Hạn mặn khốc liệt: ‘Chìa khóa’ là thuận theo tự nhiên
Theo chuyên gia, thay vì loay hoay hết chống lũ rồi quay sang chống hạn mặn, dân ĐBSCL nên thích ứng với tự nhiên, nhưng không có nghĩa là phó mặc cho trời đất.
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020 được đánh giá là khốc liệt, gay gắt hơn cả đợt lịch sử năm 2016. Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, các trận hạn, mặn khốc liệt đều có thể dự báo trước nhiều tháng. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động và có đủ thời gian để chuẩn bị ứng phó.
“ Việc quan sát, dự báo và chuẩn bị phải được thực hiện ngay từ mùa nước nổi, chứ không nên đợi tới mùa khô rồi mới khẩn trương ứng phó”, ông Thiện nói.
Né vụ, giảm vụ lúa
Để đối phó với hạn, mặn trong canh tác nông nghiệp, theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, trong những năm quá cực đoan, cách tốt nhất là né thời vụ để tránh thiệt hại, thay vì đương đầu sẽ thiệt hại nặng nề thêm.
Năm nay, dựa vào kinh nghiệm năm 2016, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cảnh báo sớm, nông dân thực hiện né vụ. Vì vậy, dù hạn mặn gay gắt hơn 2016 nhưng chúng ta tránh được thiệt hại về nông nghiệp khá nhiều.
Về lâu dài, dân ĐBSCL cần sống thuận theo tự nhiên. “Thuận tự nhiên không có nghĩa là phó mặc trời đất. Quan trọng là cần hiểu quy luật tự nhiên, cái nào can thiệp được, cái nào không để tránh can thiệp thô bạo và phải trả giá khi thiên nhiên lên tiếng. Thay vì cứ loay hoay hết chống lũ lại quay sang chống hạn mặn, mệt nhoài cả năm, chúng ta nên hiểu và thích ứng để đỡ tốn sức và tận dụng được cơ hội“, ThS Thiện nói.
Dựa vào kinh nghiệm năm 2016, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cảnh báo sớm, nông dân trồng né vụ.
Theo ông, chìa khóa của việc sống thuận theo tự nhiên là chuyển hóa nền nông nghiệp ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, chuyển từ nông nghiệp thuần túy, chạy theo số lượng sang nông nghiệp công nghệ, số lượng ít nhưng giá trị cao, đa dạng hơn. Cụ thể, cần giảm bớt một vụ lúa ở vùng đầu nguồn để hấp thu nước lũ cùng phù sa và tôm cá vào ruộng đồng. Điều này giúp cải thiện đất đai, tăng lượng nước để cân bằng mặn – ngọt trong mùa khô.
“ Nghị quyết 120 cũng xác định xoay trục chiến lược sang ưu tiên thủy sản, hoa màu và cây trồng khác rồi mới tới lúa. Không cần thâm canh 3 vụ, ĐBSCL vẫn dư sức đảm bảo lượng lúa gạo cho an ninh lương thực quốc gia. Ưu tiên số một bây giờ không phải là làm ra thật nhiều lúa giá rẻ mà tập trung vào chất lượng. Như gạo của kỹ sư Hồ Quang Cua dù giá thành cao nhưng vẫn không đủ bán. Điều này cho thấy ngay thị trường trong nước bây giờ cũng có nhu cầu với sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, chứ đâu chỉ cần chăm bẵm sản xuất thật nhiều lúa gạo giá trị thấp để xuất khẩu cho các thị trường dễ tính, trong khi làm đảo lộn tự nhiên và cạn kiệt đất đai“, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện phân tích.
Với vùng ven biển, ông Thiện cho rằng nên chuyển dần sang canh tác theo mặn theo mùa, phù hợp với quy luật thiên nhiên.
Chú trọng nước sinh hoạt
Trong đợt hạn mặn năm nay, có khoảng 95 nghìn hộ dân ĐBSCL đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
ThS Nguyễn Hữu Thiện nhận định: “ Tình hình năm nay bộc lộ một điểm yếu rất rõ, chúng ta chưa chú trọng đầu tư cho vấn đề nước sinh hoạt ở những vùng bị ảnh hưởng mặn. Đó là vì lâu nay, vấn đề nước sinh hoạt bị nhập chung vào nước cho sản xuất. Chúng ta không nên lẫn lộn, nhập chung nhu cầu nước sinh hoạt và nước sản xuất rồi từ đó vì cái này mà làm cái kia.
Cần chú trọng đầu tư cho vấn đề nước sinh hoạt ở những vùng bị ảnh hưởng mặn.
“ Công trình ngăn mặn để phục vụ sản xuất như trước nay không cung cấp nước sinh hoạt được vì làm nước tù đọng, tích tụ ô nhiễm trầm trọng sông ngòi cả vùng. Dân khó dùng nước này để sinh hoạt được mà vẫn phải sử dụng nước ngầm, gây sụt lún đất. Nếu tách nhu cầu nước sinh hoạt khỏi nước cho sản xuất, nhu cầu sẽ nhỏ hơn rất nhiều và dễ đáp ứng hơn, kể cả bằng kinh nghiệm truyền thống hay công nghệ hiện đại“.
Theo vị chuyên gia, với lịch sử định cư ở vùng đất Cửu Long này, người dân rất năng động và giàu ý tưởng. Dù vậy, họ, nhất là nông dân nhỏ lẻ, rất thiếu nguồn lực. Do đó, Chính phủ cần có hẳn chương trình ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt ở những vùng ảnh hưởng mặn; hỗ trợ cuộc chuyển hóa nông nghiệp của người dân về mặt vốn, kỹ thuật, tổ chức, liên kết, chế biến… để nâng giá trị, tiếp thị đến thị trường nội địa và quốc tế.
Ông Thiện cũng cảnh báo, với tình trạng hạn cực đoan như năm nay, chúng ta cần phải dè chừng vấn đề sạt lở bờ sông, có thể rất dữ dội vào đầu mùa mưa tới, khoảng tháng 6-7.
Video: Cảnh báo hạn hán nghiêm trọng mùa khô 2019 – 2020 tại ĐBSCL
THANH TIẾN (vtc.vn)
ĐBSCL vừa phòng chống vừa thích nghi với hạn mặn
Những ngày qua các ngành chức năng và người dân vùng ĐBSCL đã tận tâm, tận lực chống chọi và từng bước thích nghi với hạn mặn.
Như đã đề cập ở 2 bài viết trước, những ngày qua các cấp chính quyền, các ngành chức năng và người dân vùng ĐBSCL đã tận tâm, tận lực chống chọi với hạn mặn. Tuy nhiên, vấn đề hạn mặn hiện nay không còn theo chu kỳ, quy luật mà rất bất thường khi nguồn nước từ thượng nguồn sông Me Kong khan hiếm. Đối với vùng Châu thổ Cửu Long thì công tác phòng chống hạn hán, mặn xâm nhập phải từng bước thích nghi. Tư duy đó đã được thể hiện trong Nghị quyết 120 của Chính phủ về việc ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Vấn đề này được đề cập trong bài viết thứ 3 với nhan đề "ĐBSCL vừa phòng chống vừa thích nghi với hạn mặn".
Những ngày qua các cấp chính quyền, các ngành chức năng và người dân vùng ĐBSCL đã tận tâm, tận lực chống chọi với hạn mặn. Tuy nhiên, vấn đề hạn mặn hiện nay không còn theo chu kỳ, quy luật mà rất bất thường khi nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông khan hiếm. Đối với vùng Châu thổ Cửu Long thì công tác phòng chống hạn hán, mặn xâm nhập phải từng bước thích nghi. Tư duy đó đã được thể hiện trong Nghị quyết 120 của Chính phủ về việc ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Nhiều diện tích lúa Đông Xuân ở tỉnh Tiền Giang " chết đứng" do thiếu nước ngọt.
Một thành công trong công tác chủ động ứng phó với hạn mặn vùng ĐBSCL vừa qua là việc vận động, khuyến cáo nông dân chuyển đổi hơn 50.000 ha lúa vùng khó khăn, xa nguồn nước sang trồng các loại hoa màu ngắn ngày hay cây lâu năm. Các công tác bơm, trữ nước được triển khai kịp thời, nên tỉ lệ lúa bị thiệt hại chưa đến 10% so với mùa hạn mặn năm 2016.
Các hoạt động dùng xe bồn, sà lan chở nước từ đầu nguồn các con sông về "cứu khát" cho vườn cây, hoa kiểng và phục vụ sinh hoạt được chính quyền và người dân trong vùng thực hiện khẩn trương, quyết liệt. Tuy nhiên về lâu dài, để giảm nhẹ thiên tai thì cần có giải pháp căn cơ, phát huy nguồn lực nội sinh và sự hỗ trợ của nhà nước.
Mùa khô, tại vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang kênh rạch cạn nước.
Trước hết vấn đề lịch thời vụ để sản xuất lúa vụ lúa Mùa, lúa Đông Xuân cần được chủ động, càng sớm càng tốt để "né" hạn mặn, nhất là khu vực bán đảo Cà Mau, vùng ven biển của tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre...
Ông Phạm Công Anh, nông dân ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau chia sẻ: "Vùng đất ở đây sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, nhờ mưa mới có nước ngọt, không mưa là hết nước. Đúc kết kinh nghiệm từ bà con đi trước thì tôi cũng làm sớm so với mọi năm. Toàn thể bà con ở đây đều chủ động xuống giống sớm, thu hoạch sớm để kịp xuống vụ màu. Tôi rất mong các cấp lãnh đạo, tạo điều kiện làm sao ở đây có được nước ngọt như trên vùng sông Hậu. Bà con có nước ngọt quanh năm không cần phụ thuộc vào thời tiết để phát triển kinh tế mạnh hơn".
Nước mặn bao trùm cả tỉnh Bến Tre.
Hiện nay, các địa phương vùng ĐBSCL đang rất thiếu nguồn kinh phí để hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nhất là các cống đập, ngăn mặn, trữ ngọt và kiểm soát lũ, triều cường theo hướng khép kín. Nguồn kinh phí để thực hiện các công trình khẩn cấp này mỗi địa phương cần đến vài trăm tỷ đồng; trong đó tỉnh Trà Vinh cần khoảng 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, TW cần ưu tiên đầu tư các dự án có quy mô liên vùng, liên tỉnh như: Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 2 (tỉnh Kiên Giang), dự án thủy lợi Bắc- Nam Bến Tre( tỉnh Bến Tre); dự án Nam Măng Thít(Vĩnh Long), dự án Bảo Định (Tiền Giang) và dự án Nhật Tảo- Tân Trụ (Long An).
Tỉnh Long An đề xuất được nạo vét sông Vàm Cỏ Tây để cung cấp nước ngọt cho Tiền Giang- Long An. Tỉnh Bến Tre đề xuất TW chấp thuận cho xây dựng thêm một hồ chứa nước ngọt Lạc Địa tại huyện Ba Tri với khăng dự trữ khoảng 1,5 triệu m3 nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy lợi đã được phê duyệt; sớm hoàn thành hệ thống cống đập, âu thuyền để biến sông Ba Lai thành hồ chứa nước ngọt.
Nhà vườn Bến Tre chọn mua túi nhựa để trữ nước ngọt trong mùa khô hạn.
Mới đây tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ về hạn mặn vùng ĐBSCL, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị một số vấn đề chống hạn mặn và triều cường mang tính khu vực.
"Để góp phần hạn chế và giảm nhẹ thiên tai, tỉnh Bến Tre xin Thủ tướng, Phó Thủ tướng xem xét, cơ chế, chính sách mới trong điều phối, sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông trong Ủy Ban sông Mê Kông của mình. Đồng thời chỉ đạo xây dựng một số hồ chứa nước ngọt ở vùng Tứ giác Long Xuyên để tạo thêm cái hồ nữa ngoài biển Hồ của Campuchia. Có như vậy thì mới điều hòa, hạn chế những đợt triều cường, xâm nhập mặn, bổ sung nguồn nước bổ sung để cứu cho các tỉnh phía Đông vùng ĐBSCL. Bến Tre kiến nghị đầu tư thêm cái hồ chứa nước nữa, trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3 nước. Nếu có thêm hồ này thì các huyện ven biển sẽ chủ động được nguồn nước từ 2-3 tháng", ông Trọng cho hay.
Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, vùng ĐBSCL hiện cần sớm đầu tư nâng cấp, sửa chữa 30 công trình cấp nước tập trung, kéo dài hơn 250 km đường ống nước đến các khu vực hẻo lánh; xây dựng ít nhất 4 hồ xử lý nước để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; đồng thời tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cấu trồng phù hợp theo Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Tỉnh Bến Tre cấp phát thùng chứa nước ngọt cho dân nghè.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, địa phương cần nguồn kinh phí để xây các hồ chứa nước tại các xã đảo, ven biển và huyện đảo Phú Quốc; đề xuất Chính phủ không nên cổ phần hóa các công ty cấp thoát nước trong vùng vì khi cổ phần hóa vấn đề an ninh nguồn nước không đảm bảo. ĐBSCL cần nạo vét hệ thống sông rạch để phục vụ giao thông vận tải thủy và trữ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt mùa khô hạn.
"Về lâu dài kiến nghị Thủ tướng về giai đoạn 2 dự án Cái Bé - Cái Lớn, để chúng ta chuyển nguồn nước này cho vùng bán đảo Cà Mau. Kiến nghị bổ sung nguồn vốn để nạo vét hết hệ thống kênh rạch vùng ĐBSCL. Đây có thể là hồ chứa, trữ lượng nước ở đây rất nhiều. Đề nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT nghiên cứu giúp thêm làm hồ chứa nước tại các xã đảo và vùng ven biển Kiên Giang hiện nay thiếu nước, chúng tôi phải chở nước. Xin đề nghị Thủ tướng cho phép Kiên Giang không cổ phần hóa công ty cấp thoát nước vì cổ phần hóa thì vấn đề cấp nước không đảm bảo", ông Hồng cho hay.
Khô hạn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân tỉnh Cà Mau.
Trong buổi làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL về phòng chống hạn mặn mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân vùng ĐBSCL đã chung tay ứng phó với hạn mặn khốc liệt. Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là và tiếp tục có giải pháp khả thi, nhất là không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Các công trình thủy lợi đã được ghi vốn thì khẩn trương triển khai, cần chủ động trong sản xuất vụ lúa hè thu sắp tới.
Thủ tướng đồng ý chi khẩn cấp 350 tỷ đồng để các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Long An để thực hiện các hoạt động " cứu khát" cho dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Những công trình cơ bản chúng ta nên làm, nhất là các nguồn vốn ODA, vốn ngân sách TW đã ghi phải giải ngân hết. Về hỗ trợ mỗi tỉnh 70 tỷ để bơm nước, nạo vét, đắp trạm, đào ao, đào giếng, trữ nước mà đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp cho người dân khó khăn. Tôi giao Bộ Nông nghiệp-PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan rà soát các nội dung, đề xuất cấp bách cần hỗ trợ cụ thể các mặt đề trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sớm để các địa phương triển khai. Các địa phương chủ động bố trí ngân sách đến tận hộ dân, đến đúng người, đúng việc không để thất thoát ngân sách".
Hạn mặn năm nay tại ĐBSCL diễn ra gay gắt hơn năm 2016, nhưng đã được cảnh báo sớm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách. Tuy nhiên, trước những tác động từ phía thượng nguồn và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, vấn đề đặt ra là chính quyền và người dân trong toàn vùng cần có những tư duy mới trước "kỷ lục" hạn mặn ở ĐBSCL; có động thái sẵn sàng thích ứng để phù hợp theo sự thay đổi của tự nhiên, biến thách thức thành cơ hội./.
Nhật Trường, Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL
Miền Tây 'gồng mình' với hạn mặn Người dân vùng sông nước miền Tây đang chống chọi với cơn khát khi hạn mặn tấn công làm đồng lúa nứt nẻ, kênh rạch trơ đáy, nước ngọt mặn chát. Bến Tre là địa phương đầu tiên trong 13 tỉnh, thành miền Tây ban bố tình huống khẩn cấp, mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 2 do hạn hán, nước...