Hàn-Nhật giục Trung Quốc mạnh tay hơn với Triều Tiên
Nhật Bản và Hàn Quốc thúc giục Trung Quốc hành động nhiều hơn để giải quỵết mối đe doạ hạt nhân từ Triều Tiên. Hai nước này cũng thông báo lập đường dây liên lạc khẩn đề phòng Triều Tiên phóng tên lửa.
Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng Trung Quốc cần đóng góp nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. REUTERS
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 4.6, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama nói cần phải làm điều gì đó để thay đổi chính sách của Triều Tiên, theo hãng tin Kyodo ngày 5.6.
Ông Sugiyama thúc giục Trung Quốc hành động nhiều hơn trong vấn đề này vì Bắc Kinh là đối tác thương mại chính của Triều Tiên. Ông Yoon Soon-ju, tổng cục trưởng về chính sách quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng nhận định “Trung Quốc đến nay vẫn đóng vai trò bị động nhưng có thể thay đổi để có tính xây dựng hơn trong việc ngăn chặn canh bạc hạt nhân của Triều Tiên”.
“Trung Quốc muốn là một cường quốc có trách nhiệm trong khu vực, nhưng họ lại cung cấp một lượng dầu mỏ và thực phẩm lớn cho Triều Tiên, được coi như là đường sống cho sự tồn tại của chế độ Triều Tiên”, ông Yoon nhấn mạnh.
Theo quan chức Hàn Quốc, những lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc không đủ mạnh để thúc đẩy sự thay đổi tại Triều Tiên.
Video đang HOT
Trong khi đó, thượng tá Lu Yin, nghiên cứu viên tại đại học Quốc phòng Trung Quốc lại bảo vệ lập trường của chính phủ nước này về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. “Sự ảnh hưởng của Triều Tiên đã bị hạn chế. Kể từ khi Triều Tiên trở thành một nước có chủ quyền, Trung Quốc chỉ có thể thuyết phục thay vì ép buộc”, bà Lu Yin khẳng định.
Để đề phòng những mối đe doạ từ Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ngày 4.6 thông báo nước này và Hàn Quốc đã đồng ý mở rộng hệ thống liên lạc khẩn cấp giữa Bộ Quốc phòng 2 nước, theo Reuters.
Những căng thẳng tại khu vực tăng cao từ khi Triều Tiên thử hạt nhân lân 4 hồi tháng 1, sau đó là hàng loạt vụ thử tên lửa. Mới đây nhất, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo nhưng bị thất bại hôm 31.5.
Từ trái sang, Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc tại diễn đàn Shangri-La, Singapore. REUTERS
Ông Nakatani cho biết đường dây liên lạc khẩn cấp giữa Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước sẽ được sử dụng khi xảy ra các trường hợp liên quan đến an ninh như phóng tên lửa.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật cũng tiết lộ sẽ đàm phán về việc chia sẻ với Hàn Quốc thông tin chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Theo đó, Hàn Quốc sẽ chuyển những thông tin liên quan cho Mỹ, theo hiệp ước chia sẻ và bảo vệ thông tin tình báo gọi là Thoả thuận an ninh chung về thông tin quân sự (GSOMIA). Sau đó, Mỹ sẽ chuyển những thông tin này cho Nhật Bản theo hiệp ước tương tự giữa 2 nước.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Nhật cam kết giúp Đông Nam Á tăng cường năng lực an ninh
Nhật Bản sẽ giúp các nước Đông Nam Á xây dựng năng lực an ninh để đối phó với những hành động đơn phương, nguy hiểm và cưỡng chế ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani. Ảnh: Reuters
Ở Biển Đông, chúng tôi đã chứng kiến "việc cải tạo đất quy mô lớn và nhanh chóng, xây dựng các tiền đồn và sử dụng chúng cho các mục đích quân sự", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani hôm nay cho biết trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore.
Ông không nhắc đến Trung Quốc trực tiếp nhưng Reuters nhận xét rằng bình luận của ông nhằm vào Trung Quốc. "Không có quốc gia nào đứng ngoài vấn đề này", ông nói thêm.
Tokyo lo lắng rằng việc Bắc Kinh kiểm soát đường thủy mà qua đó khoảng 5 nghìn tỷ USD thương mại đi qua sẽ đe dọa an ninh quốc gia của Nhật Bản, đồng thời đưa Trung Quốc một bước gần hơn đến việc mở rộng ảnh hưởng tại biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương.
Để giúp Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc, Nhật Bản đang giúp họ nâng cao khả năng giám sát, tiến hành các bài tập huấn luyện chung và hợp tác trong việc phát triển thiết bị mới.
"Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải nâng cao năng lực các nước trong khu vực bằng cách kết hợp huấn luyện chung, hỗ trợ xây dựng năng lực, thiết bị quốc phòng và hợp tác công nghệ, ông Nakatani nói thêm.
Trong tháng 5, Nhật Bản công bố viện trợ quân sự trực tiếp đầu tiên cho nước ngoài, với một thỏa thuận tạm thời để cho Philippines thuê 5 máy bay TC-90 King Air, được sử dụng như máy bay tuần tra. Manila cũng muốn sử dụng máy bay tuần tra Lockheed Martin P3-C của Nhật Bản để theo dõi tàu ngầm Trung Quốc gần vùng biển của mình.
Nhật Bản cũng đang thúc đẩy quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Việt Nam, Indonesia và các quốc gia khác xung quanh Biển Đông.
Ông Nakatani cũng kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông ủng hộ phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, nơi Philippines đang thách thức yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh.
"Bất kỳ phán quyết hay quyết định của tòa đều cần được thực hiện đầy đủ bởi các bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn, phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan", bộ trưởng Nhật Bản cho biết.
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng tòa không có thẩm quyền xử vụ kiện và khăng khăng nói rằng họ sẽ không tuân theo bất kỳ phán quyết nào.
Phương Vũ
Theo VNE
Trung Quốc nói sẽ bác bỏ phán quyết của toà quốc tế về Biển Đông Một quan chức Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 4.6 tuyên bố rằng Toà trọng tài của Liên Hiệp Quốc "không đủ thẩm quyền" quyết định vụ Philippines kiện Trung Quốc, theo AP. Ông Guan Youfei (giữa) tiếp tục khẳng định không công nhận phán quyết của toà án quốc tế về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc. AFP...