Hàn Quốc tố Triều Tiên chế tạo tên lửa hạt nhân
Ngày 19-3, Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên tìm cách phát triển tên lửa hạt nhân qua vụ phóng vệ tinh vào tháng tới.
Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Park Jeong-ha cho biết: “Chính phủ chúng tôi xác định kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên là một hành động khiêu khích nghiêm trọng, có mục đích phát triển các phương tiện vận chuyển tầm xa cho vũ khí hạt nhân bằng cách sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo”.
(Ảnh: YONHAP)
Bình luận trên được đưa ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc chủ trì một cuộc họp ngày 18-3 với các quan chức an ninh và ngoại giao bàn biện pháp ứng phó trước kế hoạch phóng vệ tinh vào tháng sau của Triều Tiên.
Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên có đủ lượng plutonium cho khoảng 6-8 vũ khí hạt nhân nhưng không rõ nước này có đủ khả năng để chế tạo một đầu đạn hạt nhân cho tên lửa hay không.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng khẳng định kế hoạch phóng vệ tinh là một phần của nghiên cứu không gian vì mục đích hòa bình. Đồng thời, hãng tin KCNA của Triều Tiên cáo buộc Mỹ và Nhật Bản “hoạt động gián điệp không gian” bằng cách giám sát các nước qua vệ tinh. “Không ai có thể chịu đựng được thứ tiêu chuẩn kép trong sản xuất và phóng vệ tinh của Mỹ” – KCNA cho biết.
Theo NLD
Vụ phóng vệ tinh vào tháng 4 tới:: Triều Tiên thách thức Mỹ, phớt lờ Trung Quốc
CHDCND Triều Tiên hôm qua (18/3) đã tỏ thái độ thách thức Mỹ và phớt lờ đồng minh thân thiết Trung Quốc khi tuyên bố sẽ thực hiện kế hoạch phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ đúng như kế hoạch.
"Việc phát triển và sử dụng vũ trụ vì mục đích hòa bình là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền được cả thế giới công nhận", hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết. Theo Bình Nhưỡng, nước này chỉ dùng tên lửa tầm xe để phóng vệ tinh vào vũ trụ nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Lãnh đạo Kim Nhật Thành - cũng là nhà sáng lập ra đất nước Triều Tiên.
Việc Triều Tiên tuyên bố không từ bỏ kế hoạch phóng tên lửa tầm xe có nguy cơ sẽ làm Trung Quốc - nước đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, phật lòng. Nó cũng đe dọa sẽ đưa quan hệ Triều Tiên-Mỹ về tình trạng giá lạnh sau khi quan hệ giữa hai nước vừa mới bắt đầu ấm lên được một thời gian ngắn. Ngoài ra, vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên cũng đang khiến nhiều nước láng giềng của nước này và các cường quốc phương Tây sôi sùng sục.
Trước đó, hôm thứ Sáu (16/3), Triều Tiên đã khiến cả thế giới bất ngờ khi tuyên bố sẽ thực hiện một vụ phóng vệ tinh vào vũ trụ trong tháng 4 tới. Cụ thể, Bình Nhưỡng có kế hoạch sử dụng tên lửa tầm xa Unha-3 để đưa vệ tinh của họ vào vũ trụ. Mặc dù Bình Nhưỡng đã nhấn mạnh vụ phóng vệ tinh sắp tới của họ là để phục vụ các mục đích nghiên cứu khoa học và hòa bình những điều đó không làm các cường quốc phương Tây và những nước láng giềng của Triều Tiên ngừng lo ngại. Ngay lập tức sau thông báo của Triều Tiên, một loạt nước đã lên tiếng phản ứng.
Hàn Quốc là một trong những nước có phản ứng nhanh nhất với thông báo phóng vệ tinh của Triều Tiên. Seoul tuyên bố, việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quỹ đạo trong tháng 4 tới là một hành động vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là một mối đe doạ đối với an ninh khu vực.
Sau Hàn Quốc, Nhật Bản cũng lên án vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên là hành động vi phạm trắng trợn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Mạnh mẽ hơn, Nhật Bản tuyên bố sẽ triển khai tên lửa đánh chặn PAC3 để bắn hạ vệ tinh của Triều Tiên nếu thấy cần thiết.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, thông báo phóng vệ tinh của Triều Tiên là một động thái mang đầy tính khiêu khích. Bà Hillary kêu gọi Bình Nhưỡng tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế trong đó có các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm nước này phóng tên lửa đạn đạo. Washington đe dọa sẽ ngừng ngay kế hoạch cấp viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng theo thỏa thuận mà hai nước vừa đạt được hồi tháng trước.
Về phần mình, Moscow cảnh báo Bình Nhưỡng không nên thách thức cộng đồng quốc tế. Nga nhấn mạnh, việc Triều Tiên tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa mới sẽ phá hỏng cơ hội khôi phục lại các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên đã bị đình trệ suốt thời gian dài qua.
EU cũng bày tỏ mối quan ngại trước kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên và kêu gọi nước này từ bỏ kế hoạch đó nhằm tránh làm phương hại đến tiến trình nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên.
Mặc dù không lên án trực tiếp Triều Tiên nhưng Bắc Kinh đã bày tỏ sự quan ngại trước kế hoạch phóng tên lửa đưa vệ tinh lên vũ trụ của Triều Tiên. Đây là phản ứng hiếm hoi của Trung Quốc đối với nước đồng minh thân thiết Triều Tiên.
Triều Tiên trấn an các nước
Mặc dù phớt lờ và thách thức lời kêu gọi của các nước nhưng Bình Nhưỡng cũng tìm cách trấn an nỗi lo lắng của cộng đồng quốc tế về vụ phóng tên lửa tầm xa của họ. Theo đó, hãng thông tấn KNCA hôm thứ Bảy (17/3) cho biết, Triều Tiên sẽ mới các giám sát viên quốc tế đến trực tiếp giám sát vụ phóng vệ tinh của họ.
Ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên sẽ "mời các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm về khoa học và công nghệ vũ trụ cũng như các nhà báo đến thăm Trạm Phóng Vệ tinh Sohae, Trung tâm Chỉ huy và Kiểm soát Vệ tinh, và một số nơi khác đồng thời đến giám sát vụ phóng vệ tinh của chúng tôi", KCNA cho hay.
Theo lời Bình Nhưỡng, nước này đã thông báo cho Tổ chức Hàng không Dân sự quốc tế, Tổ chức Hàng hải Quốc tế, Liên Hợp Viễn thông Quốc tế và các cơ quan khác về kế hoạch phóng vệ tinh của họ, đúng theo các quy định và thủ tục quốc tế.
Song song với việc trấn an các nước, Triều Tiên cũng bày tỏ tin tưởng, vụ phóng vệ tinh sắp tới của nước này sẽ diễn ra thành công sau hai lần phóng vệ tinh trước đó vào năm 1998 và 2009.
Sở dĩ các nước phản ánh mạnh với các vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên là vì họ không tin đó là những vụ phóng vệ tinh đơn thuần. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các cường quốc phương Tây tin rằng những vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên chỉ là vỏ bọc để nước này thử nghiệm công nghệ tên lửa tầm xa.
Theo VNMedia
Bình Nhưỡng: phóng vệ tinh là quyền "hợp pháp" Ngày 17-3, Hãng tin CHDCND Triều Tiên KCNA cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo vào trung tuần tháng 4-2012 để phát triển ngành vũ trụ vì mục đích hòa bình. Lính Mỹ và Hàn Quốc sau đợt tập trận bắn đạt thật tại Pocheon, phía nam khu vực phi quân sự giữa 2...