Hàn – Triều họp về khu công nghiệp chung
Giới chức Triều Tiên và Hàn Quốc hôm nay tổ chức cuộc họp hiếm hoi bàn về việc mở cửa lại khu công nghiệp Kaesong, vốn được coi là biểu tượng cuối cùng của sự hợp tác xuyên biên giới.
Suh Ho (phải), trường đoàn đàm phán Hàn Quốc, bắt tay với người đồng cấp Triều Tiên Park Chol-su trong cuộc đàm phán hôm nay ở Panmunjom. Ảnh: AFP
“Có nhiều chủ đề để thảo luận nhưng vấn đề ngăn chặn tổn thất đối với cơ sở trước những cơn mưa mùa phải được đặt hàng đầu”, AFP dẫn lời trưởng đoàn đại biểu Triều Tiên, Pak Chol-su nói khi bắt đầu cuộc họp tại thành phố biên giới Panmunjom, một khu phi quân sự trang bị vũ trang dày đặc phân chia hai miền.
Người đồng cấp Hàn Quốc, cũng là quan chức cấp cao Bộ Thống nhất, Suh Ho cho biết họ hy vọng giải quyết vấn đề khu công nghiệp chung Kaesong đang bị đóng cửa thông qua hợp tác và tin tưởng lẫn nhau.
Giới chức Triều Tiên cuối tuần trước chấp nhận đề nghị của nước láng giềng về việc bắt đầu đối thoại, khôi phục hoạt động của khu công nghiệp chung. Các cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc và Triều Tiên ở cấp bộ lẽ ra đã phải được tổ chức vào hai ngày 12 và 13/6 tại Seoul nhưng cuối cùng đã bị hủy bỏ vì hai nước không đạt được thỏa thuận về thành phần của các đoàn đại biểu.
Video đang HOT
Kaesong gánh chịu thiệt hại rõ rệt nhất do căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, nhưng cả hai nước đều không tuyên bố khu phức hợp bị đóng cửa chính thức, mà chỉ cho là ngừng hoạt động tạm thời. Bình Nhưỡng, với lý do căng thẳng quân sự và thái độ thù địch của Hàn Quốc, hồi tháng 4 đã rút 53.000 công nhân khỏi 123 nhà máy do Seoul quản lý tại Kaesong. Hai nước đều nói muốn mở lại khu công nghiệp chung do Seoul đầu tư và nằm ở phía biên giới Triều Tiên, nhưng đổ lỗi cho nhau vì việc đình chỉ hoạt động.
Seoul dự kiến kêu gọi ra một lời đảm bảo trên văn bản nhằm tránh tình trạng đơn phương đóng cửa khu công nghiệp tái diễn, một đòi hỏi mà Triều Tiên khó có thể chấp nhận, bởi điều đó đồng nghĩa với việc nước này gạt đi sự kiêu hãnh và nhận trách nhiệm hoàn toàn về vụ đóng cửa.
Theo VNE
Triều Tiên có thể tự vận hành khu công nghiệp Kaesong?
Giới chuyên gia Hàn Quốc cho rằng CHDCND Triều Tiên gần như không thể tự điều hành khu công nghiệp chung Kaesong vìBình Nhưỡng sẽ khó vượt qua được tình trạng thiếu điện.
Theo báo Chosun Ilbo, điện dùng cho Kaesong ở miền Bắc hoàn toàn được cung cấp từ miền Nam. Một trạm ở tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc truyền tải điện đến một trạm điện 100.000 kW ở Kaesong. Trạm này do Hàn Quốc xây và được dùng để phân phối điện lại cho các doanh nghiệp ở Kaesong.
Trong khi đó, Triều Tiên chịu cảnh thiếu điện triền miên và chỉ ưu tiên cung cấp điện cho các nhà máy ở Bình Nhưỡng, theo Chosun Ilbo. Kaesong lại không nằm trong danh sách ưu tiên này.
Binh sĩ Hàn Quốc kiểm tra xe tải trên cầu dẫn tới khu công nghiệp Kaesong ở Triều Tiên
- Ảnh: Reuters
Chuyên gia Cho Bong-hyun tại Viện nghiên cứu kinh tế IBK của Hàn Quốc phân tích: "Triều Tiên sẽ phải tốn hàng trăm tỉ won (vài trăm triệu USD-NV) để xây một nhà máy điện dành riêng cho khu công nghiệp chung và thậm chí nếu cố gắng sử dụng điện từ một trạm gần đó, họ sẽ phải tốn hàng chục tỉ won vì phải xây thêm cơ sở truyền tải điện".
Triều Tiên cũng sẽ cần xây dựng một hệ thống cung cấp và thoát nước cho Kaesong, với vốn đầu tư có thể lên tới hàng tỉ won.
Ngoài ra, Triều Tiên sẽ gặp khó khăn trong việc vận hành máy móc ở Kaesong. Chuyên gia Cho nói rõ: " Từ trước tới nay, kỹ sư Hàn Quốc chịu trách nhiệm bảo trì và sửa chữa máy móc công nghệ cao. Triều Tiên thiếu khả năng giải quyết vấn đề này".
Một số ý kiến, theo Chosun Ilbo, còn cho rằng các công ty Trung Quốc sẽ nhảy vào, nhưng giáo sư Yun Duk-min tại Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc nhận định: "Điều đó đòi hỏi việc vận chuyển sản phẩm qua Trung Quốc bằng đường bộ và chi phí hậu cần sẽ rất lớn. Ngoài ra, khó có khả năng Trung Quốc sẽ mạo hiểm đối mặt mâu thuẫn ngoại giao với Hàn Quốc".
Bên cạnh đó, việc bảo đảm nguyên liệu cũng là một vấn đề đối với Triều Tiên. Chúng có thể được mua từ Trung Quốc, nhưng việc bảo đảm chất lượng có thể khiến Bình Nhưỡng đau đầu, theo Chosun Ilbo.
Thậm chí, nếu vận hành được Kaesong, Triều Tiên sẽ phải mất nhiều thời gian để tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm được tạo ra từ khu công nghiệp này.
Tính đến chiều 29.4, chỉ còn có bảy công nhân Hàn Quốc ở lại Kaesong để giải quyết một số vấn đề, trong có có việc Triều Tiên yêu cầu trả lương tháng 3 cho công nhân của họ, theo Yonhap.
Kaesong, nằm ở Triều Tiên và sát giới tuyến hai miền, được xem là biểu tượng hợp tác liên Triều. Khu công nghiệp này đi vào hoạt động từ năm 2004 với sự kết hợp giữa vốn đầu tư và công nghệ Hàn Quốc cùng lao động giá rẻ của Triều Tiên.
Tính đến nay, Seoul đã đầu tư gần 900 triệu USD vào Kaesong còn Bình Nhưỡng thu về một lượng lớn ngoại tệ mỗi năm.
Theo TNO
Triều Tiên điều tên lửa: Nhận định của HQ Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin hôm nay nói rằng Triều Tiên đã di chuyển một tên lửa tầm trung tới bờ biển phía đông, nhưng có vẻ không phải để nhằm vào Mỹ. Trong phiên họp tại ủy ban quốc phòng nghị viện, ông Kim bác bỏ các bài báo nói rằng Bình Nhưỡng đã di chuyển một tên lửa...