Hàn Quốc nói Triều Tiên xả lũ không báo trước
Triều Tiên mở một phần cửa xả lũ của đập Hwanggang trên sông Imjin sau khi hứng đợt mưa lớn, nhưng không thông báo cho Hàn Quốc.
Các nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho biết đập Hwanggang, nằm gần biên giới liên Triều, mở cửa xả lũ ngày 3/8, song Seoul không nhận được bất cứ thông báo nào từ Bình Nhưỡng. Giới chức Hàn Quốc đã đề cao cảnh giác trước nguy cơ mực nước tăng cao đột biến trên sông Imjin.
Đợt xả lũ diễn ra sau khi hãng thông tấn trung ương Triều Tiên phát cảnh báo “mưa đặc biệt lớn” tại các tỉnh Pyongan, Hwanghae, Jagang cùng thành phố Kaesong và một số địa phương khác.
Các cơ quan quân sự và tình báo Hàn Quốc phát hiện dấu hiệu Triều Tiên mở cửa xả lũ thông qua các công cụ giám sát khác nhau. Triều Tiên không thông báo cho Hàn Quốc về đợt xả lũ do mọi đường dây liên lạc quân sự giữa hai miền bị cắt đứt từ vài tháng trước.
Giới chức quân sự Hàn Quốc dự đoán Triều Tiên có thể mở thêm cửa xả lũ của đập Hwanggang do một số khu vực được cảnh báo có thể hứng lượng mưa 500 mm hoặc cao hơn trong đêm.
Nhà máy thủy điện tại đập Hwanggang, tỉnh Kangwon, Triều Tiên. Ảnh: KCTV.
Đập Hwanggang của Triều Tiên từng bất ngờ xả lũ vào tháng 9/2009, khiến nước sông Imjin dâng đột ngột làm 6 người Hàn Quốc thiệt mạng. Sau sự cố, Triều Tiên đồng ý thông báo trước cho Hàn Quốc về kế hoạch mở cửa xả lũ.
Triều Tiên tháng 9/2010 thông báo cho Hàn Quốc qua đường dây quân sự phía tây trước khi mở cửa xả lũ của đập Hwanggang để giảm áp lực hồ chứa sau những trận mưa lớn.
Giới chức Hàn Quốc lo ngại việc Triều Tiên đột ngột xả lũ trên sông Imjin có thể gây thiệt hại về tài sản hoặc thương tích cho dân địa phương.
Hàn Quốc đang hứng chịu đợt mưa lớn trong nhiều ngày qua, gây ngập 5.751 hecta đất nông nghiệp và một phần các tuyến đường quan trọng ở thủ đô Seoul. Hơn 1.000 người phải sơ tán, ít nhất 12 người chết và 14 người mất tích do lở đất hoặc nước cuốn trôi. Hơn 25.000 cảnh sát cùng nhiều lính cứu hỏa và tình nguyện viên được huy động để khắc phục thiệt hại.
Đập Hwanggang nằm cách Khu Phi quân sự (DMZ) dọc biên giới liên Triều khoảng 42 km. Triều Tiên xây đập Hwanggang năm 2002-2007 để đặt nhà máy thủy điện và cung cấp nước tưới cho canh tác nông nghiệp.
Vị trí đập Hwanggang của Triều Tiên. Đồ họa: Google.
Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc, Hàn Quốc họp an ninh khẩn cấp
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in họp khẩn với các quan chức an ninh hàng đầu, sau khi Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc chung ở biên giới.
Ngày 16/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các quan chức an ninh hàng đầu sau khi Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn biên giới Kaesong.
Vụ nổ xảy ra 3 ngày sau khi Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cảnh báo Triều Tiên sẽ phá hủy văn phòng liên lạc "vô dụng" này để phản đối thất bại của Seoul trong việc ngăn chặn các nhóm đào tẩu gửi truyền đơn chống Bình Nhưỡng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh: Yonhap)
Theo KCNA, phía Triều Tiên xác nhận việc "phá hủy hoàn toàn" văn phòng liên lạc chung giữa 2 nước.
Theo đó, văn phòng chung này liên lạc được thành lập vào năm 2018, một phần nhằm giảm bớt các căng thẳng dọc biên giới, nơi 2 nước có khoảng 1 triệu quân. Văn phòng cho phép kết nối liên lạc liên tục giữa hai bên, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Căng thẳng liên Triều lên cao sau khi Triều Tiên đe dọa cắt đứt các mối quan hệ song phương và đáp trả đối với các truyền đơn chống Bình Nhưỡng bị thả qua biên giới.
Một số nhóm đào tẩu thường gửi các tờ rơi, thực phẩm, tờ tiền 1 USD, radio nhỏ và USB chứa phim truyền hình và tin tức từ Hàn Quốc qua biên giới liên Triều, bằng bóng bay hoặc chai thả theo sông.
Theo Yonhap, Bình Nhưỡng đã chỉ trích Seoul gần như mỗi ngày trong vài tuần qua. Căng thẳng châm ngòi khi các nhóm người Triều Tiên đào tẩu thả bóng bay rải truyền đơn chống phá Bình Nhưỡng tại biên giới liên Triều. Phía Triều Tiên cho rằng Hàn Quốc đã không tôn trọng cam kết ngừng "những hoạt động thù địch" ở khu phi quân sự (DMZ).
Video: Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc với Hàn Quốc
Trong khi đó, Hàn Quốc bắt đầu có các động thái pháp lý chống lại các nhóm đào tẩu. Giới chức nước này cáo buộc các nhóm này châm ngòi cho căng thẳng liên biên giới, khiến những cư dân sống gần biên giới phải đối diện với nguy hiểm và làm hư hại đến môi trường. Tuy nhiên, các nhóm đào tẩu này cho biết, họ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch gửi truyền đơn.
Hàn-Triều căng thẳng, tham vọng tái thống nhất thêm xa vời? Căng thẳng bất ngờ leo thang trở lại với Triều Tiên đang đe dọa tham vọng của Tổng thống Hàn Quốc trong việc tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên đang lắp đặt lại loa phóng thanh ở các khu vực dọc biên giới liên Triều sau khi dỡ bỏ chúng theo thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 2018...