Hàn – Triều vừa đàm phán vừa động binh
Triều Tiên triển khai xuất kích 70% số tàu ngầm đang có, trong khi Hàn Quốc huy động tàu chiến và máy bay.
Hàn Quốc triển khai pháo đa nòng tới gần khu phi quân sự liên Triều ngày 23.8 – Ảnh: Reuters
Chiều 23.8, vài giờ trước khi đại diện cấp cao của hai miền Triều Tiên tiếp tục hội đàm tại Bàn Môn Điếm nhằm tháo ngòi căng thẳng, Hàn Quốc loan báo khoảng 50 chiếc trong tổng số 70 tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên đã rời căn cứ và biến mất khỏi màn hình radar theo dõi của miền Nam. Yonhap dẫn lời các sĩ quan cấp cao ở Seoul cho hay đây là đợt triển khai tàu ngầm lớn nhất của Bình Nhưỡng từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). “Đây là tình huống rất nghiêm trọng… Trong mấy năm qua, chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiều tàu ngầm như thế cùng lúc rời khỏi các căn cứ”, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói với các phóng viên.
Ông này cho biết thêm là miền Bắc cũng tăng gấp đôi lực lượng pháo binh ở giới tuyến so với ngày 21.8. Đây là những binh sĩ có thể khai hỏa ngay lập tức khi nhận lệnh, chưa tính những người đóng dưới hầm hay trong doanh trại, theo tờ The Korea Herald. Giới quan sát nhận định những hành động mới cho thấy Triều Tiên muốn tạo ưu thế trong đàm phán cũng như chuẩn bị phản ứng nhanh trong trường hợp đối thoại đổ vỡ.
Video đang HOT
Về phía Hàn Quốc, quân đội vẫn đang đặt trong tình trạng sẵn sàng cao độ và đã huy động thêm các khí tài chống ngầm như tàu khu trục và máy bay tuần tra P-3C. “Chúng tôi đang huy động tất cả các nguồn lực để xác định vị trí của tàu ngầm miền Bắc”, một sĩ quan giấu tên tiết lộ với Yonhap. Quân đội Hàn Quốc còn rút về 6 chiến đấu cơ F-16 được điều tham gia tập trận ở bang Alaska của Mỹ, đồng thời triển khai nhiều hệ thống pháo đa nòng đến gần khu phi quân sự liên Triều.
Theo KCNA ngày 23.8, khoảng 1 triệu thanh niên Triều Tiên đã đăng ký nhập ngũ để “cho kẻ thù biết thế nào là tắm trong mưa đạn”. Trên mạng xã hội, nhiều người Hàn Quốc cũng đăng hình mặc quân phục và viết họ sẵn sàng chiến đấu. Ngược lại, cũng có rất nhiều người lo ngại xảy ra chiến tranh. “Tôi cảm thấy rất căng thẳng. Gia đình tôi cũng đã sẵn sàng. Chúng tôi đã trữ thêm thực phẩm, trong đó có mì gói. Tôi hy vọng cuộc gặp kết thúc tốt đẹp và nhanh chóng để hai miền Triều Tiên có thể xây dựng quan hệ ổn định”, Woo Yeon-jung, 27 tuổi, ở Seoul chia sẻ với Reuters.
Cho đến tối qua 23.8, phiên thứ hai của cuộc hội đàm khẩn cấp giữa các đại diện cấp cao của hai miền Triều Tiên bắt đầu từ 15 giờ (13 giờ, giờ VN) vẫn chưa kết thúc. Trước đó, hai bên đã gặp nhau hơn 6 tiếng đồng hồ trong ngày 22.8 mà không đạt được kết quả. Theo AFP, tuy tình hình đang ở mức căng thẳng hiếm thấy trong vài năm qua nhưng đa số các nhà quan sát vẫn cho rằng nguy cơ xảy ra đụng độ lớn là không quá cao.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên phá hoại tiến trình đàm phán
Hàn Quốc hôm nay buộc tội Triều Tiên phá hoại tiến trình đàm phán khi thực hiện việc điều động quân trên biển và trên bộ nhằm khiêu khích.
Binh sĩ Hàn Quốc đứng gác tại cầu Thống nhất dẫn vào khu phi quân sự (DMZ). Ảnh: AP
Hàn Quốc và Triều Tiên chiều nay nối lại cuộc đàm phán cấp cao nhằm tìm giải pháp gỡ ngòi nguy cơ đụng độ quân sự. Song, Seoul vẫn cáo buộc Bình Nhưỡng phá hoại tiến trình này khi tiếp tục các hoạt động triển khai trên biển và trên bộ, theo AFP.
"Triều Tiên áp dụng lập trường hai mặt đối với các cuộc đàm phán đang diễn ra", phát ngôn viện Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, đề cập đến việc Bình Nhưỡng tăng gấp đôi các đơn vị pháo binh đến biên giới, đồng thời điều động khoảng 50 tàu ngầm rời căn cứ.
Giới phân tích trước đó nhận định việc Triều Tiên và Hàn Quốc quyết định tiếp tục đối thoại là một dấu hiệu tốt, cho thấy đôi bên có thể sẽ thu hẹp được bất đồng. Tuy nhiên, dường như việc rút ngắn khoảng cách và xoa dịu căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên sẽ vấp phải nhiều khó khăn khi cả Seoul và Bình Nhưỡng đều giữ tâm lý cảnh giác cao độ, ngay cả khi các cuộc đàm phán đang được tiến hành.
Vòng đàm phán thứ hai giữa Bình Nhưỡng và Seoul diễn ra từ 15h hôm nay (13h Hà Nội) tại làng đình chiến Panmunjom thuộc khu phi quân sự (DMZ), sau khi cuộc đối thoại suốt đêm, kéo dài 10 tiếng, bắt đầu từ chiều qua chưa giải quyết được khủng hoảng đẩy họ đến bờ vực xung đột vũ trang.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang sau vụ đấu pháo hôm 20/8. Bình Nhưỡng sau đó gửi một tối hậu thư đe dọa tấn công Hàn Quốc nếu nước này không dỡ bỏ các loa phóng thanh phát thông điệp tuyên truyền qua biên giới. Hiện thời hạn này đã qua nhưng chưa có sự cố nào xảy ra.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Triều Tiên - Hàn Quốc tiếp tục đàm phán để xoa dịu căng thẳng Bình Nhưỡng và Seoul đồng ý tiến hành vòng đàm phán thứ hai vào hôm nay, sau khi cuộc đối thoại suốt đêm bắt đầu từ chiều hôm qua chưa giải quyết được khủng hoảng đẩy họ đến bờ vực xung đột vũ trang. Quan chức Triều Tiên (trái) họp với quan chức Hàn Quốc để tháo ngòi căng thẳng tại làng biên...