Hàn Quốc mua tên lửa Israel đối phó Triều Tiên
Hàn Quốc đã ký một hợp đồng trị giá 43 triệu USD với một công ty Israel để mua tên lửa hiện đại nhằm bảo vệ các đảo tiền tiêu khỏi các cuộc tấn công của Triều Tiên.
Hàn Quốc sẽ triển khai tên lửa của Israel trên các đảo tiền tiêu.
Theo đó, Hàn Quốc sẽ triển khai tên lửa 67 Spike NLOS trên đảo Baengnyeong và Yeonpyeong ở biển Hoàng Hải vào cuối năm nay – quan chức chính phủ phụ trách việc mua sắm vũ khí cho biết. Yeonpyeong là hòn đảo bị Triều Tiên nã đạn pháo hồi tháng 11 năm ngoái, làm 4 người Hàn Quốc thiệt mạng. Quan chức giấu tên nói trên cho biết, hợp đồng đã được ký kết hồi tháng 7 vừa qua.
Cơ quan quốc phòng của Israel cho hay loại tên lửa này có thể bắn xa 25km, trúng các mục tiêu bí mật. Giới quân sự Hàn Quốc trong thời gian gần đây đã nỗ lực tăng cường hệ thống vũ khí trên các đảo tiền tiêu sau khi bị chỉ trích nặng nề vì không phản ứng đủ nhanh nhạy trước các vụ tấn công của Triều Tiên.
Hàn Quốc hiện triển khai trên đảo tiền tiêu các loại pháo tự hành, súng thần công, máy phóng đa tên lửa, radar và nhiều loại vũ khí hiện đại khác cùng hàng nghìn thủy quân lục chiến. Hồi tháng 6, Hàn Quốc còn thành lập một bộ chỉ huy quân sự riêng biệt, phụ trách quân đội trên các đảo này.
Tại khu vực biển Hoàng Hải, tranh chấp thường xuyên xảy ra với ít nhất 3 vụ đụng độ hải quân kể từ năm 1999, gây ra cái chết của hàng chục người. Giới tuyến trên biển chia cắt hai miền nam bắc Triều Tiên được phái bộ Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu lập nên khi chiến tranh liên Triều kết thúc năm 1953 nhưng không được sự đồng ý của Bình Nhưỡng. Cuộc chiến tranh kết thúc với một hiệp ước ngừng bắn chứ không phải hiệp ước hòa bình, vì vậy về mặt kỹ thuật hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Triều Tiên nhiều lần đề nghị giới tuyến phải chạy xa hơn về phía nam.
Động thái tăng cường phòng thủ của Hàn Quốc diễn ra ngay cả khi nước này đang tìm kiếm nối lại đối thoại với Triều Tiên. Kể từ tháng 7, các nhà ngoại giao hai nước và Mỹ đã gặp gỡ để tìm cách tái khởi động vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân, nhưng đạt được rất ít tiến bộ.
Trong một dấu hiệu khác của sự giảm bớt căng thẳng, một phái đoàn tôn giáo Hàn Quốc trong tuần này sẽ tới Triều Tiên để tham dự một buổi lễ Phật giáo nhằm tôn vinh di tích lịch sử được coi là thiêng liêng của cả hai nước.
Trước đó, hôm Chủ Nhật vừa qua, lô hàng viện trợ nhân đạo của Mỹ đã tới Triều Tiên nhằm giúp nước này phục hồi sau trận lũ lụt và mưa lớn. Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ bất cứ liên kết nào giữa hàng viện trợ với những nỗ lực ngoại giao để khởi động vòng đàm phán hạt nhân.
Trong khi Triều Tiên nhiều lần tuyên bố sẵn sàng trở lại đàm phán, Mỹ và Hàn Quốc đều phản ứng lạnh nhạt và tuyên bố Triều Tiên trước hết phải chứng minh sự chân thành bằng cách tuân thủ những cam kết về hạt nhân trước khi các cuộc đàm phán có thể tiếp tục.
Theo Lao Động