Hàn Quốc ‘giữa hai dòng nước’ với Covid-19
Người dân muốn áp dụng biện pháp nghiêm ngặt để ngăn làn sóng lây nhiễm Covid-19, nhưng Tổng thống cùng các doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc phản đối.
Khi số ca nhiễm mới nCov tăng hai tuần liên tiếp và đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua, phần lớn người dân Hàn Quốc muốn chính phủ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất. Đây cũng là đề xuất của các nghị sĩ đảng đối lập và một số hiệp hội y khoa.
Song Tổng thống Moon Jae-in cùng nhóm chuyên gia y tế cộng đồng đứng sau thành công của đợt ứng phó Covid-19 đầu tiên không đồng tình với đề xuất trên. Hậu thuẫn họ là các doanh nghiệp nhỏ và cố vấn kinh tế của chính phủ.
Cuộc tranh luận giữa hai bên xoay quanh vấn đề liệu Hàn Quốc có nên áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất để ngăn đợt bùng phát mới, với khoảng 3.600 trường hợp được ghi nhận từ ngày 12/8 tới nay, con số vượt quá tổng số ca nhiễm của ba tháng trước đó. Covid-19 đã lây lan tới tất cả 17 tỉnh thành của Hàn Quốc, trong khi các nhân viên không thể truy vết nguồn gốc của khoảng 1/5 số ca nhiễm mới, điều hiếm thấy cách đây 5 tuần.
Chính quyền Tổng thống Moon cho biết họ chưa muốn áp đặt biện pháp hạn chế mức cao nhất là do lo sợ nguy cơ tổn hại đến nền kinh tế quốc gia. Tình hình ở Hàn Quốc tương đối tốt hơn hầu hết quốc gia giàu có khác trong đại dịch là nhờ nước này chưa từng áp dụng biện pháp phong tỏa bắt buộc như Mỹ, Italy, Trung Quốc và nhiều nơi khác.
Trong đợt bùng phát đầu tiên, chiến lược chống Covid-19 của Hàn Quốc chủ yếu dựa vào việc tự nguyện đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài của người dân, cùng với việc xét nghiệm rộng khắp và truy vết tiếp xúc nhanh. Hầu hết doanh nghiệp Hàn Quốc lúc đó vẫn mở cửa.
Nhưng giờ đây, quốc gia này đang đứng giữa hai lựa chọn: áp đặt biện pháp gần như phong tỏa hoặc bỏ lỡ cơ hội loại bỏ tận gốc nguy cơ bùng phát dịch kéo dài.
Nhân viên y tế tự đo thân nhiệt để chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Seoul hôm 26/8. Ảnh: AP.
Giãn cách xã hội cấp độ ba, mức cao nhất trong hệ thống ba cấp được đặt ra hồi tháng 6, là biện pháp mà chính phủ Hàn Quốc chưa từng áp dụng để đối phó Covid-19. Nó sẽ cấm tất cả cuộc tụ tập trên 10 người, dừng các sự kiện thể thao chuyên nghiệp và đóng cửa rạp chiếu phim, địa điểm tổ chức đám cưới, phòng gym. Các công ty sẽ phải yêu cầu tất cả nhân viên, trừ nhóm thiết yếu, làm việc từ xa.
“Cuộc sống thường ngày của chúng ta sẽ dừng lại, doanh nghiệp sụp đổ và chúng ta phải chịu đựng thiệt hại kinh tế to lớn”, Tổng thống Moon nói về tác động của biện pháp giãn cách xã hội cấp độ ba tại cuộc họp với quan chức cấp cao hôm 24/8.
Giới chức y tế Hàn Quốc đã triển khai giãn cách xã hội cấp độ hai trên toàn quốc, trong đó yêu cầu đóng cửa các địa điểm có nguy cơ cao như câu lạc bộ đêm và cấm tụ tập trên 100 người. Theo chính sách hồi tháng 6, chính phủ có thể xem xét áp biện pháp hạn chế cao nhất nếu số ca nhiễm trung bình duy trì ở mức ba con số trong 14 ngày liên tiếp.
Tiêu chí này được đáp ứng vào hôm nay, sau khi Hàn Quốc ghi nhận 441 ca nhiễm mới, gồm 434 trường hợp lây nhiễm cộng đồng, và một ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua. Đây là lần đầu tiên ca nhiễm mới hàng ngày tại Hàn Quốc vượt 400 kể từ 7/3. Quốc gia này đã báo cáo hơn 18.700 ca nhiễm và 313 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát.
Hầu hết người dân Hàn Quốc muốn Tổng thống Moon hành động quyết liệt. 56% người dân nước này cho rằng áp dụng hạn chế mức cao nhất là “biện pháp cần thiết” để ngăn chặn nCoV, trong khi 40% khuyến nghị thận trọng do lo ngại ảnh hưởng tới kinh tế, theo khảo sát được công ty nghiên cứu Realmeter ở Seoul thực hiện tuần trước.
Đảng Tương lai Thống nhất, nhóm bảo thủ đối lập chính ở Hàn Quốc, đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Moon vì quá chậm chạp ứng phó với Covid-19. Hồi đầu tháng này, trước khi dịch bùng phát trở lại, chính phủ đã phát hành “phiếu tiêu dùng” để giảm giá vé xem phim và các điểm tham quan du lịch nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
“Chính chính phủ đã tạo điều kiện cho người dân bất cẩn”, nghị sĩ đối lập Kim Ye-ji nói trong phiên điều trần hôm 25/8.
Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hàn Quốc hôm 23/8 cũng kêu gọi cần triển khai ngay lập tức biện pháp hạn chế cao nhất, với lý do nhiều nhân viên y tế và bệnh viện phải chịu áp lực lớn do số ca nhiễm tăng mạnh.
Giãn cách xã hội cấp độ ba của Hàn Quốc khác lệnh phong tỏa bắt buộc mà hầu hết quốc gia từng áp dụng. Nhiều yêu cầu được đưa ra dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia của người dân. Hoạt động đi lại của người dân không bị hạn chế, ngoài trừ tụ tập quá 10 người. Dịch vụ tàu hỏa qua các vùng vẫn được duy trì.
Biện pháp giãn cách xã hội cấp độ hai hiện tại giới hạn tụ tập trong nhà không quá 50 người và ngoài trời không quá 100 người. Các cơ sở có nguy cơ cao như câu lạc bộ, quán cà phê và phòng hát karaoke phải đóng cửa, trong khi các buổi cầu nguyện ở nhà thờ cũng bị cấm. Cuối tuần qua, hoạt động đi lại ở khu vực thủ đô Seoul, nơi ổ dịch mới nhất bùng phát, đã giảm 20% so với tuần trước đó, giới chức y tế Hàn Quốc nói trong buổi họp báo Covid-19 ngày 26/8.
Đội ứng phó với Covid-19 cố vấn cho chính quyền Moon về chiến lược giãn cách xã hội toàn quốc đang chia rẽ, theo Kwon Soon-man, giáo sư Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Quốc gia Seoul, thành viên của ủy ban trên, cho hay. Một số thích các biện pháp “nhanh gọn và quyết liệt” để hạn chế tốc độ lây nhiễm, trong khi những người khác muốn chờ xem liệu các biện pháp cấp độ hai có hiệu quả hay không.
“Số ca nhiễm sẽ tiếp tục dao động cho tới khi nào chúng ta còn phải sống chung với nCoV. Chúng ta không thể kỳ vọng sẽ ngăn chặn hoàn toàn ca nhiễm mới mà không gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế xã hội”, Kwon nhận định.
Hàn Quốc: Triều Tiên sẽ phải trả giá nếu có hành động quân sự
Quân đội Hàn Quốc hôm 17/6 cảnh báo sẽ khiến Triều Tiên phải "trả giá" nếu có hành động quân sự chống lại Seoul.
Tuyên bố được Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) đưa ra vài giờ sau khi Triều Tiên tuyên bố sẽ tái triển khai quân đội tới một khu công nghiệp liên Triều tại thị trấn Kaesong ở biên giới phía tây và khu du lịch chung núi Kumgang ở phía đông, theo Yonhap.
Triều Tiên tuyên bố sẽ khôi phục các chốt canh gác đã bị dỡ khỏi khu phi quân sự ngăn cách hai miền bán đảo và nối lại toàn bộ các cuộc diễn tập quân sự thường xuyên gần biên giới liên Triều, trong động thái rõ ràng nhằm xóa bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự đã ký năm 2018.
Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc tuần tra gần biên giới liên Triều hôm 16/6. Ảnh: Yonhap.
"Những động thái này cản trở hai thập kỷ nỗ lực của Hàn Quốc và Triều Tiên nhằm cải thiện quan hệ liên Triều và gìn giữ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nếu Triều Tiên thực sự có động thái như vậy, chắc chắn họ sẽ phải trả giá", Jeon Dong Jin, chỉ huy hành quân tại JCS, cho biết.
Trước đó, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong, đe dọa sẽ hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận trong sự tức giận vì các nhà hoạt động ở Hàn Quốc rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới.
Bà Kim nói Seoul nên sẵn sàng cho việc "hủy bỏ thỏa thuận hai miền trong lĩnh vực quân sự mà hầu như không có giá trị" nếu không có biện pháp xử lý hoạt động rải truyền đơn.
Sau một loạt tuyên bố làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo, Bình Nhưỡng đã cho phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều ở thị trấn Kaesong hôm 16/6.
"Về tình hình an ninh hiện nay, quân đội chúng ta đang theo dõi chặt chẽ các động thái của quân đội Triều Tiên một cách liên tục và duy trì tư thế sẵn sàng một cách vững vàng", ông Jeon nói.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để giữ tình hình một cách ổn định, ngăn chặn sự việc leo thang thành một cuộc khủng hoảng quân sự".
Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc gần DMZ
Bộ Thống nhất Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên vừa giật sập văn phòng liên lạc chung ở Kaesong sau khi khói, tiếng nổ xuất hiện tại khu vực này vào ngày 16/6.
Châu Á đối mặt nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ 2 Theo số liệu thống kê của trang worldometers, tính đến 8 giờ sáng 17-6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 8.256.257 ca, trong đó có 445.937 người tử vong. Châu Âu tiếp tục xu thế hạ nhiệt, tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng...