Hàn Quốc chật vật lên kế hoạch tiếp phái đoàn 500 người của Triều Tiên
Giới chức Hàn Quốc đang “xoay sở” chuẩn bị mọi công tác hậu cần để đón tiếp phái đoàn Triều Tiên gồm khoảng 500 người tham dự Thế vận hội mùa Đông vào tháng sau.
Đoàn Triều Tiên dự Đại hội thể thao châu Á ở Incheon, Hàn Quốc năm 2014 (Ảnh: AP)
Việc Triều Tiên bất ngờ “xuống thang” và đưa ra đề xuất cử phái đoàn tới dự Thế vận hội mùa Đông do Hàn Quốc đăng cai tổ chức vào tháng sau được xem là động thái góp phần hạ nhiệt tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra một vấn đề lớn cho phía Hàn Quốc với tư cách là nước chủ nhà, đó là đảm bảo mọi điều kiện về ăn ở, phương tiện đi lại cũng như an ninh cho hàng trăm người, vốn được xem là những công dân trung thành nhất với đất nước Triều Tiên, trong thời gian diễn ra Thế vận hội.
Trong bối cảnh quan hệ liên Triều có dấu hiệu ấm dần lên, Hàn Quốc cũng đang tìm cách “xoay sở” khéo léo để vừa có thể đón tiếp phái đoàn Triều Tiên, vừa đảm bảo không vi phạm các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vốn đang áp đặt lên Bình Nhưỡng.
“Tôi lo ngại rằng quyết định (cử phái đoàn Triều Tiên) được đưa ra quá nhanh chóng nên còn rất ít thời gian để chuẩn bị cả về nơi ăn ở cũng như vấn đề an ninh”, ông Ryu Se-yeoung, người đứng đầu nhóm an ninh Allami Korea do các nhà tài trợ cho Thế vận hội Hàn Quốc thuê, cho biết.
“Xét đến sự đặc biệt của đất nước Triều Tiên… bạn không thể tiếp đón phái đoàn này tương tự các phái đoàn khác. Bạn cần có các khu vực ăn ở riêng dành cho họ và tôi đang phân vân liệu chúng ta có thể sắp xếp đủ cho nhiều người Triều Tiên như vậy ở cùng một chỗ hay không”, ông Ryu cho biết, đồng thời đề cập tới vấn đề bảo đảm an ninh cho phái đoàn Triều Tiên khi họ lưu lại Hàn Quốc.
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon cho biết khoảng 500 người Triều Tiên sẽ tham gia Thế vận hội ở Pyeongchang. Phái đoàn này sẽ bao gồm các vận động viên, quan chức và cả đội cổ vũ nổi tiếng của Triều Tiên. Ngoài ra, giới phân tích tại Hàn Quốc cũng nghi ngờ rằng trong phái đoàn Triều Tiên còn có nhiều giám sát viên với nhiệm vụ ngăn chặn các vụ đào tẩu có thể xảy ra trong giai đoạn Thế vận hội. Hai năm trước, Jong Yol-ri, thần đồng toán học 18 tuổi của Triều Tiên, từng đào tẩu khi tham dự Olympic toán học quốc tế tại Hong Kong.
“Nếu nhiều người cùng đến một lúc, họ sẽ giám sát lẫn nhau và chịu trách nhiệm lẫn nhau”, một người đào tẩu Triều Tiên tiết lộ.
Sự cẩn trọng của Hàn Quốc
Video đang HOT
Đội cổ vũ Triều Tiên có thể sẽ tham dự Thế vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc năm nay (Ảnh: Reuters)
Hiện kế hoạch di chuyển của phái đoàn Triều Tiên sang Hàn Quốc vẫn chưa được thống nhất. Nếu Triều Tiên chọn đi bộ qua khu phi quân sự liên Triều (DMZ) chia tách biên giới hai nước, phương án này đòi hỏi phải lên kế hoạch chi tiết với sự tham gia của lực lượng quân sự.
Trong khi đó, các phương án sử dụng đường biển và hàng không đều không khả thi do có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tàu từ Triều Tiên sẽ không thể cập bến ở Hàn Quốc, trong khi máy bay của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo cũng bị cấm hạ cánh tại Seoul.
Trước đó, ông Choi Moon-soon, tỉnh trưởng tỉnh Gangwon – nơi tổ chức Thế vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc, từng đề xuất phương án đưa du thuyền ra đón phái đoàn Triều Tiên, sau đó cho phép họ ở trên chính chiếc du thuyền được thiết kế với nhiều phòng trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Mặc dù vậy, đề xuất này vẫn chưa được xem là hoàn toàn khả thi.
Tại Đại hội thể thao châu Á Asian Games năm 2002 ở Busan và Đại hội thể thao sinh viên Universiade ở Daegu, Hàn Quốc năm 2003, Triều Tiên cũng cử khoảng 500-600 tới quốc gia láng giềng tham dự và tất cả đều di chuyển bằng máy bay hoặc tàu. Tuy nhiên, cả hai phương tiện này đều không phù hợp ở thời điểm hiện tại.
Tuy vậy, chính quyền của Tổng thống Moon vẫn rất cẩn trọng trong việc hỗ trợ cho đoàn vận động viên Triều Tiên, dù chỉ là chi tiết nhỏ nhất. Chẳng hạn, việc cung cấp các các sản phẩm thể thao do Mỹ sản xuất như thương hiệu Nike cho đoàn vận động viên Triều Tiên cũng bị xem là vi phạm lệnh trừng phạt.Một vấn đề nữa mà Hàn Quốc cũng đang phải tìm cách giải quyết là việc hỗ trợ cho đoàn vận động viên Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng hứa sẽ hỗ trợ về tài chính để giúp đỡ các vận động viên Triều Tiên dự Thế vận hội. Ông tin rằng sự kiện thể thao tầm cỡ này sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vốn luôn ở trong trạng thái căng thẳng.
Một nguồn tin của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, người từng có kinh nghiệm trong việc bảo đảm an ninh cho công dân Triều Tiên, cho biết: “Các thành viên đội cổ vũ và các thành viên khác của phái đoàn Triều Tiên đã quen với việc sống tập thể, do vậy mọi việc sẽ không quá khó khăn nếu các khu vực ăn ở được sắp xếp ổn thỏa. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là đối phó với những người dân Hàn Quốc tò mò”.
“Từ năm ngoái chính phủ Hàn Quốc có lẽ cũng đã dự đoán được rằng Triều Tiên sẽ tham dự Thế vận hội, tuy nhiên họ không thể ngờ với quy mô lớn như vậy. Họ có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu từ phía Triều Tiên”, Giáo sư Park Jin-kyung tại Đại học Công giáo Kwandong cho biết.
Các quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên dự kiến sẽ có thêm một cuộc hội đàm nữa tại làng đình chiến Panmunjom trong ngày hôm nay 17/1. Theo Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung, “vẫn còn nhiều vấn đề cần được thảo luận liên quan tới các vận động viên, quan chức cấp cao và các thành viên đội cổ động” Triều Tiên.
Thành Đạt
Theo FT, Chosun
Theo Dantri
Vì sao đoàn nghệ thuật Triều Tiên chọn đi bộ sang Hàn Quốc biểu diễn?
Đoàn nghệ thuật 140 người của Triều Tiên có thể sẽ đi bộ qua biên giới để sang Hàn Quốc biểu diễn vào tháng tới, Yonhap dẫn lời giới chức Hàn Quốc cho biết.
Làng đình chiến Panmunjom (Ảnh: Yonhap)
Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 15/1 đã đạt được thỏa thuận về việc Bình Nhưỡng sẽ cử đoàn nghệ thuật gồm 140 thành viên biểu diễn tại Thế vận hội mùa Đông diễn ra Seoul vào tháng 2 tới.
Theo thỏa thuận, đoàn nghệ thuật của Triều Tiên sẽ biểu diễn tại Seoul và Gangneung, thành phố cách thủ đô Seoul khoảng 240km.
Phía Hàn Quốc cho biết, Bình Nhưỡng đã đề nghị cho phép đoàn nghệ thuật của họ đi bộ qua biên giới ở làng đình chiến Panmunjom khi tới biểu diễn tại Thế vận hội. Làng đình chiến này nằm bên trong Khu phi quân sự (DMZ), một dải đất trải dài khoảng 5km ngăn cách Hàn Quốc và Triều Tiên.
Về đề nghị đi bộ qua biên giới, chính phủ Hàn Quốc sẽ cần tham vấn thêm trước khi đồng ý với Bình Nhưỡng.
Giới chuyên gia cho rằng, động thái đi bộ qua biên giới có thể là hành động mang tính biểu tượng thể hiện sự hòa giải giữa hai miền.
"Triều Tiên muốn cho thế giới thấy rằng chuyến đi qua Panmunjom, biểu tượng của sự đối đầu, sẽ báo trước tương lai tươi mới và hòa hợp với Hàn Quốc", Cheong Seong-chang, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện nghiên cứu Sejong nhận định.
Các thành viên thuộc đoàn nghệ thuật Mansudae của Triều Tiên (Ảnh: KCNA/AP)
Kể từ năm 2000, Hàn Quốc và Triều Tiên từng sử dụng đường bộ ở phía đông và phía tây cho các hoạt động vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. Một trong các tuyến đường đó là tuyến đường dẫn đến khu công nghiệp chung Kaesong.
Kim Yong-hyun, giáo sư thuộc Đại học Dongguk nhận định: "Triều Tiên dường như đang cố gắng cho cả thế giới thấy họ là một quốc gia bình thường, tôn trọng hòa bình thông qua chuyến đi của đoàn nghệ thuật qua làng đình chiến Panmunjom. Thông điệp của họ rõ ràng nhằm vào Mỹ".
Ông Kim cho rằng, Bình Nhưỡng có thể không muốn sử dụng tuyến đường dẫn đến khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng hòa giải kinh tế 2 miền, bởi Seoul đã đóng cửa khu công nghiệp này từ cuối 2016. Trước khi tuyến đường được mở lại, Panmunjom được coi là cửa ngõ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Minh Phương
Theo Dantri
Bạn gái cũ Kim Jong-un bất ngờ xuất hiện ở biên giới liên Triều Hyon Song Wol, trưởng nhóm nhạc nữ Moranbong của Triều Tiên và được cho là bạn gái cũ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, mới đây có lần xuất hiện hiếm hoi tại biên giới liên Triều. Hyon Song Wol tham gia phái đoàn đàm phán liên Triều với tư cách quan chức cấp cao. Theo Daily Star, vòng đàm phán mới giữa...