Hàn Quốc cấp 90 suất học bổng ‘Đào tạo nhân tài ASEAN’
Theo phóng viên TTXVN tại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ngày 22/7, Phái đoàn Hàn Quốc tại ASEAN phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và Hội đồng Giáo dục đại học Hàn Quốc (KCUE) đã công bố chương trình học bổng “Đào tạo nhân tài ASEAN (HEAT)”.
Đại sứ Lim Sungnam, Trưởng Phái đoàn Thường trực Hàn Quốc tại ASEAN, phát biểu tại một buổi lễ. Ảnh: Hữu Chiến/PV TTXVN tại Indonesia
Chương trình học bổng này là một trong những nội dung đã được các nhà lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc nhất trí tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Hàn Quốc được tổ chức ở thành phố Busan vào tháng 11 năm ngoái.
Trong khuôn khổ chương trình này, Chính phủ Hàn Quốc sẽ dành tổng cộng 90 suất học bổng đào tạo tiến sĩ cho ứng viên từ các nước ASEAN theo học tại 6 trường đại học danh tiếng của Hàn Quốc trong 5 năm tới. Dự kiến, 11 ứng viên được chọn trong đợt tuyển sinh đầu tiên sẽ nhập học từ tháng 9/2020.
Tại buổi lễ được tổ chức trực tuyến, 11 ứng viên được chọn cùng 500 ứng viên tiềm năng khác từ các nước ASEAN đã bày tỏ quan tâm tới chương trình nghiên cứu sau đại học tại Hàn Quốc và trình bày kế hoạch phát triển sự nghiệp sau khi kết thúc quá trình nghiên cứu, học tập tại nước này.
Trong bài phát biểu chào mừng, Đại sứ Hàn Quốc tại ASEAN Lim Sungnam khẳng định rằng, với việc thực hiện thành công chương trình học bổng này, Chính phủ Hàn Quốc hy vọng có thể đóng góp vào việc phát triển nguồn nhân lực tại từng quốc gia thành viên ASEAN.
Video đang HOT
Khẳng định HEAT là “khoản đầu tư tương lai” cho các nước khu vực, Đại sứ Lim Sungnam bày tỏ tin tưởng rằng những người nhận được học bổng sẽ trở thành “hạt giống” ươm mầm các nhà lãnh đạo ASEAN trong vai trò giảng dạy tại các trường đại học sau khi trở về nước.
Về phần mình, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa – xã hội, ông Kung Phoak nhấn mạnh rằng giao lưu nhân dân thông qua việc cấp học bổng có thể thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa ASEAN và Hàn Quốc, cũng như góp phần tăng cường quan hệ song phương.
Phó Tổng Thư ký ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ nhiệt tình của Chính phủ Hàn Quốc nhằm tạo cơ hội quý giá cho các nhà nghiên cứu ASEAN. Ông cho rằng trong giai đoạn bình thường mới hiện nay, vấn đề đào tạo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Về phần mình, Chủ tịch KCUE, ông Kim Inchul cho biết HEAT không chỉ cho phép ASEAN phát triển nguồn nhân lực, mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh và năng lực của các trường đại học Hàn Quốc thông qua chương trình học bổng này.
HEAT có tổng ngân sách 8,3 triệu USD do Quỹ Hợp tác ASEAN – Hàn Quốc (AKCF) hỗ trợ dành cho nhiều dự án và chương trình nhằm tăng cường quan hệ Hàn Quốc – ASEAN và đóng góp vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
AKCF được thành lập năm 1990 với khoản đóng góp lên tới 1 triệu USD/năm. Kể từ năm 2019, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng gấp đôi khoản đóng góp hằng năm cho AKCF lên 14 triệu USD trong khuôn khổ Chính sách hướng Nam mới.
Chia sẻ thông tin đập trên sông Mekong 'chưa đầy đủ'
Các nước hạ lưu sông Mekong và Trung Quốc chưa có cơ chế chia sẻ thông tin đầy đủ về đập thuỷ điện và nguồn nước, theo cựu quan chức Việt Nam về ASEAN.
Phát biểu được ông Phạm Quang Vinh, cựu trưởng nhóm các quan chức cấp cao của Việt Nam trong ASEAN (SOM), đưa ra khi trả lời câu hỏi của VnExpress về khuyến nghị với hợp tác của các nước và đối tác, bên lề Diễn đàn "Gắn kết hợp tác tiểu vùng Mekong với các mục tiêu của ASEAN" ngày 14/7 tại Hà Nội.
Theo ông Vinh, hợp tác hiện nay giữa các nước ở hạ lưu sông Mekong và Trung Quốc về sử dụng nguồn nước, trong đó có các đập thuỷ điện chủ yếu dựa trên sự tự nguyện và chưa đầy đủ. Do đó, các nước cần đề ra cơ chế thường kỳ, theo mùa mưa và mùa khô, nêu ra các chuẩn mực trong sử dụng bền vững nguồn nước.
Ông cũng cho rằng các nước hạ lưu sông Mekong cần coi an ninh nguồn nước là ưu tiên hàng đầu trong các cơ chế hợp tác khu vực. Vấn đề an ninh nguồn nước được thể hiện rõ nhất ở tiểu vùng Mekong, khi các nước ở hạ nguồn gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, trao đổi về sử dụng bền vững nguồn nước của dòng sông này với Trung Quốc, nước ở thượng nguồn.
Giữa năm 2019, các nước hạ lưu sông Mekong trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất, khiến mực nước hạ xuống mức thấp kỷ lục trong ít nhất 60 năm qua. Các nghiên cứu gần đây của Ủy hội Sông Mekong (MRC), cơ quan liên chính phủ của 4 nước ASEAN (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan), cho thấy tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt hạn hán ở hạ nguồn sông Mekong đã gia tăng trong vài thập kỷ trở lại đây. Theo MRC, vào tháng 7/2019, khu vực Chiang Saen ở phía bắc Thái Lan ghi nhận mực nước sông 2,1 m, thấp hơn mức trung bình cùng kỳ trong suốt gần 6 thập kỷ qua 3,2 m và dưới mức nước tối thiểu từng đo được 0,75 m.
Một người đánh cá bên bờ sông Mekong ở Nongkhai, Thái Lan hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.
Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, hạn hán nghiêm trọng khiến nông dân ở nhiều tỉnh, được coi là vựa lúa của cả nước, không thể canh tác, hàng trăm nghìn người cũng lâm vào cảnh thiếu nước ngọt dùng cho sinh hoạt. Tình trạng này kéo dài sang năm 2020.
MRC đánh giá bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu gây nên hạn hán, dòng chảy của dòng Mekong yếu do đập thuỷ điện của Trung Quốc giảm lưu lượng xả. Theo Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, Trung Quốc có 11 đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mekong, trữ 47 tỷ m3 nước. Bắc Kinh được cho là giữ đến 50% lượng nước sông Mekong vào mùa khô.
Ông Vinh lưu ý các nước ở hạ lưu sông Mekong có hợp tác với hầu hết các đối tác lớn của ASEAN, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia. Do đó, khu vực tiểu vùng Mekong cần phối hợp tốt với các thành viên còn lại của ASEAN để thảo luận các vấn đề chung, trong đó có an ninh nguồn nước.
"Nếu các quốc gia ở Mekong phát triển bền vững, sẽ đóng góp nhiều vào sự phát triển chung của ASEAN", ông nói.
Đánh giá tầm quan trọng của tiểu vùng Mekong, trong diễn đàn hôm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết đây này là hành lang chiến lược kết nối Đông Nam Á và Nam Á, là cây cầu nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tiểu vùng còn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và mạng lưới giao thông của khu vực.
Tuy nhiên, tiểu vùng Mekong đang bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, chịu nhiều tác động của các thiên tai do tự nhiên và con người gây ra.
Ông Dũng cho rằng ASEAN nên tác động nhiều hơn đến sự phát triển của tiểu vùng này thông qua việc tạo ra các nền tảng cho đối thoại thường xuyên, các hành động chung và hợp tác với các đối tác phát triển. Hiệp hội cần duy trì vai trò trung tâm trong các cấu trúc tiểu vùng, tạo ra tầm nhìn cho hợp tác chặt chẽ và rộng lớn hơn trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Nhật 'đặc biệt quan ngại' diễn biến trên Biển Đông Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Nishida Yasunori bày tỏ quan ngại và phản đối hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông khi dự hội nghị an ninh của ASEAN. "Tôi muốn nhấn mạnh rằng mọi nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng biện pháp cưỡng ép là không thể chấp nhận được", Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản...