gần 1.000 hộ dân với khoảng 5.000 người. Đa số là người Chăm sống gần gũi, nhà cửa san sát nhau và tách biệt hẳn với ruộng đồng, khu chăn thả vật nuôi – chủ yếu là cừu.
Khi bị cách ly, người dân không còn điều kiện lao động, đặc biệt không thể chăm sóc đàn gia súc hàng ngàn con.
“Nắng hạn, đàn cừu không chịu nổi rồi. Giờ chúng tôi bị cách ly đâu có đi tìm cỏ cho bọn nó được. Cừu mà chết là chúng tôi khốn khổ”, bà Trường Thị Trúc Dinh nói. Ở thôn Văn Lâm 3, người dân có nuôi khoảng 2.000 con cừu. Đây là vật nuôi chính của người dân trong nhiều năm nay.
Tuân thủ lệnh cách ly dù gặp nhiều khó khăn
Bà Kiều Thị Đan không giấu giếm rằng từ hôm trong thôn có ca mắc COVID-19, gia đình bà ngủ cũng đeo khẩu trang. Người dân lo lắng nhiều tới mức cổng đóng kín, không ai dám ra khỏi nhà, thi thoảng tự mình sờ lên trán xem có bị sốt hay không.
Video đang HOT
Một cán bộ xã nói với chúng tôi rằng người dân lo lắng tới nỗi tin đồn xuất hiện liên tục và để cung cấp đủ thông tin giúp bà con an tâm, xã Phước Nam liên tục mở loa phóng thanh để cập nhật tình hình dịch và chống dịch.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt nhưng người dân vẫn tuân thủ lệnh cách ly. Trưa 18-3, lệnh cách ly được siết chặt hơn. Toàn bộ người dân trong và ngoài thôn không được rời khỏi thôn nếu đang ở bên trong 16 rào chắn các cửa ra vào thôn.
Nếu ai đang ở bên ngoài nhưng là người dân của thôn thì được cho vào, nhưng sau khi vào không được ra ngoài.
Một số người dân đang đi kiếm cỏ cho cừu khi chở cỏ về đến đầu thôn được hướng dẫn cất tạm ở một chỗ thuận tiện, rồi tiếp tục đi kiếm cỏ để tích trữ cho nhiều ngày sau không được rời khỏi làng.
Ông Bá Văn Cảnh, chủ tịch UBND xã Phước Nam (huyện Thuận Nam), cho hay dân Phước Nam nói chung và dân thôn Văn Lâm 3 khó khăn do nắng hạn cả năm 2019 đến nay. Hơn một năm rồi, người dân không trồng trọt được gì, đồng ruộng bỏ khô.
“Bà con lo lắng là dễ hiểu. Nắm tình hình này nên ngay khi công bố dịch, chúng tôi đã ghi nhận và hỗ trợ bà con từ việc lớn đến việc nhỏ. Lo cái ăn cho bà con rất quan trọng, huyện đang chuẩn bị lương thực để đảm bảo bà con không bị thiếu thốn khi cách ly nhiều ngày liên tục.
Bà con chắc chắn không bị đói, bị thiếu thức ăn. Còn về đàn gia súc, chúng tôi sẽ bàn bạc với bà con để có cách duy trì, chăm sóc”, ông Cảnh nói.
Các thánh đường và chùa đạo Bani thời gian này đều đang đóng cửa, hạn chế người dân tập trung đông đúc – Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Hạn chế hoạt động tôn giáo: người dân, chức sắc đồng tình
Cùng với việc cách ly, ngày 18-3 UBND xã Phước Nam đã thông báo đến người dân toàn xã, đặc biệt là bà con có theo đạo Chăm Bani và Hồi giáo Chăm Islam tạm dừng các sự kiện tập trung đông người nhằm tránh các trường hợp có thể lây nhiễm chéo.
Đại diện UBND xã Phước Nam cho biết thứ sáu tới, cộng đồng tín đồ đạo Chăm Bani có một ngày lễ là Súk Yơng. Các năm trước lễ này thường tập trung rất đông người tham dự, nhưng năm nay dự kiến sẽ được hạn chế tối đa.
Ông Nguyễn Lài (sư cả chùa Bani Văn Lâm) cho biết năm nay do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tín đồ và chức sắc đã cùng thống nhất sẽ tổ chức lễ Súk Yơng nhanh gọn, với số lượng người giảm tối thiểu.
Theo sư Lài, ngoài các vị sư tham gia làm lễ, những người dân còn lại không có nhiệm vụ sẽ chỉ ở nhà, không dự lễ. Toàn bộ phần lễ diễn ra trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Mỗi vị sư sẽ có thêm 1 người thân trong gia đình đội theo mâm lễ tới chùa để làm lễ.
Theo sư Lài, đa số tín đồ đều ý thức rất rõ việc phòng chống lây lan dịch bệnh. Ngoại trừ việc mua bán thực phẩm thiết yếu, đa số người dân đều hạn chế tối đa việc ra ngoài. Các vị chức sắc cũng liên tục nhắc nhở các tín đồ chấp hành công tác phòng chống dịch của ngành y tế.
Hoạt động sâm lễ tại thánh đường hằng ngày của các tín đồ Hồi giáo Chăm Islam cũng đã được cho tạm dừng. Hai thánh đường 101 và 104 hiện tại đang phải đóng cửa. Các tín đồ được yêu cầu chỉ sâm lễ tại nhà, không tập trung đến thánh đường.
Từ khu cách ly tập trung thuộc Trường Quân sự tỉnh Ninh Thuận, ông Châu Văn Thẻ – phó ban Haken, thánh đường 101 – cho biết từ sáng 17-3, khi có thông tin về bệnh nhân thứ 61, ban Haken đã thông báo cho toàn bộ tín đồ tạm dừng đến sâm lễ tại thánh đường.
Toàn bộ chức sắc và tín đồ của đạo đều đồng tình chấp hành các thông báo nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.
Một vấn đề khác khiến nhiều người lo ngại là việc tổ chức các lễ cưới. UBND xã Phước Nam cũng cho biết đã thông báo đến toàn thể người dân chỉ làm các nghi lễ cần thiết, không tổ chức mời đông khách tới dự tiệc.
Đại diện các chức sắc đạo Hồi giáo Chăm Islam, ông Châu Văn Thẻ cho hay các đám cưới trong cộng đồng Hồi giáo Chăm Islam thời gian này sẽ rất khó diễn ra do các chức sắc phần lớn đang đi cách ly tập trung.
Để tổ chức lễ cưới, các chức sắc cần phải có mặt để xét duyệt các nghi thức liên quan, vì vậy đám cưới cũng sẽ được hạn chế.
Bà Kiều Thị Đơn (người dân thôn Văn Lâm 3) cho biết bà cùng nhiều người dân theo đạo Chăm Bani cũng đồng tình với việc các lễ cưới giảm việc tập trung đông người.
Theo bà, chỉ nên có những người trong gia đình, nghi lễ cũng nên làm nhanh gọn, vừa đỡ tốn kém vừa tránh gây lây nhiễm bệnh dịch.
Đề nghị dừng hoạt động tôn giáo đông người
Sau 2 ca mắc COVID-19 vì tham gia sự kiện tôn giáo tại Malaysia, trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các Hội thánh Tin Lành Việt Nam và Hội đồng Giám mục Việt Nam dừng tổ chức hoạt động tập trung đông người trong thư chúc mừng lễ Phục sinh.
Theo Bộ Y tế, tính đến 18-3, Việt Nam có 2 người tham gia sự kiện tôn giáo tại thánh đường Seri Petaling, Kuala Lumpur, Malaysia đã mắc COVID-19. Đó là hai bệnh nhân 61 và 67, cùng trú tại xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Hai bệnh nhân nằm trong số 90 người theo đạo Hồi giáo của các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Đồng Nai và TP.HCM, đã đi dự thánh lễ tại thánh đường Seri Petaling, Kuala Lumpur, Malaysia từ 27-2 đến 4-3.
Sau khi có thông tin bệnh nhân thứ 61 dương tính, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản gửi ban tôn giáo các tỉnh, thành và ban đại diện cộng đồng Hồi giáo các địa phương rà soát những người đã tham gia sự kiện, hướng dẫn tự cách ly, thực hiện khai báo y tế và đến các cơ sở y tế để làm các xét nghiệm liên quan.
Ngày 17-3, trước thềm lễ Phục sinh năm 2020, trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng đã gửi thư chúc mừng tới chức sắc và tín hữu các Hội thánh Tin Lành Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam và giám mục các giáo phận.
Trong thư, ông Thắng gửi lời chúc mừng trân trọng, đồng thời đề nghị các chức sắc tôn giáo không tổ chức các hoạt động tập trung đông người dịp này. THIÊN ĐIỂU
MAI VINH – ĐÌNH CƯƠNG (tuoitre.vn)
Ninh Thuận tiếp tục cách ly những người tiếp xúc gần với bệnh nhân số 67
Ngay khi có kết quả công bố của Bộ Y tế về ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đối với nam thanh niên 36 tuổi, ở thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam (người đi cùng chuyến bay VJ826 với bệnh nhân số 61) về Việt Nam.
Ngày 18/3, UBND huyện Thuận Nam đã chỉ đạo chính quyền xã Phước Nam khẩn trương điều tra, xác minh thêm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân này (số 67) để vận động thực hiện cách ly, ngăn ngừa dịch lây lan ra cộng đồng.
Các ngõ đường vào thôn Văn Lâm 3 đã được lập chốt.
Ông Bá Văn Cảnh, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 xã Phước Nam cho biết, lực lượng chức năng của xã đang tổ chức điều tra, thông báo liên tục trên loa phát thanh đặt tại các thôn trong xã để những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 67 biết và khẩn trương đến Trạm y tế xã khai báo.
Ông Bá Văn Cảnh cho biết thêm, trước khi bệnh nhân số 67 được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, người này chỉ sinh hoạt tại gia đình. Tuy nhiên qua tìm hiểu, vào thời điểm trên, bệnh nhân này có đi dự đám cưới tại thôn Phước Lập (gần thôn Văn Lâm 3), xã Phước Nam, do vậy UBND xã yêu cầu Ban quản lý thôn Phước Lập liên tục thông báo cho những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân này biết để khai báo, thực hiện cách ly kịp thời.
Hiện nay, ngành chức năng đã đưa xe chuyên dụng đưa hai người (vợ và con của bệnh nhân số 67) đi cách ly tại Trường Quân sự địa phương; đồng thời sẵn sàng đưa những người khác có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân trên thực hiện cách ly sau khi đến khai báo.
Theo Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 xã Phước Nam Bá Văn Cảnh, đến thời điểm này địa phương đã đưa đi cách ly 52 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân số 61 và 67. Con số này có thể thay đổi nếu như có người tiếp tục đến khai báo đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân số 67.
Được biết, bệnh nhân số 67 là người theo đạo Hồi (Islam), thường trú tại thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam. Trước đó, ngày 27/2, bệnh nhân dự sự kiện tôn giáo tại Thánh đường Seri Petaling - Kuala Lumpur (Malaysia) với bệnh nhân số 61 và 3 người khác cũng tại xã Phước Nam (hiện những người này đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận). Ngày 4/3, người này trở về Việt Nam trên chuyến bay VJ826, xuống sân bay Tân Sơn Nhất và về địa phương.
Sau khi bệnh nhân số 61 có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, sáng 17/3, bệnh nhân số 67 đã được cơ quan chức năng vận động đi cách ly. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm và cho kết quả dương tính vào sáng 18/3.
Sau khi thành lập các chốt chặn, cách ly toàn thôn Văn Lâm 3 để ngăn chặn, phòng chống dịch COVID-19 lây lan, hiện tại, mọi hoạt động sinh hoạt của người dân nơi đây diễn ra bình thường tại gia đình. Người dân vùng dịch ý thức và chấp hành rất nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch của Bộ Y tế.
Tin, ảnh: Công Thử (TTXVN)
Ninh Thuận cách ly thôn có bệnh nhân COVID-19 thứ 61 cư trú Tối 17-3, UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có quyết định cách ly y tế thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, nơi bệnh nhân COVID-19 thứ 61 cư trú. Sáng 17-3, chợ Văn Lâm vẫn đông người dân mua bán - Ảnh: MINH TRÂN Theo đó, trước mắt thời gian cách ly tối thiểu 28 ngày và tùy theo diễn...