Hàn Quốc tăng cường hỗ trợ thanh niên sống cô lập với xã hội
Ngày 19/9, chính phủ Hàn Quốc đã công bố loạt chính sách phúc lợi mới nhằm tiếp cận những người trẻ tuổi đang sống cô lập với xã hội.
Theo hãng thông tấn Yonhap, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc định nghĩa những người bị cô lập về mặt xã hội là những người không có tương tác có ý nghĩa với người khác, ngoại trừ gia đình, trong hơn 6 tháng.
Trong một báo cáo do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện hồi tháng 5, số thanh niên bị cô lập xã hội chiếm 5% vào năm 2021, tương đương 538.000 người trong tổng số 10,8 triệu thanh niên Hàn Quốc thời điểm đó.
Bộ Phúc lợi cho biết họ đã triển khai nhiều kênh tiếp nhận khác nhau, bao gồm cuộc gọi và tin nhắn, qua đó thanh niên bị cô lập có thể yêu cầu giúp đỡ, hỗ trợ tư vấn tâm lý và tham gia các chương trình kỹ năng như lớp học nấu ăn để mở rộng tương tác và mối quan hệ xã hội.
Các chương trình chung sống tập thể cũng sẽ được thành lập để giúp thanh thiếu niên sống cô lập cùng hoàn cảnh sinh hoạt cùng nhau và học cách quản lý cuộc sống hàng ngày.
Trước mắt, các đơn vị chuyên môn sẽ được thành lập ở bốn tỉnh và thành phố vào năm tới để cung cấp dịch vụ chăm sóc cho những người sống trong cảnh cô lập xã hội. Số lượng công chức phụ trách hỗ trợ sẽ tăng từ 180 hiện tại lên 230. Dự kiến, quy mô sẽ được mở rộng trên toàn quốc vào năm 2026.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ nâng trợ cấp từ 400.000 won (7,3 triệu đồng) lên 500.000 won cho những người sẵn sàng quay trở lại đời sống xã hội bình thường.
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng sẽ được tăng cường, cho phép thanh niên được khám sức khỏe thường xuyên hơn – rút ngắn từ 10 năm một lần đến 2 năm một lần – với hy vọng giúp xác định sớm các bệnh tâm thần bao gồm tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực ở độ tuổi trẻ.
Chính phủ đã phân bổ ngân sách 330,9 tỷ won cho năm tới để tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ phúc lợi mới dành cho những người trẻ tuổi bị cô lập, tăng 43% so với ngân sách năm nay.
Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, những người trẻ tuổi tại “xứ sở kim chi” phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng do chi phí nhà ở và khoảng cách thu nhập cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, vì họ là người trẻ, trong độ tuổi lao động nên họ cũng không được hưởng nhiều phúc lợi và trợ cấp như người cao tuổi hoặc trẻ em.
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Cho Kyoo-hong nhận định: “Những chính sách mới này sẽ tạo ra các biện pháp hỗ trợ cho những người trẻ tuổi rơi vào điểm mù phúc lợi. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách bổ sung dành cho những người trẻ này để giúp họ vượt qua khó khăn và đạt được mục tiêu của mình”.
Các biện pháp mới được chính phủ đưa ra trong bối cảnh các nhà tội phạm học đánh giá các nghi phạm trong loạt tội ác nghiêm trọng gần đây đều là những người có vấn đề về tâm lý và sống cô lập với xã hội.
Điển hình trong đó là Choi Yoon-jong, 30 tuổi. Vào ngày 17/8 vừa qua, Choi đã bắt có và hành hung dã man một phụ nữ khi đi bộ ở Sillim-dong, thủ đô Seoul. Sau vụ tấn công, nạn nhân rơi vào trạng thái hôn mê và qua đời hai ngày sau đó.
Ngày 21/7, một đối tượng nam ngoài 30 tuổi đã giết chết một người và làm bị thương ba người khác trong một vụ tấn công bằng dao gần ga tàu điện ngầm Slim phía Nam Seoul. Khi khai nhận với cảnh sát, hắn ta thừa nhận đã phải “sống một cuộc đời khốn khổ nên muốn làm cho người khác đau khổ”.
Trong vụ đâm nữ giáo viên tại thành phố Daejeon ngày 4/8, cảnh sát cho hay nghi phạm được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và trầm cảm trong những năm gần đây, nhưng không được điều trị.
Ngày 31/8, trong một thông báo về các biện pháp hỗ trợ thanh thiếu niên cô độc, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cho biết: “Tình trạng cô lập của những người trẻ tuổi làm suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần của họ, đồng thời ảnh hưởng xấu đến gia đình, trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng và gây nhức nhối”.
Người Hàn Quốc tìm đến các lớp học tự vệ sau loạt vụ tấn công bằng dao
Vào cuối tuần trước, Choi Yeon-su, nhân viên văn phòng 24 tuổi, đã luyện tập nhiều lần cách sử dụng túi để tự vệ trong một lớp học đặc biệt.
Người hướng dẫn đã yêu cầu các học viên giơ túi xách theo hướng chéo làm lá chắn khi đối phó với một cuộc tấn công bằng dao.
Học viên thực hành kỹ năng tự vệ bằng túi xách cá nhân trước một cuộc tấn công, tại lớp học tự vệ do Trung tâm Huấn luyện An toàn Seongdong tổ chức ngày 2/9. Ảnh: Yonhap
"Hãy luôn nhớ rằng các đòn tấn công có thể nhắm vào cổ của nạn nhân. Hãy đảm bảo che chắn cơ thể theo hướng chéo. Bây giờ, bạn có 10 giây để thoát thân", người hướng dẫn nói khi các học viên thực hành lấy túi xách làm lá chắn.
Choi và 13 người cùng lớp, nằm trong số ngày càng nhiều người Hàn Quốc đăng ký các lớp học tự vệ sau hàng loạt vụ tấn công gây chết người và các cuộc đâm dao vô cớ nhắm vào những người đi đường trong những tháng gần đây.
Nỗi lo sợ của Choi về những cuộc tấn công này đã lên đến đỉnh điểm sau vụ đâm dao điên cuồng xảy ra vào tháng trước ở Bundang, phía nam Seoul, khiến 2 người thiệt mạng và 12 người bị thương. Một ngày sau, công ty của Choi đã gửi thông báo khẩn cấp yêu cầu nhân viên không đến nơi làm việc để đề phòng trường hợp nguy hiểm.
"Tôi rất sợ ra đường vì tôi có thể luôn phải đến khu vực đông người. Nhưng thực sự, tôi không thể làm gì khác", cô Choi cho biết sau buổi học tự vệ được tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện An toàn Seongdong do phường Seongdong tổ chức.
Người phụ nữ thực hành cách tự vệ bằng điện thoại thông minh. Ảnh: Yonhap
Nhưng thay vì sống trong sợ hãi, Choi cho biết cô quyết định trau dồi kỹ năng tự vệ và đăng ký khóa học kéo dài 2 tiếng. Cô gái 24 tuổi đã mất gần một tháng mới có thể tham gia lớp học này, nhưng sự chờ đợi đó thật sự đáng giá.
Mục tiêu ban đầu của trung tâm là huấn luyện học viên cách đối phó thích hợp trước các vụ tai nạn hoặc thiên tai cho cả người lớn và trẻ em, nhưng Giám đốc Kang Sung-ho cho biết ông quyết định mở lớp học tự vệ sau khi xem đoạn phim CCTV về vụ tấn công bằng dao điên cuồng gần ga Sillim ở Seoul.
Lớp học được tổ chức vào thứ 7 hàng tuần, tập trung huấn luyện cách sử dụng các vật dụng hàng ngày như túi xách, điện thoại thông minh và son môi để tự vệ. Các học viên cũng được thực hành kỹ thuật xử lý túi xách làm lá chắn và giảm thiểu thương tích khi bị tấn công bất ngờ.
Sau khi buổi học kéo dài 2 giờ kết thúc, toàn bộ 14 học viên sẽ được tham gia vào các tình huống 1-1 với người hướng dẫn, mô phỏng các cuộc "chạm trán" ngoài đời thực với những kẻ tấn công bằng dao ngẫu nhiên trên đường phố.
Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân tại một trung tâm mua sắm ở Bundang, phía nam Seoul, sau khi một nghi phạm lao ô tô vào người đi bộ bên ngoài trung tâm thương mại và dùng dao tấn công nhiều người hôm 7/8. Ảnh: Yonhap
Hàn Quốc là quốc gia kiểm soát súng nghiêm ngặt và tỷ lệ tội phạm tương đối thấp. Tuy nhiên, danh tiếng đó gần đây đã bị lu mờ, trong bối cảnh hàng loạt tội ác bạo lực, các cuộc tấn công vô cớ và các vụ tấn công ngẫu nhiên xảy ra ở thủ đô của nước này và các khu vực lân cận.
Hôm 21/7, nghi phạm Cho Seon, 33 tuổi, đã dùng dao đâm chết một người và làm bị thương 2 người gần ga Sillim. Sau đó, vụ tấn công bằng dao khác nhắm vào 14 người tại trung tâm mua sắm đã xảy ra ở phía nam Seoul. Trong vụ việc kinh hoàng, một người đàn ông đã đánh đập và cưỡng hiếp một phụ nữ ở gần sườn đồi ở phía nam thủ đô.
Theo kết quả khảo sát của Gallup Korea, 82% trong số 1.001 người được hỏi trên 18 tuổi bày tỏ "rất lo lắng" hoặc "quan ngại" về nguy cơ trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công vô cớ.
Để giải quyết những lo ngại của người dân, cảnh sát đã tuyên bố tình trạng hoạt động "kiểm soát đặc biệt", triển khai xe bọc thép ở các khu vực đông dân cư, tăng cường tuần tra và tiến hành các hoạt động ngăn chặn và khám xét những người bị nghi ngờ cầm vũ khí trên đường phố. Chính quyền một số khu vực ở thủ đô Seoul còn lắp đặt thêm camera giám sát để hạn chế các "điểm mù".
Cảnh sát tuần tra một sân vận động bóng chày ở thành phố Gwangju, phía tây nam Hàn Quốc sau 2 vụ đâm dao ở Seoul và tỉnh Kyunggi vào ngày 8/8. Ảnh: Yonhap
Bất chấp những nỗ lực trên, những cô gái trẻ như Choi vẫn vô cùng lo sợ và tìm đến các lớp học tự vệ, học cách sử dụng các vật dụng để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Trong tháng 8, ít nhất 20 học viên mới đã đăng ký học tự vệ tại trung tâm của ông Kim Han-min ở trung tâm Seoul. Lớp học này tập trung vào Krav Maga, một môn võ ban đầu dành cho Lực lượng Phòng vệ Israel. Ông Kim cho biết số lượng học viên mới đã tăng mạnh khoảng 30% so với năm trước.
Doanh số bán các mặt hàng tự vệ - chẳng hạn còi và dùi cui - trên nền tảng thương mại điện tử Interpark Corp cũng tăng đáng kể, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái trong khoảng thời gian 12 ngày sau vụ tấn công bằng dao ở Sillim.
Tương tự, các lớp học tự vệ do phường Seongdong tổ chức cũng thành công "ngoài mong đợi".
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ đâm dao tại trung tâm thương mại gần ga Seohyeon ở Seongnam, phía nam Seoul, ngày 3/8. Ảnh: Yonhap
Người phát ngôn phường Kim Seon-mi cho biết trong khi các lớp học khác thường phải mất từ 1 đến 2 tuần để đạt đủ số lượng học viên, thì 4 lớp học tự vệ đã kín người đăng ký chỉ trong vòng 6 giờ. Sự hưởng ứng nhiệt tình này đã thúc đẩy phường Seongdong đưa các lớp học này vào chương trình giảng dạy tiêu chuẩn của trung tâm trong năm tới.
Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia khuyến cáo người dân không nên một mình đối đầu với những kẻ tấn công. Giới chức lưu ý ngay cả những người đã luyện tập võ thuật nhiều năm cũng có thể bị động bất ngờ khi đối mặt với một cuộc tấn công không lường trước.
Quan chức cảnh sát giám sát chính sách phòng chống tội phạm cho biết: "Chúng tôi không khuyến nghị người dân đối đầu với tội phạm có vũ khí bằng tay không. Hành động tốt nhất là nhanh chóng trốn thoát và liên hệ ngay với cảnh sát".
Huấn luyện viên Chon Sun-yong cũng nhấn mạnh kỹ năng tự vệ chỉ nên đóng vai trò là phương tiện tạo cơ hội để thoát khỏi tình huống bị đe dọa và tạo cảm giác yên tâm hơn mỗi khi ra ngoài. Và cảm giác yên tâm đó chính là điều cô Choi mong muốn nhất.
"Tôi từng sợ ra ngoài, nhưng giờ không còn cảm giác đó nữa. Giờ đây, tôi đã biết mình phải làm gì trong tình huống đó", cô nói.
Hàn Quốc: Những vụ tấn công bằng dao là hồi chuông cảnh báo sức khỏe tâm thần Các vụ tấn công bằng dao tại Hàn Quốc không chỉ khiến công chúng nước này sợ hãi, mà còn làm dấy lên những cuộc tranh luận về mức án hình sự và sức khỏe tâm thần của người dân. Những nhát dao ám ảnh Cuối tuần qua, Hàn Quốc liên tiếp rúng động vì các vụ tấn công bằng dao vô cớ....