Hàn Quốc tăng cường quân đội, cùng Mỹ tập trận đối phó Triều Tiên
Trước những diễn biến mới ở Triều Tiên, Hàn Quốc vừa tăng cường quân đội vừa tiến hành tập trận cùng Mỹ.
Đối phó với tên lửa Triều Tiên
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo hôm nay (10/6) cho biết các đợt diễn tập tư thế sẵn sàng chiến đấu của Không quân liên quân Hàn-Mỹ và cuộc tập trận phối hợp hệ thống phòng thủ tên lửa đã diễn ra theo đúng kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Jeong không đề cập cụ thể về các cuộc tập trận này.
Tập trận ở Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.
Đài KBS cho biết, Bộ Quốc phòng và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc thông báo rằng quân đội Hàn-Mỹ gần đây đã tiến hành diễn tập trao đổi thông tin thăm dò tên lửa, kết hợp các biện pháp thăm dò và đánh chặn với tình huống giả định là Triều Tiên phóng tên lửa.
Một quan chức quân đội cho biết quân đội hai nước đã tiến hành diễn tập định kỳ công tác chia sẻ thông tin liên quan tới địa điểm, động cơ phóng tên lửa.
Cuộc tập trận được tiến hành tập trung ở Trung tâm kiểm soát tác chiến tên lửa đạn đạo (AMD-cell) của quân đội Hàn Quốc và Trung tâm kiểm soát tác chiến hệ thống đánh chặn bằng tên lửa Patriot (TMD-cell) của quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Quân đội Hàn Quốc hiện đang vận hành tên lửa Patriot, quân đội Mỹ đồn trú vận hành tên lửa Patriot kết hợp hệ thống tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD).
Đặc biệt, hai bên đã tổng hợp tất cả các phương tiện đánh chặn trên không, trên biển và trên đất liền mà quân đội Hàn Quốc, quân đồn trú Mỹ và quân đội Mỹ sở hữu để rà soát phương thức phản công. Theo đó, giả sử Triều Tiên phóng tên lửa, quân đội Hàn Quốc sẽ kích hoạt tên lửa Patriot và tên lửa dẫn đường hạm đối không SM-2, còn quân đội Mỹ đồn trú sẽ đồng thời phóng tên lửa Patriot và tổ hợp THAAD để tấn công đáp trả.
Quân đội Hàn Quốc và quân đội Mỹ đồn trú được cho là đang thiết lập hệ thống liên kết trung tâm kiểm soát tác chiến. Trung tâm kiểm soát tác chiến của quân đồn trú Mỹ được cho là sẽ liên kết với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ đồn trú ở Nhật Bản.
Video đang HOT
Củng cố quân đội Hàn Quốc
Tại cuộc họp 6 tháng đầu năm của quan chức Bộ Quốc phòng ngày hôm nay (10/6), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã thống nhất rằng tình trạng quân đội tại khu vực biên giới Hàn-Triều phải được quản lý một cách ổn định và nghiêm ngặt.
Họp quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.
Trong cuộc họp, phía Hàn Quốc đánh giá rằng Thỏa thuận quân sự Hàn-Triều được ký kết nhân nhịp Hội nghị cấp cao liên Triều diễn ra vào tháng 9/2018 đã có đóng góp cụ thể và thực chất đối với việc giảm căng thẳng mang tính quân sự và xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng nhận định rằng gần đây quan hệ hai bên có những căng thẳng. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện thỏa thuận này với mục đích giảm căng thẳng mang tính quân sự, đồng thời ủng hộ chính sách phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên của chính phủ Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, đồng thời với việc duy trì lực lượng đối phó dựa trên quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, sẽ có những biện pháp đối phó với đe dọa an ninh từ nhiều góc độ.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng hiện tại, ngoài việc đối phó với đại dịch Covid-19, Triều Tiên vẫn đang tiếp tục hoạt động mang tính quân sự như phóng tên lửa… do đó, quân đội Hàn Quốc được đặt trước tình trạng phải cùng lúc ứng phó với không chỉ đối với những đe dọa an ninh quân đội truyền thống, mà cả đối với đe dọa an ninh quân đội phi truyền thống như đại dịch Covid-19. Trong thời gian qua, quân đội Hàn Quốc đã thực hiện huấn luyện vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa đối phó với các vụ bắn tên lửa của Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo nhấn mạnh rằng quân đội Hàn Quốc đồng thời với việc huấn luyện, phải thường xuyên duy trì sức mạnh chiến đấu cao nhất.
Trong những ngày qua, Triều Tiên đã có những động thái ngừng liên lạc với phía Hàn Quốc thông qua Văn phòng liên lạc liên Triều vốn đã thực hiện từ sau khi hai bên ký thỏa thuận hợp tác liên Triều vào năm 2018. Theo thông lệ, quân đội hai bên thường thực hiện các cuộc gọi định kỳ của hai kênh liên lạc này vào 9h sáng và 17h chiều mỗi ngày.
Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng không trả lời các cuộc điện thoại kiểm tra định kỳ kể từ khi khôi phục kênh liên lạc quân sự và đường dây nóng giữa các tàu thuyền trên biển giữa hai nước. Điều này khiến quan hệ hai bên trở nên căng thẳng./.
Căng thẳng Hàn-Triều nóng lên: Thành quả ngoại giao đi vào ngõ cụt?
Diễn biến mới trên Bán đảo Triều Tiên cho thấy những nút thắt khó tháo gỡ đang đe dọa khiến thành quả ngoại giao trở về con số 0.
Hàn Quốc đau đầu tìm cách làm "vẹn lòng" Mỹ - Triều
Hôm 9/6, Triều Tiên tuyên bố sẽ cắt đứt đường dây liên lạc được thiết lập cách đây 2 năm giữa 2 nhà lãnh đạo liên Triều. Động thái trên đã tấn công thẳng vào lời hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2017 của Tổng thống Hàn Quốc rằng sẽ ông sẽ nỗ lực chấm dứt tình trạng thù địch và hướng tới xây dựng hòa bình vĩnh viễn giữa 2 bên. Đây cũng là một tin xấu với ông Moon Jae In sau khi liên minh cầm quyền của nhà lãnh đạo Hàn Quốc giành đa số áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 4 và củng cố lời kêu gọi nối lại quan hệ với Triều Tiên.
Căng thẳng mới nhất giữa 2 miền Triều Tiên diễn ra sau khi các nhà hoạt động rải truyền đơn chống Triều Tiên ở khu vực biên giới 2 nước trước thềm kỷ niệm 20 năm cuộc gặp đầu tiên giữa các lãnh đạo cấp cao 2 bên. Hội nghị Thượng đỉnh ngày 13/6/2000 này là sự kiến lớn nhất trong nỗ lực hòa giải của Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung để từ đó đưa đến nhiều dự án hợp tác chung về thương mại giữa 2 bên và giúp nhà lãnh đạo này giành giải Nobel Hòa bình.
Vấn đề hiện nay của ông Moon là ông không thể đáp ứng nhiều yêu cầu từ phía Triều Tiên nếu không có sự tán thành từ phía chính quyền Tổng thống Trump, vốn luôn từ chối lời kêu gọi giảm bớt các lệnh trừng phạt với Triều Tiên của Hàn Quốc. Washington cũng từ chối nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Bình Nhưỡng nếu không nhận được sự cam kết lớn hơn về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân từ ông Kim.
Chính quyền ông Moon hồi cuối tháng 5 cho biết Hàn Quốc muốn chấm dứt lệnh hạn chế đi lại và nối lại các hoạt động trao đổi liên Triều. Nỗ lực này từng được Hàn Quốc đề cập năm 2018 song Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng Seoul không được làm bất kỳ điều gì liên quan đến các lệnh trừng phạt "mà không có sự đồng ý của chúng tôi".
Các thành viên trong chính quyền ông Moon đều hiểu Seoul có thể hành động đơn phương để nối lại sự hợp tác liên Triều nhưng điều đó sẽ tạo ra rủi to lớn trong quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc và Mỹ, Soo Kim - một nhà phân tích chính sách chuyên nghiên cứu về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên nhận định.
"Tổng thống Moon Jae In có thể hứa hẹn nhiều điều với phía Triều Tiên nhưng ông ấy vẫn bị giới hạn về các biện pháp thực tế mà Hàn Quốc có thể thực hiện nếu cân nhắc đến mối quan hệ với Mỹ", bà Soo Kim đánh giá.
Các đề xuất của Hàn Quốc đều bị chính quyền Tổng thống Trump bác bỏ, trong đó bao gồm các hoạt động tại nhà máy chung ở thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên và khu nghỉ dưỡng trên núi Kumgang của nước này. Cả 2 cơ sở trên đều được mở theo tinh thần của Chính sách Ánh dương nhưng sau đó bị đóng cửa do những căng thẳng về chính trị.
Trong khi Hàn Quốc có thể tận dụng quy định về miễn trừ trừng phạt của Liên Hợp Quốc trong dự án đường sắt liên Triều cách đây 2 năm thì việc cứu trợ nhân đạo của nước này với Triều Tiên đã bị chấm dứt do chiến lược gây sức ép tối đa của Tổng thống Trump. Hàn Quốc đã gửi cho Triều Tiên hơn 3 tỷ USD cứu trợ từ năm 1995 nhưng dưới thời chính quyền Tổng thống Moon, khoản hỗ trợ này là rất ít, chỉ khoảng 12 triệu USD trong 2 năm 2017 và 2018.
Trao đổi thương mại giữa 2 miền Triều Tiên đã gần như bằng 0 so với 2,7 tỷ USD năm 2015, chiếm khoảng 10% nền kinh tế Triều Tiên. Triều Tiên cũng chịu thêm một cú đánh nữa trong năm nay khi phải đóng cửa hoàn toàn biên giới hồi tháng 1 vì dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động trao đổi thương mại của nước này với các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc.
Triều Tiên đã mất kiên nhẫn với Hàn Quốc
Việc Triều Tiên không trả lời các cuộc gọi của Hàn Quốc hôm 9/6 là sự việc xảy ra lần đầu tiên kể từ khi đường dây liên lạc liên Triều được nối lại năm 2018, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo nhận định trong một cuộc họp báo tại Seoul.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ thì khẳng định Washington yêu cầu Bình Nhưỡng quay lại con đường hợp tác và ngoại giao: "Mỹ luôn ủng hộ những tiến triển trong quan hệ liên Triều và chúng tôi rất thất vọng trước những hành động gần đây của Triều Tiên".
Sau động thái cắt đứt liên lạc với phía Hàn Quốc, ông Kim Jong Un có thể sẽ tiến hành nhiều vụ thử tên lửa hơn nhưng Bình Nhưỡng sẽ cố gắng tránh "chọc giận" Tổng thống Trump. Trước đó, Tổng thống Mỹ luôn cho rằng việc Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa tầm ngắn là không quá nghiêm trọng và thường ca ngợi rằng khả năng ngoại giao của ông sẽ ngăn ông Kim tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng tấn công vào đất liền ở Mỹ.
"Những hành động khiêu khích như tiến hành phóng tên lửa sẽ diễn ra nhưng không có sự kiện nghiêm trọng nào như một vụ thử ICBM", Cho Han-bum, một học giả cấp cao tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc cho biết. Chuyên gia này cũng nhận định rằng Triều Tiên không muốn đẩy ông Moon ra quá xa: "Hàn Quốc hiểu rõ việc chấm dứt quan hệ liên Triều không phải là điều mà Triều Tiên muốn".
Mối quan hệ giữa Triều Tiên với ông Moon đã không còn giống như trước từ khi Tổng thống Trump rời khỏi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều với ông Kim hồi tháng 2/2019 ở Hà Nội. Nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó đang thúc đẩy 1 kế hoạch được Seoul ủng hộ nhằm hủy bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon để đổi lấy việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, đề xuất trên đã không đi đến đâu do chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu Triều Tiên phải "phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể xác minh được".
"Đó là cảm giác thất vọng và bị phản bội. Ông Kim Jong Un cảm thấy Hàn Quốc đã đã khiến ông ấy hiểu lầm rằng cơ sở Yongbyon là điều kiện đủ để tiến hành một thỏa thuận với ông Trump tại Hà Nội", Rachel Minyoung Lee, một cựu chuyên gia trong chính phủ Mỹ chuyên nghiên cứu về Triều Tiên nhận định.
Woo Won-shik, một nghị sĩ cấp cao và từng là cựu lãnh đạo đảng Dân chủ nhận định có một "nhu cầu cấp bách" trong việc nối lại sự hợp tác liên Triều, đồng thời cho rằng việc không hành động ngay tức khắc có thể khiến Triều Tiên ngày càng bị cô lập và đưa tình trạng bên bờ vực chiến tranh cách đây 3 năm tái diễn. Đầu năm nay, ông Kim khẳng định ông sẽ sớm cho ra mắt môt "vũ khí chiến lược mới" như một phần trong nỗ lực gây sức ép với Mỹ và Hàn Quốc.
Duyeon Kim, cố vấn cấp cao về Chính sách hạt nhân và Đông bắc Á tại Tổ chức Nghiên cứu khủng hoảng Quốc tế nhận định, ông Kim Jong Un tin là ông ấy không có nhiều điều để mất nữa khi gia tăng sức ép với ông Moon.
"Triều Tiên đang tăng cường gửi đi các tín hiệu, cố gắng đẩy xa hơn các hành động khiến cho Seoul phải nỗ lực hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu của Bình Nhưỡng. Ông Kim Jong Un cảm thấy rằng ông ấy đã nỗ lực hết sức để giúp cho ông Moon nhưng Seoul đã không đáp lại tương xứng, đồng thời phản bội Triều Tiên và không tạo ra bất kỳ ảnh hưởng nào với Washington để thực hiện những hứa hẹn", chuyên gia Duyeon Kim bình luận./.
Hàn Quốc ngăn thả truyền đơn chống Triều Tiên Hàn Quốc sẽ có hành động pháp lý với hai nhóm người Triều Tiên đào tẩu đã thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới. Trung tâm Giáo dục Kuensaem và Chiến binh vì một Triều Tiên Tự do đã vi phạm Đạo luật Hợp tác và Trao đổi liên Triều bằng cách gửi truyền đơn cùng gạo, thuốc, phát ngôn viên...