Hạn hán nghiêm trọng tại Somalia, hàng triệu người cần được cứu trợ nhân đạo
Năm 2022 là năm thứ 4 liên tiếp Somalia phải hứng chịu một mùa mưa khô hạn. Từ tháng 1 tới nay, các tổ chức nhân đạo đã tiếp cận hơn 4 triệu người trong số 7 triệu người dân nước này bị ảnh hưởng bởi hạn hán cần được hỗ trợ.
Người dân chờ được phát lương thực cứu trợ tại trại tị nạn ở Baidoa, Somalia, ngày 14/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Hạn hán nghiêm trọng ở Somalia, cùng với nạn đói, suy dinh dưỡng và dịch bệnh bùng phát đã khiến 918.000 người dân nước này phải rời bỏ nhà cửa tìm kiếm nơi lập nghiệp mới.
Ngày 3/8, Văn phòng Điều phối nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) công bố báo cáo cho biết hiện tại, hơn 90% diện tích tại Somalia trải qua hạn hán với mức độ từ nghiêm trọng đến cực đoan. Dự báo năm 2023 sẽ là năm thứ 5 liên tiếp Somalia phải hứng chịu một mùa mưa khô hạn.
Theo báo cáo trên, từ tháng 1 vừa qua, các tổ chức nhân đạo đã tiếp cận hơn 4 triệu người trong số 7 triệu người bị ảnh hưởng cần được hỗ trợ. Đối tượng ưu tiên cứu trợ là những người dễ bị tổn thương nhất ở các khu vực có nhu cầu cao nhất do nạn đói hoành hành nghiêm trọng.
OCHA nêu rõ trong bối cảnh tình trạng suy dinh dưỡng và bùng phát dịch bệnh gia tăng, ngày càng có nhiều người dân tại Somalia gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nước sạch, được sử dụng cơ sở vệ sinh phù hợp và cung cấp thực phẩm đầy đủ.
Dự kiến trong thời gian tới, OCHA sẽ cùng các đối tác mở rộng hoạt động hỗ trợ nhân đạo để tiếp cận nhiều người bị ảnh hưởng do hạn hán, bao gồm các nhóm yếu thế ở những khu vực cần cứu trợ nhân đạo nhất.
Cảnh báo nạn đói nghiêm trọng tại vùng Sừng châu Phi
Hàng triệu người ở các nước thuộc vùng Sừng châu Phi, gồm Kenya, Somalia và Ethiopia, đang đối mặt với nạn đói.
Nguyên nhân là do lượng mưa trong 4 mùa liên tiếp ở mức thấp, trong khi dự báo mùa mưa trong tháng 10 và 11 tới nhiều khả năng không thể thay đổi tình hình.
Đây là kết luận được các cơ quan viện trợ và các nhà khí tượng học đưa ra ngày 30/5.
Người dân lấy nước sinh hoạt tại một trại tị nạn ở Baidoa, Somalia. Ảnh: AFP/TTXVN
Kết luận trên nêu rõ đây là đợt hạn hán chưa từng xảy ra trong ít nhất 40 năm qua và mùa mưa từ tháng 3 đến tháng 5/2022 có thể là khô hạn nhất từ trước đến nay. Lượng mưa thấp đã hủy hoại mùa màng, khiến gia súc bị chết và buộc một lượng lớn người dân phải rời bỏ nhà cửa để đi tìm nguồn nước và thức ăn. Nếu mùa mưa thứ 5 không thể cung cấp đủ lượng nước, khủng hoảng nhân đạo hiện nay ở khu vực có thể nghiêm trọng hơn.
Hạn hán ở các vùng của Kenya và Ethiopia đã khiến 3,6 triệu gia súc chết. Đây cũng là các địa phương mà người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi. Trong khi đó, từ giữa năm ngoái đến nay, hơn 30% số vật nuôi đã chết ở Somalia. Dự báo số người đối mặt với nạn đói ở 3 nước này có thể tăng từ mức hơn 16,7 triệu người hiện nay lên 20 triệu người vào tháng 9 tới.
Các cơ quan nhân đạo đã hối thúc các tổ chức và các nước tăng cường viện trợ cho các quốc gia vùng Sừng châu Phi để ngăn chặn nạn đói trong bối cảnh nguồn lực ứng phó với vấn nạn này hiện khá thấp.
Tháng 2 vừa qua, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) chỉ huy động được chưa đến 4% số tiền cần thiết. Trên thực tế, trong đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra tại Đông Phi hồi năm 2017, việc hành động sớm đã giúp Somalia tránh được nạn đói. Tuy nhiên, có tới 260.000 người, trong đó 50% là trẻ em dưới 6 tuổi, đã chết vì đói hoặc mắc các rối loạn liên quan đến đói khi nạn đói tấn công nước này vào năm 2011.
Somalia mất an ninh lương thực, AfDB tài trợ khẩn cấp Hạn hán kéo dài cộng thêm tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến tình trạng khủng hoảng lương thực ở Somalia trở nên tồi tệ hơn. Phụ nữ và trẻ em tại trại tị nạn ở Baidoa, Somalia, ngày 14/2/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 21/7, Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB)...