Hạn mặn miền Tây khốc liệt: Giọt nước chở từ Bình Dương xuống Bến Tre cho dân
Hai doanh nghiệp ở Bình Dương chở 6.000 m3; 800 bình chứa nước ngọt loại 21 lít; 5.000 bình chứa loại 30 lít về cho người dân Bến Tre giữa hạn mặn khốc liệt đang uy hiếp miền Tây.
Liên tục có hàng trăm người đã kéo đến để được cấp phát nước ngọt miễn phí của các doanh nghiệp Bình Dương. Ảnh: Bắc Bình
Ngày 16.3, ông Đoàn Văn Đảnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTT VN) tỉnh Bến Tre, cho biết đơn vị đang phối hợp với Chi cục Thủy lợi Bến Tre tiếp nhận nước ngọt và dụng cụ trữ nước để phân phát cho các hộ dân đang thiếu nước ngọt sử dụng do hạn mặn tại 3 địa phương này.
Theo ông Đảnh, sà lan trọng tải 1.200 m3 nước ngọt đầu tiên của Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương đã cập bến sông Bến Tre tại bờ kè phường 7, TP.Bến Tre và cấp phát nước cho bà con trên địa bàn TP.
Một cụ già đã mang dụng cụ chứa nước đến bưng nước ngọt về Ảnh: Bắc Bình
Theo kế hoạch, Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương sẽ hỗ trợ miễn phí tổng cộng 6.000 m3 nước và 800 bình chứa nước ngọt loại 21 lít/bình cho bà con đang khó khăn về nước ngọt ở TP. Bến Tre, H. Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm. Đây là nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn sử dụng do Bộ Y tế quy định.
Song song đó, Công ty CP Đại Nam (Bình Dương) tặng bà con đang gặp thiên tai xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre 5.000 thùng chứa nước loại 30 lít, đồng thời cho mượn 2 xe chuyên dụng vận chuyển nước ngọt và chịu tất cả chi phí nhân công, nhiên liệu vận hành chở nước ngọt đến các xã, ấp đang thiếu nước ngọt ở Bến Tre.
Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương phát nước ngọt và lượng người đến lấy nước ngày càng đông đúc hơn Ảnh: Bắc Bình
Theo ông Đảnh, từ khi Bến Tre công bố thiên tai xâm nhập mặn mùa khô năm 2020, đầu mối là MTTQVN tỉnh Bến Tre đã tiếp nhận hơn 150.000 m3 nước ngọt để phân phát cho bà con. Tuy vậy, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 100.000 dân (trong đó có hơn 5.000 hộ nghèo, cận nghèo) vẫn đang thiếu nước ngọt trầm trọng.
Diễn biến xâm nhập mặn đang hoành hành hết sức phức tạp gây ảnh ngày càng nghiêm trọng đến lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và càng ngày càng nhiều hộ dân thiếu nước ngọt sử dụng ở Bến Tre.
Video đang HOT
Bị “hù” khi vừa chở nước đến cho bà con
Ông Đỗ Minh Cường, Phó giám đốc Chi nhánh Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương cho biết chuyến sà lan chở nước đầu tiên cập bờ sông Bến Tre vào đêm 15.3 và không lâu sau đó các nhân viên vận chuyển nước bị một số người lạ mặt “hù dọa” sẽ gây bất lợi cho họ và nguồn nước này.
Tuy vậy, nhờ sự có mặt kịp thời của lực lượng chức năng địa phương nên những người lạ mặt đã không còn xuất hiện xung quanh sà la chở nước nữa, ông Cường thông tin.
Lực lượng chức năng và công an khu vực liên tục có mặt tại khu vực cấp phát nước miễn phí để đảm bảo trật tự và giúp đỡ cho những người gặp khó khăn khi vận chuyển nước về nhà Ảnh: Bắc Bình
Rất đông các xe lôi chở bồn chờ đợi lấy nước ngọt miễn phí đi bán nhưng đa số họ đều thất vọng rời khỏi Ảnh: Bắc Bình
Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, từ sáng sớm tại khu vực cấp phát nước, ông Đoàn Văn Đảnh và ông Nguyễn Phúc Linh, Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bến Tre, đại diện UBND TP. Bến Tre và công an khu vực đã liên tục có mặt tại đây.
“Nguồn nước này có chất lượng tốt hơn nhiều so với nước mà tôi đã mua từ các sà lan đậu tại Bến Lở (P.1, TP.Bến Tre) với giá 250.000 đồng/m3. Nước trong trẻo, ngọt mát hơn hết thảy những nguồn nước ngọt mà tôi đã sử dụng trong đợt thiên tai năm này”, bà Trần Sa Riêng (ở P.6, TP. Bến Tre) chia sẻ.
Càng về trưa, số lượng người đến xin nước càng đông đúc hơn và liên tục có đến hàng trăm người dân trên địa bàn TP. Bến Tre mang dụng cụ đến để được cấp phát nước chở về nhà.
Theo thanhnien.vn
Hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây nhiễm mặn, dân mua nước giá 80 nghìn đồng/m3
Hồ trữ nước Kênh Lấp (tổng vốn đầu tư 85 tỷ đồng) bị nhiễm mặn sau 6 tháng đưa vào sử dụng, khiến dân phải mua nước ngọt giá cắt cổ.
Giữa trưa 3/2, mực nước hồ trữ ngọt Kênh Lấp (Tân Xuân, Ba Tri) sụt giảm xuống gần một mét so với thời điểm mặn chưa xâm nhập hai tháng trước. Hai bên bờ hồ, những thửa ruộng thu hoạch xong còn trơ gốc rạ, mặt đất nứt toác, các rẫy trồng rau màu bỏ hoang, cây xanh lẫn cỏ dại khô cằn, chết héo vì nắng nóng. Một người dân dùng máy đo độ mặn kiểm tra nước hồ, máy báo chỉ số 1,45 phần nghìn, vốc nước cho vào miệng có vị lờ lợ.
Cách hồ Kênh Lấp hơn một km, chị Võ Thị Thủy (Tân Xuân, Ba Tri) cầm chiếc nồi nấu cơm ra sau nhà, múc nước từ trong lu vo gạo. Lát sau, chị chắt hết nước trong nồi, rồi đổ nước ngọt từ chiếc can nhựa gần đó vào nấu cơm.
" Nhà tôi xài nước máy từ hồ Kênh Lấp, giá 7.000 - 8.000 đồng mỗi khối, nhưng khoảng một tháng nay nước này bị nhiễm mặn, chỉ có thể tắm giặt, rửa rau, nên phải mua thêm nước bình lọc hoặc chở nước ngọt về nấu ăn, giá 70.000 - 80.000 đồng một khối", chị Thủy nói.
Người dân cho hay, nước máy bị nhiễm mặn, nhưng vẫn "bấm bụng" dùng, vì còn đỡ hơn so với nước trên các kênh, rạch nội đồng hiện đều đã mặn chát ở mức gấp đôi.
Hồ trữ ngọt Kênh Lấp hiện bị nhiễm mặn. (Ảnh: Hoàng Nam)
Ngoại trừ nhà nào có lu, bể chứa nước mưa dự trữ, tùy nhân khẩu đông hay ít, một hộ mỗi tháng chi phí tiền đổi nước ngọt lẫn nước máy từ vài trăm đến hàng triệu đồng.
Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây, dài gần 5 km, rộng 40-100 m, vốn là con kênh đào từ thời Pháp bị lấp hai đầu. Hồ có sức chứa gần một triệu m3 nước, đủ sức phục vụ sinh hoạt cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn.
Dự án khởi công năm 2017, đi qua ba xã Tân Xuân, Phước Tuy và Phú Ngãi, cung cấp đủ nước ngọt cho sản xuất công nghiệp và trồng trọt, với tổng kinh phí khoảng 85 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương và địa phương. Hiện tại, hồ cung cấp nước ngọt cho khoảng 500 hộ dân của năm xã; đến năm sau, đường ống được mở rộng sẽ cung cấp cho khoảng 5.000 hộ dân.
Ông Nguyễn Đình Dũng, quản lý nhà máy nước hồ Kênh Lấp cho biết, do đang cao điểm mùa hạn mặn, nên trữ lượng nước hồ giảm phân nửa, chỉ còn khoảng 500.000 m3 nước. Bình quân, mỗi ngày nhà máy cấp khoảng 2.000 m3 nước.
" Theo tiêu chuẩn nước không đạt do nhiễm mặn, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân, lượng nước hồ sẽ cung cấp đủ qua mùa mặn", ông Dũng nói.
Ngoài thiếu nước sinh hoạt, hiện, gần 4.500 ha lúa đông xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Ba Tri cũng chịu thiệt hại nặng nề, phần lớn đều đã bị nhiễm mặn, chết hoặc giảm năng suất.
Buổi chiều, ông Nguyễn Văn Lân (51 tuổi, An Bình Tây) mang bao tải cùng chiếc liềm ra đám ruộng nhà 4.000 m2 gần hai tháng tuổi. Do kênh mương nội đồng quanh ruộng đều bị nhiễm mặn, nên dù đã đến thời điểm trổ đồng đồng, ruộng lúa của ông vẫn èo uột, thân chết héo, lá cháy khô.
Ông Nguyễn Văn Lân cắt lúa bị nhiễm mặn cho bò, dê ăn. (Ảnh: Hoàng Nam)
" Biết chắc không thể trỗ bông vì mặn, nên tôi chủ động cắt lúa về cho 100 con dê và 4 con bò ăn vì đang thời điểm rơm, cỏ khan hiếm", ông Lân nói.
Huyện Ba Tri có 12.000 ha đất trồng lúa ba vụ cùng đàn bò 100.000 con, lớn nhất tỉnh. Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, Ba Tri có trên 8.000 ha lúa bị thiệt hại, chiếm khoảng 80% diện tích vụ đông xuân. Người dân phải mua rơm và nước ngọt với giá cao cho bò ăn, uống.
Theo ông Dương Văn Chương, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri, tình hình hạn mặn trên địa bàn đang diễn ra phức tạp, độ mặn trên kênh rạch nội đồng bình quân 1,8-3 phần nghìn. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi cũng đang gặp khó khăn.
Đối với tình trạng nhiễm mặn của hồ Kênh Lấp ảnh hưởng đời sống người dân, ông Chương cho biết, đây là điều không mong muốn của địa phương. Do hồ mới đưa vào sử dụng không lâu, ngành chức năng đã tiến hành rửa mặn, nhưng chỉ mới có thể rửa được nước lớp mặt, nước mặn ở tầng đáy tích tụ từ nhiều năm trước vẫn còn.
" Sắp tới, địa phương sẽ kiến nghị đơn vị quản lý hồ tận dụng mùa mưa và mùa nước ngọt tiếp tục bơm nước mặn ra, đưa nước ngọt vào hồ để rửa, dự kiến trong năm tới rửa mặn hoàn toàn", ông Chương nói.
Đài khí tượng thủy văn Bến Tre thông tin, cửa sông Cổ Chiên, Hàm Luông độ mặn hiện dao động 25-30 phần nghìn. Độ mặn 4 phần nghìn đã xâm nhập vào đất liền cách cửa sông khoảng 48-68 km, độ mặn một phần nghìn xâm nhập vào đất liền cách cửa sông từ 63-83 km. Hiện tình trạng mặn xâm nhập ở tỉnh này ở mức rủi ro thiên tai cấp độ hai.
Tỉnh đang triển khai dự án quản lý nước với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Nhật Bản, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư. Theo đó, tám cống và một trạm bơm sẽ được xây dựng tại sáu huyện và TP Bến Tre.
Khi hoàn thành, công trình sẽ ngăn triều cường và ứng phó với nước biển dâng, kiểm soát mặn cho trên 200.000 ha đất tự nhiên thuộc chín huyện và TP Bến Tre. Dự án đồng thời phục vụ chủ động lấy nước, tiêu nước, đón phù sa, tháo chua, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản cho khoảng 100.000 ha đất; chiếm hơn 2/3 diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Dự kiến, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng trong sáu năm tới.
Đầu tháng một, Phó thủ Tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị phòng chống hạn mặn xâm nhập, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh ở 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre. Ông yêu cầu các địa phương phải đủ nước cho dân sử dụng mùa hạn mặn, nơi nào để thiếu nước, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm.
Năm 2016, đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long khiến 600.000 người dân thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.
Nguồn: Vnexpress
Người miền Tây chạy thâu đêm về TP.HCM ngày mồng 5 Tết Tối mồng 5 Tết, hàng ngàn người dân miền Tây chạy xe máy ùn ùn đổ về TP.HCM làm việc sau kì nghỉ lễ dài ngày. Ánh đèn xe máy rọi sáng cả những cung đường. Những chiếc xe máy chất lỉnh kỉnh đồ đạc, trẻ em theo cha mẹ trở về thành phố sau kì nghỉ lễ Tết Nguyên Đán. Dọc đường...