Hàn Quốc cải cách chính sách thuế
Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định bỏ đề xuất đánh thuế thu nhập đầu tư tài chính, sau nhiều năm tranh luận do lo ngại loại thuế này có thể gây tổn hại thị trường vốn và gây bất lợi cho nhà đầu tư nhỏ.
Bảng điện tử hiển thị chỉ số KOSPI giảm điểm tại ngân hàng Hana ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh tư liệu: YONHAP/TTXVN
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng sẽ hạ mức thuế thừa kế cao nhất từ 50% xuống 40%. Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, các quyết định này được Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) công bố ngày 26/7 như một phần trong các đề xuất sửa đổi hệ thống thuế hằng năm nhằm giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và hộ gia đình, phù hợp với những thay đổi trong môi trường kinh tế.
Phát biểu trong buổi họp báo, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng MOEF Choi Sang Mok cho biết: “Chính phủ cam kết thiết lập một hệ thống thuế hiệu quả và hợp lý thông qua cải cách thuế năm nay”.
Ông nhấn mạnh rằng cải cách thuế là điều cần thiết vì dù đang trên đà phục hồi, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức như mức sống giảm sút và rủi ro về cơ cấu bao gồm các vấn đề nhân khẩu học và tiềm năng tăng trưởng giảm.
Video đang HOT
Một trong những đề xuất sửa đổi quan trọng là bãi bỏ thuế thu nhập đầu tư tài chính, ban đầu dự kiến có hiệu lực vào năm 2023, nhưng đã bị hoãn lại đến năm 2025. Thuế này đã gặp phản ứng từ các nhà đầu tư nhỏ, lo ngại rằng nhà đầu tư giàu có sẽ bán tháo cổ phiếu, gây tổn hại cho thị trường.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cam kết hủy bỏ thuế thu nhập đầu tư tài chính. Tuy nhiên, một số thành viên đảng đối lập, trong đó có cựu lãnh đạo Đảng Dân chủ Hàn Quốc Lee Jae Myung, đã ủng hộ trì hoãn việc thực hiện những thay đổi về thuế này.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc dự định giảm thuế thừa kế tối đa – hiện cao thứ hai trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sau Nhật Bản. Mức thuế này bị chỉ trích vì có thể cản trở sự kế thừa không chỉ của các tập đoàn lớn (chaebol) mà còn cả các doanh nghiệp gia đình nhỏ hơn, ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục hoạt động.
Để tăng cường khả năng cạnh tranh của các công nghệ tiên tiến và chiến lược, Hàn Quốc cũng sẽ mở rộng tín dụng thuế và gia hạn miễn thuế cho đến năm 2027. Ngoài ra, Hàn Quốc còn đưa ra những chính sách nhằm khuyến khích các công ty Hàn Quốc đưa nhà máy sản xuất trở về nước, trong đó có việc gia hạn thời gian miễn thuế đến năm 2027 thay vì năm 2024. Để tăng cường các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, việc áp dụng mức thuế 20% đối với mọi khoản thu nhập từ tiền điện tử sẽ bị hoãn lại thêm 2 năm nữa, cho đến năm 2027.
Bộ trưởng Choi Sang Mok cho rằng việc sửa đổi hệ thống thuế năm nay sẽ dẫn đến mức giảm 4.400 tỷ won (3,1 tỷ USD) tiền thuế trong 5 năm tới, sau khi Chính phủ Hàn Quốc phải chịu mức thâm hụt doanh thu thuế kỷ lục vào năm 2023. Tuy nhiên, ông hy vọng những kết quả tích cực từ các chính sách định hướng đầu tư và chi tiêu sẽ giúp cải thiện các điều kiện liên quan đến doanh thu thuế.
Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch trình các đề xuất lên Quốc hội để phê duyệt trước ngày 2/9, sau khi soạn thảo hướng dẫn và tìm kiếm sự chấp thuận riêng tại cuộc họp Nội các.
Giải pháp để Nhật Bản củng cố đồng yen
Dữ liệu mới của Chính phủ Nhật Bản cho thấy các tập đoàn nước này đã tái đầu tư 10.570 tỷ yen (67,8 tỷ USD) lợi nhuận ra nước ngoài trong năm tài chính vừa qua, gấp hơn ba lần con số 10 năm trước.
Đồng yên của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Sự thay đổi này được cho là làm gia tăng áp lực giảm giá trong trung và dài hạn đối với đồng yen, vốn đang giao dịch ở mức thấp lịch sử. Trong nỗ lực đảo ngược xu hướng này, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc các ưu đãi về thuế để khuyến khích hồi hương lợi nhuận thu được từ nước ngoài.
Theo số liệu thống kê sơ bộ được Bộ Tài chính công bố ngày 10/5, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản đã tăng 2,8 lần trong năm tài chính 2023 lên mức kỷ lục 25.340 tỷ yen. Thu nhập cơ bản tăng năm thứ ba liên tiếp lên mức kỷ lục 35.530 tỷ yen. Trong đó, thu nhập từ đầu tư trực tiếp đã tăng lên 20.800 tỷ yen, phản ánh nỗ lực ngày càng tăng của các công ty Nhật Bản nhằm mở rộng dấu ấn toàn cầu của họ. Đồng yen yếu cũng đã đẩy con số đó lên cao.
Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong khoản lợi nhuận này quay trở lại Nhật Bản, thay vào đó, các công ty tái đầu tư tại địa phương để hạn chế rủi ro ngoại hối và tiết kiệm phí chuyển đổi tiền tệ. Trong năm tài chính 2023, có 51% số tiền thu được từ đầu tư trực tiếp đã được tái đầu tư ra nước ngoài.
Điều này đã ảnh hưởng đến đầu tư trong nước. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, trong khi cán cân đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản tăng 8,5 lần từ năm 2000 đến năm 2022 thì đầu tư vốn trong nước của khu vực tư nhân chỉ tăng 18%.
Việc chuyển nhiều lợi nhuận này về nước sẽ thúc đẩy nhu cầu về đồng yen và giúp củng cố đồng tiền này. Một phương án là cung cấp các ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp để chuyển lợi nhuận ở nước ngoài sang đồng yen. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp được cho là đang truyền đạt ý tưởng này tới các công ty Nhật Bản nhằm ngăn chặn sự sụt giá của đồng yen.
Việc Sở giao dịch chứng khoán Tokyo thúc đẩy hiệu quả sử dụng vốn cao hơn cũng có thể hữu ích. Tính đến tháng 3 vừa qua, các công ty đại chúng đang trên đà hoàn trả kỷ lục khoảng 25.000 tỷ yen cho các cổ đông trong năm tài chính 2023. Japan Tobacco, Isuzu Motors, Mitsubishi Motors và các công ty khác đang thu cổ tức từ các đơn vị ở nước ngoài để tài trợ cho các khoản chi trả này. Hiện tại, 95% cổ tức mà một công ty Nhật Bản nhận được từ một chi nhánh nước ngoài mà công ty này sở hữu từ 25% cổ phần trở lên, đều được miễn thuế.
Đồng yen đã dao động quanh mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng USD kể từ tháng 3/2024, khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm. Đồng yen đã có thời điểm suy yếu xuống mức hơn 160 yen đổi 1 USD trong tháng 4/2024, làm dấy lên những dự đoán về khả năng chính phủ can thiệp trên thị trường tiền tệ.
Thế nhưng có giới hạn về mức độ can thiệp của chính phủ và BoJ, vì làm như vậy liên quan đến việc bán USD từ một tài khoản đặc biệt của Bộ Tài chính. Việc khu vực tư nhân hồi hương lợi nhuận thu được từ nước ngoài được coi là một lựa chọn thay thế quan trọng để củng cố đồng yen.
Năng lượng gió - nguồn cung cấp điện chính của nền kinh tế số một châu Âu Theo báo cáo ngày 26/4 của Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức, nước này đang đạt những tiến bộ mới trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Báo cáo cho biết trong quý I năm nay, lượng điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo đã tăng đáng kể, đạt mức gần 77 TWh, cao hơn...