Hàn Quốc tìm ra lý do khiến bệnh nhân Covid-19 “tái nhiễm”
Các chuyên gia y tế tại Hàn Quốc đang tiến hành giải mã việc một số bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục nhưng sau đó lại có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại với virus corona.
Người dân đeo khẩu trang khi ra đường ở Seoul, Hàn Quốc.
Theo Newsweek, các quan chức từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết kết quả xét nghiệm này không nhất thiết phản ánh việc người bệnh Covid-19 đã hồi phục bị tái nhiễm.
Người đứng đầu KCDC Oh Myoung-don cho rằng, kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona sau khi đã phục hồi là do các thành phần của virus (đã chết hoặc bất hoạt) vẫn còn tồn tại trong các tế bào của bệnh nhân, truyền thông Hàn Quốc đưa tin.
Video đang HOT
“Các mảnh RNA vẫn có thể tồn tại trong một tế bào ngay cả khi virus bị bất hoạt”, ông Oh nói. “Nhiều khả năng những người có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại là vì RNA của virus đã bị bất hoạt vẫn còn tồn tại trong tế bào của họ”.
Người đứng đầu KCDC cũng tiếp tục giải thích thêm rằng các tương tác sinh học của coronavirus với các chuỗi DNA của con người cho thấy nó không có khả năng “tạo ra các bệnh nhiễm trùng mãn tính”.
Tuy nhiên, những lo ngại về số ca xét nghiệm dương tính với virus corona trở lại sau khi khỏi bệnh ngày càng tăng của Hàn Quốc đã nổi lên trong suốt tháng Tư.
Chưa đầy hai tuần trước, KCDC ghi nhận 163 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus một lần nữa sau khi phục hồi. Vào thời điểm đó, những bệnh nhân này chiếm hơn 2% số bệnh đã phục hồi. Đến ngày 26/4, Hàn Quốc xác nhận 263 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính một lần nữa. Tính đến ngày 28/4, những bệnh nhân có kết quả dương tính với virus một lần nữa đã chiếm khoảng 2,7% số bệnh nhân trưởng thành đã hồi phục trước đó và 3,4% số ca bệnh là trẻ em.
Trong số 137 trường hợp được nghiên cứu, KCDC cho biết, 61 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, 72 người không có triệu chứng và 4 người vẫn đang được theo dõi.
Tính đến 28/4, Hàn Quốc ghi nhận 10.761 ca nhiễm Covid-19, trong đó 246 trường hợp đã tử vong, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
WHO: 'Không có bằng chứng' rằng người ta không thể tái nhiễm Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới ngày 25/4 nói rằng hiện "không có bằng chứng nào cho thấy những người hồi phục khỏi virus corona sẽ không bị nhiễm lại", ngay cả khi họ đã có kháng thể.
Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về "miễn dịch cộng đồng", "chứng chỉ không có nguy cơ đối với những người từng nhiễm virus corona", và cho rằng trên thực tế những điều này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm vì làm người ta không tuân thủ các khuyến cáo.
Tổ chức này cũng cảnh báo về tính chính xác và độ tin cậy của các xét nghiệm xác định kháng thể chống virus corona, theo Guardian.
"Các xét nghiệm chẩn đoán miễn dịch không chính xác có thể phân loại không đúng con người theo hai nhóm", báo cáo khoa học mới nhất của WHO viết.
"Sai lầm đầu tiên là họ có thể dán nhãn những người từng bị nhiễm là âm tính, và sai lầm thứ hai là những người không bị nhiễm được dán nhãn dương tính. Cả hai sai lầm này đều gây ra các hậu quả nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến nỗ lực kiểm soát (virus corona)", WHO nhận định.
Người đàn ông được kiểm tra thân nhiệt tại trạm xe buýt ở Santiago, Chile, quốc gia đã đề xuất ban hành "hộ chiếu miễn dịch". Ảnh: Shutterstock.
Vào tuần trước, Chile tuyên bố họ bắt đầu trao "hộ chiếu sức khỏe" cho những người từng hồi phục sau khi nhiễm virus corona, theo Reuters. Sau khi sàng lọc để xác định xem họ có hình thành kháng thể khiến họ miễn nhiễm với virus hay không, những người này ngay lập tức được quay lại làm việc.
Tuy nhiên, theo WHO: "Vào thời điểm này của đại dịch, vẫn chưa có bằng chứng về hiệu quả của miễn dịch nhờ kháng thể để đảm bảo tính chính xác của "hộ chiếu miễn dịch" hay "chứng chỉ không có nguy cơ".
Những người được cho rằng họ miễn nhiễm với lần nhiễm bệnh thứ hai vì nhận được kết quả xét nghiệm dương tính có thể không tuân thủ các khuyến cáo về y tế cộng đồng. Do vậy, việc cung cấp các chứng chỉ như vậy có thể lại làm tăng nguy cơ lây nhiễm".
Hạnh Vũ
Bí ẩn người đàn ông tái nhiễm Covid-19 tới 3 lần Người đàn ông 68 tuổi ở Trung Quốc đã mắc Covid-19 theo một cách tồi tệ hơn bất cứ ai, khi tái nhiễm căn bệnh chết người này tới 3 lần, theo tờ The Age của Úc. Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Cụ thể, người đàn ông 68 tuổi ở Trung Quốc không được nêu tên đã nhiễm chủng virus corona mới (SARS-CoV-2)...