Hàn Quốc ‘thần tốc’ xét nghiệm nCoV thế nào?
Tuần trước, khi đi làm về, Kang Min-kyung nhìn thấy một tờ thông báo được dán ở cửa trước: “Chúng tôi mời cô đi xét nghiệm nCoV”.
Một người sống trong cùng tòa chung cư với cô đã dương tính với nCoV. Giới chức quận khuyên cô đi xét nghiệm trong vòng 48 giờ và cung cấp địa chỉ cơ sở y tế lân cận. Kang, nhân viên văn phòng 30 tuổi sống ở Seoul, đi ngay tối hôm đó, xét nghiệm chỉ mất 10 phút.
Chiều hôm sau, cô nhận được tin nhắn điện thoại thông báo cô âm tính. “Tôi thấy nhẹ nhõm”, Kang nói. “Tôi có thể tiếp tục sinh hoạt như bình thường”.
Y tá làm việc tại một trạm xét nghiệm ở bên ngoài bệnh viện Yangji ở Seoul ngày 17/3. Ảnh: AFP.
Hàn Quốc có chính sách sàng lọc người nhiễm nCoV quyết liệt nhất thế giới và các chuyên gia cho rằng đây là lý do chính khiến số ca nhiễm mới tại nước này giảm trong thời gian gần đây. Thành công đó đã biến Hàn Quốc thành một hình mẫu cho các quốc gia học theo.
Tính đến 16/3, Hàn Quốc đã xét nghiệm khoảng 250.000 người, tức là cứ khoảng 200 người dân thì một người được làm xét nghiệm, cao hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu.
Cách tiếp cận này gặp ít trở ngại khi được triển khai ở Hàn Quốc, quốc gia có hệ thống bảo hiểm y tế theo cơ chế một nguồn và luật về bệnh truyền nhiễm toàn diện, giúp đẩy nhanh phản ứng với Covid-19. Nếu một cá nhân được bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm hoặc có liên quan đến ca nhiễm đã được xác nhận, người này sẽ được miễn phí xét nghiệm.
Chính phủ Hàn Quốc phê duyệt bộ kit xét nghiệm đầu tiên vào ngày 4/2, do công ty công nghệ sinh học Kogene có trụ sở tại Seoul sản xuất, khi nước này mới chỉ ghi nhận 16 ca. Baek Myo-ah, giám đốc điều hành của Kogene, cho biết họ bắt đầu phân phối hàng ba ngày sau đó.
Video đang HOT
Ba công ty khác cũng nhanh chóng được phê duyệt sản xuất bộ kit sau 10 ngày. Điều đó giúp Hàn Quốc chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất trước khoảng hai tuần. Trong vòng hai tuần, số ca nhiễm đã tăng vọt từ 31 vào ngày 18/2 lên gần 5.000.
Hàn Quốc có khả năng xét nghiệm lên tới 20.000 người mỗi ngày tại 633 địa điểm toàn quốc, bao gồm các trạm xét nghiệm không cần xuống xe và những cơ sở mới được thiết lập khi có tòa nhà ghi nhận người nhiễm. Các mẫu bệnh phẩm được vận chuyển bằng xe van trong thùng kín 4 độ C đến 118 phòng thí nghiệm, nơi khoảng 1.200 chuyên gia y tế làm việc để phân tích kết quả.
Bộ kit cho kết quả sau 6 giờ và bệnh nhân thường nhận được kết quả trong vòng một ngày. “Quá trình diễn ra rất nhanh chóng”, Son Young-rae, quan chức y tế cao cấp của Hàn Quốc, nói.
Hiệu quả từ biện pháp thử nghiệm “ồ ạt” của Hàn Quốc càng trở nên nổi bật khi so sánh với phản ứng chậm chạp ở Mỹ và châu Âu. Tuần trước, Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, thừa nhận hệ thống hiện tại của Mỹ không thể giúp tất cả người dân được xét nghiệm dễ dàng và gọi đây là một thất bại.
Vì không thể xét nghiệm được nhiều người, giới chức phải “mò mẫm trong bóng tối” vì không xác định được mức độ lây lan của nCoV. “Xét nghiệm rất quan trọng”, Yvonne Maldonado, giáo sư tại trường y thuộc Đại học Stanford, nói. “Nếu bạn có thể cách ly những người nhiễm sớm hơn thì sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề hơn”.
Chỉ khoảng 3% xét nghiệm nCoV của Hàn Quốc cho kết quả dương tính, trái ngược với Italy, nơi cứ 6 người làm xét nghiệm thì một người nhiễm.
Một trong những nguyên nhân khiến Hàn Quốc thực hiện tốt chính sách này là chính phủ được gia tăng thẩm quyền sau đại dịch MERS 5 năm trước. Các nhà điều tra có quyền tiếp cận giao dịch thẻ tín dụng, dữ liệu điện thoại thông minh và camera an ninh, giúp họ xác định lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân, từ đó khoanh vùng và xét nghiệm kịp thời.
Giới chức y tế thực hiện hai cuộc họp báo một ngày để thông báo tình hình dịch. Người dân nhận được thông báo bằng tin nhắn mỗi khi giới chức phát hiện ca nhiễm mới ở khu vực họ sống hoặc làm việc.
Các bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân đi làm xét nghiệm nếu họ bị sốt, có triệu chứng hô hấp hay viêm phổi không xác định nguyên do sau khi đến 11 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Kể cả những người tự yêu cầu xét nghiệm cũng không gặp trở ngại. Moon Seok-jin, 29 tuổi, bị ho nhẹ và tức ngực, nhưng gần đây anh không đến Trung Quốc và không bị sốt. Dù vậy, ngày 22/2, Moon vẫn đến một bệnh viện gần Seoul để xin được xét nghiệm.
Ba nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ lấy mẫu của anh và chụp X-quang với chi phí 150.000 won (khoảng 125 USD), số tiền này sau đó được bảo hiểm tư nhân của Moon thanh toán. Anh được thông báo rằng xe cứu thương sẽ đến đón nếu anh nhiễm bệnh.
Cuối cùng, kết quả xét nghiệm cho thấy Moon âm tính với nCoV. “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận được kết quả rất nhanh”, Moon nói.
Chống nCoV kiểu Hàn Quốc 148 Giáo chủ bị tố ‘hai mặt’ của Tân Thiên Địa 35 Các nước chi trả phí điều trị Covid-19 thế nào? 41
Phương Vũ (Theo WSJ)
Theo vnexpress.net
Trung Quốc điều tra người nhiễm nCoV trở về từ Mỹ
Cảnh sát Bắc Kinh đang điều tra một nữ bệnh nhân nhiễm nCoV quay về Trung Quốc hồi tuần trước với lý do bị từ chối xét nghiệm tại Mỹ.
Phan Tự Hoành, phó giám đốc công an Bắc Kinh, hôm nay cho biết nữ bệnh nhân họ Li, công dân Trung Quốc nhưng hiện sống ở bang Massachusetts, Mỹ, đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Li xuất hiện các triệu chứng bệnh như ho, sốt hôm 1/3 và quyết định cùng chồng và con trai lên máy bay của Air China từ Los Angeles để trở về Bắc Kinh hôm 12/3. Li được xác nhận dương tính với nCoV một ngày sau đó, trở thành một trong 143 ca bệnh "ngoại nhập" ở Trung Quốc.
Li khai với nhà chức trách Trung Quốc rằng cô đã đến bệnh viện địa phương ở Massachusetts lần đầu vào ngày 3/3 nhưng chỉ được bác sĩ phát thuốc rồi cho về nhà. Cô tiếp tục đến khám vào các ngày 5/3, 10/3, nhưng ảnh chụp X-quang cho thấy phổi vẫn bình thường.
Đến ngày 11/3, Li đến khám một lần nữa và X-quang cho thấy phổi cô đã bị tổn thương. Tuy nhiên, sau khi đánh giá các triệu chứng, bệnh viện không cho cô nhập viện. Li khẳng định cả ba đơn xin xét nghiệm axit nucleic của cô đều bị từ chối.
Thông tin về việc Li phải về nước vì bị Mỹ ba lần từ chối xét nghiệm nCoV được Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Bắc Kinh Bàng Tinh Hỏa công bố trong họp báo hôm 14/3 và được truyền thông nước này dẫn lại.
Phó giám đốc công an Bắc Kinh Phan Tự Hoành trong cuộc họp báo hôm 15/3. Ảnh: People.cn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều ngay sau đó được đưa ra về trường hợp của Li. Nieng Yan, giáo sư tại Đại học Princeton, đăng trên Weibo rằng thực chất Li đã được xét nghiệm dương tính với nCoV tại Mỹ và cố ý "trốn về" Trung Quốc. Điều này mâu thuẫn với tuyên bố của Li rằng cô bị từ chối xét nghiệm tại bệnh viện ở Massachusetts.
Ông Phan khẳng định cảnh sát Bắc Kinh sẽ kiên quyết xử lý các hành vi bất hợp pháp, từ chối hợp tác phòng chống dịch bệnh như cung cấp thông tin sai lệch, che giấu tình hình bệnh và buộc người có trách nhiệm phải chịu hình phạt. Ông nói thêm hiện cô Li vẫn ổn định và đang được điều trị tại bệnh viện, còn chồng và con trai của cô cũng bị cách ly như hai ca nghi nhiễm.
Tình hình Covid-19 ở Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khen ngợi phản ứng của nước này với dịch bệnh khi nhanh chóng đưa ra các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt cũng như phong tỏa nhiều nơi để kiểm soát ổ dịch. Trung Quốc hiện ghi nhận hơn 80.000 ca nhiễm, hơn 3.200 người tử vong và hơn 68.000 người đã hồi phục.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) gần đây liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới giảm mạnh và chính quyền đã nới lỏng các hạn chế đi lại, cho phép người dân đi làm trở lại. NHC cũng tuyên bố đã qua đỉnh dịch và có thể không ghi nhận ca nhiễm mới vào cuối tháng này.
Theo vnexpress.net
WHO: Hãy xét nghiệm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gửi thông điệp đến mọi quốc gia đang chống Covid-19: "Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm". Tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp báo ngày 16/3. Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đồng thời chỉ trích một số quốc gia vì chưa nỗ lực trong việc phát hiện và khống chế sự lây...