Hàn Quốc: Nhức nhối nạn mại dâm trẻ vị thành niên
Mặc dù bất hợp pháp, nhưng ngành công nghiệp tình dục tại Hàn Quốc vẫn phát triển mạnh, chiếm khoảng 4% GDP hàng năm của nước này và bằng nguồn thu của ngành nông nghiệp và đánh cá cộng lại. Trong đó, ngày càng có nhiều trẻ vị thành niên bị ép buộc làm gái mại dâm sau khi bỏ nhà ra đi.
Từ nữ sinh thành gái bán dâm
Yu-ja, 18 tuổi cho biết em trốn khỏi nhà lần đầu tiên khi 12 tuổi để không phải học hành vất vả và có thể được “chơi, chat và hút thuốc với các bạn cả đêm”. Theo cô bé, lần thứ hai em rời khỏi vòng tay cha mẹ là năm 14 tuổi. Khi đó, em bắt đầu bán dâm với giá khoảng 275 USD thông qua dịch vụ chat trên mạng internet.
Thống kê của Cơ quan cảnh sát quốc gia Hàn Quốc cho thấy, số trẻ vị thành niên tham gia vào ngành công nghiệp tình dục bất hợp pháp tại nước này đang gia tăng, từ 528 vụ người vị thành niên bán dâm trong năm 2010 lên 1.290 vụ hồi năm 2014. Theo dữ liệu chính thức, số thanh thiếu niên bỏ nhà đi tăng từ 15.114 lên 21.813 người trong giai đoạn 2009-2012. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc ước tính con số này có thể lên đến 200.000 nếu tính cả những trường hợp không được bố mẹ hoặc người giám hộ trình báo. Trong đó, khoảng 60% thanh thiếu niên bị buộc bán dâm là những em bỏ nhà đi lang thang.
Nữ nghị sĩ Nam In Soon thuộc Đảng Liên minh chính trị mới vì dân chủ đối lập, cho rằng những quy định lỏng lẻo về việc sử dụng internet và điện thoại thông minh là lý do dẫn đến tình trạng nói trên. Một nguyên nhân khác cũng khiến nạn mại dâm ở trẻ vị thành niên gia tăng là việc quản lý nhà nghỉ hời hợt. Các dữ liệu thống kê của Bộ Bình đẳng giới cho thấy, khoảng 65% vụ mua bán dâm liên quan đến thanh thiếu niên diễn ra tại nhà nghỉ.
Tháng trước, vụ một người đàn ông ở độ tuổi 30 sát hại một bé gái đang tuổi đến trường tại một nhà nghỉ ở Thủ đô Seoul đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Nạn nhân được cho là đã gặp gỡ nghi phạm trên để bán dâm thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động. Sau khi nghi phạm bị bắt giữ, một nhóm nữ luật sư đã yêu cầu cảnh sát điều tra trách nhiệm của chủ nhà nghỉ.
Doanh thu 200.000USD mỗi ngày
Video đang HOT
Theo khảo sát của chính quyền Thủ đô Seoul vào năm 2012, trong số 175 trẻ vị thành niên nữ bỏ nhà đi lang thang, 41% nói rằng họ bị lạm dụng tình dục ít nhất một lần, còn 55,3% cho biết họ tham gia bán dâm.
Pháp luật Hàn Quốc quy định cả người mua và bán dâm đều chịu án tù 1 năm hoặc đóng số tiền phạt lên tới 3 triệu won (khoảng 2.700 USD). Trong khi đó, người mua dâm trẻ vị thành niên phải chịu mức án nặng hơn là 22 tháng tù hoặc bị phạt đến 50 triệu won (46.000 USD).
Mặc dù bị coi là bất hợp pháp, song ngành công nghiệp tình dục vẫn nở rộ tại xứ sở Kim chi đến mức chính quyền Hàn Quốc phải thừa nhận nó chiếm đến 4% GDP hàng năm của nước này – tức bằng nguồn thu của ngành nông nghiệp và đánh cá cộng lại. Trên thực tế, hoạt động mại dâm xuất hiện trên khắp Hàn Quốc – trong quán cà phê, trung tâm mua sắm, cửa hàng cắt tóc, khách sạn, nhà nghỉ cũng như các quán bar, nơi các binh sĩ Mỹ thường xuyên lui tới hay các khu đèn đỏ vốn hoạt động công khai. Hồi tháng 1-2012, cảnh sát đã đột kích vào một nhà thổ 9 tầng ở khu phố Gangnam của Seoul và phát hiện hơn 100 gái mại dâm làm việc tại đây với mức phí là 300USD cho một lần “đi khách”. Truyền thông địa phương cho biết, “tổ hợp” này kiếm được hơn 200.000USD mỗi ngày.
Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc ước tính, có khoảng 500.000 phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp tình dục. Tuy nhiên, theo Hiệp hội nữ quyền Hàn Quốc, con số thực sự có thể lên tới 1 triệu người. Sở dĩ có tình trạng trên là do nhu cầu tăng cao. Theo Viện Tội phạm học Hàn Quốc, 1/5 nam giới trong độ tuổi 20 mua dâm ít nhất 4 lần trong một tháng.
Theo_An ninh thủ đô
Tăng tuổi trẻ em lên 18 có tăng tội phạm vị thành niên?
Việc nâng độ tuổi của trẻ em lên 18 tuổi đảm bảo cho trẻ em Việt Nam được chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ.
Trước việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng tuổi xác định trẻ em là người dưới 18 tuổi (thay vì 16 tuổi tại quy định cũ) Chất lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Ths. Nguyễn Linh Giang - Trưởng phòng Nghiên cứu Quyền con người của Viện Nhà nước - Pháp luật.
-Bà có nhận định như thế nào về đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, những mặt được và "mất" khi quy định này đi vào thực tiễn?
Ths. Nguyễn Linh Giang: Hiện nay, các Công ước quốc tế về quyền con người và các chương trình của Liên hợp quốc đều thống nhất xác định độ tuổi của trẻ em theo quy định của Công ước về Quyền trẻ em năm 1989. Theo điều 1 của Công ước này "Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn". Như vậy, Công ước này đưa ra khả năng mở để cho các quốc gia, tùy vào điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá, truyền thống của mình có thể quy định độ tuổi trẻ em phù hợp, có thể thấp hơn 18 tuổi.
Anh minh hoa
Tuy nhiên, trong tất cả các văn kiện của Liên hợp quốc cũng như trong các khuyến nghị, bình luận của các cơ quan công ước như Ủy ban Nhân quyền, Ủy ban về quyền trẻ em, hay trong Quy tắc của Liên hợp quốc về tư pháp người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh), các quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do (Quy tắc Havana), Hướng dẫn của Liên hợp quốc về phòng ngừa phạm pháp của người chưa thành niên (Hướng dẫn Riyadh) đều ghi nhận trẻ em là những người dưới 18 tuổi. Ngay cả khi pháp luật một quốc gia quy định độ tuổi của trẻ em không phải là dưới 18 tuổi mà là ở độ tuổi thấp hơn, thì với vai trò là một quốc gia thành viên của Công ước về Quyền trẻ em, quốc gia này cũng không thể thoái thác trách nhiệm của mình đối với những người dưới 18 tuổi.
Như vậy, việc Dự thảo Luật trẻ em đưa ra quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi là một quy định tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này và nhận thấy không có gì "mất mát" trong quy định này mà ngược lại chúng ta "được" rất nhiều. Cần phải nhận thấy rằng, trẻ em là đối tượng đặc biệt, dễ bị tổn thương, cần được chăm sóc và bảo vệ một cách thích hợp. Việc thực hiện quyền trẻ em là nghĩa vụ của mỗi quốc gia, không phải là một sự ban tặng hay thiên vị nào dành cho chủ thể đặc biệt này. Vì thế, việc đưa ra quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi thay vì quy định dưới 16 tuổi như luật hiện hành sẽ là một cơ sở quan trọng để các em được hưởng sự chăm sóc, giáo dục, được kéo dài "giai đoạn chuẩn bị" trước khi bước vào cuộc sống độc lập, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Quy định này cũng đồng thời thể hiện cam kết và quyết tâm rất cao của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Điều này cho thấy những quyền lợi của trẻ em luôn là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước.
Ths. Nguyễn Linh Giang - Trưởng phòng Nghiên cứu Quyền con người của Viện Nhà nước - Pháp luật. Ảnh: gass.edu.vn
-Thưa bà, ngoài phù hợp với Công ước về Quyền trẻ em, đề xuất nâng độ tuổi xác định trẻ em từ 16 tuổi lên 18 tuổi có phù hợp với thực tế khi hiện nay trẻ đang phát triển trước độ tuổi không?
Ths. Nguyễn Linh Giang: Đúng là trẻ em hiện nay đang phát triển rất nhanh về mặt thể chất so với các thế hệ trước. Tuy nhiên, sự phát triển này chủ yếu vẫn chỉ là về mặt thể chất. Trong khi đó, để trở thành một người trưởng thành thực thụ, các em cần được chuẩn bị nhiều hơn thế. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giai đoạn dưới 18 tuổi là giai đoạn có những thay đổi nhanh chóng không chỉ về thể chất mà còn là thay đổi về tâm lý và nhận thức xã hội. Đây là độ tuổi các em đang dần hoàn thiện nhân cách, tiếp nhận kiến thức để dần gánh vác vai trò của người trưởng thành trong gia đình và xã hội. Đây cũng là giai đoạn có nhiều chuyển biến tâm sinh lý phức tạp: Các em dễ bị tổn thương, dễ phải chịu áp lực từ người thân, bạn bè, dễ bị lôi kéo, kích động... Vì thế, việc nâng độ tuổi của trẻ em lên 18 tuổi là có cơ sở khoa học và thực tiễn, đảm bảo cho trẻ em được chăm sóc thể chất, tinh thần, trí tuệ một cách phù hợp nhất, giúp các em trưởng thành và trở thành những công dân có ích cho xã hội sau này.
Trẻ em sẽ là người dưới 18 tuổi? Ảnh minh họa.
- Cũng có ý kiến cho rằng những vụ việc vi phạm pháp luật, vụ án nghiêm trọng do người dưới 18 tuổi gây ra đã gia tăng trong thời gian qua. Nếu nâng độ tuổi xác định trẻ em lên 18 như đề xuất trên thì thống kê số trẻ em phạm tội sẽ tăng lên. Vấn đề này sẽ tác động như thế nào về mặt chính sách pháp luật liên quan thưa bà?
Ths. Nguyễn Linh Giang: Trẻ em phạm tội luôn là vấn đề gây đau đầu trong mọi xã hội. Tuy nhiên, phải nhìn nhận vấn đề này từ góc độ nguyên nhân gây ra hành vi phạm tội, chứ không phải từ góc độ hình phạt. Thông thường, trẻ em phạm tội thường xuất phát từ các nguyên nhân liên quan đến gia đình như bạo hành gia đình, sống xa cha mẹ, cha mẹ li hôn, cha mẹ không quan tâm, áp lực kinh tế khiến trẻ bỏ học đi làm sớm; hoặc từ nguyên nhân của nhà trường và xã hội như bạo lực học đường, chất lượng giáo dục đạo đức, nhân cách, trẻ em là nạn nhân của các vi phạm pháp luật bên ngoài xã hội...
Từ góc độ này có thể thấy, không phải cứ quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thấp, tăng nặng các hình phạt thì tỉ lệ trẻ em gây ra các vụ án nghiêm trọng sẽ giảm. Cần phải giải quyết bằng cách phòng ngừa và xử lý các vấn đề gây ra tình trạng phạm tội ở trẻ em như hỗ trợ các gia đình có nguy cơ cao, tăng cường vai trò của nhà trường, đổi mới phương pháp giáo dục về nhân cách, đạo đức, xây dựng lòng tin, sự tôn trọng của người lớn đối với trẻ em... Xu thế hiện nay của thế giới không chỉ là tăng độ tuổi của trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn là giảm hình sự hóa các hành vi của trẻ em. Công ước Quyền trẻ em luôn yêu cầu các quốc gia thành viên xây dựng và thực thi các chính sách tư pháp chưa thành niên toàn diện để ngăn ngừa và giải quyết việc phạm tội của trẻ em trên cơ sở phù hợp với quy định của Công ước. Công ước khuyến khích áp dụng các biện pháp thay thế để xử lý người chưa thành niên phạm tội mà không sử dụng đến quá trình tố tụng hình sự.
Như vậy, về mặt chính sách pháp luật, chúng ta cần phải nghiên cứu xây dựng một chính sách tư pháp chưa thành niên nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của Công ước về Quyền trẻ em phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội và quan niệm đạo đức của Việt Nam. Đồng thời, hiện nay, trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự, các nội dung liên quan đến tư pháp người chưa thành niên cần được xem xét cẩn trọng và cân nhắc tối đa đến quyền lợi của các em trong từng quy định. Việc bắt, giam giữ hay phạt tù đối với người chưa thành niên cần phải được nhìn nhận như là một biện pháp cuối cùng và chỉ áp dụng trong thời hạn thích hợp, ngắn nhất để đảm bảo tính nhân đạo, giáo dục phù hợp, hướng đến việc giúp các em hòa nhập cộng đồng sau giai đoạn thụ án.
Một điểm nữa cần lưu ý hiện nay là Luật tổ chức Tòa án 2014 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/06/2015. Luật này đã quy định Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên trong tất cả các lĩnh vực. Để mô hình này hoạt động một cách hiệu quả, cần có sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực. Đội ngũ thẩm phán, thư ký, hội thẩm, cán bộ điều tra, kiểm sát viên cần phải được đào tạo về quyền của trẻ em, các kiến thức về tâm sinh lý của đối tượng này để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các em. Đồng thời, hệ thống buồng giam, nhà tù dành cho người chưa thành niên cũng cần được tách ra khỏi những người trưởng thành, bảo đảm phù hợp với mục đích giáo dục và cải tạo trẻ em.
Theo Chât lương Viêt Nam
Thái Lan: Những hình ảnh kinh hoàng khi khai quật mộ tập thể 26 thi thể được khai quật ra từ hiện trường mộ tập thể ở miền nam Thái Lan trong ngày thứ hai của vụ phát hiện trại buôn người. Các xác chết đang trong giai đoạn phân hủy, đều là người nhập cư bất hợp pháp đến từ Myanmar và Bangladesh. Những ngôi mộ nông choèn được tìm thấy ở tỉnh Songkhla, chỉ...