Hàn Quốc điều chuyên cơ Tổng thống đón 4 công dân trên du thuyền Diamond Princess
Hàn Quốc điều chuyên cơ Tổng thống đến Nhật Bản để đón 4 công dân nước này bị cách ly trên du thuyền Diamond Princess về nước, Yonhap đưa tin.
Những người Hàn Quốc đang mắc kẹt trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly ở Nhật vì dịch Covid-19 (nCoV) sẽ được đưa về nước bằng chuyên cơ Tổng thống Hàn Quốc.
Theo đó, chuyên cơ Tổng thống Hàn Quốc mang số hiệu VCN-235 khởi hành từ căn cứ quân sự ở Seongnam, phía Nam Seoul. Chuyến bay sẽ đón 4 công dân Hàn Quốc và 1 người Nhật Bản có quan hệ hôn nhân với một trong 4 người này trở về sân bay quốc tế Gimpo vào sáng 19/2.
14 công dân Hàn Quốc – 9 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn – đã ở trên du thuyền Diamond Princess kể từ thời điểm ghi nhận ca nhiễm chủng virus corona mới đầu tiên vào ngày 5/2. Số lượng ca bệnh đã tăng lên hơn 450 trong số 3.700 trên du thuyền.
Không ai trong số những người Hàn Quốc trên tàu nhiễm nCoV song những người này sẽ bị cách ly 14 ngày sau khi được đưa về Hàn Quốc tại một cơ sở trong văn phòng kiểm dịch của sân bay quốc tế Incheon.
Chuyên cơ của Tổng thống Hàn Quốc sẽ chỉ đón 5 người vì những người còn lại mong muốn ở lại trên tàu, phần lớn là do tình trạng cư trú của họ. 3 trong số 14 người là thường trú nhân tại Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.
Hàn Quốc điều chuyên cơ Tổng thống đón công dân trên du thuyền Diamond Princess về nước. (Ảnh: Yonhap)
Chuyên cơ Tổng thống đến Nhật Bản là chuyến bay mới nhất trong một loạt các chuyến bay đưa công dân Hàn Quốc trở về nước từ tâm dịch Covid-19 (nCoV) ở Trung Quốc. Trước đó, Hàn Quốc đã điều 3 máy bay tới Vũ Hán, Trung Quốc, vào cuối tháng 1 và đầu tháng này để đón khoảng 800 công dân và thành viên gia đình của họ ra khỏi tâm chấn dịch Covid-19.
Nhà chức trách Mỹ đã cho máy bay đón hơn 300 công dân và thành viên gia đình trên tàu sau khi họ trải qua 13 ngày cách ly tại cảng ở Nhật Bản do lo ngại nhiễm Covid-19. Ngoài ra, Australia, Canada, Hong Kong và Italy cũng đang chuẩn bị các chuyến bay để hồi hương công dân.
Du thuyền Diamond Princess chở hơn 3.700 người trong đó có 2.670 hành khách và 1.100 thủy thủ đoàn. Gần một nửa số người ở trên tàu là công dân Nhật Bản. Du thuyền Diamond Princess bị cách ly từ ngày 3/2 khi đến Yokohama sau khi được giới chức Hong Kong thông báo có một bệnh nhân nhiễm chủng virus corona mới ở trên tàu.
KÔNG ANH (Nguồn: Yonhap)
Theo vtc.vn
Video đang HOT
Thủ tướng Hun Sen bảo vệ quyết định cho du thuyền cập cảng Campuchia
Thủ tướng Hun Sen bảo vệ quyết định để du thuyền bị hàng loạt nước hắt hủi cập cảng Campuchia dù một hành khách trên tàu sau đó được xác nhận dương tính với Covid-19.
"Một số người nói rằng con tàu mang virus vào Campuchia, nhưng Campuchia vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh nào", ông Hun Sen nói trong trong một tuyên bố đưa ra hôm 18/2.
MS Westerdam từng bị Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, đảo Guam (Mỹ) và Philippines từ chối cho cập cảng vì lo ngại một số du khách trên tàu có thể nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên, Campuchia hôm 12/2 đồng ý để du thuyền này cập cảng Sihanoukville.
Sáng 14/2, hơn 1.000 hành khách trên MS Westerdam xuống tàu, lên các chuyến xe buýt tới sân bay Sihanoukville trước khi bắt tiếp chuyến bay đến Kuala Lumpur, chuẩn bị cho hành trình hồi hương.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. (Ảnh: KT)
Nhưng đến tối 15/2, Malaysia cho biết một cụ bà trong nhóm 145 hành khách bay tới Malaysia từ Campuchia sau khi rời Sihanoukville dương tính với virus nCoV.
Giới chức Kuala Lumpur tiết lộ khi nhóm khách này tới Malaysia, 8 người có dấu hiệu của dịch viêm phổi nên bị giữ lại kiểm tra trong đó có cụ bà người Mỹ 83 tuổi và chồng. Cụ ông và 6 người còn lại cho tới nay đều cho kết quả âm tính với virus corona chủng mới.
Theo Straits Times, vào thời điểm kết quả của cụ bà Mỹ được công bố lần đầu tiên, rất nhiều hành khách đã di chuyển qua các quốc gia bao gồm Singapore và Thái Lan. Trong khi đó New York Times cho biết nhiều trong số 1.000 hành khách này đã lên kế hoạch cho các chuyến bay và tản ra ít nhất 3 châu lục trước khi thông tin về ca nhiễm của cụ bà Mỹ được thông báo.
Các chuyên gia nói rằng giải pháp tốt nhất hiện tại là theo dõi mọi hành khách và cách ly họ trong 2 tuần.
"Chúng tôi đã lường trước những trục trặc nhưng ở mức độ này thì chưa", Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt cho hay.
Theo ông Schaffner việc hơn 1.000 hành khách tản đi các nơi có thể sẽ khiến nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 gặp nhiều thách thức hơn.
"Đây có thể là một bước ngoặt", ông cho biết.
Theo hãng tin Bernama của Malaysia, 41 hành khách trong 1000 hành khách kể trên, những người đã tới Malaysia và Thái Lan cho kết quả âm tính với Covid-19. Trong số này có 6 người bị giữ lại cùng vợ chồng cụ bà Mỹ. Hơn 130 hành khách tới Malaysia cùng họ đã bắt các chuyến bay rời Malaysia để tới Mỹ, châu Âu, Australia và Hong Kong.
Thái Lan mới đây cho biết có 21 công dân nước này trên tàu và họ sẽ phải cách ly trong 14 ngày trước khi được cho phép nhập cảnh vào Thái Lan.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Anh cho biết họ đã liên lạc được với một người được xét nghiệm nhưng không rõ trong số này có ai nhiễm virus không. London vẫn đang cố gắp tiếp cận với những người còn lại.
Các hành khách rời du thuyền trước khi hay tin có 1 cụ bà Mỹ nhiễm Covid-19. (Ảnh: AP)
Malaysia hôm 17/2 tuyên bố sẽ không nhận thêm khách trên MS Westerdam bay từ Campuchia tới.
Giám đốc sân bay quốc tế Phnom Penh Sao Wathana cho biết tổng cộng 541 hành khách đã rời Campuchia và đang hướng tới các quốc gia khác ở châu Á.
"Trước khi rời đi, mọi người đều âm tính với Covid-19. Các hành khách còn lại bị mắc kẹt ở Phnom Penh vì không có chuyến bay đến các quốc gia tương ứng của họ như Anh, Australia, Thái Lan", ông này cho hay.
Tại cảng Sihanoukville, nơi MS Westerdam đang neo đậu, 747 thủy thủ đoàn và 255 hành khách chờ kết quả xét nghiệm dự đoán sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Trong khi đó ở Phnom Penh, Thống đốc Khong Sreng cho biết khoảng 100 hành khách của MS Westerdam được giới chức thành phố tổ chức một chuyến đi tham quan để họ biết Campuchia đã phát triển tới mức nào. Chuyến tham quan này được chính Thủ tướng Hun Sen yêu cầu, bao gồm cả lịch trình đi qua mặt trước của Cung điện Hoàng gia.
"Sẽ là tốt hơn khi tham quan thành phố thay vì ở trong phòng khách sạn, điều khiến họ cảm thấy buồn chán và sợ hãi", Thủ tướng Hun Sen viết trong một bài đăng trên Facebook hôm 17/2.
Christina Kerby, một du khách Mỹ trên tàu nói cô hết sức ngạc nhiên khi vẫn được phép tham quan Phnom Penh dù chưa nhận được thông báo rõ ràng rằng mình không nhiễm bệnh.
"Tôi có con nhỏ ở nhà (tại Mỹ) và không muốn mạo hiểm lây nhiễm cho chúng hoặc bất cứ ai xung quanh tôi nếu tôi mang virus", cô nói.
Theo ông Hun Sen, 500 du khách mắc kẹt tại Campuchia đang tạm trú tại khách sạn Hass Sokha, Phnom Penh trước khi bắt các chuyến bay về nước.
"Dựa trên thông tin mà tôi nhận được, chuyến bay 777 có thể chở khoảng 300 hành khách và sẽ rời Phnom Penh hướng tới Dubai. Sẽ có một chiếc máy bay khác đưa họ từ Phnom Penh đến Nhật Bản và có thể có một chuyến bay nữa vận chuyện những người còn lại từ Sihanoukville đến các quốc gia khác trong khu vực", ông nói, nhấn mạnh việc các chuyến bay chậm trễ chỉ do nguyên nhân duy nhất là vé máy bay chưa thu xếp xong.
Nhà lãnh đạo Campuchia cũng đang lên kế hoạch tổ chức tiệc chiêu đãi các hành khách trên MS Westerdam để thể hiện lòng hiếu khách của nước này, Khmer Times đưa tin. Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài được cho là sẽ được mời tới bữa tiệc này.
Trong một diễn biến liên quan, Holland America cung cấp thêm thông tin cho biết các khách đang lưu trú tại khách sạn ở Phnom Penh hoàn thành việc sàng lọc. Kết quả vẫn đang chờ trả về.
"406 trường hợp đầu tiên cho kết quả âm tính và họ có thể về nhà", công ty này cho hay.
Mark Harris, một giáo sư về virus học tại Đại học Leeds đặt nghi vấn về cách Campuchia đang quản lý các hành khách trên MS Westerdam.
"Nếu bạn có những người nhiễm bệnh ở giai đoạn đầu, họ có thể không cho kết quả dương tính, họ có thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào", ông này cho biết.
Holland America cho biết họ đã chia sẻ thông tin về hành khách rời MS Westerdam.với chính phủ các nước, trong đó có 650 công dân Mỹ, 271 người Canada, 127 đến từ Anh, 91 từ Hà Lan cũng như một số từ Australia, Đức và Trung Quốc .
"Các hành khách trở về nhà sẽ được các bộ phận y tế địa phương liên hệ và được cung cấp thêm thông tin", hãng này cho hay.
SONG HY (Nguồn: The Guardian, Straits Times)
Theo vtc.vn
Cặp vợ chồng Mỹ quyết bám trụ trên 'ổ dịch' Diamond Princess, không chịu di tản về Mỹ Sau khi giới chức Mỹ công bố 14 ca nhiễm Covid-19 trong tổng số 300 người Mỹ được sơ tán từ du thuyền Diamond Princess, Matthew Smith và vợ tin rằng quyết định ở lại của họ là chính xác. Trong khi nhiều người đang tìm mọi cách để rời khỏi du thuyền "ổ dịch" trên Diamond Princess, Matthew Smith - luật sư...