Hàn Quốc chật vật xử lý vaccine COVID-19 sắp hết hạn chưa dùng đến
Chính phủ Hàn Quốc đang chật vật xử lý một kho dự trữ vaccine chưa dùng đến và sắp hết hạn.
Các lọ vaccine COVID-19 của Moderna, AstraZeneca, Pfizer – BioNtech, Johnson & Johnson, và Sputnik V. Ảnh: Yonhap
Tờ KoreaTimes dẫn báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội công bố hôm 18/8 đưa tin tính đến ngày 6/7, tỷ lệ vứt bỏ vaccine do hết hạn sử dụng trên khắp Hàn Quốc đã lên tới 3,6% – tương đương với 5,29 triệu trong tổng số 145,84 triệu liều vaccine.
Cụ thể, nước này đã vứt bỏ 260.000 liều vaccine AstraZeneca (1,2%), 1,58 triệu liều Pfizer (1,8%), 1,97 triệu Moderna (6,3%), 50.000 liều Johnson & Johnson (1,5%) và 1,43 triệu liều Novavax (61,4%). Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, hầu hết những liều vaccine này đã bị vứt bỏ vì hết hạn vào tháng 6. Thời hạn sử dụng trung bình của vaccine là từ 6 tháng đến một năm.
Vaccine Novavax được điều chế bằng công nghệ vaccine truyền thống, nhưng ở dạng hạt nano, hoạt động bằng cách kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể để ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học kỳ vọng loại vaccine này sẽ giúp nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt là đối với những người còn do dự vì lo ngại tác dụng phụ của vaccine.
Video đang HOT
Tuy nhiên, khi vaccine Novavax đến Hàn Quốc vào tháng 2, nhu cầu tiêm chủng của đất nước bắt đầu giảm. Vào thời điểm đó, 86% người dân đã tiêm 2 mũi và 56% đã tiêm mũi nhắc lại đầu tiên. Chính phủ cũng đã dỡ bỏ yêu cầu xuất trình thẻ tiêm chủng khi đến các địa điểm công cộng.
Để đối phó với tình trạng này, Chính phủ Hàn Quốc đang phải vật lộn để điều chỉnh nguồn cung vaccine và ngăn ngừa tình trạng lãng phí trong tương lai. Tháng trước, nước này đã hủy bỏ thỏa thuận đặt hàng thêm 4 triều vaccine Johnson & Johnson và 12,65 triệu liều từ COVAX – cơ chế phân phối vaccine toàn cầu. Nước này cũng hủy bỏ hợp đồng mua vaccine COVID-19 với Pfizer trong quý ba.
Báo cáo cho biết vào cuối năm nay, Hàn Quốc sẽ nhận thêm 37,67 triệu vaccine Novavax nữa, nhưng Chính phủ đã hoãn nhận lô vaccine này sang năm sau. Tính đến ngày 10/8, Hàn Quốc có trên 15,04 triệu liều vaccine COVID-19 chưa dùng đến.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội khuyến nghị giới chức tặng vaccine thừa cho các quốc gia khác. Kể từ tháng 6, Hàn Quốc đã cung cấp vaccine cho nhiều quốc gia – bao gồm Guatemala, Guyana và Mexico. Tuy nhiên, nhà chức trách giải thích rằng không dễ dàng tìm được các quốc gia nhận tài trợ vì nguồn cung vaccine trên toàn thế giới đang tăng lên, trong khi nhu cầu giảm mạnh, trong bối cảnh biến thể Omicron ít gây tử vong hơn đang chiếm ưu thế.
Trên 130 triệu liều vaccine dự kiến sẽ đến Hàn Quốc vào cuối năm nay. Chính phủ đang đánh giá phiên bản cập nhật của vaccine Moderna nhằm mục đích bảo vệ cơ thể khỏi chủng virus SARS-CoV-2 gốc và biến thể Omicron.
Một số quốc gia phát triển – bao gồm Mỹ, Canada và các nước châu Âu – cũng đã phải tiêu hủy hàng tỷ liều vaccine hết hạn sử dụng.
Hiện tại, 86,8% dân số Hàn Quốc đã tiêm 1 mũi vaccine, 86% đã tiêm mũi thứ hai, 64,5% đã tiêm mũi nhắc lại đầu tiên và 12,9% đã tiêm mũi nhắc lại thứ hai. Chính phủ dự kiến sẽ đề ra kế hoạch phân phối vaccine và tiêm chủng nhiều hơn vào cuối tháng.
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc cho biết nước này đã ghi nhận thêm 178.754 ca mắc mới vào hôm 18/8, nâng tổng số ca nhiễm lên 21.861.296 ca. Số ca lây nhiễm đến từ nước ngoài đã đạt kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát, đạt 633 ca.
Hàn Quốc đề nghị cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 13/5 đã đề nghị gửi vaccine phòng ngừa COVID-19 hỗ trợ Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tham gia hội nghị trực tuyến tại phòng tổng thống ngày 12/5. Ảnh: Yonhap
Đề nghị được đưa ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng thông báo ghi nhận các ca mắc đầu tiên đối với dịch bệnh này.
Dẫn lời Kang In-sun - người phát ngôn của tổng thống, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết: "Tổng thống Yoon Suk-yeol lên kế hoạch cung cấp cho người dân Triều Tiên vaccine COVID-19 và các vật dụng y tế khác. Các ca nghi nhiễm được cho là đang tăng mạnh tại Triều Tiên. Chúng tôi sẽ thảo luận với phía Triều Tiên về chi tiết hỗ trợ".
Ngày 12/5, Triều Tiên thông báo trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, đồng thời tuyên bố triển khai hệ thống kiểm soát virus ở "mức khẩn cấp cao nhất". Hãng Yonhap đưa tin Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã họp Bộ Chính trị, yêu cầu siết chặt việc kiểm soát biên giới, đồng thời cam kết sẽ "vượt qua cuộc khủng hoảng bất ngờ" này. Nhà lãnh đạo đã kêu gọi tất cả các thành phố và huyện trên cả nước phong tỏa nghiêm ngặt các địa phương. Thông báo nêu rõ cần đóng cửa các nhà máy, doanh nghiệp và người dân ở trong nhà để ngăn chặn hoàn toàn virus SARS-CoV-2.
Sáng 13/5, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nước này ghi nhận 6 ca tử vong do COVID-19 và hơn 18.000 người có triệu chứng sốt trên cả nước.
Hiện Triều Tiên vẫn chưa liên hệ với Hàn Quốc, song Seoul khẳng định sẽ vẫn sẵn sàng phản ứng trong trường hợp Bình Nhưỡng yêu cầu hỗ trợ theo quy định tách biệt viện trợ nhân đạo với các vấn đề quân sự, an ninh. Một quan chức chính phủ Hàn Quốc tiết lộ quyết định đề nghị hỗ trợ Triều Tiên của Hàn Quốc không được thảo luận trước với Mỹ.
Trước đó, Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Mỹ hiện chưa có kế hoạch chia sẻ các loại vaccine phòng COVID-19 với Triều Tiên.
Hàn Quốc rút tên Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia tăng cường kiểm dịch Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia tăng cường kiểm dịch. Lao động Việt Nam nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ảnh: Anh Nguyên/Pv TTXVN tại Hàn Quốc Thông báo của KCCA cho biết trong phiên họp...