Hàn Quốc đặt mục tiêu giảm một nửa số ca nhiễm HIV vào năm 2030
Giới chức y tế Hàn Quốc đặt mục tiêu giảm một nửa số ca nhiễm HIV vào năm 2030, trong bối cảnh số ca nhiễm mới HIV ở nước này tiếp tục dao động khoảng 1.000 người mỗi năm.
Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Seoul (Hàn Quốc). (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Giới chức y tế Hàn Quốc đã xây dựng các biện pháp thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2030 sẽ giảm một nửa số ca nhiễm mới virus HIV so với hiện nay.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết các biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới HIV tiếp tục dao động khoảng 1.000 người mỗi năm, đặc biệt là trong giới trẻ và người nước ngoài.
HIV là một loại virus tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể và có thể dẫn đến hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ( AIDS). Tuy nhiên, AIDS là giai đoạn tiến triển nhất của HIV và người nhiễm HIV không nhất thiết sẽ mắc AIDS.
Video đang HOT
Tại Hàn Quốc, KDCA xây dựng kế hoạch kiểm soát và phòng ngừa bệnh AIDS sau mỗi 5 năm và đây là kế hoạch thứ hai được KDCA xây dựng sau kế hoạch đầu tiên áp dụng đến hết năm 2023.
KDCA cho biết tỷ lệ tử vong liên quan đến AIDS đã giảm trong 5 năm qua nhưng các ca nhiễm mới, đặc biệt là trong giới trẻ và người nước ngoài, vẫn được báo cáo liên tục.
Số người mới nhiễm HIV năm 2019 là 837 người, năm 2020 có 1.016 người, năm 2021 có 975 người và năm 2022 có 1.066 người.
Theo dữ liệu năm 2022, trong số người mới nhiễm có 92,3% là nam giới, 67,6% là những người dưới 30 tuổi và 22,6% là người nước ngoài.
Theo kế hoạch mới, KDCA quyết định đầu tư 20 tỷ won (15 triệu USD) hằng năm, từ nay đến năm 2028, để giảm tỷ lệ lây nhiễm và đẩy nhanh công tác chẩn đoán bệnh nhân mới nhằm có phương pháp điều trị kịp thời.
Cơ quan này cũng đang tìm cách thiết lập một hệ thống quản lý dịch bệnh hiệu quả hơn để giảm một nửa số ca nhiễm mới vào năm 2030.
Đặc biệt, KDCA sẽ tăng cường các hoạt động ngăn ngừa lây nhiễm ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
Giám đốc KDCA Jee Young-mee cam kết cơ quan này sẽ thực hiện các kế hoạch một cách thông suốt, phối hợp với các bộ liên quan, chính quyền địa phương, tổ chức tư nhân và chuyên gia./.
Các bệnh viện ở Hàn Quốc chịu thiệt hại lớn về kinh tế
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, các bệnh viện đa khoa lớn ở Seoul đang phải chịu thiệt hại kinh tế lớn do các bác sĩ tập sự nghỉ việc hàng loạt hơn một tháng qua, khiến các hoạt động y tế không thể triển khai đầy đủ và dịch vụ y tế phải cắt giảm do không thể tiếp nhận bệnh nhân.
Bên trong khoa cấp cứu của một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc ngày 1/3/2024. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN
Theo nguồn tin y tế ngày 27/3, 5 bệnh viện lớn được mệnh danh là "Big 5", đang phải gánh chịu mức thiệt hại tài chính lên tới hơn 1 tỷ won mỗi ngày do tình trạng các bác sĩ tập sự nghỉ việc hàng loạt. Do thiếu nhân lực, các bệnh viện đã tiến hành gộp các bước của quy trình chữa bệnh, sáp nhập các khoa và giảm số phòng cấp cứu.
Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul đã đóng cửa 10 khoa, phòng trong số 60 khoa, phòng chức năng, bao gồm phòng cấp cứu tạm thời và một phần khu phụ trợ của bệnh viện ung thư nhằm đảm bảo hiệu quả trong quản lý nhân lực. Khu khép kín vốn chỉ được sử dụng cho phẫu thuật và nội khoa nay được mở để sử dụng cho chỉnh hình, thận và nội tiết.
Một lãnh đạo bệnh viện cho biết Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul đang phải chịu khoản thâm hụt lên tới 100 tỷ won. Bệnh viện Đại học Quốc gia cơ sở ở Busan, tính đến ngày 26/3 cũng đang thâm hụt tới 60 tỷ won.
Trung tâm Y tế Asan ở Seoul, nơi đã công bố điều hành theo "tình trạng khẩn cấp" đã đóng cửa 9 trong số 56 khoa, phòng. Còn Bệnh viện St. Mary ở Seoul cũng đóng cửa 2 trong số 19 khoa phòng chức năng. Trong khi đó, Bệnh viện Severance nổi tiếng ở Seoul cũng bắt đầu sáp nhập các khoa phòng để quản lý theo tình trạng khẩn cấp. Theo đó, bệnh viện này đang xem xét sáp nhập 6 trong tổng số 75 khoa phòng.
Thông tin từ giới chức y tế cho biết hầu hết các khoa, phòng đóng cửa đều là khoa phẫu thuật và tình trạng này là do số ca phẫu thuật giảm mạnh khi các bác sĩ tập sự đồng loạt nghỉ việc. Khi số ca phẫu thuật giảm, số bệnh nhân nhập viện cũng giảm, dẫn đến việc sử dụng giường bệnh giảm, cuối cùng dẫn đến việc các bệnh viện buộc phải sáp nhập hoặc đóng cửa một số khoa phòng.
Hiện tại, các bệnh viện vẫn duy trì phòng cấp cứu song cũng không thể vận hành với đầy đủ công suất. Sau thời điểm ngày 19/2, khi các bác sĩ tập sự nghỉ việc hàng loạt, các bệnh viện cũng đồng loạt hạn chế điều trị cho những bệnh nhân nhẹ và hoạt động tập trung vào những bệnh nhân bị bệnh nặng.
Để đối phó với tình hình tài chính sụt giảm, các bệnh viện lớn không chỉ kéo giãn thời gian điều trị, giảm số bệnh nhân nhập viện, đóng cửa hoặc sáp nhập các khoa phòng chuyên môn mà còn phân bổ lại cơ cấu nhân sự.
Do số lượng ca phẫu thuật giảm mạnh và không thể tiếp nhận bệnh nhân nhập viện điều trị nên trừ bác sĩ và y tá, các bệnh viện đang buộc các nhân viên khác nghỉ phép không lương. Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và Trung tâm Y tế Asan được cho là đang tiếp nhận đơn xin nghỉ phép không lương của những nhân viên không phải bác sĩ.
Một lãnh đạo của ngành y tế cho biết với việc bác sĩ tập sự nghỉ việc hơn 1 tháng qua và động thái từ chức của các giáo sư hiện tại, rất khó dự đoán tình hình các bệnh viện sẽ cầm cự ra sao.
Hàn Quốc cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm cấp thị thực cho du khách đến từ Trung Quốc Theo hãng tin Yonhap, ngày 7/2, Giám đốc Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (KDCA) của Hàn Quốc, bà Jee Young-mee, cho biết Seoul đang cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cấp thị thực đối với du khách từ Trung Quốc sớm hơn dự kiến, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại quốc gia láng giềng...