Hàn Quốc sẽ rút toàn bộ công dân khỏi Kaesong
Hàn Quốc hôm qua tuyên bố sẽ rút toàn bộ các nhân viên còn lưu lại khu công nghiệp chung Kaesong ở Triều Tiên, chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng cự tuyệt đề nghị đàm phán về vấn đề này.
Một xe Hàn Quốc chở các túi áo quần được sản xuất tại khu công nghiệp Kaesong tại cửa khẩu ở thành phố biên giới Paju. Ảnh: AFP
Ryoo Kihl-jae, Bộ trưởng Bộ Thống nhất của Hàn Quốc, cho hay nước này đưa ra “một quyết định không thể tránh khỏi là đưa tất cả những công dân còn ở Kaesong trở về nhằm đảm bảo an toàn cho họ”.
Theo Telegraph, hiện chưa rõ khi nào thì 175 nhân viên người Hàn Quốc và một người Trung Quốc sẽ rời khỏi khu công nghiệp Kaesong. Phía Triều Tiên đã rút cả 53.000 công nhân nước này khỏi đây từ hồi đầu tháng.
Trong một thông báo trước đó cùng ngày, Triều Tiên tuyên bố từ chối “tối hậu thư” của Hàn Quốc về việc tổ chức đàm phán nhằm bình thường hóa hoạt động Kaesong. Nước này gọi đây là “một trò hề” và đổ lỗi cho Hàn Quốc về căng thẳng hiện tại.
“Việc cấm cửa và tạm thời ngừng hoạt động Kaesong là để ngăn cho khu công nghiệp không bị biến thành một cái cớ để khai mào chiến tranh chính thức”, phát ngôn viên của Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Triều Tiên nói.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cho biết sẽ không đe dọa đến an toàn của những công dân Hàn Quốc còn ở lại Kaesong.
“Nếu Hàn Quốc thực sự lo ngại cho tính mạng của công dân mình tại khu công nghiệp, họ có thể rút toàn bộ về phía nam nơi có kho dự trữ thực phẩm, nguyên vật liệu và điều kiện y tế tốt”, phát ngôn viên trên nói. “Tất cả các vấn đề liên quan đến an nguy của các công dân Hàn Quốc muốn rời Kaesong sẽ được chính quyền chúng tôi bảo đảm”.
Dù tương lai của Kaesong không mấy tươi sáng, cả hai phía vẫn tránh nhắc đến chuyện đóng cửa khu công nghiệp.
Là mối liên kết duy nhất giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, Kaesong thường được xem là biểu tượng cho quan hệ liên Triều. Ngay cả trong những thời điểm khủng hoảng trước đây như các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa hay vụ Triều Tiên nã pháo làm chết các công dân Hàn Quốc, Kaesong vẫn được duy trì.
Nằm bên trong đất Triều Tiên, cách biên giới liên Triều 10 km, Kaesong cung cấp việc làm cho 53.000 công nhân Triều Tiên tại các nhà máy thuộc sở hữu của các công ty Hàn Quốc và mang lại cho Bình Nhưỡng một khoản ngoại tệ lớn mỗi năm.
“Đây là một cuộc chiến về niềm kiêu hãnh liên Triều, nhưng họ đối đầu trong khi vẫn để ngỏ cơ hội đàm phán”, Lee Hochul, giáo sư khoa học chính trị tại đại học quốc gia Incheon ở Hàn Quốc nói với AP. “Một khi các cuộc tập trận Mỹ-Hàn kết thúc và căng thẳng giảm xuống, họ có thể sẽ cố gắng tái lập liên lạc về Kaesong”.
Theo VNE
Khu công nghiệp liên Triều có nguy cơ giải thể
13 công ty Hàn Quốc buộc phải đình chỉ sản xuất tại khu công nghiệp chung ở biên giới với Triều Tiên sau nhiều ngày Bình Nhưỡng ra lệnh "cấm cửa" công nhân.
Các tài xế đứng bên cạnh dãy xe tải dài đang chờ sang khu công nghiệp Kaesong ở một chốt kiểm tra quân sự tại thành phố biên giới Paju, Hàn Quốc hôm nay. Ảnh: AFP
Yonhap xác nhận hôm qua là ngày thứ 5 liên tiếp Triều Tiên chặn các công nhân và xe chở hàng vào khu công nghiệp do Seoul tài trợ vốn Kaesong.
Không được bổ sung nhân công, nhiên liệu và nhiều nguyên vật liệu khác, hôm qua, cùng với 4 công ty trước đó, thêm 9 công ty nữa đã phải ngừng hoạt động. Thông tin này được Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều, xác nhận.
Bình Nhưỡng vẫn cho phép các công dân Hàn Quốc đang lưu lại Kaesong về nước. Hôm qua, một công nhân bị ốm và một tài xế đã trở về bên này biên giới. Tổng cộng còn 514 người Hàn Quốc và 4 người Trung Quốc ở khu công nghiệp.
Bộ Thống nhất cho biết khoảng 39 người Hàn Quốc và 21 phương tiện dự kiến quay về Seoul hôm nay. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, số người Hàn Quốc còn lưu lại ở Kaesong sẽ là 475, trong khi bình thường, con số này ít nhất là phải 700.
"Mỗi phút trôi qua đều là một khoảnh khắc quan trọng. Sẽ còn nhiều vấn đề thiếu thốn thực phẩm và nguyên vật liệu tuần này", một quan chức Seoul nói. "Tình hình sẽ diễn biến xấu đi".
Ảnh người, xe dồn ứ ở biên giới liên Triều
Kaesong ra đời năm 2004, nằm sâu 10 km bên trong biên giới Triều Tiên. Đây là một biểu tượng quan trọng hiếm có về sự hợp tác kinh tế liên Triều và là nguồn thu ngoại tệ lớn đối với Bình Nhưỡng.
Khoảng 53.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc trong các nhà máy, từ sản xuất hàng hóa đến giày và đồng hồ, cho 123 công ty Hàn Quốc ở khu công nghiệp này. Đến nay Hàn Quốc đã đầu tư 900 tỷ won (hơn 800 triệu USD) vào Kaesong với tổng doanh thu đạt 2,1 tỷ USD.
Bất chấp nhiều thời điểm khủng hoảng trước đây trong quan hệ hai nước, Kaesong vẫn hoạt động và chưa bao giờ bị ngưng trệ như lần này. Bình Nhưỡng dọa sẽ đóng cửa khu công nghiệp, cáo buộc Seoul "xúc phạm danh dự" lãnh đạo Triều Tiên khi nói rằng Bình Nhưỡng không dám giải thể Kaesong dù căng thẳng có leo thang.
Theo VNE
Obama cảnh báo Syria về vũ khí hóa học Tổng thống Mỹ hôm qua cảnh báo chính quyền Syria rằng việc sử dụng vũ khí hóa học để chống lại dân thường là không thể chấp nhận được, nhưng khẳng định Mỹ sẽ hành động thận trọng trong vấn đề này. Tổng thống Barack Obama. Ảnh: AP "Thật khủng khiếp khi dân thường bị nã đạn và sát hại một cách vô...