Hàn Quốc, Đức lập chiến lược thống nhất liên Triều
Hàn Quốc tăng cường chuẩn bị cho viễn cảnh thống nhất với CHDCND Triều Tiên khi cùng Đức thành lập ủy ban tham vấn về vấn đề này.
Khu vực phi quân sự phân chia 2 miền Triều Tiên từ năm 1953 – Ảnh: AFP
Tờ The Korea Herald ngày 27.10 dẫn nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho biết ủy ban trên, bao gồm nhiều quan chức và chuyên gia của 2 nước, sẽ chính thức ra mắt trong tuần này với mục đích giúp Seoul học tập những kinh nghiệm của Berlin về vấn đề thống nhất. Dự kiến cuộc họp đầu tiên sẽ diễn ra ngày 31.10 với sự tham dự của Ngoại trưởng Đức Frank Walter-Steinmeier. Trách nhiệm của ủy ban tham vấn là soạn thảo chiến lược và chia sẻ thông tin về những chính sách hướng tới thống nhất liên Triều. Lâu nay, giới chức Hàn Quốc nghiên cứu mô hình thống nhất của Đức vì tình hình Tây và Đông Đức trước khi tái hợp rất giống 2 miền Triều Tiên. Ngoài ra, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng đang điều hành một ủy ban tư vấn khác với Bộ Các vấn đề kinh tế Đức.
Video đang HOT
Tờ Chosun Ilbo dẫn kết quả khảo sát mới nhất do Đại học Quốc gia Seoul công bố cho thấy khoảng 55,9% người được hỏi ủng hộ thống nhất, tỷ lệ cao nhất kể từ khi các cuộc thăm dò bắt đầu vào năm 2007. Một trong những cú hích quan trọng là việc Tổng thống Park Geun-hye công bố đề xuất thống nhất 2 miền Triều Tiên khi thăm Đức hồi tháng 3. Trong phát biểu được gọi là “Tuyên bố Dresden”, bà Park khẳng định Hàn Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ nhân đạo và xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền bắc một khi lòng tin được cải thiện giữa 2 miền.
Ba kịch bản và 500 tỉ USD
Trước đó, giới quan sát đã vạch ra 3 kịch bản thống nhất liên Triều, theo chuyên san Foreign Affairs. Thứ nhất, CHDCND Triều Tiên tiến hành cải cách mạnh mẽ, vận dụng mô hình kinh tế kiểu Trung Quốc và từng bước hòa hợp với Hàn Quốc. Thứ hai, hai miền thống nhất thông qua con đường đàm phán chính trị sau những biến cố lớn về chính trị, kinh tế và xã hội ở miền bắc. Cuối cùng là giải pháp quân sự. Các chuyên gia đánh giá kịch bản thứ 2 thuộc dạng khả thi nhất vì khả năng cải cách ở miền bắc khó xảy ra trong tương lai gần trong khi một cuộc chiến mới trên bán đảo Triều Tiên sẽ là thảm họa cho khu vực và cả thế giới.
Ngoài ra, theo kế hoạch của Ủy ban Chuẩn bị thống nhất liên Triều trực thuộc Phủ tổng thống Hàn Quốc, tiến trình tái hợp hòa bình sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn: xây dựng lòng tin, hoàn thiện và ổn định với trọng tâm bước đầu là tập trung vào kinh tế. Seoul sẽ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhân đạo, tích cực hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng rồi hướng tới hợp nhất 2 nền kinh tế. Thách thức lớn nhất của tiến trình này là chi phí khổng lồ. Yonhap dẫn ước tính của chính phủ Hàn Quốc cho thấy nước này cần tới 500 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng và nâng tổng thu nhập quốc gia của CHDCND Triều Tiên nhằm tránh các tác động tiêu cực tức thời lên nền kinh tế miền nam sau khi thống nhất. Theo ước tính, tổng thu nhập quốc gia hiện nay của Triều Tiên ở mức 29,7 tỉ USD, thấp hơn 37 lần so với Hàn Quốc (1.100 tỉ USD).
Tuy nhiên, về lâu dài, thống nhất liên Triều sẽ đem lại lợi ích lớn cho nhiều bên. Theo báo Financial Times, một nền kinh tế chung trên bán đảo Triều Tiên có thể trở thành đối thủ của Nhật Bản trước năm 2050 nhờ được phát triển ổn định và nguồn tài nguyên dồi dào trị giá khoảng 6.000 tỉ USD ở miền bắc. Trong khi đó, trong một hội thảo tại Seoul hồi tháng trước, các chuyên gia nhận định bán đảo Triều Tiên “liền một dải” sẽ giúp GDP của khu vực đông bắc Trung Quốc tăng khoảng 162,6 tỉ USD còn GDP của Nhật thêm 24,5 tỉ USD.
Chuyển động của Triều Tiên
CHDCND Triều Tiên cũng được cho là có tính toán riêng về chính sách thống nhất nhưng lại đang đưa ra những dấu hiệu trái ngược. Trong bài phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) cuối tháng trước, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong đã khẳng định việc thống nhất 2 miền là “khát vọng lớn nhất của toàn dân tộc”. “Tái thống nhất đất nước không nên được thực hiện thông qua đối đầu, mà qua việc thành lập một liên bang có 2 hệ thống trong 1 đất nước”, Reuters dẫn lời ông Ri nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo một báo cáo trình quốc hội Hàn Quốc đầu tháng 10, Bộ Quốc phòng nước này tiết lộ Triều Tiên đã tuyên bố năm 2015 là năm “giải phóng miền nam” và để thực hiện mục tiêu này, Bình Nhưỡng đang ra sức chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh toàn diện, theo Yonhap. Cụ thể, Triều Tiên đã tăng gấp đôi số quân tham gia các khóa huấn luyện mùa hè của họ so với các năm trước và tăng cường các khả năng tấn công “một cách nhất quán”.
Trung Quốc tập trận “ứng phó biến động Triều Tiên”
Theo Tân Hoa xã, Quân khu Thẩm Dương của Trung Quốc hôm 25.10 đã tiến hành cuộc tập trận lớn trong năm với sự tham gia của 20.000 binh sĩ thuộc các lực lượng bộ binh, thiết giáp, phòng không và ứng phó vũ khí sinh-hóa-phóng xạ. Quân đội Trung Quốc tuyên bố cuộc diễn tập được lên kế hoạch từ trước nhằm cải thiện năng lực tác chiến. Tuy nhiên, tờ Chosun Ilbo dẫn lời các chuyên gia suy đoán đây là động thái chuẩn bị trước nguy cơ xảy ra biến cố trên bán đảo Triều Tiên. Quân khu Thẩm Dương chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực đông bắc Trung Quốc nằm sát bán đảo Triều Tiên.
Theo Thanh Niên