Hàn Quốc mua 90 tên lửa hành trình giữa lúc bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt
Hàn Quốc đã ký hợp đồng mua 90 tên lửa hành trình tầm xa với các nhà thầu quốc phòng châu Âu trong bối cảnh tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có xu hướng hạ nhiệt.
Tên lửa Taurus được trang bị trên máy bay chiến đấu (Ảnh: MBDA Systems)
Yonhap dẫn lời phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý chương trình Mua sắm Quốc phòng (DAPA) Hàn Quốc ngày 13/3 cho biết nước này đã ký hợp đồng mua thêm 90 tên lửa hành trình dẫn đường chính xác tầm xa Taurus KEPD 350. Ước tính giá trị của số tên lửa này khoảng 108 triệu USD.
Trước đó, Hàn Quốc từng mua 170 tên lửa Taurus hồi tháng 2/2013 nhưng tới tháng 10/2016 mới nhận được lô vũ khí này. Các tên lửa Taurus sau đó được trang bị trên các máy bay chiến đấu F-15K Slam Eagle của Không quân Hàn Quốc.
Theo Sputnik, tên lửa tầm xa triển khai máy bay chiến đấu là yếu tố quan trọng trong chương trình Đáp trả và Trừng phạt Tổng lực “Kill Chain” – một phần trong chiến lược răn đe quân sự của Hàn Quốc. Mục đích của chương trình này nhằm đối phó với tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao vào mùa hè năm 2017, quân đội Hàn Quốc từng công bố đoạn video cho thấy một trong số các máy bay chiến đấu F-15K phá hủy mục tiêu bằng tên lửa Taurus.
Video đang HOT
Tên lửa Taurus là sản phẩm hợp tác giữa hãng MBDA Deutschland GmbH của Đức và Saab Bofors Dynamics của Thụy Điển. Tên lửa này có thể được trang bị đầu đạn nặng tới 500kg với khả năng phá hủy hầm ngầm và được cho là phù hợp với địa hình tác chiến dưới lòng đất tại Triều Tiên. Tầm bắn của Taurus khoảng 50km và hoạt động ở tầm thấp nên có thể tránh bị radar đối phương phát hiện. Vận tốc của Taurus ở mức Mach 0.9.
Thông tin về hợp đồng mua sắm tên lửa của Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang có xu hướng giảm nhiệt. Hai nước liên tục thực hiện các chuyến thăm cũng như gặp mặt quan chức từ tháng 2 đến nay và dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo vào tháng tới.
Thành Đạt
Theo Dantri
Ông Trump có thể "bắt bài" Triều Tiên trong cuộc đàm phán lịch sử?
Trước thông điệp có phần bất ngờ mềm mỏng từ Triều Tiên, giới quan sát hoài nghi về ý định thật sự của Bình Nhưỡng khi đưa ra lời mời hội đàm. Chuyên gia Harry J. Kazianis của National Interest đã "hiến kế" cho Tổng thống Mỹ Donald Trump cách "bắt bài" Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty)
Ngày 9/3, dư luận thế giới đã đổ dồn sự chú ý về bán đảo Triều Tiên khi cả Washington và Bình Nhưỡng đồng ý tham gia hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5, động thái mang lại niềm hy vọng rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân dai dẳng trong khu vực có thể sắp đến hồi kết.
Tuy nhiên, ông Kazianis cho rằng còn một quãng đường rất xa để có thể đạt được đến mục tiêu đó. Ông cho rằng chỉ dựa vào việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề nghị 2 bên cùng ngồi lại và bàn bạc về vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên không có nghĩa là hòa bình sẽ được lập lại "một sớm, một chiều".
Nhiều ý kiến đồn đoán cho rằng chính quyền ông Kim dường như chỉ đang cố "câu giờ" nhằm âm thầm tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân. Đó là chưa kể tới tình huống xấu nhất xảy ra khi cuộc hội đàm giữa 2 bên không thể đạt tới kết quả đồng thuận do sự thiếu tin tưởng từ nhiều thập niên đối đầu lẫn nhau. Trong kịch bản đó, Washington và Bình Nhưỡng có thể sẽ lại tiếp tục đổ lỗi cho phía còn lại và tệ hơn cả có thể lại tiếp tục đẩy bán đảo Triều Tiên tới "miệng hố chiến tranh".
Với những rủi ro được dự tính, chuyên gia Kazianis cho rằng chính quyền Tổng thống Trump nên tỉnh táo và có sự chuẩn bị cẩn thận trước khi bước vào trận chiến "cân não" với đối thủ Triều Tiên.
Đội ngũ của ông Trump nên chắc chắn rằng họ hiểu rõ mong muốn của các đồng minh nằm gần Triều Tiên trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản. Kịch bản đàm phán được đưa ra nên có sự đồng thuận của cả 3 bên để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất cho cả Triều Tiên lẫn Mỹ cũng như các đồng minh.
Theo ông Kazianis, chỉ có một lựa chọn duy nhất cho địa điểm tổ chức cuộc đàm phán và đó là Hàn Quốc. Cụ thể, chuyên gia này cho rằng khu vực phi quân sự (DMZ) ở bên phía Hàn Quốc là nơi lý tưởng nhất và ông Trump nên từ chối nếu Bình Nhưỡng yêu cầu ông phải đến Triều Tiên để tham gia hội nghị thượng đỉnh.
Thêm vào đó, ông Trump nên kiên quyết lập trường về các cuộc tập trận quân sự chung. Ông Kazianis cho rằng việc các quốc gia có chủ quyền thực hiện các cuộc tập trận để củng cố và nâng cao năng lực tác chiến cho lực lượng của họ là chuyện bình thường, giống như việc Triều Tiên được cho là vẫn tổ chức các cuộc diễn tập vào mùa đông. Nếu Bình Nhưỡng kiên quyết đòi Mỹ hủy bỏ hoàn toàn việc tập trận chung với Hàn Quốc, ông Trump nên tìm giải pháp để có thể cân bằng giữa yêu cầu của 2 bên hơn là từ bỏ.
Khi bắt đầu bước vào đàm phán, Mỹ nên yêu cầu Triều Tiên đưa ra lộ trình sơ bộ về quy trình phi hạt nhân hóa. Nếu Bình Nhưỡng từ chối đưa ra lộ trình này và ông Kim dường như muốn "câu giờ", ông Kazianis cho rằng Mỹ cần phải cứng rắn yêu cầu Bình Nhưỡng.
Cuối cùng, chuyên gia này nhận định Triều Tiên có thể sẽ đưa chiến lược "áp lực tối đa" của Mỹ vào chương trình nghị sự và tìm cách thương lượng để giảm bớt lệnh trừng phạt cô lập Triều Tiên. Vì vậy, để có thể gỡ bỏ các rào cản trừng phạt, ông Kazianis cho rằng đội ngũ của ông Trump nên tỉnh táo và đánh giá một cách toàn diện thiện chí của Bình Nhưỡng, cũng như bày tỏ rõ thiện chí của phía Mỹ trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan tới vấn đề kinh tế.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Uy lực sư đoàn thiết giáp Triều Tiên từng khiến quân Mỹ lao đao Trong bất kỳ cuộc xung đột nào có khả năng xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải dè chừng với một đối thủ "quen mặt" là Sư đoàn thiết giáp 105 của Quân Giải phóng Nhân dân Triều Tiên (KPA). Một đơn vị xe tăng Triều Tiên trong chiến tranh liên Triều. (Ảnh: Getty)...