Hàn, Mỹ, Nhật họp bàn cách đối phó Triều Tiên
Đặc phái viên về vấn đề hạt nhân của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã hội đàm ba bên nhằm thảo luận cách đối phó với Triều Tiên và chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vẫn là mối quan tâm lớn của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản – Ảnh: Reuters
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 4.12 đưa tin tham gia cuộc hội đàm tại Washington ngày 3.12 này có đặc phái viên của Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân, ông Hwang Joon-kook; đặc phái viên Mỹ phụ trách các vấn đề chính sách Triều Tiên, ông Sung Kim; và Tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản phụ trách đàm phán sáu bên về hạt nhân, ông Kimihiro Ishikane.
Ông Hwang Joon-kook cho biết cả ba bên nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phải gửi thông điệp mạnh mẽ để ngăn chặn những hành động khiêu khích mang tính chiến lược của Triều Tiên như phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hay phóng vệ tinh. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác trong việc thực thi nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và nâng cao hiệu quả các biện pháp trừng phạt của Hội đồng bảo an đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Video đang HOT
Đại diện phía Hàn Quốc cũng hối thúc Triều Tiên chấp nhận đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán thăm dò nhằm thảo luận để tiến tới nối lại cuộc đàm phán 6 bên về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã bị ngưng trệ từ lâu. Theo ông, các bước đầu tiên để có thể phi hạt nhân hóa là làm cho Triều Tiên phải kiềm chế trong việc thử tên lửa hay hạt nhân, ngăn chặn các hoạt động liên quan đến hạt nhân và cho phép các quan sát viên về hạt nhân của Liên Hiệp Quốc quay lại Triều Tiên thực hiện nhiệm vụ của mình.
Đặc phái viên Mỹ, ông Kim Sung cũng đề nghị Triều Tiên kiềm chế không tiến hành các hoạt động mang tính khiêu khích và thực thi cam kết về phi hạt nhân hóa. Bên cạnh đó, ông Kim còn khẳng định Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ cho những nỗ lực của Hàn Quốc để cải thiện quan hệ liên Triều.
Cuộc hội đàm ba bên Hàn, Mỹ, Nhật diễn ra một tuần sau khi có thông tin cho biết Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, và mới đây Triều Tiên được cho là đang đào một đường hầm mới tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, có thể được dùng cho việc thử hạt nhân.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Iran phóng thử tên lửa đạn đạo
Iran hôm nay 11.10 tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo hướng dẫn có độ chính xác cao chỉ vài tháng sau khi đã đạt thỏa thuận về chương trình hạt nhân với quốc tế.
Iran phóng thử tên lửa đạn đạo bất chấp thỏa thuận với quốc tế - Ảnh minh họa: Reuters
Hãng thông tấn của Iran, IRNA dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Hossein Dehghan cho biết tên lửa Emad "đã được phóng đi và trúng mục tiêu với độ chính xác cao", theo Reuters.
Tehran giải thích vụ phóng tên lửa nhằm cải thiện độ chính xác của hệ thống tên lửa của nước này, và đây là tên lửa tầm xa đầu tiên của Iran được thử nghiệm, AFP cho hay. AFP gọi tên của tên lửa này là Imad, dựa theo hình ảnh và thông tin được đưa lên trang web của Bộ Quốc phòng Iran nhưng lại không đề cập thông tin về Imad.
Anthony Cordesman, một nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho biết hồi tháng 1.2015 rằng tên lửa mới của Iran có tầm bắn xa đến 1.700 km và có khả năng mang đầu đạn nặng đến 750 kg, Reuters cho hay.
Vụ phóng tên lửa được thực hiện chỉ vài tháng sau khi Iran đạt được một thỏa thuận được cho là lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran với các cường quốc thế giới về hạt nhân. Theo đó, Tehran phải hạn chế chương trình hạt nhân. Nghị quyết của Hội đồng bào an Liên Hiệp Quốc đưa ra vài ngày sau đó cấm Iran phát triển tên lửa có thiết kế mang đầu đạn hạt nhân.
"Chúng tôi không cần phải xin phép ai để tăng cường khả năng phòng thủ và tên lửa của chúng tôi", Bộ trưởng Quốc phòng Dehghan được AFP trích phát biểu.
Tehran nói rằng tên lửa của mình chưa bao giờ mang đầu đạn hạt nhân vì chương trình hạt nhân của Iran không phát triển vũ khí. Bên cạnh đó, Tehran còn cho biết sẽ tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân của mình trong tương lai, theo AFP.
Thỏa thuận của Iran đạt hồi tháng 7.2015 với 6 cường quốc Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran, đổi lại Liên Hiệp Quốc giảm trừng phạt cấm vận đối với Iran.
Minh Quang
Theo Thanhnien