Hàn Quốc khó đánh chặn tên lửa Triều Tiên
Chính phủ Hàn Quốc nhiều khả năng phải nhờ tới Mỹ trong việc bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó rơi vào lãnh thổ nước này, do không có được thiết bị đánh chặn phù hợp.
Một hệ thống tên lửa đánh chặn phòng không PAC-3 của Mỹ được trưng bày tại Hàn Quốc vào năm 2008. Ảnh: AFP
Các chuyên gia Hàn Quốc chỉ ra rằng những tên lửa hiện có trong kho vũ khí của nước này không thích hợp với nhiệm vụ ngăn chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa, báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin. Bởi vậy một khi tên lửa mà Triều Tiên phóng đi trong tháng sau đi lạc vào lãnh thổ Hàn Quốc, Seoul sẽ phải nhờ tới Mỹ để bắn hạ tên lửa này.
Video đang HOT
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Yon Won-shik hôm qua cho hay Seoul đang nghiên cứu khả năng theo dõi và bắn hạ tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Động thái này là nhằm đề phòng trường hợp tầng thứ nhất của tên lửa này rơi vào lãnh thổ Hàn Quốc, chứ không phải là vị trí cách bán đảo Byeonsan khoảng 140 km về phía tây như Bình Nhưỡng thông báo.
Quân đội Hàn Quốc có vẻ đang cân nhắc việc sử dụng các tên lửa Patriot Advanced Capability-2 (PAC-2) để đánh chặn tên lửa Triều Tiên từ các căn cứ mặt đất, cũng như các tên lửa SM-2 với tầm bắn khoảng 170 được phóng từ các khu trục hạm Sejong Đại Đế và Yulgok Yi Yi. Đây là các chiến hạm có trang bị công nghệ Aegis (Airbonne Early-waring Ground Intergration Segment – Bộ phận hợp nhất thông tin cảnh báo sớm đường không trên mặt đất).
Nhưng các chuyên gia cho rằng các tên lửa nói trên được thiết kế để ngăn chặn chiến đấu cơ của đối phương, và vì thế không thể bắn hạ các phần của một tên lửa rơi xuống mặt đất với tốc độ siêu thanh.
Sơ đồ cho thấy hệ thống tên lửa Patriot Advanced Capability-3 cùng các hệ thống đánh chặn khác có thể ngăn chặn và tiêu diệt tên lửa của đối phương ngay từ giai đoạn khởi động. Đồ họa: Defenseindustrydaily
Hàn Quốc bởi vậy đang bàn bạc với quân đội Mỹ về việc các tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) của Mỹ và SM-3 được trang bị trên các tàu khu trục Aegis của Hạm đội 7 hải quân Mỹ sẽ được sử dụng phòng khi “có biến”. Quân đội Mỹ đang cân nhắc việc đưa các khu trục hạm Aegis tới Biển Tây (tên gọi khác của Hoàng Hải), đồng thời điều động một số hệ thống tên lửa đánh chặn phòng không PAC-3 từ các căn cứ ở Osan, Gunsan và Waegwan để sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Triều Tiên hôm 16/3 tuyên bố sẽ phóng tên lửa Ngân Hà-3 (Unha-3) mang vệ tinh quan sát Quang Minh Tinh-3 (Kwangmyongsong-3) lên quỹ đạo trong khoảng từ ngày 12 tới 16/4, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành vào ngày 15/4. Bình Nhưỡng khẳng định vụ phóng vệ tinh này chỉ đơn thuần phục vụ mục đích nghiên cứu không gian. Báo chí Hàn Quốc hôm qua dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho hay Bình Nhưỡng đã thiết lập tổ hợp phóng tên lửa để đưa vệ tinh lên quỹ đạo, sau khi chuyển phần thân chính của tên lửa tới bệ phóng ở Tongchang-ri, tây bắc Triều Tiên.
Mỹ, Hàn Quốc và một số nước cho rằng đây thực chất là một cuộc phóng thử tên lửa tầm xa, một động thái vốn bị cấm theo Nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời phá vỡ thỏa thuận phi hạt nhân hóa mà Bình Nhưỡng và Washington mới đạt được. Giống như Hàn Quốc, Nhật cũng tuyên bố sẵn sàng tiêu diệt tên lửa Triều Tiên nếu nó gây nguy hiểm cho nước này.
Các diễn biến quanh vụ phóng tên lửa vào tháng sau của Triều Tiên đang ngày một nóng hơn, trong bối cảnh hơn 50 nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới tới Hàn Quốc để dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai. Việc Triều Tiên sắp phóng tên lửa đã được nhắc tới bên lề hội nghị này.
Theo VNExpress
Mỹ thử nghiệm lựu pháo mới XM1203 NLOS-C
Mỹ đang tiến hành thử nghiệm một loại vũ khí tương lai mới - lựu pháo tự hành XM1203 None-Line of Sight Cannon (NLOS-C) cỡ 155 mm.
Lựu pháo tự hành loại này được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo trong khuôn khổ chương trình "hệ thống tác chiến tương lai" của Bộ Quốc phòng Mỹ. Nó có khả năng bắn và tiêu diệt mục tiêu ngay tại vị trí trú ẩn.
Đối với một số chuyên gia, trong thời đại vũ khí có điều khiển và chính xác cao như hiện nay thì lựu pháo tự hành chỉ là "tàn dư" của thế kỷ trước. Tuy nhiên, trên thực tế hoàn toàn không phải vậy.
Đạn pháo tự hành khi bắn ra không bị tác động của các thiết bị gây nhiễu bằng vô tuyến điện, đồng thời các phương tiện phòng không của đối phương cũng rất khó để có thể đánh chặn được nó, thậm chí còn khó hơn nhiều so với đánh chặn tên lửa.
Hơn nữa, pháo tự hành lại có tốc độ bắn rất cao (gần tương đương với hệ thống hỏa lực bắn giàn phản lực), cơ số đạn khá nhiều mà lại rẻ hơn rất nhiều so với tên lửa, trong khi hiệu quả hoạt động lại không hề thua kém.
Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm lựu pháo NLOS-C đầu tiên vào tháng 10/2006, biến thể đầu tiên dạng tháp pháo kín của loại lựu pháo này vào tháng 5/2008 từ thiết bị chuyền tải của nhà máy BAE Systems.
Các chuyên gia thiết kế của Mỹ cho rằng, khả năng cơ động linh hoạt của pháo tự hành là phương pháp bảo vệ tốt nhất, thay vì quá chú trọng vào lớp vỏ thép bảo vệ bên ngoài như các phương tiện tác chiến khác.
Do vậy, họ đã quyết định chế tạo lớp vỏ bằng nhôm chỉ có thể giúp bảo vệ cho kíp lái trước các mảnh vỡ của bom, đạn. Nhờ lớp vỏ ngoài bằng nhôm nên trọng lượng của NLOS-C là gần 20 tấn và có thể dễ dàng vận chuyển bằng đường không.
NLOS-C được trang bi thiết bị làm mát rất hiệu quả nên có thể bắn liên tục 8 cơ số đạn (24 viên đạn) trong vòng 4 phút, có khả năng tự động nạp điện, có thể theo dõi quỹ đạo bay của đạn bằng radar.
Máy tính tính hợp trên xe sẽ phân tích các thông tin về quỹ đạo bay của viên đạn trước so với mục tiêu để điều chỉnh cho các lần bắn sau được chính xác và hiệu quả hơn.
Do được trang bị động cơ điện, lại có khả năng tự động nạp điện nên biên chế kíp lái trên xe chuyên dụng chở NLOS-C chỉ có 2 người: lái xe kiêm kỹ thuật viên và hỏa lực viên kiêm chỉ huy.
Theo dự kiến ban đầu, bắt đầu từ năm 2012 Mỹ sẽ đưa khoảng 20 mẫu lựu pháo NLOS-C để thử nghiệm. Nếu kết quả thử nghiệm thành công thì sẽ bắt đầu cung cấp hàng loạt cho quân đội vào năm 2014.
Tuy nhiên, chương trình "hệ thống tác chiến tương lai" đã bị tạm dừng triển khai từ năm 2009. Do đó, việc phát triển pháo tự hành nói chung và NLOS-C nói riêng đến nay vẫn là vấn đề mở, chưa có lời đáp.
Theo Giáo Dục VN