Hạn mặn bủa vây các tỉnh miền Tây
Thiếu nước, mặn xâm nhập vào các kênh nội đồng những tháng đầu năm 2020 được dự báo sẽ gay gắt hơn năm trước.
Trước khi mặn xâm nhập nội đồng, nông dân trồng chanh ở huyện Bến Lức (Long An) đã đưa nước ngọt vào vườn để trữ, nhưng không giữ được nước do khô hạn khốc liệt. (Ảnh: Trần Đáng)
Toàn bộ thượng nguồn sông Mekong năm nay thiếu 65% tổng lượng mưa, trong đó đoạn từ Trung Quốc tới Nam Lào giảm 50% lượng mưa so với năm trước.
Hiện trên sông Tiền độ mặn 2,9 đã tiến sâu vào cù lao Ngũ Hiệp (Tiền Giang), cách biển 81km. Sông Vàm Cỏ, độ mặn 7,6 đã vào đến TP Tân An (Long An), cách cửa biển 75km. Còn tại khu vực sông Hậu, nước mặn cũng đã xâm nhập tới Cần Thơ. Với độ mặn cao, lấn sâu vào các nhánh sông chính như hiện nay, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt và sản xuất còn diễn ra trong thời gian tới, đặc biệt là tỉnh giáp biển.
Đất trồng lúa tại các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú (Bến Tre) đã nứt nẻ hơn nửa tháng qua. (Ảnh: Bắc Bình)
Hiện có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 20.400 hộ, Cà Mau 4.500 hộ, Tiền Giang 2.200 hộ. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020, có khoảng 158.900 hộ sẽ thiếu nước sinh hoạt.
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), tính đến giữa tháng 2, tổng cộng thiệt hại lúa ở các mức độ vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 khoảng 29.700ha (vụ mùa 16.000ha, đông xuân 13.700ha).
Khắp nơi ở huyện Long Phú, Sóc Trăng đâu đâu cũng gặp cảnh các cánh đồng lúa đang trong giai đoạn phát triển thì bỏ không bởi không còn nước. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Video đang HOT
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến khoảng tháng 3, 4/2020, trước mắt đến ngày 16/2/2020, xâm nhập mặn sẽ tăng cao theo kỳ triều cường với ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Vàm Cỏ từ 100-110km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20-22km; ở các cửa sông Cửu Long mức sâu nhất khoảng 75km.
Theo Thoidai
Hạn mặn kỷ lục, "cắn răng" mua nước giá 10.000 đ/m3 để... tưới chanh
Trước tình trạng hạn mặn kỷ lục đang hoành hành tại một số địa phương tỉnh Long An, nông dân trồng chanh cho biết, sẽ phải mua nước ngọt với giá 10.000 đồng/m3 để tưới cho hơn 5.000ha chanh tại huyện Bến Lức (Long An).
Toàn tỉnh Long An có gần 9.600ha chanh, tập trung chủ yếu ở huyện Bến Lức, Thạnh Hóa. Hiện, chanh nghịch mùa đang vào vụ.
Tuy nhiên, thời điểm này, tại khu vực này có nơi nước dưới kênh, rạch đã ở mức 2,5g/l.
Tại vườn chanh gần 1ha, lão nông Bùi Văn Thắng (xã Lương Hòa) đang vét từng dòng nước ngọt dưới kênh cuối cùng để tưới cho chanh. Theo ông Thắng, đây là số nước ngọt ông bơm vào vườn trước khi nước mặn xâm nhập vào khu vực trồng chanh.
"Tôi bơm nước ngọt vào ngập các con rạch trong vườn, nhưng do khô hạn quá nên bơm nước hôm trước, hôm sau đã cạn", ông bộc bạch.
Lão nông Bùi Văn Thắng đang vét những dòng nước ngọt còn lại trong vườn để tưới chanh.
Cũng theo ông Thắng, thời gian tới để có nước ngọt tưới và phun thuốc cho chanh, ông đành phải mua nước ngọt từ một nhà máy nước sạch trong ấp.
Ông tính, với 400 gốc chanh của mình, mỗi lần phun thuốc ông mất 12 phuy nhựa nước (200l/thùng). 10 ngày ông phun thuốc cho chanh/lần. Còn nếu tưới nước, mỗi gốc ông mất 20 lít nước, 3 ngày ông tưới chanh/lần.
"Cùng thời điểm này năm ngoái mỗi kg chanh có giá 25.000 đồng. Nhưng hiện chanh chỉ còn 12.000 đồng/kg. Giá chanh thấp, lại gặp chi phí cao khiến nông dân trồng chanh rất nản", ông Thắng thổ lộ.
Trong khi đó, theo ông Lưu Khánh Cường - một nông dân đang trồng 3ha chanh, năm nay hạn, mặn đến sớm hơn cả 1 tháng.
"Nếu mua nước ngọt tưới chanh, tiết kiệm lắm tôi cũng mất 30 khối nước cho một lần tưới. Nếu mỗi tháng tôi tưới 3 lần sẽ mất thêm số tiền không nhỏ cho cây chanh", ông Cường chia sẻ.
Ông Cường cho biết, thường mỗi vụ hạn, mặn kéo dài hơn 2 tháng. Hiện ông Cường đã cắt nước tưới chanh gần tuần nay.
Ông Lưu Khánh Cường cho xem đất gốc chanh đã khô khốc sau khi cắt tưới.
Thậm chí, theo ông Trần Duy Thuận - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức tính, để tưới đúng, tưới đủ nước, với 1ha chanh, mỗi tuần cần phải có 2 ghe chở nước để tưới. Trung bình, một ghe chở 30m3 nước tưới. Hiện giá một ghe nước hơn 2 triệu đồng.
"Nếu mua nước tưới, vụ chanh này nông dân sẽ mất một số tiền khá lớn. Mà không có nước tưới vườn chanh sẽ chết khô", ông Thuận chia sẻ.
Ông Bảy Toàn - chủ nhà máy nước sạch xã Lương Hòa cho biết, mỗi ngày nhà máy này sản xuất khoảng 70m3 nước sinh hoạt cho người dân.
"Nếu tiết kiệm lắm thì nhà máy cũng chỉ dành ra khoảng 20m3 nước/ngày. Với số nước này chẳng thấm tháp vào đâu để bán cho nông dân tưới chanh", ông Bảy Toàn thổ lộ.
Trước khi mặn xâm nhập nội đồng, nông dân trồng chanh đã đưa nước ngọt vào vườn để trữ, nhưng không giữ được nước do khô hạn khốc liệt.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện cảnh báo, dự báo vài ngày nữa độ mặn nội đồng khu vực trồng chanh ở huyện Bến Lức sẽ tăng lên khoảng 4g/l.
"Khu vực này lấy nước tưới tiêu từ hệ thống sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Trước khi nội đồng bị mặn xâm nhập, địa phương đã cho đóng cống ngăn mặn ở các kênh chính dẫn vào khu vực trồng chanh. Tuy nhiên, với hệ thống kênh, rạch chằng chịt như ở đây thì việc ngăn mặn toàn diện là... vô phương", ông Thiện cho biết.
Còn nhớ, hạn mặn năm 2015, 2016 đã gây khốn khó cho nông dân vựa chanh này. Để cứu vườn chanh trước hạn mặn, nông dân phải đi mua từng can nước ngọt để tưới chanh. Nhiều nông dân đã cho số nước ngọt ít ỏi này vào các can nhựa rồi tưới nhỏ giọt cho từng gốc, cố gắng duy trì vườn chanh.
Thời điểm ấy, theo ước tính, trên mỗi ha chanh, nông dân bị thiệt hại từ 150 - 180 triệu đồng do đợt hạn, mặn gây ra.
Theo Danviet
Hơn 1,8 triệu héc-ta khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị mặn xâm nhập Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, đến thời điểm này, xâm nhập mặn đã tác động đến 10 trong số 13 tỉnh với tổng cộng 71 trong số 137 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tổng diện tích tự nhiên thuộc vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn khoảng...